Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TẠO VIỆC LÀM CHO HỘ BỊ THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP CHO CỤM KHU CÔNG NGHIỆP
1.1. Cơ sở lý luận về tạo việc làm cho hộ bị thu hồi đất nông nghiệp cho cụm khu công nghiệp
1.1.3. Vai trò và ý nghĩa tạo việc làm cho hộ bị thu hồi đất nông nghiệp cho khu công nghiệp
1.1.3.1. Vai trò của việc làm và tạo việc làm
Việc làm và tạo việc làm là vấn đề rất quan trọng của đời sống kinh tế, xã hội, pháp luật. Hiện nay, việc làm luôn được các quốc gia đặc biệt quan tâm, không chỉ trên phạm vi một nước mà còn có sự liên kết giữa các quốc gia để giải quyết những vấn đề liên quan.
Tầm quan trọng của việc làm thể hiện trước hết đối với bản thân người lao động, việc làm là phương tiện để con người tồn tại, là cơ hội đế con người được làm việc và khẳng định bản thân. Có việc làm thì con người mới đáp ứng được những nhu cầu của cá nhân và gia đình.
Mà đối tượng để tạo việc làm chính là con người, cụ thể là người lao động, một lực lượng chiếm tỷ lệ rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Do đó để thấy rõ được tầm quan trọng của vấn đề việc làm và giải quyết việc làm trong nền kinh tế thị trường hiện nay thì trước hết ta phải tìm hiểu rõ về vai trò quan trọng của con người trong xã hội.
Con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội. ở bất cứ giai đoạn nào thì con người cũng luôn là trung tâm của sự phát triển vì vậy mà Mác đã từng nói: “Con người là lực lượng sản xuất cơ bản nhất của xã hội. Con người với sức lao động, chất lượng, khả năng, năng lực, với sự tham gia tích cực vào quá trình lao động là yếu tố quyết định tốc độ phát triển của tiến bộ kỹ thuật”. Khi nghiên cứu, tìm hiểu về con người thì ta phải nghiên cứu trên hai khía cạnh:
- Thứ nhất, con người là chủ thể sáng tạo ra mọi của cải, vật chất và tinh thần. Như vậy, để tồn tại và phát triển, con người bằng sức lao động của mình (một yếu tố của quá trình sản xuất, là lực lượng sản xuất cơ bản nhất)
tạo ra giá trị hàng hoá và dịch vụ. Muốn vậy, phải có quá trình kết hợp sức lao động với các tư liệu sản xuất, gọi là quá trình lao động làm việc hay là họ có việc làm. Vậy thông qua việc làm con người mới tạo ra của cải cho xã hội, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội.
- Thứ hai, con người là chủ thể sử dụng và tiêu dùng của cải vật chất và tinh thần thông qua quá trình phân phối và tái phân phối. Trong khái niệm đã nêu ở trên, việc làm đem lại thu nhập cho người lao động và không bị pháp luật ngăn cấm. Người ta sử dụng thu nhập đó để tiêu dùng, để tái sản xuất sức lao động và phục vụ những nhu cầu khác cho bản thân cũng như là gia đình…
từ đó góp phần cho sản xuất và phát triển kinh tế.
Như vậy, việc làm có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đó là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, tạo việc làm càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa cho sự phát triển vì:
- Tạo việc làm đầy đủ cho người lao động không những tạo điều kiện để người lao động tăng thu nhập, nâng cao đời sống đồng thời giảm các tệ nạn xã hội, làm cho xã hội ngày càng văn minh hơn.
- Tạo việc làm đầy đủ cho người lao động còn có ý nghĩa quan trọng ở chỗ: tạo cơ hội cho người lao động thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó quyền cơ bản nhất của họ là quyền được làm việc nhằm nuôi sống bản thân và gia đình, góp phần xây dựng đất nước.
1.1.3.2. Ý nghĩa tạo việc làm
* Trên bình diện kinh tế - xã hội
- Về mặt kinh tế, việc làm luôn gắn liền với vấn đề sản xuất. Hiệu quả của việc giải quyết tốt vấn đề việc làm cũng chính là hiệu quả của sản xuất.
Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện để giải quyết tốt vấn đề việc làm và ngược lại, nếu không giải quyết tốt vấn đề việc làm và thất nghiệp thì đó sẽ là những yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng của kinh tế.
- Về mặt xã hội, giải quyết việc làm có mục tiêu hướng vào toàn dụng lao động, chống thật nghiệp và khắc phục tình trạng thiếu việc làm, bảo đảm
thu nhập. Bảo đảm việc làm là chính sách xã hội có hiệu quả to lớn trong vấn đề phòng chống, hạn chế các tiêu cực xã hội, giữ vững được kỉ cương, nền nếp xã hội.
* Trên bình diện chính trị: Việc làm không đơn thuần là vấn đề kinh tế - xã hội mà còn là vấn đề mang ý nghĩa chính trị. Chính sách việc làm không phù hợp tất yếu sẽ không hiệu quả đối với vấn đề lao động - việc làm nói riêng và các vấn đề xã hội nói chung. Hậu quả là sự gia tăng nạn thất nghiệp và những hệ quả kéo theo nó.
* Trên bình diện pháp lí, việc làm là phạm trù thuộc quyền cơ bản của con người. Mọi người có sức lao động đều có quyền có việc làm, có quyền tiến hành bất kì hoạt động nào tọa ra thu nhập cho bản thân và gia đình nếu hoạt động đó là hợp pháp. Bên cạnh đó, vấn đề việc làm còn gắn liền với chế độ pháp lí lao động, trong đó quan hệ việc làm được coi là quan hệ “tiền quan hệ lao động”, đóng vai trò là cơ sở hình thành, duy trì và là nội dung của quan hệ lao động.
* Trên bình diện quốc gia - quốc tế
Đối với mỗi quốc gia, chính sách việc làm và giải quyết việc làm là bộ phận có vị trí quan trọng đặc biệt trong hệ thống các chính sách xã hội nói riêng và trong tổng thế chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Và trong xu thế hội nhập hiện nay, vấn đề lao động không chỉ còn là cạnh tranh giữa những NLĐ mà nó còn trở thành vấn đề giữa các quốc gia. Điển hình là việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đưa người lao động từ nước kém phát triển sang làm việc ở nước phát triển, từ nước dư thừa lao động sang nước thiếu lao động. Thị trường lao động không chỉ tồn tại trong đường biên giới lãnh thổ quốc gia mà không ngừng được mở rộng sang các quốc gia khác và trên phạm vi quốc tế.