8. Kết cấu luận án
3.2.1. Giải pháp hoàn thiện về mô hình quản trị rủi ro hoạt động
Như đã được trình bày ở mục trên, mặc dù BIDV đã khá thành công trong việc xây dựng mô hình quản trị rủi ro hoạt động với đầy đủ các cấu phần cần thiết, tuy nhiên, vai trò của từng cấu phần đó đối với công tác quản trị rủi ro hoạt động cần được xem xét thường xuyên để đảm bảo hiệu quả hoạt động được duy trì.
3.2.1.1. Cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro hoạt động tại Hội sở chính.
Để quản trị rủi ro nói chung và quản trị rủi ro hoạt động có hiệu quả, một trong những yêu cầu quan trọng đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam là xây dựng và hoàn thiện mô hình cơ cấu tổ chức.
Đó là, Mô hình cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro hoạt động theo mô hình ba vòng kiểm soát của Hiệp ước Basel II, trên cơ sở phù hợp với tình hình hoạt động thực tế tại BIDV.
Hình 3.1. Mô hình ba vòng kiểm soát của Hiệp ước Basel II
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Mô hình cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro hoạt động theo ba vòng kiểm soát của Hiệp ước Basel II đã được nhiều ngân hàng thương mại trên thế giới và Việt Nam áp dụng có hiệu quả. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam là một trong số các ngân hàng đó. Theo tác giả đề xuất tại BIDV cần tiếp tục hoàn thiện các nội dung sau:
Thứ nhất, xác định chức năng, nhiệm vụ của từng vòng kiểm soát, bảo đảm cơ chế hoạt động độc lập giữa các bộ phận.
Thứ hai, xác định bộ phận, đơn vị trong từng vông kiểm soát, bảo đảm phù hợp với chức năng của từng vòng và thực tế hoạt động của BIDV. Trên cơ sở đó rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức.
Thứ ba, nhận diện các trường hợp xung đột lợi ích để có biện pháp giải quyết kịp thời, bảo đảm mô hình ba vòng kiểm soát được triển khai hiệu quả.
Thứ tư, xây dựng Ủy ban Quản trị rủi ro hoạt động tại cấp Ban Điều hành, bảo đảm phù hợp với của Thông lệ và tăng hiệu quả quản trị rủi ro hoạt động.
Ngoài ra, các bộ phận liên quan cần xây dựng cơ chế tính lương/ thưởng đối với cán bộ phụ trách Quản trị rủi ro hoạt động tại các Chi nhánh có tính đến hiệu quả công tác Quản trị rủi ro hoạt động của cán bộ do Trụ sở chính đánh giá. Đây chính là động lực thúc đẩy công tác QT rủi ro hoạt động một cách có hiệu quả tại các đơn vị.
3.2.1.2. Cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro hoạt động tại các chi nhánh.
Cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro hoạt động tại các chi nhánh cần được quan tâm, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực để thực hiện có hiệu quả. Hiện nay tại các chi nhánh của toàn hệ thống, bộ phận quản trị rủi ro hoạt động đã được tách ra riêng biệt, tuy nhiên vẫn còn chủ yếu thực hiện các nghiệp vụ quản trị rủi ro tín dụng, quản trị các bộ phận tác nghiệp ATM, chứ chưa tập trung nhiều vảo rủi ro hoạt động. Đồng thời số lượng cán bộ quản lý rủi ro tương đối mỏng, thông thường bộ phận quản lý rủi ro chỉ có 04 - 07 cán bộ/ chi nhánh. Do vậy, các chi nhánh cần chuyên môn hóa bộ phận quản trị rủi ro hoạt động, tăng cường thêm ít nhất 03 cán bộ cho phòng, và tập trung ít nhất 2 - 3 cán bộ vào mảng quản trị rủi ro hoạt động. Đồng thời tổ chức mô hình hoạt động theo hướng: Giám đốc phụ trách trực tiếp khối quản trị rủi ro, trong đó phân chia thành quản trị rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro hoạt động riêng biệt. Thông qua đó có thể nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro hoạt động tại chi nhánh. Cụ thể mô hình tổ chức quản lý rủi ro đề xuất như sau:
Hình 3.2. Mô hình cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro hoạt động đề xuất tại chi nhánh
Nguồn: Đề xuất của NCS
Với mô hình tổ chức quản trị rủi ro hoạt động như trên, phòng quản lý rủi ro tín dụng thực hiện trách nhiệm hoàn toàn tách biệt với phòng quản trị rủi ro hoạt động. Phòng quản trị rủi ro hoạt động có nhiệm vụ thực hiện các chỉ đạo của Giám đốc và ban lãnh đạo trong công tác quản trị rủi ro hoạt động tại chi nhánh, là đầu mối tập hợp các báo cáo, thống kê, đo lường và nhận biết các dấu hiệu rủi ro hoạt động thông qua công tác tự kiểm tra, rà soát tại chi nhánh. Đồng thời phòng quản trị rủi ro hoạt động thực hiện rà soát các văn bản quy trình, quy định, kịp thời đưa ra các kiến nghị về sự không phù hợp, lỗ hổng trong hệ thống quy định tại chi nhánh. Phòng quản trị rủi ro hoạt động có chức năng chuyên trách trong việc nhận diện và cảnh báo rủi ro sớm, khắc phục thiệt hại, qua đó nâng cao công tác phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro đồng thời hạn chế tối đa tổn thất khi rủi ro xảy ra. Trên thực tế, mô hình này đã được áp dụng tại nhiều Ngân hàng nước ngoài, với khối quản trị rủi ro hoạt động độc lập và giám sát toàn bộ hoạt động tác nghiệp, xử lý công việc của chi nhánh, và đã giúp giảm thiểu rủi ro hoạt động một cách đáng kể.