Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC
1.1. Cơ sở lý luận về chất lượng đội ngũ giảng viên đại học và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học
1.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học
1.1.5.1. Các yếu tố khách quan
- Các chính sách phát triển giáo dục Đại học của đất nước.
Chính sách phát triển giáo dục Đại học của đất nước trong nền kinh tế thị trường là không gian để Nhà nước triển khai áp dụng hệ thống định hướng cho giáo dục đại học theo đúng mục tiêu đồng thời nó là cơ sở tạo ra một sân chơi bình đẳng, rộng rãi cho các đối tác trong toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục Đại học. Thực tế các nước phát triển đã chỉ ra rằng, giáo dục đại học
chỉ có thể phát triển bền vững, lành mạnh và đúng định hướng trên nền tảng của một hệ thống thể chế, pháp luật đầy đủ, ổn định. Với ý nghĩa đó, việc hoàn chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, các quy phạm điều hành quản lý giáo dục đại học ở cấp vĩ mô cần được tiến hành thường xuyên để theo kịp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bên canh đó, Nhà nước ta cũng phải đưa ra các chính sách để khuyến khích phát triển giáo dục đại học trong đó có phát triển đội ngũ giảng viên của các trường.
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên bị chi phối nhiều bởi các yếu tố kinh tế xã hội, trong đó tăng trưởng là yếu tố quan trọng tác động trên nhiều phương diện. Trước hết nó trực tiếp cải thiện đời sống của đội ngũ giảng viên. Qua tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, chất lượng cuộc sống mà trước hết là chất lượng dinh dưỡng được nâng cao hơn, đội ngũ giảng viên được hưởng tốt hơn các dịch vụ giáo dục cũng như chăm sóc sức khỏe.
Từ việc chất lượng cuộc sống được nâng cao, các dịch vụ chăm sóc được quan tâm hơn làm cho con người không những được cải thiện hơn về tình hình sức khỏe mà còn nâng cao được trình độ văn hóa cũng như trình độ chuyên môn của mình..Tăng trưởng kinh tế không chỉ là “môi trường” mà còn là động lực để thúc đẩy nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên..
1.1.5.2. Các yếu tố chủ quan
- Chính sách của nhà trường đầu tư cho công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên hiện nay tại các nhà trường là vấn đề luôn được ưu tiên hàng đầu. Bởi vậy các cơ sở giáo dục phải có được đội ngũ giảng viên ở trình độ cao thì mới có được cơ hội để nâng cao vị thế của mình..
Các chính sách đúng đắn của nhà trường cho việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên sẽ đem lại một tinh thần không ngừng học tập và
vươn lên của giảng viên. Họ sẽ cố gắng phấn đấu để nâng cao trình độ của mình mang lại những hiệu quả thiết thực cho công tác đào tạo của nhà trường, thu hút sinh viên và dần dần nâng cao vị thế của nhà trường trong đào tạo.
Trái lại, nếu không chú trọng đến công tác này thì các cơ sở giáo dục đại học đó sẽ bị thụt lùi, ở lại phía sau. Các giảng viên trong nhà trường sẽ không cố gắng để tự hoàn thiện mình, không có ý thức cố gắng phấn đấu vươn lên mang lại cho nhà trường những nhân tố tích cực. Các chủ trương, chính sách của nhà trường đóng vai trò sống còn trong quyết định sự thành công của công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, bởi đây là một quá trình dài và đòi hỏi phải có sự đồng tâm nhất trí giữa nhà trường với giảng viên.
- Chiến lược nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong các trường đại học.
Các nhà trường nếu như chỉ có chủ trương, chính sách nhưng không đi kèm với chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thì công tác này sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Các chiến lược của nhà trường phải mang tính thời kỳ, theo từng giai đoạn cụ thể và mục tiêu chiến lược cụ thể. Những chiến lược này phải đáp ứng được về mặt nội dung và hiệu quả. Các trường đại học cũng đề ra những chiến lược cụ thể nhằm mang lại sự hiệu quả cho công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Ban lãnh đạo nhà trường phải đưa ra được các chiến lược cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của nhà trường, đồng thời đánh giá được tính hiệu quả do các chiến lược mình đưa ra nhằm có được những giải pháp cho các thời kỳ phát triển sau của nhà trường.
- Hợp tác quốc tế
Hợp tác quốc tế là vấn đề cốt lõi trong phát triển và liên kết đào tạo của nhà trường. Hiện nay, hợp tác quốc tế đưa đến một cơ hội mới cho các nhà trường có định hướng liên kết và đào tạo. Các chương trình mà hợp tác quốc tế đưa đến thường là những chương trình có chất lượng cao từ nước ngoài. Những chương trình này rất đa dạng và có rất nhiều ngành nghề về kinh tế, thương
mại… Các trường đại học trong những năm gần đây đã đẩy mạnh việc liên kết hợp tác quốc tế. Việc liên kết này có thể là giữa các trường đại học thông qua một số trường đại học tân tiến hàng đầu trên thế giới.
Cùng với việc liên kết với nhau thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cũng phải được đầu tư, đẩy mạnh. Khi xác định việc hợp tác đào tạo quốc tế thì mỗi nhà trường cần phải chuẩn bị tâm thế và xác định những mục tiêu cần đạt tới trong hợp tác quốc tế. Để tránh khỏi việc hợp tác và đào tạo quốc tế không mang lại hiệu quả cao, tốn nhiều chi phí nhà trường cũng cần phải nâng cao chất lượng của giảng viên cho chương trình tiên tiến này. Do vậy, hợp tác quốc tế là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với bất kỳ trường đại học nào, để chương trình này thật sự mang lại hiệu quả thì nhà trường cần phải có hướng và kế hoạch cụ thể cả về chi phí, chất lượng đội ngũ.