CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI NGUỒN VỐN ODA TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN
1.1. Cơ sở lý luận về quản lý hoạt động tín dụng đối với nguồn vốn ODA tại ngân hàng phát triển
1.1.2. Khái niệm và phương thức tài trợ, cho vay lại nguồn vốn ODA đối với các tổ chức tín dụng
1.1.2.1. Khái niệm nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
Để hiểu được đúng đắn bản chất của ODA và vận dụng nó có hiệu quả, chúng ta cần nghiên cứu kỹ hoàn cảnh ra đời và quá trình phát triển của nó.
ODA ra đời sau chiến tranh thế giới thứ II cùng với kế hoạch Marshall, để giúp các nước Châu Âu phục hồi các ngành công nghiệp bị chiến tranh tàn phá. Để tiếp nhận viện trợ của kế hoạch Marshall, các nước Châu Âu đã đưa ra một chương trình phục hồi kinh tế có sự phối hợp và thành lập một tổ chức hợp tác kinh tế Châu Âu, nay là (OECD).
Trong khuôn khổ hợp tác phát triển các nước OECD đã lập ra những
uỷ ban chuyên môn, trong đó có Uỷ ban viện trợ phát triển (DAC) nhằm giúp các nước đang phát triển trong việc phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả đầu tư. ODA bao gồm viện trợ không hoàn lại là 25%, còn 75% là cho vay. Lợi thế khi vay nguồn viện trợ ODA là nguồn vốn khá lớn, điều kiện vay thuận lợi, lãi suất thấp. ODA là nguồn vốn rất quan trọng đối với các nước đang phát triển.
Cho đến nay chưa có định nghĩa hoàn chỉnh về ODA, nhưng sự khác biệt giữa các định nghĩa không nhiều, có thể thấy điều này qua một số khái niệm sau:
Khái niệm ODA được Ủy ban Hỗ trợ phát triển của OECD đề cập vào năm 1969: “ODA là nguồn vốn hỗ trợ chính thức từ bên ngoài bao gồm các khoản viện trợ và cho vay với các điều kiện ưu đãi” (R. Lensink và O.
Morrissey, 2000). ODA được hiểu là nguồn vốn dành cho các nước đang và kém phát triển được các cơ quan chính thức của các Chính phủ hoặc các cơ quan thừa hành của Chính phủ, các tổ chức liên Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ tài trợ. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) thì hỗ trợ phát triển chính thức bao gồm các khoản viện trợ không hoàn lại cộng với các khoản vay có thời gian dài và lãi suất thấp hơn so với mức lãi suất thị trường. Mức độ ưu đãi của một khoản vay được đo lường bằng yếu tố cho không (grand element).
Một khoản tài trợ không phải hoàn trả sẽ có yếu tố cho không 100%, gọi là các khoản viện trợ không hoàn lại. Một khoản vay ưu đãi được coi là ODA phải có yếu tố cho không ít nhất là 25%.
Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cũng đã đưa ra quan điểm: ODA bao gồm các khoản cho không và các khoản vay đối với các nước đang phát triển, đó là nguồn vốn do các bộ phận chính thức cam kết (nhà tài trợ chính thức), nhằm mục đích cơ bản là phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội và được cung cấp bằng các điều khoản tài chính ưu đãi (UNDP, 2001).
Nghị định 16/2016/NĐ-CP, ngày 16/3/2016 của Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra khái niệm: ODA là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, bao gồm viện trợ không hoàn lại và vốn vay ODA với mức ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ, đảm bảo yếu tố không hoàn lại đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có ràng buộc và 25% đối với khoản vay không ràng buộc.
Như vậy, về bản chất: “ODA là nguồn vốn của nước tiếp nhận, được chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia, tổ chức được chính phủ nước ngoài ủy quyền viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay với các điều kiện ưu đãi nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các nước chậm hoặc đang phát triển”. Một khoản tài trợ được coi là ODA nếu đáp ứng được đầy đủ 3 điều kiện sau: Một là, được các tổ chức chính thức hoặc đại diện của các tổ chức chính thức viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay với điều kiện ưu đãi. Hai là, mục tiêu chính là giúp các nước được tài trợ phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi xã hội. Ba là, yếu tố hỗ trợ phải đạt ít nhất 25% đối với khoản vay. Yếu tố hỗ trợ, còn được gọi là yếu tố không hoàn lại, là một chỉ số biểu hiện tính ưu đãi của ODA so với các khoản vay thương mại. Chỉ tiêu này được xác định dựa trên tổ hợp các yếu tố như lãi suất, thời gian ân hạn, thời gian vay, số lần trả nợ và tỷ lệ chiết khấu.
Với đặc tính là khoản tài trợ ưu đãi, vốn ODA đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của các nước tiếp nhận. Vốn ODA giúp các nước tiếp nhận: (1) phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (2) tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội của các ngành và lĩnh vực; (3) thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo; (4) bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; (5) tăng cường năng lực con người; phát triển công nghệ; (6) nghiên cứu và xây dựng chính sách phát triển, cải cách hành chính,
xây dựng hệ thống pháp luật; và (7) bổ sung ngoại tệ quan trọng làm lành mạnh cán cân thanh toán quốc tế.
1.1.2.2. Đặc điểm và phân loại vốn ODA a. Đặc điểm
Vốn ODA là sự chuyển giao không hoàn lại hoặc có hoàn lại với những điều kiện ưu đãi nhất định từ một phần tổng sản phẩm quốc dân của nước phát triển sang các quốc gia đang phát triển và kém phát triển, trong đó chủ sở hữu vốn không trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động sử dụng vốn. Từ kết quả của viện trợ quốc tế có thể thấy các đặc điểm của vốn ODA như sau:
Thứ nhất, Vốn ODA có tính ưu đãi
Đặc điểm cơ bản của ODA được thể hiện có tính chất ưu đãi cao. Ngoài ưu đãi ở việc có khoản không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi còn được hưởng chế độ ưu đãi như: thời gian cho vay (hoàn trả vốn dài), thời gian ân hạn dài.
Chẳng hạn, vốn ODA của WB, ADB, JBIC có thời gian hoàn trả là 40 năm và thời gian ân hạn là 10 năm, lãi suất thấp, thường dưới 3%/năm. Lịch trả nợ cũng đa dạng, nhiều giai đoạn, được áp dụng những tỷ lệ trả nợ khác nhau. Sự ưu đãi còn thể hiện ở chỗ vốn ODA chỉ dành riêng cho các nước đang và chậm phát triển, vì mục tiêu phát triển.
Ngay trong các khái niệm về nguồn vốn ODA đã cho thấy nguồn vốn ODA mang nhiều yếu tố ưu đãi so với các nguồn vốn khác: Tính ưu đãi thể hiện ở phần viện trợ không hoàn lại. Còn phần cho vay chủ yếu là vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn các khoản vay thông thường rất nhiều (thường dưới 3%), thời gian ân hạn và thời gian trả nợ dài. Một khoản vay ODA thường có thời gian sử dụng vốn dài, thường 30-40 năm, gồm 2 phần: thời gian ân hạn (từ 5- 10 năm) và thời gian trả nợ (gồm nhiều giai đoạn và những tỷ lệ trả nợ khác nhau ở tong giai đoạn).
Khoản 23 Điều 3 Nghị định 16/2016/NĐ-CP cũng thể hiện rõ tính ưu đãi: Vốn ODA, vốn vay ưu đãi là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung
cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, bao gồm: a) Vốn ODA viện trợ không hoàn lại là loại vốn ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài; b) Vốn vay ODA là loại vốn ODA phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài với mức ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ, bảo đảm yếu tố không hoàn lại đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có ràng buộc và 25% đối với khoản vay không ràng buộc. Phương pháp tính yếu tố không hoàn lại nêu tại Phụ lục I của Nghị định này; c) Vốn vay ưu đãi là loại vốn vay có mức ưu đãi cao hơn so với vốn vay thương mại, nhưng yếu tố không hoàn lại chưa đạt tiêu chuẩn của vốn vay ODA được quy định tại điểm b khoản này.
Sự ưu đãi còn thể hiện ở chỗ vốn ODA chỉ dành riêng cho các nước đang và chậm phát triển, vì mục tiêu phát triển. Có hai điều kiện cơ bản nhất để các nước đang và chậm phát triển có thể nhận được ODA là:
Điều kiện thứ nhất: Tổng sản phẩm quốc nội(GDP) bình quân đầu người thấp. Nước có GDP bình quân đầu người càng thấp thì thường được tỷ lệ viện trợ không hoàn lại của ODA càng lớn và khả năng vay với lãi suất thấp và thời hạn ưu đãi càng lớn.
Điều kiện thứ hai: Mục tiêu sử dụng vốn ODA của các nước này phải phù hợp với chính sách và phương hướng ưu tiên xem xét trong mối quan hệ giữa bên cấp và bên nhận ODA. Thông thường các nước cung cấp ODA đều có những chính sách và ưu tiên riêng của mình, tập trung vào một số lĩnh vực mà họ quan tâm hay có khả năng kỹ thuật và tư vấn. Đồng thời, đối tượng ưu tiên của các nước cung cấp ODA cũng có thể thay đổi theo từng giai đoạn cụ thể. Vì vậy, nắm bắt được xu hướng ưu tiên và tiềm năng của các nước, các tổ chức cung cấp ODA là rất cần thiết.
Về thực chất, ODA là sự chuyển giao có hoàn lại hoặc không hoàn lại trong những điều kiện nhất định một phần tổng sản phẩm quốc dân từ các
nước phát triển sang các nước đang phát triển. Do vậy, ODA rất nhạy cảm về mặt xã hội và chịu sự điều chỉnh của dư luận xã hội từ phía nước cung cấp cũng như từ phía nước tiếp nhận ODA.
Thứ hai, Vốn ODA mang tính ràng buộc
Vốn ODA có thể ràng buộc (ràng buộc một phần hoặc không ràng buộc) nước nhận về địa điểm chi tiêu. Ngoài ra mỗi nước cung cấp viện trợ cũng đều có những ràng buộc khác và nhiều khi các ràng buộc này có mối liên hệ rất chặt chẽ đối với nước nhận. Ví dụ như Nhật Bản luôn quy định vốn ODA của Nhật đều được thực hiện bằng đồng Yên Nhật (JPY).
Hầu hết các nước viện trợ nói chung đều có mục đích và những ràng buộc nhất định áp đặt cho nước nhận vốn nhằm đạt được những ảnh hưởng về kinh tế, chính trị... Lúc đầu, Mỹ viện trợ cho các nước Châu Âu (nước Tư bản chủ nghĩa) để ngăn chặn sự ảnh hưởng của Liên Xô và các nước XHCH. Tuy nhiên, kể từ đầu thập kỷ 90, khi mà các nước XHCN ở Đông Âu thay đổi thể chế chính trị thì các nước phương Tây cũng đã cung cấp ODA, tạo điều kiện cho các nước này chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Ví dụ, Nhật nặng về viện trợ cho các nước Châu á, Đức và Áo dành phần lớn viện trợ cho các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, Mỹ lại rất quan tâm đến Trung Đông. Như vậy là ngay từ khi sinh ra, ODA đã mang trong mình tính ràng buộc về chính trị.
ODA gắn với điều kiện kinh tế: Các nước viện trợ nói chung đều muốn đạt được những ảnh hưởng về kinh tế, đem lại lợi nhuận cho hàng hoá, dịch vụ trong nước. Họ gắn quỹ viện trợ với việc mua hàng hoá và dịch vụ trong nước của họ. Việc này đã giúp cho việc tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ trong nước, làm chủ thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, ODA còn dọn đường cho nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào các nước nhận viện trợ.
ODA gắn liền với nhân tố xã hội. Uỷ ban Châu Âu chứng minh được rằng 90% dân chúng coi vấn đề phát triển là rất quan trọng. 80% dân chúng Châu Âu cho rằng phải tăng ngân sách phát triển của liên minh Châu Âu (EU).
ở các nước có ODA dưới 0.7% GNP, hơn 70% dân chúng cho rằng Chính phủ nên tăng ngân sách viện trợ phát triển của nước mình. Nhật Bản, một nước cấp viện trợ lớn nhất Thế giới, 47% số người được hỏi muốn duy trì mức viện trợ hiện tại và 33% muốn tăng hơn nữa.
Trong các dự án ODA, nhà tài trợ thường đưa ra các điều kiện ràng buộc nhất định. Đó có thể là những ràng buộc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế - xã hội...Những ràng buộc đó có thể là ràng buộc người sử dụng, chỉ được mua sắm hàng hóa, thuê chuyên gia, thuê thầu... theo chỉ định hoặc những ràng buộc gắn với mục đích sử dụng như chỉ được sử dụng cho một số mục đích nhất định hay đối tượng hưởng lợi nào đó qua các chương trình, dự án...Viện trợ của các nước phát triển không chỉ đơn thuần là việc trợ giúp hữu nghị mà còn là một công cụ lợi hại để thiết lập và duy trì lợi ích kinh tế và vị thế chính trị cho các nước tài trợ. Những nước cấp tài trợ đòi hỏi nước tiếp nhận phải thay đổi chính sách phát triển cho phù hợp với lợi ích của bên tài trợ. Khi nhận viện trợ các nước nhận cần cân nhắc kỹ lưỡng những điều kiện của các nhà tài trợ, không vì lợi ích trước mắt mà đánh mất những quyền lợi lâu dài. Quan hệ hỗ trợ phát triển phải đảm bảo tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.
Thứ ba, ODA có khả năng gây nợ
Khi tiếp nhận và sử dụng vốn ODA do tính chất ưu đãi nên gánh nặng nợ thường chưa xuất hiện. Một số nước do không sử dụng
hiệu quả ODA có thể tạo nên sự tăng trưởng nhất thời nhưng sau một thời gian lại lâm vào vòng nợ nần do không có khả năng trả nợ. Vấn đề ở chỗ
vốn ODA không có khả năng đầu tư trực tiếp cho sản xuất, nhất là cho xuất khẩu trong khi việc trả nợ lại dựa vào xuất khẩu thu ngoại tệ. Vốn ODA chủ yếu được dùng để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, là những lĩnh vực phi sản xuất vật chất nên hiệu quả nó mang lại là gián tiếp, có tính chất hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước. Trong
khi đó số nợ nần của ODA thì lại tồn tại và trực tiếp thêm vào gánh nặng nợ nần của các nước tiếp nhận. Do đó, trong khi hoạch định chính sách sử dụng ODA phải phối hợp với các nguồn vốn để tăng cường sức mạnh kinh tế và khả năng xuất khẩu.
b. Phân loại
Theo thông lệ quốc tế thì các khoản viện trợ có thể được cung cấp dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn: nếu phân theo tính chất tài trợ thì ODA gồm: viện trợ không hoàn lại, viện trợ có hoàn lại, viện trợ hỗn hợp;
Nếu theo điều kiện tài trợ, gồm: không ràng buộc, có ràng buộc, hỗn hợp; Nếu phân theo nguồn cung cấp, gồm: song phương và đa phương: Nếu phân theo hình thức thực hiện, gồm: hỗ trợ theo dự án, hỗ trợ phi dự án; Nếu theo mục đích sử dụng, gồm: hỗ trợ cơ bản, hỗ trợ kỹ thuật. Vốn ODA được phân loại theo nhiều cách thức khác nhau: Theo tính chất viện trợ, mục đích sử dụng, nguồn cung cấp hay điều kiện cung cấp ODA…. Trong thực tiễn quản lý người ta chú ý đến 3 hình thức cung cấp ODA chủ yếu sau:
Phân loại theo tính chất viện trợ
- ODA không hoàn lại: Là hình thức cung cấp ODA không phải hoàn lại cho nhà tài trợ (còn gọi là cho không với thành tố hỗ trợ 100%). ODA không hoàn lại hay còn gọi là Hỗ trợ kỹ thuật (TA) là một phần không tách rời của nguồn vốn ODA nói chung, chúng được sử dụng chủ yếu cho các đầu vào hay còn gọi là “phần mềm” phục vụ phát triển, tức là hỗ trợ để phát triển nguồn nhân lực và thể chế, chuyển giao tri thức, công nghệ và cho các đầu vào mang tính kỹ thuật cao khác mà các cơ quan quốc gia tiếp nhận viện trợ ODA không có khả năng tự thực hiện được. ODA không hoàn lại hay TA khác với hỗ trợ vốn (cho vay ưu đãi) để giúp các nước đang phát triển thực hiện các đầu vào còn gọi là “Phần cứng” như xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế -xã hội,mua sắm thiết bị v.v phục vụ cho các Chương trình/ Dự án phát triển. Tuy nhiên, trong thực tế sự phân biệt nói trên thường không rõ nét (loại