Quá trình đô thị hóa và tác động của đô thị hóa tới việc sử dụng đất và quản lý đất đai

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đất đai tại một số khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 37 - 40)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3. Cơ sở lý luận về đô thị hóa và quản lý đất đai đô thị

1.3.2. Quá trình đô thị hóa và tác động của đô thị hóa tới việc sử dụng đất và quản lý đất đai

Việt Nam đã có lịch sử phát triển đô thị từ rất lâu đời. Đến thập kỷ 90, số lượng đô thị đã lên đến khoảng 500 đô thị. Kể từ đó đến nay, số lượng đô thị tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Tính đến tháng 12 năm 2016, cả nước đã có 795 đô thị, với tỷ lệ đô thị hoá đạt 35,2%1, gồm: 02 đô thị đặc biệt (Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh); 17 đô thị loại I trong đó có 03 đô thị loại I trực thuộc TW (Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ); 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 626 đô thị loại V. Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng, từ đó dẫn tới không gian và dân số tại các đô thị tăng nhanh. Hai thành phố lớn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đang phát triển nhanh hơn nhiều so với tất cả các thành phố khác. Trên thực tế, hai thành phố này chi phối phát triển đô thị của cả quốc gia.

Theo quy luật khách quan, đô thị hóa phải bắt nguồn từ phát triển nền kinh tế phi nông nghiệp (công nghiệp, thương mại, dịch vụ…) dần dần thay thế cho nền kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, khác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đô thị hóa của nước ta có đặc điểm là quá trình đô thị hóa nông thôn thành thành thị, biến đổi các làng, xã nông nghiệp thành các quận, phường của đô thị. Phát triển và tăng trưởng đô thị ở nước ta nhìn chung là muộn và chậm hơn so với một số nước trong khu vực. Sự phát triển đô thị không đồng đều giữa các vùng và chênh lệch nhiều giữa các khu vực khác nhau về đặc điểm địa lý, cụ thể như các khu vực đồng bằng, duyên hải phát triển nhanh hơn vùng núi, vùng cao. Hơn nữa, việc quản lý hạ tầng kỹ thuật giữa các bộ ngành không nhất quán, đồng bộ dẫn đến những tác động không nhỏ đến môi trường, đặc biệt ở các đô thị lớn. Thực trạng chung hiện nay là các đô thị đều bị quá tải, tăng sức ép ở tất cả các mặt hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội [22].

Tính đến ngày 31/12/2017 tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đạt 34,75 %. Cả nước chỉ có 12 tỉnh thành vừa có tốc độ đô thị hóa cao và vừa có dân số thành thị cao nhất nước.

Bảng 1.1. Dân số và tốc độ đô thị hóa tại một số tỉnh, thành Việt Nam năm 2017

STT Tên tỉnh, thành phố

Dân số thành thị

(2017)

Tốc độ đô thị hóa (đơn vị %)

1 Thành phố Hồ Chí Minh 6.533.707 82,13

2 Thành phố Hà Nội 3.435.166 48,61

3 Tỉnh Bình Dương 1.428.898 77,00

4 Thành phố Hải Phòng 898.776 46,30

5 Thành phố Đà Nẵng 876.710 87,29

6 Thành phố Cần Thơ 835.528 68.05

7 Tỉnh Quảng Ninh 731.901 61,16

8 Tỉnh Thừa Thiên - Huế 549.263 48,60

9 Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 533.555 50,59

10 Tỉnh Khánh Hòa 514.176 42,98

11 Tỉnh Lâm Đồng 496.311 39,51

12 Tỉnh Bình Thuận 473.089 39,20

Nguồn:Ngân hàng thế giới (2017) Hiện nay, mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm thành phố trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế như: Thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, và Huế; thành phố trung tâm cấp vùng như: Hạ Long, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Vinh, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Biên Hòa, Vũng Tàu và Cần Thơ; các thành phố, thị xã trung tâm cấp tỉnh, bao gồm 5 thành phố trung tâm quốc gia, khu vực và quốc tế, 12 đô thị là trung tâm cấp vùng đã kể trên và các thành phố, thị xã tỉnh lỵ khác; các đô thị trung tâm cấp huyện, bao gồm các thị trấn huyện lỵ và các thị xã là vùng trung tâm chuyên ngành của tỉnh và các đô thị trung tâm cấp tiểu vùng, bao gồm các thị trấn là trung tâm các cụm khu dân cư nông thôn hoặc là các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong các vùng ảnh hưởng của đô thị

lớn, cực lớn. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra không đồng đều, chủ yếu ở 3 vùng trọng điểm phát triển kinh tế- xã hội, ở vùng duyên hải, và một số đảo lớn như Phú Quốc, Côn Đảo, Vân Đồn, Cát Bà... Hệ thống đô thị nước ta đang phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng đô thị còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trong những năm qua tuy đã được cải thiện và nâng cấp, thể hiện qua các mặt, như: nhiều tuyến đường, cây cầu được xây dựng; chất lượng đường đô thị dần được cải thiện; các đô thị loại III trở lên hầu hết đã có các tuyến đường chính được nhựa hoá và xây dựng đồng bộ với hệ thống thoát nước, vỉa hè, chiếu sáng và cây xanh, nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu. Kết cấu hạ tầng đô thị yếu kém, quá tải không những không tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế- xã hội đô thị, mà còn làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường. Để phát triển đô thị hóa bền vững, chúng ta cần tiến hành xây dựng các hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường phải đi trước một bước. Trên thực tế, đô thị hóa ở nước ta nhiều nơi, nhiều lúc còn mang tính chủ quan; muốn nhanh chóng tăng dân số đô thị để được nâng cấp đô thị (như nâng cấp đô thị loại V thành loại IV, loại IV thành loại III…) nên đã mở rộng đô thị bằng cách ghép các làng xã có 100% sản xuất nông nghiệp vào đô thị để tạo thành các phường mới. Việc này đã tạo ra tình trạng có nhiều làng xã nông nghiệp tồn tại lâu dài trong đô thị và phát sinh các vấn đề rất nan giải đối với xây dựng và phát triển hệ thống kỹ thuật bảo vệ môi trường đô thị [22]. Hình 1.3 thể hiện sơ đồ định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020.

Hình 1.3. Sơ đồ định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đất đai tại một số khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)