Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.2. Các công trình nghiên cứu về quản lý dạy học ngoại ngữ
Qua tìm hiểu cho thấy, các công trình nghiên cứu về quản lý dạy học ngoại ngữ ở nước ngoài rất hạn chế; và ngoại ngữ cũng là một môn học trong nhà trường, tuy có đặc điểm riêng nhưng nó không thể tách rời quản lý dạy học nói chung trong nhà trường. Từ thế kỷ 19 trên thế giới, các nghiên cứu về quản lý giáo dục, quản lý nhà trường có các công trình tiêu biểu của: Kraumer (1842- người Đức), R.Hquych (1868- người Mỹ); đến thế kỷ 20 phải kể đến các tác giả Balđrdge, Beare, Caldwell, Bell, Brundredt, Bash, Campbell- Evans, Chapman, Cuban, Davies, Dinmock…Để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường, vai trò của công tác quản lý là hết sức quan trọng, vì vậy các nhà khoa học giáo dục đã nghiên cứu sâu về quản lý các hoạt động trong nhà trường để tìm ra biện pháp quản lý sao cho có hiệu quả nhất. Tiêu biểu có các tác giả W. James, Stigter, James Hiebert (2012), với tác phẩm: “Lỗ hổng giảng dạy”; các ông cho rằng, thông qua nghiên cứu về quản lý giảng dạy để thực hiện nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên. Đồng thời nhấn mạnh, trong quản lý nghiên cứu bài học, hiệu trưởng phải là người trực tiếp tham gia hầu hết quá trình quản lý và thiết lập các yếu tố quản lý như là một phần của chương trình học tập; việc tham gia của hiệu trưởng trong công tác quản lý giúp
cho giảng viên thấy rằng, cải tiến giảng dạy là một phần quan trọng, thiết yếu trong việc phát triển trường học…[48, tr.182].
Còn các tác giả, Department of Education, South Africa (2008), với các công trình nghiên cứu về quản lý dạy học, quản lý nhà trường và quản lý lãnh đạo [78]; đã khái quát làm rõ công tác tổ chức lớp học và quản lý dạy học của nhà trường. Về công tác tổ chức lớp học, theo các ông: “Lớp học được tổ chức theo môn học do sinh viên đăng ký; hàng năm nhà trường công bố các môn học (kể cả ngoại ngữ) để sinh viên đăng ký. Nếu số sinh viên đăng ký học quá đông so với điều kiện của phòng học, thì nhà trường chỉ sắp xếp những sinh viên nằm trong số lượng quy định đăng ký sớm hơn hoặc đạt một số yêu cầu do ngành học đặt ra được học; và thông báo ngay cho số sinh viên còn lại đăng ký môn học khác hoặc cho năm học sau. Nếu số sinh viên đăng ký học một môn học quá ít, nhà trường sẽ không tổ chức đào tạo và thông báo cho sinh viên biết để chọn môn học khác…”[78].
Còn về công tác quản lý của nhà trường (người lãnh đạo, quản lý dạy học) đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên, các tác giả chỉ rõ: “(1) Giảng viên phải biên soạn và nộp bản đề cương môn học (Syllabus) cho khoa/
bộ môn; (2) Hệ thống quản lý theo dõi, kiểm tra việc giảng viên thực hiện đề cương môn học nói trên; (3) Trường/ khoa tổ chức cho sinh viên nhận xét về công việc giảng dạy của giáo viên. Việc lên lương, bổ nhiệm có dựa vào kết quả giảng dạy, đánh giá của cơ quan quản lý và nhận xét của sinh viên...”[77].
Về quản lý học tập của sinh viên, theo các tác giả cần phải: “(1) Dựa vào catalog do nhà trường công bố, đề cương môn học do giảng viên cấp cho sinh viên; (2) Sinh viên tham khảo ý kiến của giảng viên cố vấn để xây dựng kế hoạch học tập cho phù hợp với mình và đăng ký với khoa/ trường; (3) Giảng viên đánh giá liên tục các hoạt động học tập của sinh viên, báo cáo cho Phòng đào tạo và cho sinh viên biết; (4) Căn cứ vào kết quả học tập của sinh viên đạt được, nhà trường xếp loại sinh viên vào năm thứ nhất, thứ hai…Mỗi
khoa có cố vấn học tập (Adviser) hướng dẫn sinh viên lựa chọn các môn học để xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo và với năng lực, sở thích, điều kiện sinh hoạt; hoàn cảnh kinh tế...Bản đăng ký các môn học của sinh viên phải có chữ ký của cố vấn học tập xác nhận là đã được tham khảo ý kiến mới được nhà trường xem xét để xếp lớp học. Khi sinh viên thực hiện đầy đủ các quy định của nhà trường, tích luỹ kiến thức thông qua việc tích luỹ đủ số tín chỉ quy định cho chương trình theo sự hướng dẫn của cố vấn học tập, họ sẽ được cấp bằng tốt nghiệp…(kể cả ngoại ngữ). Công tác quản lý đào tạo, dạy học của nhà trường đại học được tin học hoá tối đa bằng các phần mềm chuyên dụng, thống nhất; và để đảm bảo liên thông, liên kết phối hợp tổ chức đào tạo giữa các ngành, việc quản lý đào tạo, dạy học các môn học (kể cả ngoại ngữ) được tổ chức tập trung ở Phòng đào tạo của nhà trường với đội ngũ quản lý thông tin nghiệp vụ và có tính chuyên nghiệp cao…[78].
Các công trình khoa học về quản lý dạy học ngoại ngữ nói chung, dạy học tiếng Anh nói riêng ở ngoài nước, qua tìm hiểu cho thấy có một số bài báo khoa học của các tác giả như: Suleyman, D. (2006), “Leading for Learning: Reflective Management in EFL Schools”( phản ánh quản lý dạy ngôn ngữ trong trường học), [91]. Trong bài viết này, tác giả đã: Đưa ra và phân tích những thông tin phản hồi xung quanh việc quản lý giảng dạy của các chủ thể quản lý ở trường ngoại ngữ.
Những nội dung và biện pháp quản lý cụ thể như quản lý công tác thực hiện kế hoạch, chương trình, nội dung dạy học ngoại ngữ của giảng viên và sinh viên; nhất là công tác quản lý hoạt động đánh giá, sát hạch kết quả học tập của sinh viên…Từ đó đưa ra những cảnh báo, cảnh tỉnh đối với chủ thể trong quản lý giảng dạy ở trường ngoại ngữ đối với hoạt động dạy và học ngoại ngữ của giảng viên, sinh viên…[91].
Còn tác giả A.Mehrak, R.and Fatemeh (2012), “EFL teachers’
classroom management orientations: investigating the role of
individual differences and contextual variables”(nghiên cứu vai trò khác nhau của cá nhân và các biến theo ngữ cảnh), [74]; kết quả nghiên cứu của bài viết đã đưa ra các định hướng quản lý có hiệu quả các lớp học ngoại ngữ tiếng Anh trong các hình thức: học tập trung, học từ xa, hoặc học trên phương tiện truyền thông…Theo các tác giả:
Dù học ở hình thức nào thì vai trò của người dạy trong quản lý chất lượng học tập, sự tiến bộ của người học về lĩnh hội các kiến thức ngữ pháp, vốn từ vựng và đặc biệt là sự thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là quan trọng nhất. Kết quả nghiên cứu đã phân tích, chỉ rõ sự khám phá về vai trò của sự khác biệt giữa các cá nhân người học và đặc điểm, hoàn cảnh của từng nhóm đối tượng người học…[74]. Kết quả nghiên cứu đã định hướng vận dụng thực hiện ở các khóa học, lớp dạy học tiếng Anh ở các nhóm lứa tuổi khác nhau đạt kết quả.
Gần đây tác giả A. Sayyed (2014), với bài viết:
“Knowledge Management View of Teaching English as a Foreign Language (TEFL) in General Educational System (GES) of Iran”(quan điểm quản lý kiến thức về dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ trong hệ thống giáo dục của Iran), [88]. Trong công trình nghiên cứu này tác giả đã khái quát hóa những kiến thức về quản lý việc dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân Iran; kết quả nghiên cứu góp phần định hướng cho các hoạt động quản lý (quản lý nhà nước và quản lý ở các cơ sở giáo dục) đối với việc dạy tiếng Anh trong hệ thống giáo dục nhà trường và ngoài nhà trường ở Iran…[88].
Từ tổng quan các công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài về quản lý dạy học, quản lý dạy học ngoại ngữ cho thấy, nghiên cứu đã đạt được những kết quả đáng kể, gắn liền với sự phát triển giáo dục và dạy học ngoại
ngữ trong nhà trường và ngoài nhà trường ở các quốc gia. Các kết quả nghiên cứu đó đã khái quát vai trò, đặc điểm và các nội dung quản lý dạy học ngoại ngữ trong nhà trường với các hình thức, phương pháp quản lý cụ thể...giúp tác giả có cơ sở, điểm tựa lý luận để nghiên cứu làm rõ hướng tiếp cận về quản lý dạy học tiếng Anh ở các trường đại học đáp ứng chuẩn đầu ra trong đề tài luận án có cơ sở khoa học hơn.
Ở Việt Nam, về góc độ quản lý dạy học đã có nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục nghiên cứu về quản lý nhà trường, trong đó có quản lý dạy học, nó được coi là nhiệm vụ trọng tâm của người quản lý ở cơ sở giáo dục, đồng thời là nội dung quan trọng trong quản lý trường học. Trong thực hiện mục tiêu đào tạo, quản lý dạy học là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường, thực chất là quản lý quá trình lao động sư phạm của người thầy. Theo các tác giả Bùi Minh Hiền, Nguyễn Vũ Bích Hiền (2015), quản lý dạy học là quản lý các thành tố: mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức, cơ sở vật chất, lực lượng đánh giá kết quả và môi trường dạy học. Nội dung quản lý dạy học bao gồm: quản lý quy chế chuyên môn; quản lý tổ chức nhân lực dạy học;
quản lý việc huy động và sử dụng tài lực; vật lực; quản lý môi trường dạy học và quản lý sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học...Các tác giả đặc biệt nhấn mạnh mục đích quản lý dạy học chính là chất lượng dạy học, trong đó nhà quản lý đóng vai trò quan trọng, lấy việc quản lý hoạt động dạy và học của người dạy, người học làm trọng tâm…[39]. Các kết quả nghiên cứu về quản lý dạy học của các nhà khoa học giáo dục, đã tạo cơ sở khoa học sư phạm cho các công trình nghiên cứu về quản lý dạy học ngoại ngữ nói chung, quản lý dạy học môn tiếng Anh nói riêng.
Qua tổng quan cho thấy: Nghiên cứu về quản lý dạy học ngoại ngữ cũng như môn tiếng Anh, là vấn đề chưa được các tác giả trong nước quan tâm nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dạy học, quản lý dạy học ngoại ngữ, trong đó có môn tiếng Anh ở các cấp học, nhất là bậc đại
học, những năm gần đây có một số công trình nghiên cứu dưới dạng đề tài luận án tiến sĩ, cụ thể như: Tác giả Ngô Đức Quyết (2006), có công trình nghiên cứu về: “Giải pháp tổ chức bồi dưỡng năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giảng viên đại học trong nghiên cứu khoa học giai đoạn hiện nay”[64].Trong công trình nghiên cứu này, tác giả đã nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của tổ chức bồi dưỡng năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giảng viên đại học trong nghiên cứu khoa học; từ đó đề xuất các giải pháp tổ chức trong thực tiễn. Theo tác giả, hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trung tâm của người giảng viên đại học; điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học là năng lực sử dụng ngoại ngữ của mỗi giảng viên. Hàng năm, các trường đại học bên cạnh việc giao nhiệm vụ, chỉ tiêu nghiên cứu khoa học cho giảng viên, động viên, khích lệ họ, thì còn phải tổ chức triển khai thực hiện bồi dưỡng năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giảng viên với các giải pháp cụ thể, khả thi và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm và nhu cầu của giảng viên từng chuyên ngành đào tạo của nhà trường trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay [64].
Bàn về “Quản lý hoạt động dạy học ngoại ngữ ở các trường đại học hiện nay”, tác giả Đậu Thị Giang Minh (2017) chỉ rõ vấn đề cốt lõi trong quản lý của các chủ thể là: Quản lý xây dựng, thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung dạy học ngoại ngữ; cùng với quản lý hoạt động dạy và học của giảng viên, sinh viên với hình thức, phương pháp dạy học đa dạng, phong phú, tích cực và đánh giá kết quả học tập khách quan, chính xác...Trên tinh thần đó, tác giả nghiên cứu làm rõ thực trạng và đưa ra các biện pháp nhằm quản lý hiệu quả quá trình dạy học ngoại ngữ ở các trường đại học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các trường đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế [57].
Trong công trình nghiên cứu về “Biện pháp quản lý đào tạo hệ bằng kép tại trường đại học ngoại ngữ” (2010), tác giả Nguyễn Việt Hùng đã khái quát cơ sở lý luận về quản lý đào tạo hệ bằng kép; nhất là làm rõ bức tranh thực trạng về
quản lý đào tạo hệ bằng kép tại trường đại học ngoại ngữ, từ công tác quản lý việc xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo đến thực trạng công tác tổ chức các nguồn lực phục vụ cho đào tạo, chỉ đạo triển khai hoạt động đào tạo và quản lý khâu đánh giá kết quả…Từ đó tác giả đề xuất những giải pháp phù hợp với đặc thù tại trường đại học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu phát của nhà trường trong trong thời kì mới [44]. Gần đây cũng tại nhà trường, tác giả Nguyễn Thị Thúy (2018) nghiên cứu đề tài: “Đổi mới phương thức dạy học ngoại ngữ tại các trường đại học - Cơ hội và thách thức”. Trong công trình nghiên cứu này, kết quả nghiên cứu đã làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến phương thức dạy học ngoại ngữ và nội dung đổi mới các phương thức đó; đặc biệt tác giả đã khái quát chỉ rõ những cơ hội của các loại hình trường đại học hiện nay ở nước ta, cùng với những thách thức đang đặt ra cho các nhà trường trong dạy học ngoại ngữ và thực hiện đổi mới phương thức dạy học ngoại ngữ tại các trường. Đồng thời tác giả thực hiện khảo sát, phân tích đánh giá làm rõ thực trạng vấn đề nghiên cứu, khái quát các nguyên nhân hạn chế, từ đó đưa ra các giải pháp đổi mới phương thức dạy học ngoại ngữ tại các trường đại học phù hợp với các loại hình trường đại học ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, do phạm vi nội dung nghiên cứu nên trong công trình này tác giả chưa khái quát chuẩn đầu ra môn tiếng Anh cho các trường đại học không chuyên ngữ; song những kết quả đạt được đã tạo cơ hội cho sự kế thừa, phát triển trong đề tài luận án này [69].
Về các bài báo khoa học những năm gần đây liên quan đến quản lý dạy học ngoại ngữ ở các cấp học khác nhau, tác giả đã tổng hợp ở tài liệu tham khảo của luận án như: [52], [53], [62], [63]…Kết quả nghiên cứu các công trình khoa học đó đã làm rõ hơn vấn đề: Phát triển nhận thức giao lưu văn hóa khi dạy học ngoại ngữ trong bối cảnh toàn cầu hóa; nghiên cứu làm rõ ảnh hưởng của thủ pháp đóng vai trong gây hứng thú cho sinh viên học môn nói B1 tiếng Anh; làm rõ vấn đề quản lý chất lượng dạy học ngoại ngữ ở Trường đại học Điện lực; nghiên cứu làm rõ nội dung của hoạt động tổ chức đánh giá và
khuyến khích giáo viên tiếng Anh đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông...
Kết quả nghiên cứu của các bài báo khoa học trên, với cách tiếp cận và nhà trường, cấp học khác nhau nên sự phân tích, luận giải các vấn đề cũng có những nét đặc thù riêng. Tuy nhiên, ở những công trình nghiên cứu đó, các tác giả đều thực hiện hệ thống, khái quát hóa làm rõ những vấn đề lý luận quản lý dạy học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng, như các khái niệm, đặc điểm hoặc nội dung, yếu tố tác động đến quản lý dạy và học môn tiếng Anh phù hợp với từng trường cụ thể. Từ đó đứng trên góc độ khác nhau để đề xuất các biện pháp, giải pháp có tính khả thi, phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, nhưng đều tập trung vào mục tiêu chung là nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh trong nhà trường các cấp. Kết quả nghiên cứu các công trình khoa học trên, đã tạo điểm tựa chỉ dẫn tác giả luận án tiếp cận vấn đề nghiên cứu để kế thừa, phát triển trong quá trình thực hiện đề tài luận án quản lý dạy học môn tiếng Anh ở các trường đại học đáp ứng chuẩn đầu ra.
Tóm lại: Từ tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về dạy học môn tiếng Anh và quản lý dạy học môn tiếng Anh trong nhà trường cho thấy, hướng nghiên cứu này tuy được chú ý, song chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu về quản lý dạy học môn tiếng Anh ở các trường đại học đáp ứng chuẩn đầu ra. Nhất là chưa làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn; từ đó đề xuất các giải pháp, biện pháp quản lý dạy học môn tiếng Anh ở các trường đại học không chuyên ngữ đáp ứng chuẩn đầu ra. Vì vậy, rất cần có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về hướng này trên cơ sở kế thừa, tiếp tục nghiên cứu để đưa ra biện pháp quản lý khả thi cho đề tài.