Khái quát về tổ chức dạy học ngoại ngữ ở một số trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội và nghiên cứu khảo sát thực trạng

Một phần của tài liệu Quản lý dạy học môn tiếng anh ở các trường đại học đáp ứng chuẩn đầu ra (Trang 76 - 83)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

3.1. Khái quát về tổ chức dạy học ngoại ngữ ở một số trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội và nghiên cứu khảo sát thực trạng

3.1.1. Khái quát về tổ chức dạy học ngoại ngữ ở một số trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội

3.1.1.1. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Khoa, Trung tâm ngoại ngữ ở một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội

Từ kết quả khảo sát ở (Phụ lục 2) cho thấy:

Về cơ cấu tổ chức: Hiện tại một số trường đại học không chuyên ngữ trên địa bàn thành phố Hà Nội, tùy theo chức năng, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của nhà trường, việc dạy ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng do Khoa ngoại ngữ, hoặc Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học hoặc Bộ môn đảm nhiệm. Ví dụ: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Thủ Đô…có Khoa Ngoại ngữ; còn Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW…có Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học; và Đại học Điện lực…có Bộ môn Ngoại ngữ.

Mặc dù tên gọi khác nhau, song các Trường đều xác định đây là đơn vị trực thuộc Trường; chịu trách nhiệm trước Ban Giám hiệu về thực hiện nhiệm vụ trung tâm là giảng dạy các chương trình, nội dung tiếng nước ngoài cho sinh viên của Trường, trong đó có tiếng Anh theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Về chức năng, nhiệm vụ của Khoa, Trung tâm, Bộ môn Ngoại ngữ: để thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là giảng dạy các chương trình, nội dung tiếng nước ngoài cho sinh viên của Trường; các đơn vị này còn phải tổ chức quản lý, thực hiện giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên của mình; phối hợp các đơn vị trong trường thực hiện công tác quản lý và giảng dạy ngoại ngữ theo kế hoạch đào tạo của trường. Xây dựng quan hệ hợp tác với các đơn vị, cá nhân trong và ngoài trường, trong và ngoài nước theo đúng quy định hiện hành của pháp

luật. Các Khoa, Trung tâm Ngoại ngữ ở một số trường (như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực…) còn được giao nhiệm vụ trở thành trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài, giới thiệu ngôn ngữ Việt Nam ra thế giới, nhằm đáp ứng đòi hỏi, nhu cầu quan hệ hợp tác đa dạng ngày càng cao trong xu thế hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực cho chiến lược phát triển của nhà trường.

Ngoài ra các Khoa, Trung tâm Ngoại ngữ ở một số trường còn được giao nhiệm vụ: Tham mưu cho Ban Giám hiệu về việc giảng dạy, cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho học viên của Trung tâm đã hoàn thành chương trình đào tạo và bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT và tiêu chuẩn quốc tế hiện hành. Thực hiện chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên và các đối tượng khác khi có nhu cầu. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho người học theo chương trình chuyên và không chuyên. Tổ chức đánh giá trình độ ngoại ngữ cho người học các trình độ trong và ngoài Trường đạt chuẩn theo quy định; phối hợp với các tổ chức, cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước để đánh giá trình độ ngoại ngữ cho người học đạt chuẩn theo quy định hiện hành. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo hợp đồng và bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ cho các tổ chức, cá nhân. Phối hợp với các tổ chức, cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước để xây dựng chương trình, liên kết đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ không chuyên đạt các trình độ ngoại ngữ khác nhau...

Như vậy, với chức năng, nhiệm vụ của các Khoa, Trung tâm, Bộ môn Ngoại ngữ ở một số trường đại học không chuyên ngữ như trên cho thấy, các đơn vị này không chỉ có nhiệm vụ phối hợp các lực lượng sư phạm trong trường thực hiện công tác quản lý và giảng dạy các chương trình ngoại ngữ theo kế hoạch đào tạo của trường, mà còn phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác do Trường giao cho; điều đó sẽ ảnh hưởng chi phối trực tiếp đến công tác quản lý dạy và học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng của giảng viên, sinh viên.

3.1.1.2. Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên tham gia dạy tiếng Anh của một số trường đại học không chuyên ngữ trên địa bàn thành phố Hà Nội

Về số lượng và chất lượng: Kết quả khảo sát ở (Phụ lục 2) cho thấy:

Về đội ngũ cán bộ quản lý: Các trường có Khoa Ngoại ngữ thì CBQL là Trưởng Khoa, Phó Khoa và Trưởng Bộ môn. Còn các trường có Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và Bộ môn Ngoại ngữ thì CBQL là Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm, Trưởng Bộ môn, Phó Bộ môn…và họ là những người chịu trách nhiệm trước Ban Giám hiệu nhà trường về quản lý dạy và học ngoại ngữ của giảng viên, sinh viên. Về chất lượng đội ngũ CBQL này hiện nay ở các Trường Đại học không chuyên ngữ hầu hết đều có học vị tiến sĩ, một số có học hàm Phó Giáo sư…đủ điều kiện quản lý hoạt động dạy và học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng trong nhà trường và thực hiện các nhiệm vụ nhà trường giao cho như trình bày trên.

Về đội ngũ giảng viên tiếng Anh: Đại học Kinh tế quốc dân là 29, trong đó 01 Phó Giáo sư, 02 tiến sĩ và 26 thạc sĩ; Đại học Công nghiệp Hà Nội: có 25 giảng viên tiếng Anh, trong đó 06 tiến sĩ và 19 thạc sĩ; Đại học Thủ Đô có 30 giảng viên tiếng Anh, trong đó 04 tiến sĩ và 26 thạc sĩ; còn Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW có 9 giảng viên tiếng Anh, trong đó 03 tiến sĩ và 6 thạc sĩ; và Đại học Điện lực có 16 giảng viên tiếng Anh, trong đó 01 tiến sĩ và 15 thạc sĩ…Tuổi đời trung bình của giảng viên tiếng Anh cơ hữu của các trường trên dao động từ 38 – 42 tuổi; họ luôn năng động, nhiệt huyết và trách nhiệm cao tring giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hầu hết giảng viên có trình độ Thạc sĩ, đạt chuẩn về năng lực Ngoại ngữ và chuyên môn, được đào tạo ở các cơ sở uy tín trong và ngoài nước. Hiện tại nhiều giảng viên trong các Khoa ngoại ngữ đang làm nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài. Cán bộ quản lý và giảng viên trong các Khoa, Trung tâm Ngoại ngữ luôn tích cực phấn đấu giảng dạy tốt, nghiên cứu khoa học hiệu quả để góp phần xây dựng nhà Trường trở thành trung tâm đào tạo kỹ sư các ngành có

chất lượng tốt, có đẳng cấp trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra một số CBQL và giảng viên còn tham gia công tác biên soạn tài liệu, phiên dịch phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của nhà trường...

Với số lượng và chất lượng của đội ngũ CBQL Khoa, Trung tâm ngoại ngữ và giảng viên tiếng Anh ở một số trường đại học không chuyên ngữ như trên cho thấy, những thuận lợi là cơ bản trong tổ chức thực hiện quản lý và giảng dạy các chương trình ngoại ngữ theo kế hoạch đào tạo của trường.

Tuy nhiên, nó cũng đặt ra không ít những khó khăn cho công tác quản lý dạy và học tiếng Anh của giảng viên, sinh viên các Trường hiện nay.

3.1.1.3. Số lượng sinh viên trúng tuyển của một số trường đại học không chuyên ngữ trên địa bàn thành phố Hà Nội những năm gần đây

Kết quả khảo sát ở (Phụ lục 2) cho thấy: Trường Đại học kinh tế quốc dân: Năm học 2017 -2018 số lượng sinh viên trúng tuyển là (4.800), năm học 2018-2019 là (5.500) và năm học 2019 -2020 là (5.650). Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: năm học 2017 -2018 số lượng sinh viên trúng tuyển là (5.940), năm học 2018-2019 là (9.845) và năm học 2019 -2020 là (7.120). Trường Đại học Điện lực: Năm học 2017-2018 số lượng sinh viên trúng tuyển là (2.120), năm học 2018-2019 là (2.910) và năm học 2019 - 2020 là (2.845). Trường Đại học Thủ Đô: Năm học 2017 -2018 số lượng sinh viên trúng tuyển là (1.120), năm học 2018-2019 là (1.150) và năm học 2019 -2020 là (1.450). Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW: Năm học 2017 - 2018 số lượng sinh viên trúng tuyển là (702), năm học 2018-2019 là (982) và năm học 2019 -2020 là (779)...

Kết quả tổng hợp các số liệu trên cho thấy, số lượng sinh viên trúng tuyển vào học ở một số trường đại học không chuyên ngữ tăng lên hàng năm; điều đó đương nhiên sẽ tạo áp lực lớn cho các Khoa, Trung tâm, Bộ môn Ngoại ngữ của các Trường trong thực hiện nhiệm vụ dạy học và quản lý dạy học tiếng Anh, nhất là khi các nguồn lực chưa được đầu tư, phát

triển và đảm bảo. Do áp lực về lưu lượng sinh viên của từng khóa tăng lên, số lớp học và sĩ số sinh viên/ lớp cũng tăng theo; số lượng giảng viên cơ hữu không thể đáp ứng nhu cầu giảng dạy, buộc các Trường phải mời giảng viên thỉnh giảng để thực hiện nhiệm vụ được giao. Điều đó sẽ ảnh hưởng và tạo ra những khó khăn, bất cập trong thực hiện các nội dung quản lý dạy học tiếng Anh ở các trường như: quản lý hồ sơ chuyên môn, quản lý hoạt động dạy và học của giảng viên, sinh viên, chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, việc sử dụng CSVC, thiết bị kỹ thuật trong dạy học...

Tóm lại, các đặc điểm về tổ chức dạy học ngoại ngữ của một số trường đại học không chuyên ngữ trên địa bàn thành phố Hà Nội trình bày trên như:

cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các Khoa, Trung tâm, Bộ môn Ngoại ngữ và số, chất lượng đội ngũ CBQL, giảng viên và số lượng sinh viên trúng tuyển những năm gần đây của các trường…đặt ra cho công tác quản lý dạy học môn tiếng Anh đáp ứng chuẩn đầu ra có những thuận lợi cơ bản và không ít những khó khăn, bất cập phải giải quyết; điều đó cần phải được khảo sát cụ thể về thực trạng để có cơ sở giúp đề xuất các biện pháp nhằm quản lý dạy học môn học này có hiệu quả hơn.

3.1.2. Tổ chức nghiên cứu khảo sát thực trạng 3.1.2.1. Mục đích khảo sát đánh giá

Qua kết quả khảo sát đánh giá, để làm rõ bức tranh thực trạng dạy học và quản lý dạy học môn tiếng Anh ở một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội đáp ứng chuẩn đầu ra, từ đó tìm ra nguyên nhân hạn chế, làm cơ sở đề xuất các nhóm giải pháp quản lý dạy học môn tiếng Anh đáp ứng chuẩn đầu ra ở một số trường đại học hiện nay.

3.1.2.2. Nội dung khảo sát đánh giá

Để đánh giá thực trạng vấn đề nghiên cứu, tác giả xây dựng bộ phiếu hỏi dành cho cán bộ QLGD, giảng viên, sinh viên tham gia dạy và học, quản lý dạy học môn tiếng Anh ở một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nội dung khảo sát tập trung vào các vấn đề như:

- Thực trạng dạy học môn tiếng Anh ở một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội;

- Thực trạng quản lý dạy học môn tiếng Anh ở một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội; tác giả tập trung khảo sát các nội dung sau:

Thực trạng quản lý giảng dạy học môn tiếng Anh của giảng viên;

Thực trạng quản lý họat động học tập môn tiếng Anh của sinh viên;

Thực trạng đảm bảo các điều kiện cho dạy học môn tiếng Anh ở một số trường đại học.

Thực trạng các yếu tố tác động ảnh hưởng đến quản lý dạy học môn tiếng Anh ở một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

3.1.2.3. Phương pháp đánh giá

Phương pháp quan sát, tiến hành quan sát hoạt động quản lý của các chủ thể trong quản lý dạy học môn tiếng Anh ở một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội đáp ứng chuẩn đầu ra.

Phương pháp đàm thoại: NCS đã tiến hành trao đổi, phỏng vấn một số cán bộ quản lý các khoa, trung tâm ngoại ngữ, giảng viên và sinh viên tham gia dạy và học môn tiếng Anh ở một số trường đại học không chuyên ngữ những năm qua.

Phương pháp điều tra bằng phiếu, điều tra bằng phiếu hỏi với đại diện của 3 nhóm đối tượng là: cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên ở 06 Trường đại học không chuyên ngữ là: Đại học Điện lực; Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW; Đại học kinh tế quốc dân, Đại học khoa học xã hội nhân văn và Đại học Thủ Đô.

Phương pháp tổng kết kinh nghiệm, nghiên cứu các báo cáo của một số Trường về đánh giá kết quả dạy và học, quản lý dạy học môn tiếng Anh đáp ứng chuẩn đầu rahàng năm, kinh nghiệm, bài học được rút ra sau mỗi khóa đào tạo, làm cơ sở để đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp và có hiệu quả.

Phương pháp chuyên gia, lựa chọn chuyên gia là những cán bộ lãnh đạo, quản lý khoa và trung tâm ngoại ngữ hiện đang công tác tại Đại học khoa học xã hội nhân văn; Đại học Kinh tế quốc dân; Đại học Điện lực; Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW và Đại học Thủ Đô, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia là giảng viên đang giảng dạy tại các trường trên.

Phương pháp nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu các công văn chỉ đạo, báo cáo tổng kết của các nhà trường, các hồ sơ kết quả học tập của sinh viên và giáo án giảng dạy của giảng viên; nhằm phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa và khái quát hóa các nội dung thực tiễn liên quan đến đề tài.

3.1.2.4. Khách thể, địa bàn và thời gian khảo sát đánh giá Khách thể khảo sát

Đối tượng khảo sát là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên ở các Khoa, Bộ môn ngoại ngữ và sinh viên hệ chính quy của một số trường đại học không chuyên ngữ trên địa bàn thành phố Hà Nội như trên. Cụ thể, tổng số lượng khách thể khảo sát là 520, trong đó cán bộ quản lý là 60; đội ngũ giảng viên là 160 và 300 sinh viên.

Địa bàn và thời gian khảo sát

Tiến hành khảo sát ở 05 trường đại học không chuyên ngữ trên địa bàn thành phố Hà Nội là: Đại học Kinh tế quốc dân; Đại học Điện lực; Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW và Đại học Thủ Đô, Từ tháng 10/2017 đến 6/2019.

3.1.2.5. Phương pháp xử lý số liệu

Các câu hỏi khảo sát được xác định ở 4 mức độ và được quy định cụ thể như sau: Mức 1 ( Rất cần thiết, Tốt và Rất ảnh hưởng: 4 điểm); Mức 2 (Cần thiết, Khá và Ảnh hưởng: 3 điểm); Mức 3 (Ít cần thiết, Trung bình và ít ảnh hưởng: 2 điểm); Mức 4 (Không cần thiết, Yếu và Không ảnh hưởng:1 điểm).

Khoảng phân biệt giữa các mức độ là 0,6 [theo công thức (Max – Min)/n].

Như vậy, ĐTB (X ) quy ước cho các mức độ từ thấp đến cao là:

- Mức thấp:

- Mức Trung bình:

- Mức Khá:

- Mức Tốt:

1,6 ≤ X ≤ 2,2 2,2 < X ≤ 2,8 2,8 < X ≤ 3,4 3,4 < X ≤ 4,0

Ở mỗi mức tính tổng điểm (X), tính tổng điểm các mức (∑) và điểm trung bình (X ) sau đó xếp theo thứ bậc để đánh giá mức độ đạt được của mỗi nội dung khảo sát. Phương pháp xử lý số liệu, ngoài tính điểm trung bình, chúng tôi còn tính % để so sánh số liệu thu được của từng đối tượng: cán bộ quản lý; giảng viên và sinh viên để làm cơ sở so sánh, đánh giá kết quả khảo sát của từng nội dung;

tùy theo tính chất câu hỏi để đưa ra mức độ đánh giá phù hợp với nội dung hỏi.

Riêng về thực trạng dạy học môn tiếng Anh...chúng tôi tách phiếu khảo sát của sinh viên riêng để phân tích rõ hơn và so sánh % và điểm trung bình ở từng nội dung khảo sát giữa CBQL, giảng viên và sinh viên. Còn về thực trạng quản lý dạy học môn tiếng Anh chúng tôi gộp chung cả 3 đối tượng khảo sát để có tỷ lệ chung về từng nội dung khảo sát, không tách riêng vì xét thấy không cần thiết.

Các phương pháp xử lý số liệu về định lượng, định tính cho phép kết luận đủ độ tin cậy và có giá trị về mặt khoa học; và kết quả xử lý thống kê các số liệu nghiên cứu cùng với các phương pháp khảo sát khác sẽ làm rõ hơn thực trạng dạy học và quản lý dạy học môn tiếng Anh ở các trường đại học nêu trên.

Một phần của tài liệu Quản lý dạy học môn tiếng anh ở các trường đại học đáp ứng chuẩn đầu ra (Trang 76 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(211 trang)