8. Kết cấu luận án
1.2. QUẢN TRỊ RỦI RO HOẠT ĐỘNG TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI THƯƠNG MẠI
1.2.5. Nhân tố ảnh hưởng đến quản trị rủi ro hoạt động của ngân hàng thương mại
1.2.5.1. Nhân tố chủ quan
- Một là, về tầm nhìn chiến lược của hội đồng quản trị về quản trị rủi ro hoạt động và “văn hóa” kiểm soát trong ngân hàng:
Quản trị rủi ro hoạt động cần được liên kết với tầm nhìn tổng thể của chiến lược phát triển khi có sự chú ý của ban lãnh đạo cấp cao của ngân hàng và quản trị rủi ro hoạt động cụ thể: Hoạch định chính sách chấp nhận rủi ro với các hoạt động quản lý thống nhất xuyên suốt hệ thống, lộ trình phát triển, phương hướng và quy tắc ứng xử rõ ràng, tạo ra văn hóa quản trị rủi ro trong ngân hàng và giúp cho công tác quản trị rủi ro ngày càng thống nhất về quy mô, phát triển và hoạt động đồng bộ, hiệu quả.
Văn hóa kiểm soát của ngân hàng được hình thành thông qua chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy định nội bộ, chế độ khen thưởng, kỷ luật nhằm khuyến khích, đảm bảo các cá nhân, bộ phận chủ động nhận diện, kiểm soát rủi ro trong hoạt động của mình và hoạt động của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Văn hoá quản trị rủi ro ảnh hưởng đến mọi quyết định của NHTM ở mọi cấp độ, đặc biệt đối với Ban lãnh đạo và bộ phận quản trị rủi ro.
Để tăng cường quản trị rủi ro hoạt động, NHTM phải xây dựng được văn hoá quản trị rủi ro hoạt động mạnh mẽ, trong đó phải nhấn mạnh được vai trò của quản trị rủi ro hoạt động đối với toàn bộ cán bộ để quản trị rủi ro hoạt động trở thành một việc song song với hoạt động kinh doanh hàng ngày
- Hai là về cơ cấu tổ chức:
Ngân hàng thương mại có cơ cấu tổ chức với sự phân quyền phù hợp, rõ ràng sẽ giúp quản trị rủi ro hoạt động có thể dễ kiểm soát, thống nhất và dễ báo cáo hơn. Cơ cấu tổ chức quyết định sự phân chia nhiệm vụ, sự phối hợp giữa các vị trí khác nhau. Khi được phân chia nhiệm vụ cụ thể, các cán bộ gia tăng trách nhiệm làm việc. Không chỉ vậy, cơ cấu tổ chức tinh gọn quyết định khả năng nắm bắt, xử lý và truyền tải thông tin. Điều này tác động đến khả năng nhận diện, đo lường rủi ro hoạt động của NHTM để báo cáo với ban lãnh đạo nhanh chóng, từ đó đưa ra giải pháp kịp thời nhằm hạn chế tổn thất rủi ro hoạt động. Chính vì thế, cơ cấu tổ chức rõ ràng đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường công tác quản trị rủi ro hoạt động và ngược lại.
- Ba là về chất lượng nguồn lực:
+ Ngân hàng thương mại có nguồn lực là nhân sự có nghiệp vụ giỏi, chuyên nghiệp sẽ có thể hạn chế được tối đa rủi ro phát sinh trong quá trình tác nghiệp.
+ Rủi ro về đạo đức của nhân viên: Rủi ro này bắt đầu từ lòng tham con người, dễ xảy ra với những nhân viên ngân hàng thường xuyên tiếp xúc với tiền và với khách hàng, dễ bị nảy sinh những ý định lợi dụng chức vụ và quyền hạn để lừa khách hàng hay là thông đồng với khách hàng thực hiện
hành vi gian lận; hoặc là chính các cán bộ ngân hàng ở các mảng nghiệp vụ có liên quan có thể móc nối, câu kết cùng nhau để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài sản của ngân hàng để cùng ăn chia hoa hồng với nhau. Vấn đề quản trị và phát triển nguồn lực luôn cần được chú trọng trong công tác quản trị rủi ro hoạt động tại ngân hàng thương mại, từ việc tuyển dụng, đào tạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên đến việc tăng cường và thắt chặt các biện pháp kiểm soát, tính tuân thủ và nắm bắt tâm tư tình cảm của nhân viên ngân hàng, kịp thời phát hiện các dấu hiệu của rủi ro hoạt động, đưa ra các giải pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu kịp thời rủi ro.
- Bốn là về nguồn lực tài chính:
Ngân hàng có nguồn tài chính và nguồn nhân lực tốt và phát triển sẽ tạo nền móng để đầu tư các hệ thống kiểm soát chất lượng, có khả năng nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, thuê các bên tư vấn chuyên nghiệp để cùng hoàn thiện các quy trình, quy chế, cơ cấu tổ chức, nhờ đó việc kiểm soát và phòng chống rủi ro hoạt động sẽ tốt hơn; bên cạnh đó, nguồn lực tài chính vững mạnh sẽ giúp ngân hàng giải quyết các rủi ro hoạt động khi thực tế phát sinh được tốt hơn và chủ động hơn.
- Năm là về hệ thống công nghệ thông tin:
Ngân hàng có hệ thống công nghệ thông tin xuất sắc đóng vai trò chính trong việc đảm bảo hiệu quả hoạt động ngân hàng về tốc độ xử lý giao dịch, tính ổn định, độ chính xác của giao dịch và khả năng quản lý dữ liệu ngân hàng đóng vai trò hỗ trợ. Ngoài phần mềm hỗ trợ hoạt động kinh doanh, tác nghiệp thì phần mềm quản trị dữ liệu, quản trị thông tin, quản trị rủi ro hoạt động trong thống kê và báo cáo cũng rất quan trọng. Hệ thống công nghệ thông tin vận hành mượt mà góp phần quan trọng vào việc đảm bảo báo cáo rủi ro luôn thông suốt, kịp thời và là cơ sở cho việc quản lý và kịp thời xử lý các rủi ro hoạt động đã xảy ra. Do đó, hệ thống công nghệ thông tin là một trong những yếu tố quan trọng nhất của quản trị rủi ro trong ngân hàng.
1.2.5.2. Nhân tố khách quan
- Môi trường kinh tế:
Nền kinh tế ổn định giúp phát triển hoạt động ngân hàng thương mại theo định hướng chung của đất nước và Chính phủ, từ đó tránh được những tác động từ bên ngoài. Kinh tế phát triển là một trong những yếu tố quyết định đến mức sống của người dân - nhân tố có tác động trực quan đến rủi ro hoạt động mà ngân hàng phải đối mặt. Mức sống của người dân cao sẽ góp phần tăng trình độ dân trí, giảm thiểu các rủi ro hoạt động từ môi trường bên ngoài gây ra Do nền kinh tế có nhiều biến động ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, hoạt động quản trị rủi ro hoạt động cũng dần ổn định và phát triển theo định hướng của nhà nước, chính phủ nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng.
- Môi trường pháp lý:
Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và chặt chẽ là cơ sở để ngân hàng hoạt động ổn định và tránh được những rủi ro hoạt động có thể xảy ra. Các quy định của ngân hàng quốc doanh và các cơ quan hữu quan hỗ trợ ngân hàng thương mại phòng ngừa, chuẩn bị và quản trị rủi ro hoạt động để không vượt quá giới hạn do cơ quan nhà nước quy định có thể hạn chế hoạt động quản trị rủi ro của ngân hàng thương mại. Hơn nữa, nếu các chính sách, quy định, hướng dẫn về quản trị rủi ro hoạt động của ngân hàng nhà nước được công bố với những hướng dẫn rõ ràng, chi tiết, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, thì tình hình thực tế của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam sẽ là việc thống nhất, củng cố và tích hợp quản trị rủi ro hoạt động.
- Môi trường xã hội:
Đạo đức xã hội, trình độ dân trí, đạo đức kinh doanh... cũng có ảnh hưởng lớn đến quản trị rủi ro của ngân hàng thương mại. Hàng giả, gian lận ngân hàng thể hiện dưới các hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt như con dấu, tài liệu, hợp đồng làm ăn với đối tác nước ngoài để lừa đảo, lũng đoạn nguồn vốn, tài sản của các ngân hàng thương mại.
- Môi trường kỹ thuật, công nghệ:
Có thể nói ngành ngân hàng là ngành tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động. Sự phát triển của công nghệ mang đến nhiều lợi ích cho ngân hàng thương mại trong mọi khía cạnh và mọi mặt hoạt động, tăng lợi thế cạnh tranh mà còn tăng tính bảo mật, giao dịch an toàn của hệ thống, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro hoạt động. Tuy nhiên, khi quá trình chuyển đổi số diễn ra, ngân hàng thương mại chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống thành ngân hàng số sẽ thay đổi bản chất rủi ro hoạt động từ mức độ tổn thất thấp, tần suất xảy ra cao thành mức độ tổn thất lớn, tần suất xảy ra ít (BCBS, 2003). Hơn nữa, thực tế cho thấy rất nhiều rủi ro hoạt động xảy ra do lỗi phần cứng, phần mềm, lỗi đường truyền làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khách hàng và ngân hàng.
Điều này ảnh hưởng đến quản trị rủi ro hoạt động tại ngân hàng thương mại, đòi hỏi mỗi ngân hàng cần đưa ra chính sách, quy trình và kế hoạch kinh doanh phù hợp để giảm thiểu rủi ro hoạt động.