Chương 4: MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ ĐOÀN CƠ SỞ TRỰC THUỘC THÀNH ĐOÀN BẮC
4.3. Một số kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, Tỉnh Bắc Ninh, Thành phố Bắc Ninh
4.3.1. Về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới
Đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở nằm trong nhóm cán bộ chuyên trách theo quy định của pháp luật. Vậy nên ngay sau khi Quốc hội khoá XII có Nghị quyết ban hành Luật cán bộ, công chức, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản về nhóm đối tượng áp dụng một số nội dung của Luật như: Nghị định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; Nghị định về chế độ khen thưởng, xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức cấp xã; Nghị định về chế độ tiền lương, phụ cấp và bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức cấp xã...
Sau khi ban hành quy chế cán bộ Đoàn, Trung ương cần ban hành các chính sách đối với cán bộ Đoàn, đặc biệt là cán bộ Đoàn cơ sở. Trong đó chú trọng chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ... cho từng trường hợp.
4.3.2. Hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn cơ sở đặt trong tổng thể chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức
Không thể xây dựng chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở tách rời việc xây dựng chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức của Đảng và Nhà nước, mà nó phải được đặt trong tổng thể chiến lược về xây dựng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước; mặt khác, chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn
cơ sở cần đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, thiết thực, cụ thể, đặc thù bởi các tổ chức Đoàn cơ sở vừa có các mối quan hệ ngang giữa các tổ chức này ở cấp cơ sở, lại vừa có mối quan hệ dọc của mình từ Trung ương đến cơ sở. Do đó, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn cơ sở không thể tiến hành một cách độc lập, tách rời mà phải được đặt trong tổng thể các mối quan hệ theo chiều ngang, chiều dọc;
phải đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ của cả hệ thống chính trị ở cơ sở.
Phải làm rõ được vị trí của người cán bộ Đoàn cơ sở trong thời kỳ đổi mới.
Vị trí, vai trò của họ là cán bộ nhà nước thực thi nhiệm vụ ở cơ sở. Vì vậy, phải có một chính sách ổn định, không được theo kiểu trúng cử thì làm, không trúng cử thì nghỉ..., đời sống của họ không còn phụ thuộc vào kinh tế gia đình như trước đây nữa. Để hoàn thành được việc công, họ phải sống được bằng việc công. Lực lượng cán bộ Đoàn cơ sở là lực lượng lao động trẻ (tuổi đời thường từ 25 - 35), cơ hội để làm việc trong các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn là rất nhiều, vì vậy nhà nước cần phải lưu tâm đến đặc thù này trong hoạch định chính sách cho cán bộ cơ sở nói chung và cán bộ Đoàn cơ sở nói riêng.
Chế độ, chính sách, tiền lương phải đảm bảo theo đúng lộ trình của cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. “Coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để kinh tế phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước”.
4.3.3. Hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn cơ sở phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng cơ sở
Điều kiện, hoàn cảnh và đặc điểm của các đơn vị hành chính cấp cơ sở nước ta rất khác nhau: Có xã diện tích chỉ vài km2, dân số chưa đến 1.000 người, nhưng có xã lại có diện tích bằng một huyện, hoặc có phường dân số lên đến 60 - 70.000 dân; nhiều xã, nhất là ở vùng miền núi, kinh tế kém phát triển, nguồn thu ngân sách của xã hoàn toàn dựa vào Tỉnh và Trung ương, nhưng có phường, thị trấn nguồn thu ngân sách hàng năm lên đến vài chục tỷ đồng. Do đó việc quy định chính sách đãi ngộ cần dựa vào việc phân loại đơn vị hành chính cơ sở xã, phường, thị trấn theo quy định của Chính phủ.
4.3.4. Phân cấp nhiều hơn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý cán bộ Đoàn cơ sở
Do tính chất phong phú, đa dạng, phức tạp của cấp cơ sở ở các vùng, miền, khu vực khác nhau, cần thiết phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn, rõ hơn cho các cấp chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn cơ sở. Chính phủ nên tập trung vào các giải pháp chung làm cơ sở cho địa phương áp dụng.
Việc phân cấp cần minh bạch, mỗi cấp phải được quy định những nhiệm vụ thật cụ thể, tránh tình trạng chồng chéo nhiệm vụ, chức năng; hơn nữa phải có quy trình đánh giá hoạt động của các cấp, tránh tình trạng bị thừa làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc hoặc chi quỹ lương một cách không cần thiết.
4.3.5. Xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở
Chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của cán bộ cũng như đời sống của nhân dân, vì vậy không thể chần chừ mà cần triển khai các biện pháp đổi mới một cách tích cực và khẩn trương. Tuy nhiên không vì thế mà được nóng vội. Cần phải có sự hiểu biết, sâu sát thực trạng phát triển của từng đơn vị, để có thể áp dụng những mô hình phù hợp, có hiệu quả nhất với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó.
4.3.6. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 36/1998/QĐ-TTg ngày 13 tháng 2 năm 1998 và được kiện toàn, sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ tại quyết định số 1328/QĐ-TTg ngày 28/7/2010. Trong đó xác định Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về công tác thanh niên.
Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên...triển khai thực hiện pháp luật, chính sách thanh niên và công tác thanh niên.
Để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của tổ chức này, các cấp các ngành cần quán triệt Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trong đó, phải xác định đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác Đoàn và công tác thanh niên ở các cấp có phẩm chất đạo đức, có trình độ và năng lực công tác ngang tầm với nhiệm vụ được giao là nhiệm vụ hàng đầu, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác thanh niên hiện nay.
4.3.7. Có chính sách đặc thù thu hút đối tượng sinh viên của địa phương sau khi tốt nghiệp Đại học về phục vụ địa phương
Thành phố Bắc Ninh đi đầu trong việc thu hút nhân tài về công tác tại các cơ quan nhà nước trong những năm qua. Từ năm 2010, Thành phố cũng đã thu hút được một số lượng đông đảo nguồn lao động chất lượng cao (sinh viên tốt nghiệp Đại học loại giỏi; Thạc sỹ, Tiến sỹ) về lao động và làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, Thành phố Bắc Ninh cần phối hợp với các ban ngành liên quan tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố xây dựng đề án thu hút đối tượng sinh viên địa phương tốt nghiệp ĐH về công tác tại các Chi đoàn thuộc các đơn vị xã, phường. Có thể xây dựng thí điểm bố trí sinh viên về đảm nhiệm chức vụ Bí thư Chi đoàn cơ sở.