8. Kết cấu luận án
1.1. TỔNG QUAN VỀ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ RỦI RO HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1.1. Khái quát về ngân hàng thương mại
1.1.1.1. Khái niệm.
“Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu lợi nhuận..Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ: (i) Nhận tiền gửi, (ii) Cấp tín dụng, (iii) Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. [47]
Ngân hàng thương mại có nhiều khái niệm được định nghĩa thông qua chức năng, dịch vụ hoặc vai trò của ngân hàng thương mại trong nền kinh tế.
Theo quan điểm tác giả luận án: “Ngân hàng thương mại là một tổ chức kinh doanh tiền tệ, hoạt động chủ yếu và thường xuyên là nhận tiền gửi của khách hàng, sử dụng số tiền đó để cho vay, chiết khấu và thực hiện tất cả các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng trong nền kinh tế”
1.1.1.2. Các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại
* Hoạt động huy động vốn
Ngân hàng thương mại là nơi cung cấp các dịch vụ cho nền kinh tế.
Huy động vốn là một trong những nghiệp vụ quan trọng hàng đầu của ngân hàng thương mại. Hoạt động huy động vốn của các ngân hàng thương mại là hoạt động mà trong đó các ngân hàng thương mại tìm kiếm nguồn vốn khả dụng từ các chủ thể trong nền kinh tế nhằm mục đích kinh doanh và đảm bảo sự vận hành bình thường, hiệu quả của bản thân theo đúng quy định của Pháp luật. Với đặc thù trong hoạt động, ngân hàng thu hút nguồn vốn nhàn
rỗi của cá nhân, tổ chức kinh tế, định chế tài chính lớn nhất trong nền kinh tế. Trên cơ sở nguồn vốn huy động được, ngân hàng thương mại thực hiện nghiệp vụ điều phối nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, các mục tiêu phát triển kinh tế theo vùng, miền và ngành, đáp ứng nhu cầu của xã hội nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.
* Hoạt động tín dụng
Hoạt động tín dụng là hoạt động trực tiếp mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Đối tượng và phương tiện kinh doanh chính của ngân hàng là tiền tệ, vì vậy nguồn lợi có được chủ yếu từ việc đầu tư, cho vay. Nếu ngân hàng thương mại huy động được nguồn vốn dồi dào từ nền kinh tế mà lại không thể sử dụng, phân phối, luân chuyển một cách hợp lý, hiệu quả thì không những không gia tăng lợi nhuận mà còn ảnh hưởng đến nguồn doanh thu phải bỏ ra bù đắp chi phí cho việc huy động vốn. Chính vì vậy, hoạt động tín dụng có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. ngân hàng thương mại hiện nay thực hiện hoạt động tín dụng ở các mảng cụ thể: cho vay thương mại, tài trợ dự án, cho vay tiêu dùng, tài trợ các hoạt động của Chính Phủ, bảo lãnh, cho thuê tài chính...
* Hoạt động dịch vụ phi tín dụng.
Hoạt động dịch vụ là hoạt động mà ngân hàng không trực tiếp cung cấp nguồn vốn mà chỉ cung cấp dịch vụ phục vụ khách hàng và hưởng thu nhập từ phí và hoa hồng. Đó là các hoạt động dịch vụ: thanh toán - chuyển tiền, bảo lãnh, kinh doanh ngoại hối, kinh doanh chứng khoán, tư vấn tài chính, ủy thác, bảo hiểm, môi giới…
1.1.1.3. Đặc điểm hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại Ngân hàng thương mại và cơ cấu hoạt động của ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của nền kinh tế. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại đa dạng, phong phú và có phạm vi rộng lớn. So với các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp khác, hoạt đông kinh doanh ngân hàng có những đặc điểm riêng biệt.
Thứ nhất, ngân hàng thương mại là một doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ để kiếm lời.
Hoạt động của ngân hàng thương mại chủ yếu nhằm theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Đối tượng kinh doanh của ngân hàng thương mại là tiền tệ - loại hình hàng hóa đặc biệt. Đặc điểm của tiền tệ là rất nhạy cảm và dễ bị tác động bởi những những biến động, những thay đổi dù là nhỏ nhất của các yếu tố môi trường bên ngoài hoặc bên trong. Chính vì vậy hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại là loại hình kinh doanh đặc thù gắn liền với quá trình vận động và lưu thông tiền tệ.
Thứ hai, hoạt động của ngân hàng thương mại gắn liền với nhiều đối tượng khách hàng trong nền kinh tế.
Hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại gắn liền với nhiều đối tượng khách hàng trong nền kinh tế bao gồm: các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức kinh tế - xã hội, các định chế tài chính (ngân hàng thương mại, ngân hàng Trung ương, các TCTD, các trung gian tài chính...
Thứ ba, các sản phẩm do ngân hàng thương mại cung cấp có những đặc điểm riêng biệt so với các hoạt động kinh doanh khác.
Các sản phẩm, dịch vụ do ngân hàng thương mại cung cấp có những đặc điểm riêng biệt, đặc thù, phân biệt với các hoạt động kinh doanh khác.
Cụ thể như sau:
- Sản phẩm của ngân hàng thương mại là sản phẩm thuộc khối dịch vụ - Sản phẩm của ngân hàng thương mại có tính đa dạng hóa cao, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng về mặt tài chính, bao gồm tiền gửi, tín dụng, ngân quỹ, quản lý tài chính - tài sản, đầu tư, bảo hiểm, thanh toán…
- Hàm lượng khoa học - công nghệ cao: các sản phẩm của ngân hàng thương mại được tích hợp với các tiến bộ mới nhất trong công nghệ thông tin, được thay đổi hàng ngày nhằm tăng tốc độ giao dịch, tạo thuận lợi cho khách hàng.
- Sản phẩm có độ tương đồng lớn: Rất khó để có thể tạo được sự khác biệt giữa các sản phẩm mà các ngân hàng thương mại mang lại, do chúng được thiết kế nhằm phục vụ nhu cầu giống nhau của các khách hàng và áp dụng các công nghệ giống nhau; sự khác biệt chủ yếu nằm ở chi phí mà khách hàng phải bỏ ra để sử dụng sản phẩm dịch vụ.
Thứ tư, hoạt động ngân hàng thương mại là hình thức kinh doanh có rủi ro cao.
Hoạt động ngân hàng thương mại là hình thức kinh doanh có mức độ rủi ro cao, gần như không thể tránh khỏi và tính ổn định tương đối thấp.
Nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng thương mại chủ yếu là nguồn vốn đi vay dưới hình thức huy động tiền gửi trong nền kinh tế. Bản chất của nguồn vốn này là tạm thời nhàn rỗi, do vậy tính ổn định không cao. Hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng chủ yếu là cấp tín dụng cho các tổ chức, cá nhân hoặc đầu tư tài sản. Những nghiệp vụ này chịu ảnh hưởng rất lớn từ các nguyên nhân khách quan của nền kinh tế cũng như nguyên nhân chủ quan xuất phát từ nội tại, do vậy mức độ rủi ro rất cao. Vì vậy các ngân hàng thương mại luôn phải đối đầu với các loại rủi ro và có các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa và hạn chế các loại rủi ro: rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động...
Thứ năm, ngân hàng thương mại là trung gian tài chính điển hình.
Ngân hàng thương mại là trung gian điều phối nguồn vốn trong nền kinh tế. Thực trạng hiện nay, luôn luôn tồn tại những khoản tiền nhàn rỗi, dư thừa và cũng tồn tại nhu cầu sử dụng vốn để đầu tư. Ngân hàng thương mại là trung gian thỏa mãn nhu cầu từ hai phía của nền kinh tế. Thông qua cầu nối là ngân hàng thương mại, nguồn vốn của nền kinh tế được luân chuyển thường xuyên, hợp lý, từ nơi dư thừa sang nơi thiếu hụt, đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả. Bên cạnh đó ngân hàng thương mại là trung gian giữa ngân hàng Trung ương và nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương tác động đến hoạt động ngân hàng thương mại thông qua các chính sách về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, chính sách điều hành lãi suất... và ngân hàng thương mại chuyển tiếp tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế. Ngược lại, hoạt động của ngân hàng thương mại phản ánh nhu cầu, mục tiêu của nền kinh tế, thông qua đó Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều hành phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.
Thứ sáu, hoạt động của ngân hàng thương mại phải chịu sự giám sát chặt chẽ và thường xuyên của các cơ quan có chức năng quản lý vĩ mô.
Tính hệ thống trong kinh doanh ngân hàng cao hơn các lĩnh vực khác và mang tính đồng nhất về kĩ thuật nghiệp vụ. Các ngân hàng thương mại mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn phải có sự thống nhất về một số loại nghiệp vụ, có trách nhiệm hỗ trợ thanh toán, nguồn vốn kinh doanh, chia sẻ rủi ro đảm bảo an toàn cho từng ngân hàng và cho toàn hệ thống cũng như tổng thể nền kinh tế. Do đặc thù về sản phẩm, hoạt động của NHTM đều phải chịu sự giám sát chặt chẽ và thường xuyên của các cơ quan chức năng thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra hàng năm hoặc đột xuất nhằm đảm bảo tính ổn định trong vận hành, an toàn cho nền kinh tế [8]
1.1.2. Rủi ro hoạt động của ngân hàng thương mại.
1.1.2.1. Khái niệm
Rủi ro hoạt động luôn tồn tại và phát sinh tại bất kỳ khâu nào, giao dịch nào của ngân hàng thương mại. Bất kỳ ngân hàng thương mại nào dù thành lập lâu đời hay mới thành lập đều phải đối mặt với rủi ro hoạt động khi quyết định cung cấp một dịch vụ hay cấp một khoản tín dụng. Rủi ro hoạt động gây tổn thất lớn nhất và khó dự đoán nhất, khi xảy ra có khả năng xóa sạch mọi giá trị tài sản của ngân hàng thương mại. Nền kinh tế ngày càng phát triển, hoạt động ngân hàng ngày càng đa dạng phong phú với khối lượng giao dịch ngày càng khổng lồ, do đó rủi ro hoạt động ngày càng gia tăng.
Rủi ro hoạt động có thể phát sinh do hệ thống thông tin không hiệu quả, sai sót kỹ thuật, những sai phạm trong kiểm soát nội bộ... Phạm vi và thời gian xảy ra rủi ro hoạt động là rất rộng lớn và khó kiểm soát. Hiện nay, các khái niệm về rủi ro hoạt động chưa có sự thống nhất, tuy nhiên khái niệm
“rủi ro hoạt động” do Basel II đưa ra được nhận định và dẫn chiếu nhiều nhất. Theo Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng định nghĩa: “Rủi ro hoạt động được định nghĩa là rủi ro tổn thất do quy trình nội bộ không đầy đủ hoặc không hiệu quả, do con người và hệ thống hoặc do các sự kiện bên ngoài”. Định nghĩa này bao gồm cả rủi ro pháp lý, nhưng không bao gồm rủi ro chiến lược và rủi ro uy tín. [68]
Ở Việt Nam, theo Thông tư số 41/2016/TT- NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/12/2016 về Quy định tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì: “Rủi ro hoạt động là rủi ro do các quy trình nội bộ quy định không đầy đủ hoặc có sai sót, do yếu tố con người, do các lỗi, sự cố của hệ thống hoặc do các yếu tố bên ngoài làm tổn thất về tài chính, tác động tiêu cực phi tài chính đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bao gồm cả rủi ro pháp lý). Rủi ro hoạt động không bao gồm: a) Rủi ro danh tiếng, b) Rủi ro chiến lược”. [31]
Theo “Dự án Tăng cường năng lực giám sát ngân hàng” tháng 12/2016 tại Hà Nội của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, “Rủi ro hoạt động là khả năng xảy ra lỗi, sai sót (bao gồm cả cấu phần pháp lý) liên quan đến nhân viên, các đặc điểm của hợp đồng, thỏa thuận, văn bản, giấy tờ, hồ sơ, công nghệ, lỗi hạ tầng và thảm họa tác động từ bên ngoài và các mối quan hệ khách hàng. Định nghĩa này không bao gồm rủi ro kinh doanh, rủi ro chiến lược và rủi ro danh tiếng”.
Trên cơ sở kế thừa, chắt lọc các quan điểm trên, tác giả luận án đưa ra khái niệm theo quan điểm của mình: Rủi ro hoạt động là rủi ro có thể do sai sót của con người, quản trị nhân sự, vận hành không tốt các quy trình, hệ thống, các sự cố bất khả kháng. Rủi ro hoạt động là khái niệm bao trùm mọi
mặt tác nghiệp hàng ngày của ngân hàng thương mại, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, khó kiểm soát và đo lường.
1.1.2.2. Phân loại rủi ro hoạt động của ngân hàng thương mại
Dựa trên nguyên nhân, các yếu tố tác động đến rủi ro hoạt động, phạm vi gây ra thiệt hại... có thể phân loại rủi ro hoạt động theo các hướng sau:
* Căn cứ vào các yếu tố tác động, rủi ro hoạt động được chia thành: rủi ro nội bộ và rủi ro từ bên ngoài
Rủi ro nội bộ xuất phát từ nội tại hoạt động của ngân hàng thương mại.
Rủi ro này bao gồm rủi ro do yếu tố con người, rủi ro do các quy trình và nghiệp vụ, rủi ro do hệ thống/công nghệ.
- Rủi ro do yếu tố con người bao gồm các rủi ro phát sinh do lỗi của con người (vô tình hoặc cố ý), sai sót trong quản lý, cấu trúc tổ chức hoặc những thất bại liên quan đến nguồn nhân lực của ngân hàng thương mại.
- Rủi ro do các quy trình nghiệp vụ là rủi ro phát sinh do thiếu hoặc có nhưng không đầy đủ không phù hợp quy trình nghiệp vụ trong quá trình hoạt động của ngân hàng.
- Rủi ro do hệ thống/công nghệ phát sinh do hệ thống công nghệ thông tin liên lạc còn nhiều lỗ hổng, không có sự cập nhật kịp thời, sửa lỗi trong quá trình vận hành.
Hình thức rủi ro này có thể được ngăn chặn đúng cách bằng việc đưa ra các quy trình kiểm soát nội bộ phù hợp, ví dụ như đưa ra các quy định tác nghiệp chặt chẽ hơn, đầu tư cải thiện hệ thống công nghệ thông tin.
Rủi ro từ bên ngoài phát sinh từ các hành động và sự kiện bên ngoài nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng, ví dụ như thiên tai, các hoạt động tin tặc, phá hoại có chủ đích, hoạt động khủng bố.
Rủi ro này rất khó kiểm soát, tuy nhiên Ngân hàng có thể tham gia vào các hợp đồng bảo hiểm, tăng cường hoạt động an ninh, cũng như sử dụng các chiến lược rào đón rủi ro (hedging) nhằm giảm thiểu tối đa hoặc loại trừ rủi ro dạng này.
* Căn cứ vào nguyên nhân xảy ra, rủi ro hoạt động được chia thành 04 loại.
Rủi ro do các quy định, quy trình nghiệp vụ của ngân hàng: là những rủi ro hoạt động mà ngân hàng thương mại phải gánh chịu do quy trình nghiệp vụ có nhiều bất cập, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng hoặc chưa phù hợp, gây khó khăn khi thực hiện.
Rủi ro do cán bộ ngân hàng gây nên: là những rủi ro hoạt động do cán bộ thực hiện các nhiệm vụ không được ủy quyền hoặc phê duyệt quá thẩm quyền, không tân thủ các quy định, quy trình nghiệp vụ của ngân hàng, không chấp hành nội quy, hợp đồng lao động, có hành vi lừa đảo gây thiệt hại cho ngân hàng...
Rủi ro do hệ thống hỗ trợ: là những rủi ro hoạt động đén từ hệ thống công nghệ thông tin, như vấn đề bảo mật, sự lỗi thời của hệ thống, hệ thống bị gián đoạn...
Rủi ro do yếu tố bên ngoài: là những rủi ro hoạt động do gian lận của các đối tượng bên ngoài, các thảm họa tự nhiên, quy định của pháp luật...
* Căn cứ vào phạm vi gây thiệt hại, rủi ro hoạt động được chia thành:
rủi ro gây ra thiệt hại trực tiếp và rủi ro gây ra thiệt hại gián tiếp.
Thiệt hại trực tiếp là các thiệt hại nảy sinh ngay khi sự kiện rủi ro xảy ra. Ví dụ, một cán bộ giao dịch ngoại hối năng lực kém có thể khiến ngân hàng thương mại chịu tổn thất trong trường hợp giao dịch với tỉ giá bất lợi.
Một ví dụ khác là thay vì tính phí của khách hàng là 1 triệu đồng, nhân viên giao dịch lại đánh nhầm thành 100.000 đồng, khiến cho Ngân hàng chịu thiệt hại trực tiếp là 900.000 đồng. Quy ước Basel II chia thiệt hại trực tiếp làm 5 nhóm chính: (i) Giảm giá trị tài sản; (ii) Rủi ro không bồi hoàn; (iii) Thiệt hại từ bồi thường cho khách hàng; (iv) Chi phí từ nghĩa vụ pháp lý; (v) Phạt vi phạm quy định và luật của nhà nước.
Thiệt hại gián tiếp là các chi phí cơ hội và mất mát đi kèm với chi phí sử dụng để khắc phục thiệt hại trực tiếp gây ra bởi rủi ro hoạt động.