CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.2. Đánh giá thực trạng phát triển các khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội
3.2.1. Đánh giá quá trình phát triển các khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội
Có thể nói trong gần 20 năm qua, tương ứng giữa 2 lần quy hoạch chung xây dựng thủ đô được Thủ tướng chính phủ phê duyệt (theo QĐ 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 và QĐ 1259/2011/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 thì thành phố Hà Nội là một trong những thành phố có tốc độ phát triển, đô thị hoá nhanh. Nhiều khu đô thị mới và các dự án phát triển nhà ở, đã và đang hình thành làm thay đổi diện mạo của Thủ đô, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo lập môi trường đô thị với điều kiện sống hiện đại…
Cũng trong thời gian này, nhiều quy định liên quan đến việc quy hoạch khu đô thị mới, các quy định quản lý đầu tư xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng mới cũng được ban hành như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn, theo đó UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành nhiều quyết định liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố.
Thời gian gần đây, Hà Nội chú trọng tới việc giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, đặc biệt cho đối tượng người thu nhập thấp, công nhân lao động và tái định cư phục vụ các dự án giao thông đô thị trọng điểm.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Hà Nội hiện có 373 xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở được triển khai thiết kế, trong đó có 155 dự án khu đô thị mới,
218 dự án phát triển nhà ở. Đến năm 2017, tổng diện tích nhà xây mới trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 5,0 triệu m2 sàn, trong đó có 2.841.221m2, tương đương 20.176 căn nhà ở xây mới tại các dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, theo quá trình kiểm tra, đánh giá hầu hết các dự án đều có điều chỉnh quy hoạch (chiếm hơn 90%). Đáng chú ý là nhiều dự án được điều chỉnh theo chiều hướng gia tăng số phòng, tầng, tăng dân số để có lợi cho nhà đầu tư. Cụ thể như Khu đô thị Bắc quốc lộ 32 phải điều chỉnh chi tiết từ tầng hầm sang tầng trệt đối với dự án nhà biệt thự thấp tầng; các khu đô thị khác như Việt Hưng (quận Long Biên), Đặng Xá (Gia Lâm), Văn Phú (Hà Đông)… đều ít nhiều có điều chỉnh quy hoạch. Có dự án 8 lần điều chỉnh quy hoạch: chủ đầu tư cấp 1 điều chỉnh, các nhà đầu tư thứ phát lại điều chỉnh, làm cho dự án đã thay đổi phần lớn hoặc hoàn toàn.
Như vậy, trong những năm qua, thành phố đã rất quan tâm, chú trọng đến các dự án phát triển nhà ở đô thị, thông qua các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các chủ đầu tư cũng như người mua nhà. Các chủ đầu tư dự án thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành, tập trung nguồn lực triển khai dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng công trình thuộc dự án.
Thành phố Hà Nội cũng có cơ chế về vốn, vốn ngân sách thành phố đầu tư một phần diện tích nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở tái định cư, một phần diện tích nhà ở sinh viên, hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn. Thành phố sẽ thu hồi vốn đầu tư nhà ở tái định cư sau khi bán nhà. Thứ hai, vốn huy động ngoài xã hội (ngoài ngân sách) để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê, nhà ở học sinh, sinh viên, nhà ở thương mại, cải tạo chung cư cũ, giãn dân phố cổ. Các chủ đầu tư sử dụng vốn tự có, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác.
Bên cạnh đó thành phố còn đẩy nhanh công tác tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ; Công khai các đồ án về quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được phê duyệt và quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc; Cân đối nhu cầu nhà ở xã hội tại các quận, huyện, thị xã đảm bảo phân bố hợp
lý trên địa bàn thành phố theo quy hoạch; Rà soát quy hoạch các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong nội thành và quy hoạch các trường di dời ra ngoại thành, đồng thời, rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy hoạch các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (hoặc 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê, nhà ở học sinh sinh viên, nhà ở tái định cư đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch. Hình 3.1. thể hiện các khu đô thị vệ tinh thành phố Hà Nội theo quyết định phê duyệt quy hoạch chung của thành phố Hà Nội.
Hình 3.1. Các khu đô thị vệ tinh thành phố Hà Nội
Thành phố rà soát, tổng hợp quỹ đất 20% (hoặc quỹ đất 25%) trong các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, đề xuất bố trí thực hiện dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê, nhà ở sinh viên, tái định cư và đấu giá quyền sử dụng đất, tạo vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu phân bổ đất xây dựng thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở; kiên
quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.
Dành nguồn lực hợp lý của thành phố, Trung ương đầu tư phát triển nhà ở tái định cư, nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân thuê và hỗ trợ nhà ở tại khu vực nông thôn.
Kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở học sinh, sinh viên, nhà ở công nhân thuê [28].