Kinh nghiệm tạo việc làm cho hộ bị thu hồi đất nông nghiệp tại các khu công nghiệp của một số tỉnh ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Giải pháp tạo việc làm cho các hộ bị thu hồi đất tại các cụm công nghiệp huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (Luận văn thạc sĩ) (Trang 45 - 50)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TẠO VIỆC LÀM CHO HỘ BỊ THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP CHO CỤM KHU CÔNG NGHIỆP

1.2. Cơ sở thực tiễn về tạo việc làm cho hộ bị thu hồi đất nông nghiệp tại các khu công nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam

1.2.2. Kinh nghiệm tạo việc làm cho hộ bị thu hồi đất nông nghiệp tại các khu công nghiệp của một số tỉnh ở Việt Nam

1.2.2.1. Tình hình chung về kinh tế hộ bị thu hồi đất nông nghiệp ở Việt Nam Việt Nam khi tiến hành CNH, HĐH thì nội dung quan trọng là chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn. Đặc biệt quá trình CNH, HĐH đã thu hút được những dự án đầu tư trong nước và ngoài nước để xây dựng và phát triển các KCN góp phần to lớn vào phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước. Quá trình này làm cho quy mô sản xuất nông nghiệp giảm trong khi dân số lại tăng nhanh nên diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người ngày càng giảm. Tính trung bình mỗi năm, người nông dân phải nhường khoảng 74.000 hecta đất nông nghiệp để xây dựng các công trình nhà ở, đô thị và KCN và 63.000 hecta cho phát triển giao thông [6].

Tính trong giai đoạn 2011 - 2016, theo báo cáo của 49 tỉnh, thành phố (số còn lại không báo cáo) đã lấy đi 750.000 ha đất để thực hiện 29.000 dự án đầu

tư, trong đó có tới 80% là đất nông nghiệp. Khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm mỗi năm hai vụ lúa. "Phong trào" xây sân golf dồn dập trong giai đoạn 2012 - 2014 đã cấp phép cho 104 dự án sân golf, tức là cứ bình quân một tuần lại "mọc" 1 sân golf mới. Các dự án này được xây dựng trên 39 tỉnh, thành trong cả nước, đã sử dụng tới 49.268 ha, trong đó có 2.625 ha đất nông nghiệp [6].

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trung bình mỗi hecta đất nông nghiệp thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 - 13 lao động nông thôn.

Như vậy việc THĐNN chỉ riêng trong giai đoạn 2010 - 2016 đã tác động tới đời sống của hơn 2,8 triệu người, gần 756.000 hộ gia đình và ảnh hưởng tới khoảng 950.000 lao động nông thôn. Sau khi bị THĐ, có tới 54% số hộ bị giảm thu nhập so với trước, 13% số hộ có thu nhập tăng. Tỷ lệ hộ có điều kiện sống tốt hơn trước chỉ chiếm khoảng 30%. Đáng nói là, đất nông nghiệp hiện nay còn rất manh mún với khoảng 70 triệu thửa. Sự manh mún trầm trọng hơn do hình thành các KCN, khu chế xuất, sân golf... trên các cánh đồng đã, đang và sẽ phá vỡ hệ thống thủy lợi, gây ô nhiễm nặng tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời, nhiều diện tích đất lúa gần các KCN, khu chế xuất bị ảnh hưởng trực tiếp từ nước thải, khói bụi, ánh sáng khiến sâu bệnh gia tăng, năng suất giảm 15 - 30%. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu tài nguyên môi trường, mỗi hecta dành cho xây dựng KCN hoặc sân golf thường kéo theo khoảng 1 - 2 hecta đất liền kề không sử dụng được do ô nhiễm [6].

Theo kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là sử dụng đất nông nghiệp của Bộ NN&PTNT đưa ra giai đoạn 2009 - 2030 sẽ có khoảng 500 ngàn hecta đất lúa có khả năng bị chuyển đổi sang mục đích khác. Điều này sẽ gây áp lực đối với an ninh lương thực quốc gia. Tốc độ mất đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu hiện nay là khoảng 1%. Với tốc độ này đến năm 2030 sản lượng lúa của Việt Nam chỉ còn đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước, chứ không có khả năng xuất khẩu [6].

Để phát triển kinh tế hộ nông dân sau THĐNN nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ổn định đời sống các hộ nông dân, nâng cao thu nhập... Đảng và Nhà nước đã có các chủ trương sau:

- Về chính sách: theo Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước THĐNN mà không có đất nông nghiệp để bồi thường cho người dân bị THĐ. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị THĐ. Theo đó từ 1/2/2017, việc thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị THĐ sẽ được áp dụng theo Quyết định 63/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành [17]. Đây là chính sách có nhiều điểm mới vượt trội. Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động bị THĐNN khi họ có nhu cầu trong khoảng thời gian 5 năm kể từ ngày có quyết định THĐNN.

- Về kinh phí hỗ trợ cho lao động mất đất nông nghiệp: lấy từ kinh phí đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm và được tính trong tổng kinh phí của dự án đầu tư hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt.

Ngoài ra, người lao động còn được vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên... Bên cạnh đó, người lao động bị THĐNN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ theo quy định tại nghị định số 61/2015/NĐ- CP ngày 9/7/2015 của chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ [15]. Cùng với đó, người lao động bị THĐNN còn được vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội.

- Về trách nhiệm thực thi chính sách: tại quyết định số 52/2012/QĐ- TTg của Thủ tướng chính phủ [13], theo Khoản 2, 3 điều 20 nghị định số 47/2014/NĐ-CP thì trách nhiệm đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với trường hợp Nhà nước THĐNN của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất

nông nghiệp thuộc về Bộ LĐ, TB & XH và UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề thực thi chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người dân sau THĐ vẫn còn rất nhiều bất cập, không phù hợp. Thực tế phản ánh tại một số địa phương có diện tích đất bị thu hồi nhiều như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Nam cho thấy, để hỗ trợ tốt cho dân khi bị THĐNN thì quan trọng là phải tạo ra việc làm, tạo ra thu nhập mới cho dân.

Tuy nhiên, đây lại là khâu khó nhất bởi dù đã có quy định chủ thể chịu trách nhiệm như Chính phủ, Bộ LĐ, TB và XH… các cơ quan có liên quan, nhưng việc phối hợp các chủ thể như thế nào để tạo cơ chế đồng bộ chưa được cụ thể. Hơn nữa đa phần doanh nghiệp chọn giải pháp hỗ trợ về tài chính thay vì hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động.

1.2.2.2. Tại tỉnh Bắc Ninh

Tính đến tháng 12/2016, tỉnh Bắc Ninh có 15 KCN tập trung, 1 khu công nghệ thông tin và hơn 30 cụm công nghiệp, tổng diện tích các KCN là 6.847 ha (chưa tính các KCN đang tiếp tục mở rộng), tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi 1.682,95 ha. Với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế hộ nông dân sau THĐ nông nghiệp. Nhưng tỉnh Bắc Ninh là một trong những tỉnh đã có những cách làm rất hợp lý để ổn định đời sống, kinh tế, việc làm và kinh tế hộ như [43]:

- Tỉnh Bắc Ninh đã giao cho Sở LĐ, TB &XH và Ban quản lý các KCN tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, lớp tập huấn chuyển đổi nghề nghiệp. Vì theo như tính toán tỉnh Bắc Ninh sẽ phải chuyển đổi nghề nghiệp cho hơn 110.000 lao động nông nghiệp từ các địa phương bị THĐ, đồng thời phải tiếp nhận khoảng 50.000 lao động ở các tỉnh lân cận để vào làm tại các KCN đây là thách thức và cũng là cơ hội để chuyển đổi, nâng cao chất lượng lao động.

Các lớp tập huấn được tổ chức rộng rãi, có hiệu quả; sở LĐ, TB&XH chuyển đổi cho gần 900.000 lao động nông nghiệp, cung cấp cho lao động nông nghiệp các kiến thức cơ bản về pháp luật lao động và kỹ năng trả lời phỏng vấn tuyển dụng. Vì vậy tỷ lệ lao động nông nghiệp của địa phương được trúng tuyển làm việc tại các KCN là khá cao.

- Chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh PTTH từ khi còn trên ghế nhà trường. Với các nội dung và chương trình thực tế linh hoạt có sự hỗ trợ của các kỹ sư, chuyên viên đang làm việc tại KCN đã giúp cho các lao động này có thể tham gia làm việc ngay tại các KCN tại địa phương

- Tính bình quân toàn tỉnh Bắc Ninh, số tiền một hộ được hưởng sau khi bị THĐ là 53,8 triệu đồng, cao nhất thuộc huyện Quế Võ là 71 triệu đồng, thấp nhất là huyện Gia Bình 25,9 triệu đồng. Giai đoạn đầu, người dân sử dụng số tiền này chi cho đầu tư xây dựng nhà, công trình phụ, mua sắm, chi tiêu dùng không mang tính chất sản xuất; còn chi đầu tư sản xuất kinh doanh, học nghề, tìm việc làm chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thấy được xu hướng sử dụng tiền đền bù như vậy Sở LĐ TB&XH đã kết hợp với các ngân hàng xây dựng các quỹ tín dụng hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân chuyển đổi kinh tế, hỗ trợ đầu tư sản xuất…để người dân sử dụng hợp lý hơn các khoản tiền đền bù [43].

1.2.2.3. Tại tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền trung. Quảng Nam có 16 huyện và 2 thành phố, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ năm 2010 - 2015 đạt gần 16,3%. Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng như vậy quá trình THĐNN tại các KCN diễn ra khá mạnh mẽ. Tỉnh Quảng Nam đã có những chính sách để ổn định kinh tế hộ sau THĐNN như sau [44]:

- Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho lao động thuộc diện THĐ. Trong giai đoạn từ 2010 - 2016, số tiền hỗ trợ cho lao động đã tăng gấp đôi và số lao động được giải quyết việc làm năm 2010 là 1000 người đến năm 2016 con số này là 1500 người.

- Giải quyết việc làm thông qua tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho nông dân trong độ tuổi lao động. Đối với các lao động ngoài độ tuổi lao động nhưng vẫn có khả năng làm việc thì hướng dẫn chuyển đổi sang các ngành nghề truyền thống để tạo thêm thu nhập. Kết quả trong 5 năm từ 2011 -

2016, đã tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 20.000 lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó lao động thuộc diện bị THĐNN khoảng 5.000 lao động.

- Cho vay vốn ưu đãi đối với các hộ bị THĐNN để phát triển sản xuất nhất là đối với các hộ bị thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp. Với vốn vay ưu đãi và khoản tiền đền bù từ việc THĐNN đã giúp người dân có được nguồn vốn lớn để đầu tư sản xuất và chuyển đổi các mô hình kinh tế.

- Phát triển các mô hình hợp tác xã, hình thành nhóm sở thích, làng nghề truyền thống tại các địa phương có THĐNN phát triển kinh tế tại các địa phương. UBND tỉnh cũng có các chính sách ưu tiên hỗ trợ, đầu tư vốn cho các làng nghề để thu hút lao động, tạo thêm thu nhập cho các lao động bị mất đất nông nghiệp [44].

Một phần của tài liệu Giải pháp tạo việc làm cho các hộ bị thu hồi đất tại các cụm công nghiệp huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (Luận văn thạc sĩ) (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)