CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và quản lý, sử dụng đất thành phố Hà Nội
3.1.3. Tình hình quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội
3.1.3.1. Những mặt đạt được
- Công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực.
UBND thành phố đã chủ động, tích cực, quyết liệt tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Tính đến hết quý I/2018 đã cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức được 17.233 thửa/19.247 thửa, đạt 89,54%.
- Thời kỳ 2011-2017, Thành phố đã lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2015) cho các quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Năm 2014 đã triển khai lập kế hoạch sử dụng đất năm 2015 cấp huyện và đã thẩm định, phê duyệt cho toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã. Kế hoạch sử dụng đất năm 2016, 2017 và năm 2018 cũng đã được lập, thẩm định và phê duyệt kịp thời theo quy định. Cùng với việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của Thành phố, UBND Thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã triển khai lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình. Đến nay các địa phương đều đã triển khai và đang chờ để thẩm định, phê duyệt.
- Các quy hoạch phân khu, một số quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt là công cụ trong quản lý, sử dụng đất đai một cách hiệu quả, tiết kiệm.
- Việc chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân và tổ chức phù hợp với quy hoạch được tiến hành thường xuyên, theo đúng quy trình; tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền lợi của mình và tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (theo luật Đất đai năm 2003 và năm 2013) đã triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, đúng tiến độ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
- Giai đoạn 2012-2017, thành phố Hà Nội đã quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 1.914 dự án, với diện tích 4.082,4 ha. Trong đó đối với các dự án ngoài ngân sách nhà nước, thành phố đã chấp thuận triển khai 634 dự án có sử dụng đất (trong đó có cấp giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh cho 287 dự án; chấp thuận đầu tư và điều chỉnh cho 47 dự án; quyết định chủ trương và điều chỉnh cho 300 dự án). Quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện 698 dự án với tổng diện tích 1.400 ha [19].
- Giai đoạn 2012-2017, thành phố đã ban hành 38 quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các chủ đầu tư có dự án vi phạm pháp luật với 990,38ha (trong đó có 16 quyết định thu hồi đất hoặc thu hồi quyết định thu hồi đất đã được thực hiện trên thực tế; 22 quyết định thu hồi đất, tổ chức được giao quản lý đất thu hồi đang làm thủ tục nhận bàn giao và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng) [19].
- Đã thực hiện lập hồ sơ địa chính quản lý đất đai, thực hiện thống kê và kiểm kê đất đai theo đúng quy định. Trong đó, kiểm kê đất đai năm 2015 đã áp dụng phương pháp mới do Bộ Tài nguyên và môi trường hướng dẫn đảm bảo tính chính xác cao hơn. Trên cơ sở phần mềm kiểm kê năm 2015, những năm tiếp theo cập nhật, thống kê đất đai được thuận lợi.
- Có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm, chiếm tỷ lệ 23,1% số dự án được giao đất, cho thuê đất giai đoạn 2012-2017 với hình thức và mức độ khác nhau. Phổ biến vẫn là chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa (40 dự án), chậm tiến độ thực hiện dự án trên 24 tháng (47 dự án), chậm hoàn
thành công tác giải phóng mặt bằng (22 dự án), chậm nghĩa vụ tài chính (4 dự án), chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (22 dự án), chậm nghĩa vụ tài chính (4 dự án) vi phạm khác như sử dụng sai mục đích, cho thuê, cho thuê lại không đứng quy định (37 dự án), chậm do vi phạm nhiều nội dung (11 dự án). Còn 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Số lượng dự án bị phát hiện vi phạm khi thanh tra còn lớn 196/480 kết luận thanh tra có vi phạm các quy định của pháp luật, chiếm tỷ lệ 40,8% [19].
- Giám sát trực tiếp tại 8 quận huyện phát hiện có 211 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, chậm triển khai và chưa có biện pháp khắc phục, nhiều dự án các quận, huyện đề nghị thành phố thanh tra, lập hồ sơ thu hồi theo quy định, trong đó có cả những dự án đã được thành phố kiểm tra, phát hiện, được HĐND thành phố kiến nghị từ năm 2012. Giám sát qua báo cáo của 22 quận huyện, thị xã còn lại cho thấy 172 dự án chậm triển khai.
Một số quận, huyện có số dự án chậm tiến độ, vi phạm nhiều như: Hoài Đức 51 dự án, Mê Linh 50 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án… Cá biệt có một số chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định. Trách nhiệm chính thuộc về Sở TNMT, UBND huyện, thị xã và các chủ đầu tư đối với những dự án chủ đầu tư không liên hệ, phối hợp với chính quyền để triển khai thực hiện dự án [19].
- Công tác quản lý tài chính về đất đai luôn được quan tâm, theo dõi và chỉ đạo kịp thời tạo nguồn thu ngân sách đồng thới cũng là công cụ quản lý đất đai.
- Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai đã được quan tâm chỉ đạo và thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức như thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất. Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đất đai cho người sử dụng đất, giảm sự vụ, tính chất và mức độ vi phạm. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính với 256 nhà đầu tư, 234 tổ chức sử dụng đất, nộp ngân sách hơn 8.162 triệu đồng.
- UBND Thành phố và các địa phương đã thực hiện quy trình tiếp công dân,
trong đó có nội dung về giải quyết tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý sử dụng đất đai với phương châm giải quyết đơn thư đúng chức năng thẩm quyền, khắc phục việc để đơn thư tồn đọng kéo dài và vận động, giải thích, hướng dẫn nhân dân hiểu pháp luật, sống và làm theo pháp luật.
Qua đó đã xử lý nghiêm khắc, kịp thời, dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp Luật đất đai (như sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất), giải quyết tranh chấp đất đai góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trên địa bàn.
3.1.3.2. Những tồn tại
- Việc cấp đất giãn dân, giao đất dịch vụ... còn cần nhiều thủ tục và có những bất cập nên tiến độ chậm, không đảm bảo yêu cầu đặt ra
- Đo đạc, lập bản đồ địa chính đã được quan tâm đầu tư nhưng một số địa phương chưa có được bản đồ địa chính đo vẽ chính thức, gây khó khăn, hạn chế trong quản lý đất đai.
- Việc lập hồ sơ địa chính được triển khai thực hiện ở các xã, phường, thị trấn, các xã, phường, thị trấn đều có sổ theo dõi biến động đất đai nhưng việc cập nhật thông tin biến động, chỉnh lý biến động trên bản đồ, hồ sơ địa chính chưa đều đặn.
- Thống kê và kiểm kê đất đai thực hiện theo đúng quy định của ngành tài nguyên và môi trường, nhưng do thay đổi phương pháp kiểm kê, thay đổi chỉ tiêu thống kê đất đai và do hồ sơ quản lý đất đai còn chưa đồng bộ (thiếu bản đồ địa chính ở nhiều địa phương) nên có biến động lớn về diện tích các loại đất và tổng diện tích tự nhiên giữa 2 kỳ kiểm kê (năm 2010 và năm 2015).
- Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Thành phố và các quận, huyện, thị xã chậm so với quy định về thời gian của kỳ quy hoạch, kế hoạch.
- Quy hoạch phân khu và quy hoạch xây dựng (tỷ lệ 1/2000) lập trên phần mềm kỹ thuật Autocad, trong khi bản đồ địa chính ngành tài nguyên và môi trường được sử dụng thống nhất trên phần mềm Microsoft; việc chuyển đổi có nhiều nội dung không tương thích về ký hiệu, loại đất... dẫn đến nhiều khó khăn trong việc truy vấn sử dụng ở cấp cơ sở.
- Công tác thu hồi đất phục vụ các công trình dự án mặc dù được chú trọng
nhưng việc thực thi đối với một số công trình còn chậm, một số chủ đầu tư chưa quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng.
- Tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo các vi phạm đất đai còn nhiều, chủ yếu là tranh chấp lấn chiếm ranh giới, đất đai trong nội bộ nhân dân và khiếu nại khi thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng.