Quy trình quản lý tín dụng đối với nguồn vốn ODA

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Quản lý hoạt động tín dụng đối với nguồn vốn ODA tại Ngân hàng phát triển - Chi nhánh tỉnh Lào Cai (Trang 34 - 41)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI NGUỒN VỐN ODA TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN

1.1. Cơ sở lý luận về quản lý hoạt động tín dụng đối với nguồn vốn ODA tại ngân hàng phát triển

1.1.3. Quy trình quản lý tín dụng đối với nguồn vốn ODA

Cho vay lại vốn ODA thông qua kênh tín dụng ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, hạn chế rủi ro và tăng cường khả năng trả nợ. Việc xây dựng quy trình cho vay lại ODA tại các TCTD có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản trị vốn ODA.

Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và thực hiện quy trình cho vay lại vốn ODA theo sáu bước từ việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định cho vay lại đến việc thu hồi nợ cho vay lại. Joel Bessis (2004) cũng đã đưa ra quy trình cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài theo bốn bước, bao gồm thẩm định duyệt vay, giải ngân, quản lý khoản vay và thu hồi nợ cho vay lạ]. Quy trình quản lý hoạt động tín dụng đối với nguồn vốn ODA tại các ngân hàng lại theo bốn giai đoạn gồm:

(1) Thẩm định duyệt vay; (2) Thực hiện cho vay lại; (3) Thu hồi và xử lý nợ cho vay lại; và (4) quản lý rủi ro cho vay vốn ODA như sơ đồ sau:

Hình 1.2. Quy trình quản lý hoạt động tín dụng đối với nguồn vốn ODA tại các ngân hàng phát triển

(Nguồn: Joel Bessis (2004) 1.1.3.1. Thẩm định duyệt vay

Thẩm định duyệt vay là một nội dung quan trọng để đưa ra quyết định cho vay đối với dự án đầu tư. Thông qua công tác thẩm định duyệt vay để dự kiến tác động và hiệu quả của dự án ODA với việc thực hiện mục tiêu phát triển KTXH, đánh giá tính khả thi của dự án, năng lực của chủ đầu tư, phương án trả nợ cũng như mức độ rủi ro và biện pháp ngăn ngừa rủi ro cho vay lại vốn ODA. Đối với dự án ODA theo hình thức TCTD không chịu RRTD, thẩm định duyệt vay có thể do Chính phủ trực tiếp thực hiện (thông qua Hội đồng thẩm định liên ngành) hoặc giao cho TCTD cho vay lại thực hiện. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Chính phủ ra quyết định phê duyệt hoặc từ chối cho vay lại và ký kết hoặc không ký kết khoản vay ODA nước ngoài. Đối với hình thức TCTD chịu RRTD, TCTD trực tiếp thực hiện thẩm định duyệt vay, báo cáo kết quả thẩm định với Bộ Tài chính trước khi ký kết thỏa thuận cho vay lại với Bộ Tài chính.

Quy trình thẩm định duyệt vay như sau:

(1) Đối tượng vay lại vốn ODA gửi hồ sơ thẩm định cho vay lại cho TCTD, đồng thời gửi Bộ Tài chính công văn đề nghị thẩm định cho vay lại, kèm theo hồ sơ thẩm định, sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được phê duyệt.

(2) Cơ quan thẩm định cho vay lại gửi Bộ Tài chính báo cáo thẩm định làm cơ sở để báo cáo với Chính phủ về kết quả thẩm định cho vay lại.

(3) Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt về việc cho vay lại, tiến hành đàm phán, ký kết thỏa thuận vay vốn ODA nước ngoài. Trường hợp không đủ điều kiện vay lại, Chính phủ không ký kết khoản vay nước ngoài.

(4) Cơ quan thẩm định cho vay lại chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định cho vay lại. Đối tượng vay lại chịu trách nhiệm về tài liệu, số liệu cung cấp trong hồ sơ thẩm định.

1.1.3.2. Tổ chức thực hiện cho vay vốn ODA

Sau khi có kết quả thẩm định và ra quyết định cho vay lại, TCTD ký Hợp đồng cho vay lại với chủ đầu tư, tổ chức thực hiện cho vay lại. Thực hiện cho vay lại cần được đảm bảo trên từng nội dung:

Quản lý giải ngân

TCTD căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng để lập kế hoạch giải ngân, mở tài khoản cho chủ đầu tư, mở sổ theo dõi phát vay, thực hiện và kiểm soát việc giải ngân. Kế hoạch giải ngân vốn ODA cho vay lại được lập căn cứ vào tiến độ dự án, nhu cầu giải ngân vốn vay của chủ đầu tư. Kế hoạch giải ngân của từng dự án là cơ sở cho việc rút vốn từ Nhà tài trợ. Giải ngân được thực hiện nhiều lần, mỗi lần giải ngân phải kiểm soát chặt chẽ đối tượng sử dụng vốn. TCTD chỉ thực hiện việc giải ngân khi dự án đáp ứng được các điều kiện: (1) chủ đầu tư đã mở tài khoản và thực hiện thanh toán qua TCTD;

(2) hoàn thành thủ tục bảo đảm tiền vay; (3) toàn bộ tài sản BĐTV của dự án phải được mua bảo hiểm trong suốt thời hạn vay vốn; (4) minh chứng về tiến

độ thi công của dự án và (5) các điều kiện khác theo quy định tại Hợp đồng cho vay lại.

Kiểm tra, giám sát dự án ODA

Hoạt động kiểm tra, giám sát đối với dự án sử dụng vốn ODA cho vay lại trong quá trình cho vay nhằm đảm bảo toàn bộ hoạt động cho vay lại vốn ODA được hiệu quả, tuân thủ các quy định hiện hành của chính phủ, của nhà tài trợ nước ngoài và của TCTD. Hoạt động kiểm tra, giám sát của TCTD bao gồm cả việc kiểm tra thông qua báo cáo tiến độ, minh chứng sử dụng vốn của chủ đầu tư và giám sát thực tế tại dự án sử dụng vốn ODA vay lại. TCTD có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng vốn vay lại đúng mục đích, có hiệu quả, yêu cầu chủ đầu tư báo cáo và minh chứng vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn. TCTD cho vay lại quản lý, giám sát khoản vay lại, đối tượng vay lại, tình hình cho vay, thu hồi nợ, tình hình biến động của tài sản BĐTV, tình hình khai thác, vận hành công trình được đầu tư bằng vốn ODA cho vay lại. TCTD thành lập đoàn kiểm tra, thực hiện việc kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hàng năm hoặc kiểm tra đột xuất, lập biên bản kiểm tra và lưu giữ trong hồ sơ cho vay dự án. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, trường hợp phát hiện bên vay lại không thực hiện theo đúng cam kết, nghĩa vụ theo hợp đồng vay lại, TCTD báo cáo với Chính phủ, đề xuất phương án xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền, như việc dừng giải ngân đối với dự án, xem xét thu hồi nợ trước hạn số vốn sử dụng sai mục đích hoặc toàn bộ số vốn đã giải ngân.

1.1.3.3. Thu hồi và xử lý nợ cho vay vốn ODA Thu hồi nợ

Công tác thu hồi nợ có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý vốn ODA cho vay lại, đảm bảo cho Chính phủ có nguồn để trả nợ vay nước ngoài.

Theo đó, chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi và phí) đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng cho vay lại. Chủ đầu tư mở tài khoản tại TCTD, chuẩn bị nguồn cho việc trả nợ. Nguồn trả nợ bao gồm khấu hao hoặc nguồn

thu phí sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay lại, lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn khác của chủ đầu tư.

TCTD lập kế hoạch thu hồi nợ vay ODA trên cơ sở hợp đồng cho vay lại, thời gian hoàn vốn và dư nợ vốn vay của dự án. Kế hoạch thu nợ được lập chi tiết đối với từng dự án. Định kỳ hàng quý, đối chiếu tình hình nợ bao gồm số rút vốn, số trả nợ, số dư nợ với chủ đầu tư. Hàng năm tổng hợp tình hình nợ của tất cả các khoản vay lại báo cáo, đối chiếu với chính phủ, bao gồm tổng số dự án vay lại, tổng số giải ngân, tổng số trả nợ, tổng số dư nợ, chi tiết theo từng dự án, khoản vay lại.

Trường hợp dự án ODA không trả đủ nợ đúng hạn, TCTD chuyển số nợ còn phải trả nhưng chưa trả sang nợ chậm trả và áp dụng lãi suất chậm trả.

Đối với các khoản chậm trả gốc, lãi, phí trong thỏa thuận vay nước ngoài, lãi suất phạt chậm trả được xác định theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài.

Trường hợp tại thỏa thuận vay nước ngoài không quy định, chính phủ căn cứ vào đặc điểm dự án, cơ chế quản lý tài chính để xác định mức lãi suất trả chậm cho cả gốc và lãi mà chủ đầu tư không trả nợ đúng hạn.

Xử lý nợ

Trên cơ sở phân loại nợ khoản ODA cho vay lại, TCTD áp dụng các biện pháp xử lý nợ theo quy định.

(i) Phân loại nợ: Việc phân loại nợ nhằm đánh giá chất lượng các khoản cho vay lại ODA và sắp xếp vào các nhóm khác nhau để có những biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực. Khoản vay lại ODA được phân loại thành 5 nhóm, bao gồm: Nhóm 1: Khoản vay đang được trả nợ đầy đủ, đúng hạn;

Nhóm 2: Khoản vay có nợ quá hạn 01 kỳ trả nợ; Nhóm 3: Khoản vay có nợ quá hạn từ 02 đến 03 kỳ trả nợ; Nhóm 4: Khoản vay có nợ quá hạn từ 04 kỳ trả nợ trở lên và Nhóm 5: Khoản vay không có khả năng trả nợ.

(ii) Xử lý nợ: Việc xử lý khoản nợ vay lại ODA phải đảm bảo nguyên tắc thực hiện đúng quy định của pháp luật, giảm thiệt hại tối đa cho nhà

nước và gắn trách nhiệm của TCTD, đối tượng vay lại. Biện pháp xử lý nợ bao gồm:

- Gia hạn thời hạn trả nợ: được áp dụng trường hợp chủ đầu tư gặp khó khăn tạm thời do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng ảnh hưởng bất lợi đến dự án, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ, chưa đạt đủ doanh thu dự kiến để trả nợ, sau khi đã áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không trả được nợ đúng hạn.

- Khoanh nợ: được áp dụng trường hợp chủ đầu tư gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến không có khả năng trả được nợ, gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn vốn lưu động, đã áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng vẫn không có khả năng trả nợ.

- Xóa một phần nợ: được xem xét trong trường hợp chủ đầu tư gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến không trả được nợ, gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn vốn lưu động để hoạt động và để thực hiện các nghĩa vụ với người lao động, đã áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng vẫn không có khả năng trả nợ, được chủ nợ khác đồng ý về nguyên tắc cơ cấu lại khoản nợ.

- Xóa nợ toàn bộ: trường hợp đối tượng vay lại bị giải thể, phá sản, việc thu hồi nợ được thực hiện theo quy định pháp luật về giải thể, phá sản.

1.1.3.4. Quản lý rủi ro cho vay vốn ODA

Quản lý rủi ro cho vay lại vốn ODA là một nội dung quan trọng trong nghiệp vụ quản lý cho vay lại vốn ODA tại các TCTD. Có thể hiểu quản lý rủi ro cho vay lại ODA là việc sử dụng hệ thống các biện pháp nhằm giảm thiểu đến mức chấp nhận được những tổn thất về vốn gốc, lãi và phí quản lý do chủ đầu tư không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ theo cam kết. Theo Rogerio Sobreira (2008), quản lý rủi ro tín dụng là việc áp dụng các chính sách, thủ tục và cách thức quản lý nhằm nhận diện, phân tích, đánh giá, xử lý và theo dõi rủi ro. Khi nghiên cứu về quản lý rủi ro tín dụng, Joel Bessis (2004) cho

rằng cần tập trung quản lý rủi ro tín dụng trên các nội dung từ nhận diện, đo lường, kiếm soát rủi ro đến ứng phó với rủi ro cho vay lại ODA.

- Nhận diện rủi ro: là quá trình xác định các loại rủi ro phát sinh trong quá trình cho vay vốn ODA. Nhận diện rủi ro bao gồm việc theo dõi, nghiên cứu môi trường, các hoạt động của TCTD trong cho vay lại ODA để chỉ ra các loại rủi ro có ảnh hưởng đến TCTD. Qua phương pháp lưu đồ đối với hoạt động của ngân hàng cho thấy rủi ro có thể gặp phải ở các dạng như rủi ro tài chính, rủi ro nghiệp vụ, rủi ro thị trường, rủi ro pháp lý…

- Đo lường và đánh giá rủi ro: là việc tính toán mức độ nghiêm trọng của mỗi loại rủi ro để từ đó đưa ra mức độ ưu tiên trong việc kiểm soát. Đó là việc xác định mức độ rủi ro mà ngân hàng có thể chấp nhận được dựa trên khả năng tài chính và sự sẵn sàng chịu đựng rủi ro của ngân hàng. Phương pháp đo lường rủi ro được sử dụng có thể là phương pháp định tính, phương pháp định lượng hoặc kết hợp cả định tính và định lượng.

Phương pháp định tính được sử dụng khá phổ biến bao gồm (1) phân tích tín dụng cổ điển như đánh giá năng lực của chủ đầu tư thông qua các chỉ tiêu tài chính (cơ cấu vốn, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời, hiệu suất sử dụng vốn…) và chỉ tiêu phi tài chính (môi trường hoạt động, lĩnh vực kinh doanh, năng lực quản lý, năng lực sản xuất...) hoặc (2) tham vấn ý kiến chuyên gia thông qua thực hiện việc thu thập ý kiến của các chuyên gia trên cơ sở thiết kế hệ thống bảng hỏi hoặc phỏng vấn trực tiếp để đánh giá về tình hình của khách hàng. Phương pháp định lượng để lượng hóa rủi ro cho vay lại thông qua việc tính toán khả năng vỡ nợ của chủ đầu tư. Để lượng hóa rủi ro tín dụng có thể sử dụng các mô hình như “điểm số Z” của Altman, mô hình XHTD nội bộ, mô hình đo lường giá trị chịu rủi ro (VaR) hoặc mô hình đo lường mức độ sinh lời có tính đến rủi ro (RAROC)… (Joel Bessis, 2004)

- Kiểm soát rủi ro. Là việc áp dụng các hệ thống, các thủ tục kiểm soát, thông qua đó TCTD có thể nắm bắt được diễn biến của các loại rủi ro cho vay

lại ODA và đưa ra các biện pháp nhằm điều tiết và duy trì rủi ro ở mức có thể chấp nhận được. TCTD cần đưa ra các biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp, trên cơ sở cân bằng tối ưu giữa chi phí cho các thủ tục kiểm soát, lợi ích kiểm soát mang lại và giá trị thiệt hại có khả năng xảy ra.

- Ứng phó với rủi ro. Đây là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của quản lý rủi ro cho vay lại ODA. Ứng phó rủi ro là việc tìm cách giảm thiểu tác động của các loại rủi ro, ngân hàng có thể dùng nhiều biện pháp để ứng phó với rủi ro cho vay lại ODA. Gắn với đặc thù vốn vay ODA sử dụng cho dự án cơ sở hạ tầng, TCTD thường sử dụng các biện pháp như phòng ngừa từ xa bằng cách tìm thêm thông tin để đưa ra quyết định cho vay chính xác, trích lập dự phòng rủi ro cho vay lại và thực hiện phương án BĐTV hiệu quả …

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Quản lý hoạt động tín dụng đối với nguồn vốn ODA tại Ngân hàng phát triển - Chi nhánh tỉnh Lào Cai (Trang 34 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)