Tổng quan về giảng viên đại học và đội ngũ giảng viên đại học

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Quản lý kinh tế: Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tại trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên (Trang 20 - 24)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC

1.1. Cơ sở lý luận về chất lượng đội ngũ giảng viên đại học và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học

1.1.1. Tổng quan về giảng viên đại học và đội ngũ giảng viên đại học

Khái niệm về giảng viên có thể tiếp cận ở rất nhiều quan điểm khác nhau:

- Theo quyết định số 202/TCCP-VC được ban hành ngày 08 tháng 06 năm 1994 của Ban tổ chức - cán bộ chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành giáo dục và đào tạo: “Giảng viên là viên chức chuyên môn đảm nhiệm việc giảng dạy và đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng thuộc một chuyên ngành đào tạo của trường đại học hoặc cao đẳng”

- Tại Điều 61. Luật Giáo dục (1998) có nêu: “Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường hoặc các cơ sở giáo dục khác.”

- Tại điều 70, Luật Giáo dục (2005) có nêu: “Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp gọi là giáo viên;

ở cơ sở giáo dục đại học gọi là giảng viên”

- Tại khoản 1, điều 54, Luật Giáo dục đại học (2012) quy định:

1. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật giáo dục.

2. Chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư.

3. Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên. Trường hợp đặc biệt ở một số ngành chuyên môn đặc thù do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quy định.

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ từ thạc sĩ trở lên làm giảng viên.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, quy định việc bồi dưỡng, sử dụng giảng viên.

Như vậy, khái niệm về giảng viên có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng đều thống nhất về bản chất của người giảng viên, đó là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các trường đại học, cao đẳng, nhằm truyền thụ kiến thức khoa học, kỹ năng, khả năng thực hành cho sinh viên và xây dựng, hình thành nhân cách cho người học, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển xã hội.

1.1.1.2. Đội ngũ giảng viên

Theo từ điển tiếng Việt, đội ngũ là "khối đông người cùng chức năng nghề nghiệp được tập hợp và tổ chức thành một lực lượng". Các khái niệm về đội ngũ dùng cho các thành phần trong xã hội như đội ngũ trí thức, đội ngũ công nhân viên chức đều có gốc xuất phát từ đội ngũ theo thuật ngữ quân sự. Đó là một khối đông người, được tổ chức thành một lực lượng để chiến đấu hoặc để bảo vệ. Tóm lại, đội ngũ là một nhóm người được tổ chức và tập hợp thành một lực lượng để thực hiện một hay nhiều chức năng, có thể cùng nghề nghiệp hoặc không cùng nghề nghiệp nhưng cùng có chung một mục đích nhất định.

Từ khái niệm nêu trên, ta có thể hiểu: Đội ngũ giảng viên là một tập thể người có làm nghề dạy học - giáo dục tại các trường ĐH, CĐ được tổ chức thành một lực lượng; cùng chung một nhiệm vụ là thực hiện các mục tiêu GD&ĐT đã đặt ra cho trường ĐH, CĐ.

1.1.1.3. Đặc điểm của giảng viên

Giảng viên Đại học là người làm nhiệm vụ giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên trong các trường Đại học, Cao đẳng; vì vậy, phẩm chất trí tuệ là yêu cầu rất cao đối với người giảng viên. Từ chất sáng tạo đó biểu hiện trong năng lực hoạt động giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học và trong toàn bộ quá trình sáng tạo để hình thành nên toàn bộ nhân cách sáng tạo của một con người - sản phẩm cần thiết và tất yếu của quá trình dạy học. Bởi vậy, hơn bất cứ một nghề nghiệp nào khác, nghề giảng dạy đại học đòi hỏi mỗi giảng viên phải phát huy năng lực sáng tạo của mình một cách cao nhất.

Một đặc điểm nữa là trong thời đại ngày nay, người giảng viên phải là một tấm gương sáng về đạo đức và tinh thần tự học, tự vươn lên để hoàn thiện mình. Mỗi giảng viên là một mẫu mực về ý trí học, về tinh thần nhân ái, nhân văn thương yêu con người, quý trọng con người.

1.1.1.4. Tiêu chuẩn đối với giảng viên đại học

Theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thay thế Quyết định 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003, đã quy định cụ thể 5 tiêu chuẩn của giảng viên đại học:

1- Có phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt;

2- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Có bằng thạc sĩ trở lên đối với giảng viên giảng dạy các môn lý thuyết của chương trình đào tạo đại học; có bằng tiến sĩ đối với giảng viên giảng dạy và hướng dẫn chuyên đề, luận văn, luận án trong các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ;

3- Có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu công việc;

4- Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp;

5- Lý lịch bản thân rõ ràng.

Như vậy, Theo quy định cũ (Quyết định 153/2003/QĐ-TTg), tiêu chuẩn của giảng viên được quy định tại Điều 61 Luật Giáo dục. Theo đó, ngoài các điều kiện về phẩm chất, đạo đức, tư tưởng, sức khỏe, lý lịch thì Luật Giáo dục chỉ quy định chung rằng "Giảng viên phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ".

Như vậy, so với quy định cũ, điều lệ mới ban hành đã quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên; đồng thời có bổ sung thêm điều kiện về trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu công việc.

1.1.1.5. Vai trò của giảng viên

Giảng viên, với vai trò chủ đạo trong quá trình giáo dục ở các trường ĐH, CĐ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 1996, t.8, tr.184)

Trong đổi mới giáo dục đại học hiện nay, đội ngũ giảng viên trường đại học được coi là một nguồn lực quan trọng phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH vì:

- Đội ngũ giảng viên là người trực tiếp thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục, với vai trò chủ đạo trong quá trình GD&ĐT ở các trường ĐH, CĐ.

Điều 15, Luật giáo dục (2005) nêu rõ: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục”.

- Đội ngũ giảng viên với năng lực, sự tận tâm với nghề nghiệp và khả năng thích ứng cao mới có thể bảo đảm cung cấp cho xã hội được sản phẩm nguồn nhân lực có hàm lượng chất xám cao, có giá trị nhất, quyết định sự phát triển.

- Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII của Đảng khẳng định:

“Giảng viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh”.

Thực tế đội ngũ cán bộ giảng dạy giữ vai trò quyết định chất lượng đào tạo và là lực lượng chủ công trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của trường đại học.

- Trong GD&ĐT, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thực sự là lực lượng tin cậy của Đảng, giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tận tụy với sinh viên, có tinh thần trách nhiệm, ý thức cầu tiến, chịu khó tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ và sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội.

1.1.1.6. Nhiệm vụ của giảng viên đại học

Nhiệm vụ của Giảng viên được quy định tại Điều 6 - Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, như sau:

a) Giảng dạy, hướng dẫn và chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp trình độ cao đẳng, đại học. Giảng viên trong thời gian làm công tác trợ giảng thực hiện hỗ trợ giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư trong các hoạt động giảng dạy, bao gồm: Chuẩn bị bài giảng, phụ đạo, hướng dẫn bài tập, thảo luận, thí nghiệm, thực hành và chấm bài;

b) Tham gia giảng dạy chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và hướng dẫn, đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định;

c) Tham gia xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo; tham gia đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên;

d) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn sách phục vụ đào tạo;

đ) Tổ chức và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học; viết và tham gia báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học; tham gia triển khai các hoạt động chuyển giao công nghệ cho cơ sở sản xuất;

e) Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;

g) Tham gia công tác chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập; hướng dẫn thảo luận, thực hành, thí nghiệm và thực tập;

h) Học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

i) Tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác được phân công.

Như vậy, căn cứ vào quy định, một cách khái quát, giảng viên đại học phải thực hiện tốt các nhiệm vụ trong các lĩnh vực: hoạt động giảng dạy, hoạt động NCKH và các hoạt động khác: tham gia công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, công tác đảng, đoàn thể, CVHT .v.v.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Quản lý kinh tế: Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tại trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)