Khái niệm cơ bản về thanh tra, kiểm tra thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Một phần của tài liệu Thanh tra kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại chi cục thuế thị xã phổ yên tỉnh thái nguyên (Trang 30 - 36)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ THANH TRA, KIỂM

1.1. Cơ sở lý luận về doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thuế Thu nhập

1.1.3. Khái niệm cơ bản về thanh tra, kiểm tra thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh

1.1.3.1. Khái niệm thanh tra, kiểm tra thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Trường nghiệp vụ thuế (Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch kiểm tra viên thuế, 2017, Tr. 528) nêu rõ “Kiểm tra thuế, thanh tra thuế là hoạt động giám sát của cơ quan thuế đối với các hoạt động, giao dịch liên quan đến phát sinh nghĩa vụ thuế và tình hình thực hiện thủ tục hành chính thuế, chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, nhằm đảm bảo pháp luật thuế được thực thi nghiêm chỉnh trong đời sống kinh tế - xã hội”.

+ Kiểm tra thuế là công việc thường xuyên, mang tính nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế được thực hiện ngay tại trụ sở cơ quan quản lý thuế dựa trên hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Việc kiểm tra thuế được thực hiện tại trụ sở của người nộp thuế ngoài việc thực hiện kiểm tra theo kế hoạch còn

thực hiện ra quyết định kiểm tra trong những trường hợp người nộp thuế không tự giác sửa đổi, bổ sung những nội dung sai sót mà cơ quan thuế đã kiểm tra, phát hiện và yêu cầu. Nội dung kiểm tra thuế là kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, tài liệu trong hồ sơ thuế nhằm đánh giá sự tuân thủ của người nộp thuế trong việc kê khai thuế.

+ Thanh tra thuế là kiểm tra đối tượng nộp thuế ở mức cao hơn, hoàn thiện hơn. Thanh tra thuế được thực hiện định kì đối với các đối tượng nộp thuế lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng, quy mô lớn hoặc với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế và thanh tra thuế để giải quyết các khiếu nại, tố cáo về thuế hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thanh tra, kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh là việc cơ quan thuế căn cứ vào Luật thuế TNDN, các Luật thuế có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành; hồ sơ khai thuế TNDN của NNT; các hồ sơ tài liệu NNT cung cấp và các hồ sơ tài liệu thu thập được, bằng các biện pháp và nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá việc chấp hành pháp luật thuế của NNT mà cụ thể là xem xét xem số thuế TNDN kê khai đã đúng, đủ theo quy định chưa.

1.1.3.2. Mục đích của thanh tra, kiểm tra thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế TNDN đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhằm:

- Tăng cường kiểm tra, giám sát hồ sơ khai thuế TNDN của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhằm chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp qua việc kê khai thuế; ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm về thuế TNDN.

- Nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong việc thực hiện kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế TNDN. Bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khi thực hiện chính sách pháp luật thuế.

- Phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế TNDN.

- Thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế nói chung và đối với sắc thuế TNDN nói riêng, phát hiện những hạn chế chưa đồng bộ về cơ chế quản lý và chính sách thuế để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời bổ sung.

- Động viên, khen thưởng để phát huy nhân tố tích cực, đồng thời tăng cường trấn áp và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực trong việc thực hiện pháp luật thuế.

1.1.3.3. Nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh

- Thanh tra, kiểm tra thuế TNDN đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh được thực hiện trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế, đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế, xác minh và thu thập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế TNDN.

- Thanh tra, kiểm tra thuế TNDN không cản trở hoạt động bình thường của các doanh nghiệp là người nộp thuế.

- Thanh tra, kiểm tra thuế TNDN phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý thuế, Luật thuế TNDN và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

1.1.3.4. Phân loại thanh tra, kiểm tra thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh

* Theo tính kế hoạch:

- Thanh tra, kiểm tra theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.

Căn cứ vào nguồn lực hiện có, tình hình chấp hành pháp luật thuế TNDN trên địa bàn và mục tiêu quản lý thuế, cơ quan thuế xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã đề ra.

- Thanh tra, kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế TNDN, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.

* Theo địa điểm tiến hành thanh tra, kiểm tra.

- Kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế (tại bàn)

Để đánh giá sự tuân thủ pháp luật về thuế TNDN của Người nộp thuế, cơ quan thuế thường xuyên tiến hành kiểm tra các hồ sơ khai thuế TNDN tại trụ sở cơ quan quản lý thuế.

Công chức thuế được thực hiện kiểm tra, đối chiếu nội dung kê khai trong hồ sơ khai thuế TNDN với cơ sở dữ liệu của Người nộp thuế và tài liệu có liên quan về người nộp thuế để phân tích, đánh giá tính tuân thủ hoặc phát hiện các trường hợp khai chưa đầy đủ dẫn tới việc thiếu thuế hoặc trốn thuế, gian lận thuế TNDN.

- Thanh tra, kiểm tra tại trụ sở Người nộp thuế.

Thanh tra, kiểm tra thuế TNDN tại trụ sở người nộp thuế là một công cụ chủ yếu trong chương trình thanh tra, kiểm tra của Cơ quan thuế. Thời gian cần thiết để thực hiện công việc này là từ một vài giờ cho đến vài tuần tuỳ thuộc bản chất của cuộc thanh tra, kiểm tra hoặc quy mô và tính phức tạp trong hoạt động của người nộp thuế. Thanh tra, kiểm tra thuế TNDN tại trụ sở người nộp thuế thường là việc kiểm tra chi tiết nhưng cũng có lúc chỉ là việc kiểm tra một phần sổ sách kế toán thông thường của người nộp thuế ngay tại trụ sở làm việc của người nộp thuế. Thanh tra, kiểm tra thuế TNDN tại trụ sở người nộp thuế có thể được tiến hành bởi một cán bộ thanh tra, kiểm tra hoặc một đoàn thanh tra, kiểm tra. Đoàn thanh tra, kiểm tra sử dụng từ ba cán bộ thanh tra, kiểm tra trở lên và có thể bao gồm những thành viên có những kỹ năng khác nhau.

Đặc điểm của thanh tra, kiểm tra thuế TNDN tại trụ sở người nộp thuế:

+ Kiểm tra và sử dụng các kỹ thuật thanh tra, kiểm tra đối với những chứng từ kế toán được người nộp thuế lưu giữ.

+ Trao đổi với người nộp thuế + Quan sát đánh giá.

+ Có thể yêu cầu bất cứ người nào thuộc các bộ phận trong doanh nghiệp đang thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin;

+ Có thể yêu cầu thông tin từ bên thứ ba.

1.1.3.5. Phương pháp thanh tra, kiểm tra thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh

- Phương pháp đối chiếu so sánh.

Đây là phương pháp chủ yếu được sử dụng trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế TNDN. Nội dung của phương pháp này là thực hiện việc so sánh, đối chiếu nội dung cần thanh tra, kiểm tra với các nguồn thông tin khác nhau để đánh giá, xem xét nội dung cần thanh tra, kiểm tra.

- Phương pháp kiểm tra từ tổng hợp đến chi tiết.

Đây là phương pháp tối ưu để kiểm tra số liệu kế toán, theo phương pháp này trước hết kiểm tra số liệu tổng hợp (báo cáo tài chính, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bảng cân đối kế toán) sau mới kiểm tra số liệu chi tiết (kiểm tra sổ kế toán chi tiết, các chứng từ thanh toán). Việc kiểm tra tổng hợp nhằm rút ra những nhận xét tổng quát để từ đó định hướng những nội dung cần đi sâu kiểm tra (kiểm tra chi tiết).

- Phương pháp kiểm tra chứng từ gốc.

Có ba phương pháp kiểm tra chứng từ gốc:

+ Kiểm tra theo trình tự thời gian là việc thực hiện kiểm tra chứng từ gốc đã được sắp xếp theo trình tự thời gian phát sinh. Phương pháp này mất nhiều thời gian và hiệu quả thấp nên ít được sử dụng.

+ Kiểm tra theo loại nghiệp vụ là việc thực hiện kiểm tra chứng từ gốc đã được phân loại, sắp xếp theo một nghiệp vụ nhất định, như chứng từ thu, chi tiền mặt, xuất, nhập kho… phương pháp này được áp dụng khi cần rút ra kết luận đầy đủ về một loại nghiệp vụ theo yêu cầu của nội dung thanh tra, kiểm tra. Phương pháp này tiết kiệm thời gian và cho hiệu quả cao.

+ Kiểm tra điển hình là việc kiểm tra ngẫu nhiên một số chứng từ của một loại nghiệp vụ để rút ra kết luận chung. Phương pháp này tiết kiệm nhiều thời gian nhưng độ tin cậy của kết luận không cao.

- Các phương pháp kiểm tra bổ trợ

+ Phương pháp phỏng vấn: phương pháp này được sử dụng khi cần thu thập thông tin từ những người có quan hệ trực tiếp (kế toán trưởng, chủ doanh nghiệp), gián tiếp (đối tác của doanh nghiệp, ngân hàng…) đến nội dung thanh tra, kiểm tra.

+ Ngoài ra còn một số phương pháp khác như: phương pháp thẩm tra và xác nhận phần, phương pháp quan sát…

1.1.3.6. Vai trò của Thanh tra, kiểm tra thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh

- Thanh tra, kiểm tra thuế TNDN đã góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về thuế TNDN.

Hệ thống thuế ở nước ta hiện nay bao gồm nhiều sắc thuế khác nhau.

Mỗi sắc thuế điều tiết đến một số đối tượng xã hội nhất định và có những phương pháp quản lý thu khác nhau. Về cơ bản mỗi sắc thuế khi được ban hành đều đã được nghiên cứu kỹ và chuẩn bị chu đáo nhưng do đặc điểm nền kinh tế nước ta đang ở thời kỳ chuyển đổi từ hành chính, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nên không tránh khỏi những khiếm khuyết, bất cập. Chính vì vậy thanh tra, kiểm tra thuế là nơi cung cấp các căn cứ, các bằng chứng cụ thể phản ánh một cách chân thực, sống động các hoạt động diễn ra trong thực tế, để phục vụ cho việc hoàn thiện, bổ sung các chính sách cho phù hợp.

- Thanh tra, kiểm tra thuế TNDN là phương tiện phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm nảy sinh trong hoạt động quản lý thuế.

Với tư cách là công cụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra thuế TNDN chính là việc xem xét tại chỗ việc làm của các tổ chức, cơ quan và các cá nhân có đúng quy định của chính sách, pháp luật về thuế TNDN hay không? Qua đó sử dụng các biện pháp chế tài bằng mệnh

lệnh hoặc các quyết định hành chính nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật của người nộp thuế.

Thực tế cho thấy không có hệ thống pháp luật nào có thể đảm bảo là không khiếm khuyết. Đây chính là nguyên nhân để các đối tượng lợi dụng, cố tình lách luật để trục lợi cá nhân. Kiểm tra, thanh tra thuế TNDN phải phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực để ngăn ngừa kịp thời.

Một phần của tài liệu Thanh tra kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại chi cục thuế thị xã phổ yên tỉnh thái nguyên (Trang 30 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)