Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN VAI TRÒ
1.2. CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU Ở TRONG NƯỚC
1.2.1. Công trình nghiên cứu liên quan đến cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế
Các công trình nghiên cứu liên quan đến cơ cấu và tái cơ cấu nền kinh tế rất nhiều và phong phú về thể loại. Đó có thể là sách, bài báo khoa học, Luận án Tiến sĩ, giáo trình và những công trình mang tính lý luận và thực tiễn khác trong đó các công trình nghiên cứu, phân tích thực tiễn chiếm số lượng lớn. Những công trình nghiên cứu tiêu biểu có liên quan có thể kể đến là:
Cuốn Giáo trình kinh tế học phát triển của tập thể tác giả [84] do nhà xuất bản Chính trị - Hành chính phát hành. Trong cuốn giáo trình này, các tác giả đã đưa ra khái niệm về cơ cấu nền kinh tế với tính chất và các nhân tố ảnh hưởng, phân biệt tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa ra tiêu chí về cơ cấu kinh tế hợp lý. Cuốn Giáo trình cũng đề cập đến nội dung về cơ cấu nền kinh tế Việt Nam tiếp cận theo quy mô, trình độ kỹ thuật công nghệ, cơ cấu theo ngành, lĩnh vực kinh tế, vùng kinh tế, thành phần kinh tế.
Cuốn Tái cấu trúc kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh - kinh nghiệp quốc tế và gợi ý cho Việt Nam của tập thể tác giả [83]. Cuốn sách biên tập 18 bài tham
luận tham dự hội thảo với các nội dung chính là tái cấu trúc nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, khuôn khổ lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế về kinh tế xanh, hướng tới nền kinh tế - lựa chọn chính sách cho Việt Nam.
Cuốn Tập đoàn kinh tế trong việc thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế của Nguyễn Hữu Đạt và Ngô Tuấn Nghĩa [21] đã khái quát một số vấn đề lý luận và thực tiễn về hình thành và phát triển tập đoàn kinh tế. Quá trình hình thành và hoạt động của một số tập đoàn kinh tế ở Việt Nam. Quan điểm, phương hướng, giải pháp phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế trong thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.
Báo cáo tổng quan Đề tài khoa học cấp bộ Tái cấu trúc kinh tế thế giới trong thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu của Nguyễn Mạnh Hùng [36] đưa ra phần lý thuyết với các nội dung về tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đề tài, tác giả thống nhất cụm từ "tái cơ cấu" và "tái cấu trúc" có ý nghĩa như nhau. Tác giả đưa ra một số định nghĩa về cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế của các tổ chức, trích dẫn khái niệm ở một số tài liệu nghiên cứu khác nhau hoặc quan niệm của một số nhà nghiên cứu nước ngoài. Đề tài cũng đã tổng hợp lịch sử tái cơ cấu nền kinh tế thế giới, và tái cơ cấu nền kinh tế ở một số quốc gia nhìn từ các góc độ.
Cuốn Giám sát và đánh giá quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế của Nguyễn Đình Cung và Nguyễn Tú Anh [9] đưa ra nội dung mang tính tổng quan về tái cơ cấu. Đó là khái niệm và nội hàm của tái cơ cấu nền kinh tế, mục tiêu tổng quát, định hướng và điều kiện tiền đề của tái cơ cấu nền kinh tế, nguyên tắc chỉ đạo và những định hướng, giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.
Cuốn Những vấn đề chủ yếu về kinh tế phát triển của Ngô Doãn Vịnh [123]
đề cập đến nhiều nội dung mang tính lý luận về kinh tế phát triển. Đó là các vấn đề lý luận về nền kinh tế quốc dân, lý thuyết về phát triển, tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, đầu tư phát triển và cơ cấu kinh tế. Về cơ cấu nền kinh tế, tác giả đã đưa ra những vấn đề mang tính lý thuyết tổng quan như khái niệm và bản chất cơ cấu nền kinh tế, các nhân tố ảnh hưởng tới sự hình thành cơ cấu nền kinh tế, tiêu chí phân tích, nội dung đánh giá, phân loại cơ cấu nền kinh tế. Theo tác giả, "nền kinh tế quốc dân là một hệ thống. Khi đã là một hệ thống thì nhất quyết sẽ có tính cơ cấu. Cơ cấu của nền kinh tế biểu thị nội dung, cách thức liên kết, phối hợp giữa các phần tử cấu thành nên hệ thống kinh tế" [123, tr.96]. Hai phạm trù nền kinh tế và cơ cấu nền kinh tế luôn gắn liền với nhau.
Một số công trình có cách tiếp cận vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế theo hai hướng là tổng thể và cụ thể gồm: Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19-02-2013 của Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020; Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án cơ cấu lại hệ thống tín dụng giai đoạn 2011-2015; Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, các Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011- 2015; Kế hoạch đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ; Cuốn Tái cơ cấu kinh tế để phục hồi tốc độ tăng trưởng của Bùi Tất Thắng, Trần Hồng Quang, Lưu Đức Hải [90], bài báo "Tái cơ cấu kinh tế: góc nhìn từ khung phân tích những nền tảng tăng trưởng" của Tô Trung Thành [87, tr.21-30], cuốn Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế của Nguyễn Đức Thành [88], cuốn Kinh tế Việt Nam năm 2012: Ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế của Nguyễn Kế Tuấn [113], cuốn Giám sát và đánh giá quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế của Nguyễn Đình Cung, Nguyễn Tú Anh [9]. Theo hướng nghiên cứu tổng thể, các nhà nghiên cứu tập trung chỉ ra tính cấp thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế, chỉ ra những khiếm khuyết của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam, của quá trình điều hành nền kinh tế của nhà nước kèm theo những dẫn chứng như vấn đề thị trường tài chính, thị trường bất động sản, nợ xấu, tồn kho hàng hóa, về đầu tư công, về hệ thống doanh nghiệp nhà nước… Đồng thời nêu ra và thảo luận làm rõ những nội hàm mang tính lý luận của vấn đề tái cơ cấu như tái cơ cấu là gì, xu hướng và phương pháp tái cơ cấu, những tiền đề và mục tiêu tái cơ cấu… Các nghiên cứu đều đi sâu phân tích khiếm khuyết của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chỉ ra nguyên nhân chủ quan, khách quan, nguyên nhân dài hạn và ngắn hạn. Về nội dung này, nhiều nghiên cứu đã thể hiện sự thống nhất trong nhận định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bất ổn hiện nay của nền kinh tế vĩ mô là do các vấn đề thuộc về cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng.
Tiếp cận theo hướng nghiên cụ thể là những nội dung của từng ngành, từng lĩnh vực, từng phạm vi và đối tượng cần tái cơ cấu. Các nhà khoa học, nhà quản lý cũng chỉ ra những bất cập, những hạn chế của từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế, những ảnh hưởng của chúng tới nền kinh tế chung của đất nước. Tổng hợp các nghiên cứu theo nội dung cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực, từng phạm vi và đối tượng, có ba nhóm đối tượng tái cơ cấu được đề cập nhiều nhất, đó là: tái cơ cấu
doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính; tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công.
Thông qua việc phân tích thực trạng chung của nền kinh tế cũng như từng vấn đề cụ thể, các nhà nghiên cứu đều đưa ra nhận định chắc chắn phải tái cơ cấu nền kinh tế như một giải pháp sống còn mà Đảng, Nhà nước Việt Nam phải thực hiện trong quá trình điều hành nền kinh tế trong thời gian tới nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế bền vững. Các tác giả cũng đưa ra phương hướng, giải pháp khắc phục khủng hoảng, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với những mục tiêu, yêu cầu cụ thể. Mục tiêu chung của việc tái cơ cấu nền kinh tế mà các công trình đưa ra là thay đổi thể chế, cơ chế, công cụ phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia theo mô hình tăng trưởng mới với cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, hiệu quả hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững và phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.