Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN VAI TRÒ
2.1. KHÁI NIỆM CƠ CẤU NỀN KINH TẾ VÀ TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ 1. Khái niệm cơ cấu nền kinh tế
2.1.2. Khái niệm tái cơ cấu nền kinh tế
Quá trình hình thành và phát triển cơ cấu nền kinh tế là một quá trình lịch sử khách quan, quá trình thay thế, hoàn thiện, bổ sung các yếu tố cần thiết cho sự phát triển kinh tế nói riêng và xã hội nói chung. Trong quá trình đó, có những thành
phần, những hệ thống chức năng chưa phát triển kịp, có những nguồn lực bị cạn kiệt cần thay thế, có những giá trị lợi ích mới, nhu cầu mới, quan hệ mới xuất hiện...
Những thay đổi như vậy làm cho tính chỉnh thể của cơ cấu nền kinh tế bị ảnh hưởng, gây ra những tác động nhiều chiều, ảnh hưởng đến hiệu quả và tính ổn định của nền kinh tế. Khi đó, các quy luật kinh tế tự nhiên sẽ tác động, điều chỉnh nhằm khắc phục những khiếm khuyết trong cơ cấu nền kinh tế, đưa nền kinh tế về trạng thái vận hành, phát triển cân bằng. Đây là quá trình tự nhiên, khách quan gắn liền với sự phát triển của phương thức sản xuất xã hội tương ứng. Nếu chúng ta cố tình đi ngược lại những quá trình tự nhiên này, tức là đi ngược lại sự điều chỉnh khách quan, tất yếu nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Vấn đề của các nhà quản lý kinh tế là phải nhận thức đầy đủ quá trình phát triển và hoàn thiện của cơ cấu kinh tế để nắm bắt kịp thời những thay đổi nhằm thúc đẩy và ủng hộ tái cơ cấu tự nhiên, tạo sự cân bằng tự nhiên cho nền kinh tế. Những thay đổi như vậy là hình thức biến đổi tự nhiên, khách quan do các quy luật kinh tế tác động tạo nên. Đây không phải là tái cơ cấu kinh tế mà là quá trình phát triển của nền kinh tế.
Quá trình phát triển tự nhiên của nền kinh tế không phải lúc nào cũng hoàn hảo và mang lại hiệu quả. Trong quá trình phát triển, nền kinh tế xuất hiện những khiếm khuyết nằm ngoài khả năng tự điều chỉnh của các quy luật, làm suy giảm khả năng sản xuất của nền kinh tế, gây ra những hiệu ứng tiêu cực cho xã hội. Các khiếm khuyết cơ bản của nền kinh tế hiện nay là:
- Hiện tượng độc quyền: Là hiện tượng một hay một số nhà sản xuất thống trị, chi phối nền kinh tế. Sự lựa chọn quy mô sản xuất độc quyền khác với sự lựa chọn của nền kinh tế thị trường cạnh tranh hoàn hảo dẫn đến việc các nhà sản xuất độc quyền có thể tạo ra lợi nhuận siêu ngạch bằng cách tăng giá mà không sợ những đối thủ mới cùng tham gia sản xuất. Độc quyền dẫn đến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho hàng hóa và dịch vụ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm giảm phúc lợi, ảnh hưởng tới công bằng xã hội.
- Các hiệu ứng ngoại vi của kinh tế: Là những hệ quả nằm ngoài phạm vi kinh tế nhưng được tạo ra bởi các hoạt động của nền kinh tế. Có thể có những hệ quả tích cực song cũng có những hệ quả tiêu cực. Ví dụ như khi mở rộng quy mô sản xuất của một nhà máy sẽ làm gia tăng lượng chất thải ra môi trường. Tới giới hạn nhất định, lượng chất thải tích tụ đủ hàm lượng sẽ gây tác hại xấu cho môi trường xung quanh. Những hiệu ứng ngoại vi của kinh tế không được nhận biết bởi
các quy luật kinh tế cũng như không ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế. Do đó, các hiệu ứng ngoại vi này không được cập nhật trong quá trình chọn lọc, điều chỉnh tự nhiên của các hoạt động kinh tế. Để phù hợp với lợi ích chung của xã hội, nhiều hiệu ứng ngoại vi cần được hạn chế và khắc phục, mà bản thân những người tham gia trong nền kinh tế không có ý thức tự điều chỉnh.
- Hàng hóa công: Khi xã hội phát triển đến giới hạn nhất định sẽ xuất hiện hình thức hàng hóa công. Ví dụ như hệ thống giao thông vận tải, cầu cống, đường sá, dịch vụ truyền hình, an ninh quốc phòng, chiếu sáng công cộng... Đây là những hàng hóa và dịch vụ hữu ích cho xã hội, nhưng không thể chia nhỏ thành từng đơn vị tiêu dùng. Lợi ích tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ công chỉ có thể được hưởng thụ chung cho tất cả mọi người. Hàng hóa công không có tính cạnh tranh trong tiêu dùng. Điều này giường như đi ngược với một số quy luật kinh tế.
- Thông tin không hoàn hảo: Ngày nay, thông tin trở thành một trong những nhân tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất. Việc khó khăn trong thu thập thông tin, cung cấp thông tin không chính xác dẫn đến sự phân bổ các nguồn lực sản xuất bị sai lệch. Ví dụ như thông tin sai về kết quả mùa màng sẽ làm sai lệch giá cả thị trường, làm các nhà sản xuất phải nghĩ đến nguyên liệu thay thế, làm tăng giá nguyên liệu thay thế trong khi nguyên liệu chính lại dư thừa. Thông tin trở thành một yếu tố vật chất, là công cụ quản lý, điều hành của nền kinh tế song lại hoạt động theo các cách thức khác so với các quy luật kinh tế. Thông tin không chính xác sẽ phá vỡ tính kết cấu tương thích của các hệ thống chức năng của cơ cấu kinh tế, làm sai lệch tính định hướng trong hoạt động của các hệ thống chức năng.
- Mất cân đối trong kinh tế vĩ mô: Thống kê quá trình phát triển của các nền kinh tế cho thấy những bất ổn, khủng hoảng kinh tế xảy ra ngày càng nhiều và mang tính chu kỳ như lạm phát, thất nghiệp, khủng hoàng tiền tệ và những khủng hoảng khác. Nguyên nhân của những khủng hoảng và bất ổn này lại đến từ chính những khiếm khuyết nền kinh tế nên các quy luật kinh tế khách quan không thể tự điều chỉnh được. Nếu để tự nền kinh tế giải quyết sẽ mất thời gian rất lâu, gây ra rất nhiều tổn thất cho xã hội và có thể đưa nền kinh tế vào tình trạng rối loạn. Ngày nay, ổn định kinh tế vĩ mô là mục đích hàng đầu trong hoạt động quản lý, điều hành nền kinh tế của mỗi quốc gia.
- Công bằng và hiệu quả xã hội: Động lực cơ bản của nền kinh tế là lợi ích.
Dưới tác động của quy luật lợi ích, nhiều giá trị xã hội bị đe dọa. Quy luật lợi ích
tạo ra sự phát triển không đồng đều do sự khác biệt về năng lực và các điều kiện kinh tế - xã hội khác. Nếu không đảm bảo công bằng và hiệu quả xã hội, hệ quả của quá trình phát triển kinh tế sẽ là một xã hội bất ổn, thiếu công bằng. Các vấn đề môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế và những vấn đề khác của xã hội sẽ mất cân đối nghiêm trọng. Những vấn đề này lại không nằm trong phạm vi nhận thức và điều chỉnh của hoạt động kinh tế. Do đó, nhà nước phải điều chỉnh vì sự phát triển chung của toàn xã hội.
Những khiếm khuyết trên là hệ quả khách quan của quá trình phát triển kinh tế, của quá trình nhận thức và tác động tự nhiên vào nền kinh tế của con người. Vì động lực kinh tế, những hoạt động kinh tế riêng lẻ của con người tất yếu cũng nằm trong các quy luật kinh tế như quy luật giá trị, lợi nhuận, cạnh tranh... Do đó, những quy luật kinh tế không tự điều chỉnh để khắc phục khiếm khuyết đó một cách hiệu quả. Những khiếm khuyết này chỉ được điều chỉnh bởi một nhân tố có quyền lực, có tính độc lập tương đối với nền kinh tế, có khả năng điều chỉnh xã hội. Đó chính là nhà nước. Trước những bất ổn, khủng hoảng của nền kinh tế, với trách nhiệm đảm bảo ổn định xã hội, nhà nước phải tác động vào nền kinh tế nhằm nhanh chóng ổn định kinh tế, ổn định xã hội. Bằng quyền lực của mình, thông qua hệ thống các công cụ, giải pháp, nhà nước sẽ tác động làm thay đổi quá trình sản xuất, thay đổi nguồn lực phục vụ sản xuất, thay đổi các ngành, các lĩnh vực sản xuất, thay đổi định hướng của nền kinh tế... Những thay đổi như vậy làm cơ cấu nền kinh tế thay đổi, khắc phục được khiếm khuyết, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu ổn định nền kinh tế, ổn định xã hội. Đây là hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế.
Nếu quá trình phát triển, hoàn thiện cơ cấu nền kinh tế là hoạt động diễn ra liên tục, không ngừng thì hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế không phải lúc nào cũng diễn ra. Hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế chỉ diễn ra khi nền kinh tế xuất hiện những khiếm khuyết gây ra khủng hoảng, bất ổn ở những khâu, những thành phần, những hệ thống chức năng của nền kinh tế. Hoạt động tái cơ cấu có thể diễn ra ở nhiều mức độ, phạm vi với những công cụ, giải pháp khác nhau tùy thuộc khiếm khuyết xảy ra và năng lực quản lý, điều hành nền kinh tế của nhà nước. Trong thực tế, có những quốc gia đã tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế như các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, chuyển toàn bộ từ cơ cấu nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ cấu nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế càng phát triển, càng nhiều khiếm khuyết thì hoạt động tái cơ cấu diễn ra càng nhiều. Hoạt động tái cơ cấu không phải là điều
đáng lo ngại, không phải là tín hiệu xấu mà là những hoạt động thể hiện khả năng nhận thức và năng lực quản lý, điều hành nền kinh tế của nhà nước.
Từ những phân tích trên, luận án đưa ra định nghĩa tái cơ cấu nền kinh tế như sau: Tái cơ cấu nền kinh tế là những tác động trực tiếp của nhà nước vào nền kinh tế để điều chỉnh hoạt động kinh tế vĩ mô và vi mô nhằm mục đích khắc phục những khiếm khuyết của nền kinh tế, giúp nền kinh tế ổn định, tạo công bằng xã hội hoặc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của nhà nước thông qua việc xây dựng cơ cấu nền kinh tế phù hợp. Tái cơ cấu nền kinh tế gồm những chiều cạnh như:
- Tái cơ cấu các khâu của quá trình tái sản xuất mở rộng: đầu tư, sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng.
- Tái cơ cấu thành phần kinh tế: thành phần kinh tế nhà nước, tư nhân, tập thể, thành phần kinh tế có vốn nước ngoài, cổ phần hóa.
- Tái có cấu lĩnh vực, ngành nghề trong nền kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Tái cơ cấu các vùng kinh tế, khu vực kinh tế.
- Tái cơ cấu các yếu tố sản xuất: vốn, lực lượng lao động, đất đai, tài nguyên khoáng sản, khoa học và công nghệ, tri thức và tư liệu sản xuất.
Tái cơ cấu kinh tế là một chuỗi hành động có chủ đích, trước tiên và bắt đầu từ nhà nước, sau đó là đến các đối tượng khác trong nền kinh tế, hành động thống nhất theo kế hoạch chung của nhà nước. Tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình tổ chức lại hoạt động kinh tế bằng các hình thành mới, cắt bỏ đi, tăng hay giảm các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế để xác lập một cơ cấu kinh tế hiệu quả, phù hợp. Đây là cuộc cải cách mạnh mẽ, quyết liệt giúp nền kinh tế phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, phát triển ổn định hơn, khắc phục khiếm khuyết, tránh đi những thiệt hại. Hoạt động tái cơ cấu có thể diễn ra trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn tùy theo mức độ của khiếm khuyết của nền kinh tế. Tuy nhiên, các khiếm khuyết thường xảy mang tính chu kỳ nên hoạt động tái cơ cấu cũng phải có thời hạn nhất định. Thời hạn cũng là tiêu chí đánh giá mức độ thành công của hoạt động tái cơ cấu. Vì vậy, hoạt động tái cơ cấu phải có kế hoạch và được ấn định về mặt thời gian.
Hiện nay, tái cơ cấu thường được thực hiện với mục đích là khắc phục khiếm khuyết của nền kinh tế. Hoạt động này chủ yếu được nhà nước thực hiện một cách bị động, tức là chỉ khi nào xảy ra khủng hoảng thì tái cơ cấu mới được triển khai thực hiện mạnh mẽ. Trong nền kinh tế hiện đại, với thành tựu của khoa học công nghệ, nhà nước có nhiều công cụ, giải pháp quản lý, điều hành nền kinh tế chủ
động, có khả năng nhận biết, dự báo sớm những diễn biến của nền kinh tế và căn cứ đề ra kế hoạch phát triển kinh tế một cách khả thi. Do đó, để đề phòng khủng hoảng, đảm bảo ổn định kinh tế dài hạn, đảm bảo công bằng xã hội, xây dựng cơ cấu nền kinh tế hiện đại, hiệu quả, bền vững, nhà nước cần nghiên cứu và đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế chủ động, tức là chủ động thực hiện tái cơ cấu nhằm phát huy thế mạnh, tạo ra thời cơ, vượt qua thách thức, đáp ứng yêu cầu mới, khai thác và phát triển những khả năng mới của nền kinh tế, ngăn ngừa khủng hoảng, nâng cao hiệu quả hoạt động cho nền kinh tế. Đây sẽ là giải pháp thường xuyên trong nền kinh tế hiện đại, là mục tiêu thứ hai đặt ra cho hoạt động tái cơ cấu trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay và những năm tiếp theo.