Chương 4 PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ NHÀ NƯỚC
4.3. GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ VIỆT NAM HIỆN NAY VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
4.3.2. Giải pháp phát huy vai trò định hướng của nhà nước trong tái cơ cấu nền kinh tế
Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, từ thực tiễn tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam những năm qua, vai trò định hướng của nhà nước cần thể hiện tập trung hơn, cụ thể hơn. Nội dung cơ bản của giái pháp này là cải thiện phương pháp định hướng, xây dựng nội dung định hướng thích hợp.
4.3.2.1. Về phương pháp định hướng
Về phương pháp định hướng, nhà nước cần tập trung, thống nhất vai trò định hướng, tức là chỉ nhà nước được đưa ra định hướng tái cơ cấu nền kinh tế. Điều này cũng xuất phát từ vị trí, chức năng, quyền lực của nhà nước trong quản lý kinh tế - xã hội. Từ tầm quản lý vĩ mô, nhà nước mới có thể quan sát tổng thể nền kinh tế, từ đó đưa ra định hướng chung cho hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế, mới cân đối được nguồn lực, cân đối tính hiệu quả trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường của nền kinh tế. Thay vì có hàng chục đề án tái cơ cấu do các Bộ, ngành, tỉnh thành ban hành như hiện nay, nhà nước tập trung, thống nhất ban hành một hoặc một số kế hoạch định hướng tái cơ cấu chung, tái cơ cấu cho những khâu, lĩnh vực, khu vực cấp thiết. Như vậy nhà nước sẽ thuận lợi trong việc quản lý, điều hành, chỉ đạo, kiểm soát tái cơ cấu, kịp thời có những điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả tái cơ cấu. Các chủ thể tham gia tái cơ cấu trong kế hoạch định hướng chung có trách nhiệm thực thi và chịu sự kiểm soát trực tiếp của nhà nước (bộ máy chuyên trách thực hiện tái cơ cấu), có thể chủ động xây dựng kế hoạch riêng để thực hiện nhưng phải căn cứ kế hoạch chung và chịu sự thẩm định, được sự chấp thuận của bộ máy chuyên trách thực hiện tái cơ cấu của nhà nước.
4.3.2.2. Về nội dung định hướng
Trong nhận thức chung, vai trò định hướng cần xác định được nội dung tổng
thể để định hướng hoạt động tái cơ cấu. Như vậy, vai trò định hướng của nhà nước mới được phát huy. Từ định hướng này, nhà nước có căn cứ để huy động nguồn lực, xây dựng chương trình, kế hoạch, phân định nhiệm vụ, trách nhiệm và tổ chức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Trên cơ sở đánh giá khoa học, đúng đắn những lợi thế và nguồn lực phát triển đất nước, để phát huy vai trò nhà nước, hoạt động tái cơ cấu cần có những định hướng tập trung một số nội dung cụ thể sau:
Tái cơ cấu khâu sản xuất.
Cơ cấu kinh tế của mọi nền kinh tế đều được thể hiện thông qua khâu sản xuất, lưu thông và tiêu dùng. Các khâu này chứa đựng trong nó đầy đủ các lĩnh vực, ngành nghề, các hệ thống chức năng của nền kinh tế. Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế không thể không thực hiện tái cơ cấu các khâu như vậy. Đặc biệt, với nền kinh tế có cơ cấu mới hình thành và phát triển ở trình độ thấp, chưa hoàn thiện như Việt Nam, định hướng tái cơ cấu phải hướng tới tính tổng thể, phải thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, mà trước tiên và cấp thiết nhất là tái cơ cấu khâu sản xuất. Khâu sản xuất là nơi giải quyết những vấn đề cơ bản của nền kinh tế là sản xuất cài gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai. Đây là khâu trực tiếp tạo ra hàng hóa, dịch vụ cho nền kinh tế. Khâu sản xuất phù hợp, hoàn thiện tất yếu sẽ quy định khâu lưu thông và tiêu dùng hoàn thiện theo. Do đó, tái cơ cấu theo các khâu của quá trình sản xuất cần tập trung vào khâu sản xuất là trọng yếu nhất. Tái cơ cấu khâu sản xuất trong cơ cấu kinh tế Việt Nam nên thực hiện theo phương hướng như sau:
- Tập trung phát triển lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (nông, lâm, ngư nghiệp), đưa sản xuất nông nghiệp thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa chủ đạo của nền kinh tế, sản xuất quy mô lớn, hướng về xuất khẩu và phát triển giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp. Lĩnh vực sản xuất chủ đạo sẽ là đầu tàu tăng trưởng, tạo ra mối liên kết và điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất cho rất nhiều các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế khác. Việc không có một lĩnh vực kinh tế chủ đạo, nhất là trong khâu sản xuất đã khiến các hoạt động kinh tế trở nên luẩn quẩn, thiếu tính khoa học, không có quy hoạch và những mối liên kết kinh tế, nguồn lực bị phân tán. Với những điều kiện tự nhiên và xã hội của mình, với bối cảnh hội nhập và các xu thế phát triển kinh tế mới, sẽ là rất phù hợp khi Việt Nam xác định lĩnh vực chủ đạo trong khâu sản xuất là lĩnh vực nông nghiệp. Phương hướng tái cơ cấu là công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp. Đưa sản xuất nông nghiệp trở thành lĩnh vực sản xuất chủ đạo trong khâu sản xuất, trở thành lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế trong thời gian 10 năm tới. Sản xuất nông nghiệp cần phát triển theo hướng
khai thác lợi thế của nông nghiệp nhiệt đới, chuyển dịch sang sản xuất sạch, xanh.
Người lao động trong nông nghiệp không phải là người nông dân thuần túy chỉ biết dựa vào thiên nhiên và sức lao động của bản thân, mà họ phải là những công nhân lao động nông nghiệp, những nhà quản trị và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Sản lượng và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp phải được nâng lên và đa dạng hóa. Tích cực đẩy mạnh phát triển mô hình chuỗi giá trị và mạng sản xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trong đó nông nghiệp là trung tâm. Chuỗi giá trị và mạng sản xuất trong nông nghiệp sẽ trở thành nhân tố tham gia chuỗi giá trị trong công nghiệp và dịch vụ, nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp. Chúng ta phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho sản xuất nông nghiệp. Nếu được định hướng đúng đắn, nông nghiệp phát triển sẽ kéo theo công nghiệp và dịch vụ phát triển. Nông nghiệp sẽ đáp ứng được những yêu cầu là đầu tàu phát triển trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.
- Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, lấy công nghiệp hỗ trợ là điều kiện để cải thiện và nâng cao hệ thống công cụ sản xuất xã hội, cải thiện sức sản xuất của nền kinh tế. Trong tương lai gần, đây là lĩnh vực sản xuất công nghiệp có khả năng phù hợp nhất với năng lực và nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Công nghiệp hỗ trợ được hiểu là những ngành sản xuất các sản phẩm đầu vào gồm các sản phẩm, hàng hóa trung gian và các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất. Các sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ có giá trị khoa học công nghệ từ thấp đến cao, rất phong phú và đa dạng. Do đó, công nghiệp hỗ trợ là môi trường chuyển giao công nghệ có tính thực tiễn và khả năng phù hợp cao với Việt Nam. Mặt khác, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mỗi quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Ở những quốc gia này, muốn hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp hiện đại, nhất là những ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, xe máy, các sản phẩm điện tử, điện lạnh,... một cách hiệu quả thì họ phải thực hiện thành công việc nội địa hóa một cách cơ bản các ngành công nghiệp đó.
Muốn vậy, họ phải phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để các sản phẩm của nó thay thế dần, tiến tới thay thế hoàn toàn các sản phẩm nhập khẩu.
Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai, manh muốn và còn rất nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Việt Nam hiện có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến công nghiệp hỗ trợ, trong đó có nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng hầu hết các ngành
công nghiệp lớn ở Việt Nam đều phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để sản xuất. Chẳng hạn như ngành dệt may hàng năm xuất khẩu mang về cho nước ta hàng tỷ đô la Mỹ, nhưng phần lớn số ngoại tệ đó lại được sử dụng để nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện phục vụ cho sản xuất. Đây chỉ là một trong số nhiều ngành điển hình của Việt Nam trong việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu và linh kiện từ bên ngoài. Doanh nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm hỗ trợ còn rất ít, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu kém. Sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá lại cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Trong khi đó, các sản phẩm hỗ trợ của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaixia... nhất là của Trung Quốc rất cạnh tranh, giá rất rẻ, nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng. Công nghiệp sản xuất hỗ trợ có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy nền sản xuất trong nước phát triển, tham gia ngày càng toàn diện vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất trong khu vực và thế giới. Do đó, phương hướng tái cơ cấu khâu sản xuất cần xác định tương lai 10 đến 15 năm tới, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ là ngành kinh tế chủ đạo trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, song hành và dần dần thay thế lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên cần lưu ý, nhất quyết không xây dựng cơ cấu kinh tế theo mô hình gia công thuần túy.
Tái cơ cấu ngành nghề cấu thành nền kinh tế.
Trong cơ cấu của các nền kinh tế, mô hình cơ cấu nào cũng có các khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Trong các khâu lại có các lĩnh vực, trong lĩnh vực lại có các ngành nghề. Song các ngành nghề là khác nhau với từng nền kinh tế. Việc hình thành các ngành nghề cấu thành nền kinh tế cũng xuất phát từ các yếu tố kinh tế - xã hội khách quan và do quy luật kinh tế điều tiết. Ngành nghề kinh tế chứa đựng trong nó các hệ thống chức năng của nền kinh tế. Phương hướng chung trong tái cơ cấu các ngành nghề cấu thành nền kinh tế là rà soát, quy hoạch, thúc đẩy những ngành nghề mang lại giá trị kinh tế cao, đảm bảo các yêu cầu cho phát triển bền vững, đồng thời gạt bỏ những ngành nghề kém hiệu quả, khả năng cạnh tranh kém. Hiện nay tại Việt Nam, trong 624 ngành nghề theo sự phân định và quy định của pháp luật, hầu hết đều là các ngành nghề kinh tế dựa vào tài nguyên và nhân công lao động. Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang dựa vào các ngành kinh tế này. Các ngành nghề đang khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên, có nguy cơ gây ra các hiệu ứng ngoại vi về môi trường. Đặc điểm các ngành nghề kinh tế của Việt Nam thường là quy mô nhỏ, chồng chéo, trình độ công nghệ thấp, quản lý
kém. Đây là hạn chế rất cơ bản, tạo ra rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế song chúng ta vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Quy mô nhỏ thể hiện trên mọi khía cạnh của các ngành nghề như vốn, khoa học công nghệ, nguồn lao động... Từ quy mô nhỏ dẫn đến năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các ngành kinh tế rất kém, đặc biệt trong quá trình hội nhập.
Trong tái cơ cấu nền kinh tế cần định hướng tái cơ cấu các ngành nghề cấu thành nền kinh tế, tập trung mở rộng quy mô, sắp xếp ngành nghề trên từng khâu, từng lĩnh vực một cách hợp lý, khoa học, hiệu quả, hạn chế tối đa các ngành nghề sản xuất dưới hình thức gia công. Trong tái cơ cấu các ngành nghề cần đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng những ngành nghề chủ đạo làm trọng điểm tăng trưởng trong từng lĩnh vực kinh tế. Các ngành nghề nên tập trung phát triển, mở rộng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam là ngành nghề sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp giá trị gia tăng (phần mềm, viễn thông, điện tử tin học, giáo dục, y tế, môi trường, các sản phẩm khoa học công nghệ…), dịch vụ du lịch truyền thống gắn với thế mạnh về lịch sử tự nhiên, công nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng. Ngành nghề chủ đạo là điểm tập trung trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất của lĩnh vực, của ngành kinh tế.
Một vấn đề nữa đặt ra cho hoạt động tái cơ cấu ngành nghề cấu thành nền kinh tế, đó là phải có định hướng để tạo ra những mối liên kết ngành, tức là tạo ra chuỗi giá trị và mạng sản xuất chung cho nền kinh tế. Các ngành kinh tế Việt Nam thường không có sự liên kết chặt chẽ trong cả phát triển kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế. Là nền kinh tế mở, hướng về xuất khẩu, hầu như các ngành nghề kinh tế Việt Nam đều lấy xuất khẩu, lấy thị trường nước ngoài làm đối tượng phục vụ mà quên đi thị trường trong nước. Các ngành nghề chỉ chú trọng phát triển sản phẩm của mình, công đoạn của mình và thực hiện xuất khẩu mà quên đi vai trò hỗ trợ, tương trợ cho các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, giá trị gia tăng của các ngành nghề kinh tế Việt Nam chỉ đọng lại trong các sản phẩm thô, giá cả thấp. Nhiều ngành nghề phải nhập khẩu nguyên nhiên liệu nước ngoài trong khi trong nước có đủ điều kiện để cung cấp. Cùng với đó, quá trình hội nhập đem đến cho nền kinh tế Việt Nam những ngành nghề mới, thị trường mới. Việc lựa chọn ngành nghề kinh tế để chuyển giao và sản xuất phải phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế - xã hội, đảm bảo các yếu cầu phát triển bền vững là điều rất quan trọng. Quá trình hội nhập, nhất quyết Việt Nam phải tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng sản xuất, sẽ phải đảm nhận những vị trí trong hệ thống
cơ cấu kinh tế toàn cầu. Làm sao để các doanh nghiệp trong các ngành nghề tham gia hội nhập hiệu quả, đem lại lợi ích cho đất nước. Tái cơ cấu ngành nghề kinh tế phải định hướng rõ ràng mục tiêu đó. Nếu sự lựa chọn, quy hoạch các ngành nghề mới trong quá trình hội nhập không hợp lý có khả năng dẫn đến sự phụ thuộc, dẫn đến nguồn lực của nền kinh tế sẽ bị khai thác và sử dụng cho các lợi ích bên ngoài.
Đó là những nội dung chính trong định hướng tái cơ cấu các ngành nghề cấu thành nền kinh tế Việt Nam phải hướng tới để giải quyết triệt để và hiệu quả.
Tái cơ cấu nguồn lực tạo ra của cải vật chất.
Trong cơ cấu kinh tế có nhiều nguồn lực trực tiếp và gián tiếp tham gia quá trình tạo ra của cải vật chất. Trong các nguồn lực ấy, có những nguồn lực có ý nghĩa và vai trò quan trọng quyết định đến khả năng và sức sản xuất của nền kinh tế. Đây là những nhân tố cần quan tâm trong tái cơ cấu các nguồn lực. Tùy cơ cấu của mỗi nền kinh tế mà các nhân tố nguồn lực cần tái cơ cấu là khác nhau. Với thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay, với quan điểm tái cơ cấu tổng thể, với những định hướng tái cơ cấu đặt ra trong giai đoạn hiện nay và 20 năm tiếp theo, trong phương hướng tái cơ cấu các nguồn lực tạo ra của cải vật chất nhà nước cần tập trung vào một số yếu tố sau:
- Tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp, coi đây là đối tượng trọng yếu của hoạt động tái cơ cấu. Doanh nghiệp được coi là tế bào của hệ thống cơ cấu. Doanh nghiệp khỏe, lành mạnh tất yếu cơ cấu kinh tế khỏe, lành mạnh và ngược lại. Doanh nghiệp trong nền kinh tế là nơi hội tụ các nguồn lực để tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp cũng là chủ thể của nền kinh tế, thực hiện tất cả hoặc một số chức năng trong hoạt động kinh tế. Doanh nghiệp có khả năng tự điều chỉnh theo thị trường, đồng thời là đối tượng chịu sự quản lý và điều chỉnh của nhà nước. Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế nhất định phải tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp và lấy đây là đối tượng cơ sở để thực hiện các định hướng, chủ trương tái cơ cấu. Trong tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp cần thực hiện trên hai khía cạnh.
Trước tiên là khía cạnh tổng thể, hệ thống doanh nghiệp cần phải được sắp xếp, bố trí phù hợp trên từng khâu, từng lĩnh vực, ngành nghề. Các nguồn lực tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp là hữu hạn. Nếu hệ thống doanh nghiệp phân bổ không hợp lý sẽ làm phân tán nguồn lực, làm suy giảm khả năng của mỗi doanh nghiệp và cả hệ thống. Ví dụ như ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam, chỉ với sản lượng toàn ngành là 120.000 sản phẩm/ năm, song ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện có gần 50 doanh nghiệp sản xuất, trong đó có 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thực trạng này khiến nguồn lực toàn