Nhóm các chỉ tiêu định lượng

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Nâng cao hiệu quả quản trị tài chính tại các doanh nghiệp may thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam (Trang 43 - 51)

Chương 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH

1.2. HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ TCDN

1.2.2. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản trị TCDN

1.2.2.1. Nhóm các chỉ tiêu định lượng

a. Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả QTTC thành phần

* Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả quản trị đầu tư vốn:

Tỷ lệ tăng trưởng tài sản = Giá trị tài sản cuối kỳ - Giá trị tài sản đầu kỳ Giá trị tài sản đầu kỳ Tỷ lệ tăng trưởng tài sản phản ánh tốc độ đầu tư vào tài sản của DN trong kỳ đáp ứng yêu cầu mở rộng hoạt động SXKD. Thông qua việc xem xét xu hướng biến động theo thời gian của chỉ tiêu này hướng tới sự phù hợp với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu, yêu cầu ngành nghề của DN và yêu cầu của thị trường, nó cho thấy khả năng đáp ứng mục tiêu đảm bảo tính kịp thời trong công tác quản trị đầu tư vốn, từ đó phản ánh hiệu quả quản trị đầu tư vốn trong DN. Chỉ tiêu này có thể tính cho từng loại tài sản (ngắn hạn, dài hạn) hoặc tính cho toàn bộ tài sản của DN.

Tỷ lệ đầu tư vào tài sản dài hạn (TSDH) = Tài sản dài hạn Tổng tài sản

Chỉ tiêu này phản ánh trong mỗi đồng tài sản đầu tư thì DN đã dành ra bao nhiêu đồng để đầu tư cho TSDH.

Do TSDH có giá trị lớn và thời gian sử dụng lâu dài, nên quyết định đầu tư đúng hay sai sẽ ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến hiệu quả quản trị TCDN. Tỷ lệ đầu tư vào Tài sản dài hạn (TSDH) sẽ cho biết mức độ đầu tư vào TSDH trong cơ cấu đầu tư của DN. Tỷ lệ này càng cao chứng tỏ DN coi trọng việc đầu tư vào trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật của DN; điều này cũng đồng nghĩa với việc DN sử dụng sử dụng đòn bẩy kinh doanh ở mức cao, và ngược lại. Nếu sự biến động của tỷ lệ đầu tư vào TSDH tương xứng với tỷ lệ tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận chứng tỏ hiệu quả quản trị đầu tư vốn là tăng lên và ngược lại.

Tỷ lệ đầu tư vào tài sản ngắn hạn (TSNH) = Tài sản ngắn hạn Tổng tài sản

Chỉ tiêu này phản ánh trong mỗi đồng tài sản đầu tư thì DN đã dành ra bao nhiêu đồng để đầu tư cho TSNH. TSNH là loại tài sản có tính năng động (linh hoạt) cao hơn so với tài sản dài hạn. Nếu DN có tỷ lệ đầu tư vào tài sản ngắn hạn cao đồng nghĩa với nguy cơ rủi ro kinh doanh của DN là thấp và ngược lại. Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư vào tài sản ngắn hạn hay dài hạn của DN còn phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của ngành nghề kinh doanh mà DN đang hoạt động. Thông thường, với các DN sản xuất

thường có tỷ lệ đầu tư vào tài sản dài hạn cao hơn so với các doanh nghiệp thương mại dịch vụ.

* Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả quản trị huy động vốn:

Hệ số nợ = Tổng số nợ Tổng nguồn vốn

Chỉ tiêu này phản ánh mỗi đồng vốn DN sử dụng thì có bao nhiêu đồng được hình thành từ nợ vay. Hệ số nợ thể hiện việc mức độ sử dụng nợ vay trong cơ cấu nguồn vốn của DN và điều này cũng cho thấy mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính và rủi ro tài chính của DN.

Hệ số VCSH = Tổng số vốn chủ sở hữu Tổng nguồn vốn

Chỉ tiêu này phản ánh việc huy động vốn chủ sở hữu (VCSH) trong việc tổ chức nguồn tài trợ cho các tài sản của DN. VCSH bao gồm số vốn góp của các chủ sở hữu (góp ban đầu và huy động bổ sung) và phần lợi nhuận sau thuế mà DN giữ lại tái đầu tư, bổ sung tăng vốn kinh doanh.

Thông qua việc xem xét chỉ tiêu hệ số nợ, hệ số VCSH sẽ cho thấy mức độ đáp ứng mục tiêu xây dựng cơ cấu nguồn vốn phù hợp với đặc điểm SXKD, tình hình tài chính của DN thông qua hoạt động quản trị huy động vốn.

Nguồn VLĐ thường xuyên = TSNH – Nợ ngắn hạn

Nguồn VLĐ thường xuyên (NWC - Net working capital) phản ánh sự phù hợp giữa thời gian huy động vốn và thời gian sử dụng của tài sản được đầu tư. Việc DN có NWC âm chưa hẳn là không tốt, nhưng nếu tình trạng đó diễn ra trong một thời gian dài thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của DN. Hầu hết các DN đều có sự thay đổi về cơ cấu nguồn vốn cùng chiều với sự thay đổi về cơ cấu tài sản. Vấn đề là mức độ thay đổi của cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản là khác nhau, dẫn đến tình trạng NWC âm hay dương. Do vậy, tùy theo chiến lược kinh doanh của mình DN sẽ quyết định tài trợ cho hợp lý, phù hợp định hướng phát triển.

* Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả quản trị sử dụng vốn:

Hiệu suất sử dụng vốn cố định (VCĐ) = Doanh thu thuần VCĐ bình quân

Hiệu suất sử dụng VCĐ phản ánh 1 đồng VCĐ bình quân sử dụng trong kỳ tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu thuần. Chỉ tiêu này cho phép đánh giá mức độ khai thác và sử dụng TSCĐ vào hoạt động SXKD của DN.

Vòng quay vốn bằng tiền = Doanh thu thuần Vốn bằng tiền bình quân

Vòng quay vốn bằng tiền phản ánh số lần vốn bằng tiền được đưa vào sử dụng để tạo ra doanh thu thuần trong kỳ cho DN. Chỉ tiêu này cho phép đánh giá hiệu quả quản trị vốn bằng tiền của DN.

Kỳ thu tiền trung bình = 360

Vòng quay nợ phải thu

Kỳ thu tiền trung bình phản ánh độ dài trung bình thời gian thu tiền bán hàng của DN kể từ lúc bán hàng cho đến khi thu được tiền hàng. Chỉ tiêu này cho phép đánh giá hiệu quả quản trị khoản phải thu của DN.

Vòng quay HTK = Giá vốn hàng bán

Giá trị hàng tồn kho bình quân

Vòng quay HTK (HTK) phản ánh một đồng vốn tồn kho quay được bao nhiêu vòng trong kỳ để tạo ra doanh thu. Chỉ tiêu này cho phép đánh giá hiệu quả quản trị HTK của DN.

Vòng quay vốn lưu động (VLĐ) = Doanh thu thuần VLĐ bình quân

Vòng quay VLĐ phản ánh 1 đồng VLĐ bình quân sử dụng trong kỳ tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu thuần cho DN. Chỉ tiêu này cho phép đánh giá hiệu suất sử dụng VLĐ của DN.

Vòng quay vốn kinh doanh (VKD) = Doanh thu thuần Tổng VKD bình quân

Vòng quay VKD hay vòng quay tài sản phản ánh hiệu suất sử dụng tài sản hiện có hay VKD của DN. Chỉ tiêu này cho phép đánh giá tổng quát hiệu suất sử dụng tài sản của DN, nó liên quan đến trình độ và hiệu quả quản trị sử dụng vốn hiện có của DN.

* Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả quản trị phân phối LN:

Hệ số chi trả cổ tức = Cổ tức một cổ phần thường Thu nhập một cổ phần thường

Hệ số chi trả cổ tức phản ánh DN đã dành ra bao nhiêu phần trăm (%) LNST (LNST) để trả cổ tức cho cổ đông thường.

Tỷ lệ LN giữ lại để tái đầu tư = LNST giữ lại để tái đầu tư

LNST

Tỷ lệ LN giữ lại để tái đầu tư cho biết DN dành ra bao nhiêu phần trăm (%) từ LNST cho việc tái đầu tư, tạo ra thu nhập trong tương lai cho các chủ sở hữu.

Chỉ tiêu hệ số chi trả cổ tức và tỷ lệ LN giữ lại để tái đầu tư cho phép đánh giá mức độ giải quyết hài hòa giữa mục tiêu đáp ứng vốn cho nhu cầu đầu tư, tối đa hóa

lợi ích cho các chủ sở hữu trong hiện tại và tương lai, từ đó đánh giá hiệu quả quản trị phân phối LN của DN.

b. Nhóm các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả QTTC tổng thể

Hiệu quả QTTC của DN chỉ đạt được khi các quyết định quản trị TCDN được thực thi nhằm mục tiêu tối đa giá trị tài sản cho các chủ sở hữu. Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả QTTC tổng thể bao gồm:

Tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản (Basic Earning Power – BEP)

Chỉ tiêu này phản ánh khả năng sinh lời của tài sản hay vốn kinh doanh mà không tính đến ảnh hưởng của lãi vay (nguồn gốc vốn kinh doanh) và thuế thu nhập DN. Trong điều kiện thuế thu nhập DN không đổi thì BEP có tác dụng rất lớn trong việc xem xét mối quan hệ với lãi suất vay vốn để đánh giá việc sử dụng vốn vay tác động như thế nào đến khả năng sinh lời của tài sản nói chung và của vốn chủ sở hữu (VCSH) nói riêng [11].

Công thức tính:

BEP = Lợi nhuận trước lãi vay và thuế

Tổng tài sản (hay vốn kinh doanh) bình quân Tỷ suất LNST trên tổng tài sản (Return on Total Assets – ROA)

Tỷ số này đo lường khả năng sinh lợi của một đồng tài sản của DN. Hay nói cách khác là tỷ số này phản ánh năng lực sinh lợi của DN khi sử dụng toàn bộ các nguồn lực của mình [11].

Khác với BEP, ROA có tính đến ảnh hưởng của yếu tố lãi vay và thuế TNDN. So sánh với mức sinh lời danh nghĩa của tài sản mà DN sử dụng để thấy ảnh hưởng của lãi vay và thuế thu nhập DN đến hiệu quả QTTC.

Công thức tính:

ROA = Lợi nhuận sau thuế

Tổng tài sản bình quân sử dụng trong kỳ

Cơ sở để DN tiến hành các hoạt động kinh doanh là phải có tài sản nhất định, đồng thời các hình thái của tài sản cũng phải được bố trí hợp lý để các tài sản có thể được sử dụng một cách có hiệu quả. Trong một thời kỳ nhất định, nếu DN chiếm hữu và hao phí ít tài sản, mà LN thu được càng nhiều thì năng lực sinh lợi của tài sản là ước lượng việc vận dụng có hiệu quả các tài sản và là một phương thức phản ánh hiệu quả đầu tư về tổng thể, đồng thời quan trọng đối với những người quản lý và những người đầu tư. Những người quản lý DN thường quan tâm tới năng lực sinh lợi của tài sản có cao hơn mức LN bình quân của tài sản xã hội và cao hơn mức LN tài sản trong

ngành hay không. Và trong một thời kỳ nhất định, do đặc điểm kinh doanh và các yếu tố hạn chế khác nhau, năng lực sinh lợi của các ngành nghề khác nhau cũng sẽ khác nhau: có ngành sinh lợi cao và có ngành sinh lợi thấp.

Tỷ suất LNST trên doanh thu (Return on Sales – ROS)

Chỉ tiêu này phản ánh khả năng quản lý và tiết kiệm chi phí của DN. Chỉ tiêu này phụ thuộc nhiều vào đặc điểm của ngành nghề kinh doanh và chiến lược cạnh tranh của DN. Nếu DN cạnh tranh bằng sự khác biệt hóa (xây dựng thương hiệu riêng) thường có hệ số ROS cao, nếu DN cạnh tranh bằng việc dẫn đầu về giá với chi phí thấp thường có hệ số ROS thấp, còn với DN kinh doanh đa ngành thì việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm kinh doanh sẽ làm cho ROS thay đổi [11]. Chỉ tiêu này còn được gọi theo các tên khác như: biên LN ròng, hệ số lãi ròng.

Công thức tính:

ROS = Lợi nhuận sau thuế Doanh thu thuần trong kỳ

Mục tiêu quan trọng nhất của các công tác quản trị TCDN là tối đa hóa giá trị DN cho các chủ sở hữu. Cụ thể là: tối đa hóa LNST, tối đa hóa LNST trên vốn cổ phần và tối đa hóa giá trị thị trường của cổ phiếu.

Trong CTCP, Ban giám đốc điều hành DN nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho các cổ đông, các quyết định điều hành DN của họ phải nhắm tới mục tiêu tối đa hóa giá trị tài sản cho các cổ đông. Do đó, một chỉ tiêu quan trọng để đo lường hiệu quả quản trị TCDN chính là tỷ suất LNST trên VCSH [16].

Tỷ số LNST trên VCSH (Return on Equity - ROE)

Tỷ số này phản ánh khả năng sinh lời của mỗi đồng VCSH bình quân sử dụng trong kỳ và được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm khi họ quyết định bỏ vốn đầu tư vào DN. Tăng ROE là một mục tiêu quan trọng trong hoạt động quản trị TCDN. Chỉ tiêu này phản ánh tổng hợp tất cả các khía cạnh về trình độ QTTC: doanh thu, chi phí, tài sản và nguồn vốn của DN [11].

Công thức tính:

ROE = Lợi nhuận sau thuế

Vốn chủ sở hữu bình quân sử dụng trong kỳ

Năng lực sinh lời là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư mua cổ phiếu. Vì các cổ đông thu lợi đầu tư là thông qua cổ tức hoặc giao dịch cổ phiếu hưởng chênh lệch giá. Mặt khác, đối với công ty có tham gia thị trường chứng khoán thì sự tăng trưởng của LN trên VCSH sẽ làm cho các cổ đông có thêm lợi vì giá cổ phiếu trên thị

trường tăng lên. Năng lực sinh lời của DN cũng quan trọng đối với các nhà quản trị TCDN, vì nó là những chỉ tiêu để đánh giá thành tích hiệu quả QTTC của họ.

Năng lực và kinh nghiệm của người lãnh đạo, quản lý DN (Management Capacity – MC).

Nói đến hoạt động quản trị là nói đến vai trò của yếu tố người lãnh đạo, quản lý.

Để đo lường năng lực này trên tổng thể, luận án sử dụng chỉ tiêu năng lực quản lý.

Theo Liargovas và Skandalis (2008) và Almajali và các cộng sự (2012) thì năng lực quản lý được đo lường như sau:

Năng lực quản lý = Lợi nhuận

Số lượng các nhà quản lý

Trong đó LN được đo lường bằng LN trước thuế hoặc LNST của DN. Theo như MaMerikas và các cộng sự (2006) thì “Professionals” là những nhà quản lý thỏa mãn 2 tiêu chuẩn sau: (1) có bằng đại học và (2) quản lý trực tiếp hoặc là một bộ phận của nhóm quản lý (Management Team).

Còn theo Liargovas và Skandalis (2008) thì một công ty có nhóm quản lý khi thỏa mãn ít nhất ba trong năm điều kiện sau: (1) kinh nghiệm của nhà quản lý trung bình là 20 năm, (2) nhóm quản lý nắm giữ trung bình 34% cổ phần công ty, (3) hầu hết các nhà quản lý trong nhóm tốt nghiệp đại học (4) tuổi trung bình của các nhà quản lý trong nhóm từ 50 đến 60 tuổi, (5) tất cả các nhà quản lý trong nhóm đều thực hiện các hoạt động đổi mới - hoạt động đổi mới đề cập đến việc giới thiệu sản phẩm mới, công nghệ sản xuất mới, phát triển thị trường mới hoặc đổi mới cơ cấu tổ chức trong công ty.

Các hệ số như ROA và ROE là những chỉ báo cho hiệu quả quản trị TCDN ở hiện tại và phản ánh giá trị LN mà DN đã đạt được trong các kỳ kế toán đã qua. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này không đưa ra một góc nhìn dài hạn cho cổ đông và lãnh đạo DN bởi đó là các thước đo quá khứ và ngắn hạn (Jenkins, Ambrosini & Collier, 2011). Do đó, luận án sử dụng thêm hệ số Tobin’s Q nhằm giúp cho việc đánh giá hiệu quả quản trị TCDN bao quát hơn, đánh giá cả kết quả trong quá khứ và tiềm năng trong tương lai của DN.

Tỷ số giá trị trị trường so với giá trị sổ sách của VCSH và nợ phải trả (Tobin’s Q)

Hệ số Tobin’s Q1 rất thông dụng như là công cụ đánh giá tốt về hiệu quả quản trị TCDN tương lai (Zeitun và cộng sự, 2007; Jiraporn và cộng sự, 2008; Nour, 2012), tối đa hóa giá trị tài sản cho các cổ đông là tối đa hóa LN và tối đa hóa giá trị thị trường của cổ phiếu. Chỉ số Tobin’s Q càng lớn hơn 1 càng tốt.

Tobin’s Q = Giá trị thị trường VCSH + Giá trị thị trường nợ phải trả Giá trị sổ sách VCSH + Giá trị sổ sách nợ phải trả

Chỉ tiêu này chủ yếu được sử dụng khi nghiên cứu các DN niêm yết để đảm bảo có đủ cơ sở dữ liệu tính toán. Hệ số Tobin’s Q có thể cho biết hiệu quả tương lai của DN, bởi nó phản ánh được đánh giá của thị trường cả về tiềm năng LN của DN trong tương lai (phản ánh vào thị giá của cổ phiếu). Điều này hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa của các phương pháp định giá cổ phiếu sử dụng dòng tiền tương lai chiết khấu về hiện tại theo một mức rủi ro xác định.

Để đánh giá tác động qua lại giữa các chỉ tiêu định lượng, ta cần đánh giá mối quan hệ tương tác giữa các chỉ tiêu. Khi phân tích một cách hệ thống và tổng hợp các chỉ tiêu tài chính thì mới có thể đánh giá được hợp lý và toàn diện đối với hiệu quả tổng thể của công tác quản trị TCDN được. Do đó, trên cơ sở các chỉ tiêu tài chính đã tính toán, chúng ta cần đánh giá tổng hợp hiệu quả QTTC của DN bằng các phương pháp khác như: phương pháp cho điểm Volvo, phương pháp phân tích Rada, phương pháp phân tích Dupont… Sau đây, tác giả xin được trình bày về phương pháp phân tích Dupont2, vì đây là phương pháp khá phổ biến và bằng phương pháp này chúng ta có thể nắm bắt được nguyên nhân của những thay đổi tình hình tài chính của DN, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả QTTC của DN.

Dupont là kỹ thuật được sử dụng để phân tích khả năng sinh lời của một DN bằng các công cụ quản lý hiệu quả truyền thống. Dupont tích hợp nhiều yếu tố của báo cáo kết quả kinh doanh với bảng cân đối kế toán. Trong phân tích tài chính, người ta

1 Tobin's Q được James Tobin và William Brainard giới thiệu năm 1968. Việc sử dụng chữ "Q" chỉ xuất hiện từ bài báo "A general equilibrium approach to monetary theory" viết năm 1969 của Tobin.

2 Mô hình phân tích tài chính Dupont được phát minh bởi F. Donaldson Brown, một kỹ sư điện - người đã gia

nhập bộ phận tài chính của công ty hóa học khổng lồ này. Một vài năm sau đó, Dupont mua lại 23% cổ phiếu của tập đoàn General Motors. Và giao cho Brown tái cấu trúc tình hình tài chính lộn xộn của nhà sản xuất xe hơi này. Theo Alfred Sloan, nguyên chủ tịch của GM, phần lớn thành công của GM về sau này có sự đóng góp không nhỏ từ hệ thống hoạch định và kiểm soát của Brown. Những thành công nối tiếp đã đưa mô hình Dupont trở nên phổ biến trong các tập đoàn lớn tại Mỹ. Nó vẫn còn được sử dụng cực kỳ rộng rãi trong việc phân tích BCTC đến ngày nay.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Nâng cao hiệu quả quản trị tài chính tại các doanh nghiệp may thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam (Trang 43 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(212 trang)