8. Kết cấu luận án
3.3 MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Để có thể triển khai các giải pháp trên một cách nhanh chóng, hiệu quả, tác giả có một số kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:
3.3.1. Kiến nghị đối với Chính phủ, Bộ ngành liên quan
Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu ban hành khung pháp lý, các tiêu chuẩn, điều kiện để các ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam nghiên cứu, có lộ trình chuẩn bị triển khai áp dụng.
Thứ hai, Chính phủ và Bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục rà soát để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện đồng bộ các văn bản pháp lý điều chỉnh mô hình tổ chức; hoạt động nghiệp vụ; thu chi tài chính của các Ngân hàng thương mại; như luật các Tổ chức tín dụng quy định về tổ chức hoạt động của
Ngân hàng thương mại, quy định về giao dịch đảm bảo… nhằm tạo ra một hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng thương mại. Vấn đề này đã tồn tại trong những năm qua, một số ngân hàng không tuân thủ quy định chung của pháp luật, của ngành dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây ra rủi ro hoạt động như gian lận nội bội, gian lận bên ngoài, vi phạm quy định pháp luật…
Thứ ba, Chính phủ có thể kết hợp các mối quan hệ quốc tế, cho phép lãnh đạo một số ngân hàng thương mại tháp tùng các đoàn công tác của Chính phủ học tập kinh nghiệm về quản trị rủi ro tác nghiệp ở các ngân hàng tiên tiến trên thế giới và trong khu vực.
Thứ tư, Chính phủ qua các mối quan hệ của mình có thể mời lãnh đạo các ngân hàng lớn hoặc các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị rủi ro hoạt động đến Việt Nam phổ biến kinh nghiệm của họ cho các ngân hàng thương mại Việt Nam học tập.
Thứ năm, Chính phủ cần có các giải pháp triệt để để nâng cao tính minh bạch của các chủ thể trong nền kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hội nhập với nền tài chính thế giới.
3.3.2. Kiến nghị, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
* Thứ nhất, NHNN Việt Nam sớm hoàn thiện hệ thống văn bản và hành lang pháp lý về quản trị rủi ro hoạt động.
NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN về việc Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư số 13/2018/TT-NHNN đã tiệm cận các thông lệ quốc tế, tạo nên các chuẩn mực mới cao hơn, chặt chẽ hơn trong việc quản trị rủi ro của ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi đã ban hành những chính sách, chủ trương lớn, việc NHNN ban hành thêm những tài liệu hướng dẫn chi tiết cấp dưới là hết sức cần thiết. Nếu không có sự định hướng về cách thức tiếp cận và hướng dẫn thực hiện, nhiều ngân hàng sẽ triển khai sai hướng, có thể dẫn tới những
tác động trái chiều như cản trở kinh doanh, tiêu tốn nguồn lực của ngân hàng.
Các văn bản hướng dẫn của NHNN về quản trị rủi ro hoạt động càng cụ thể, chi tiết thì các ngân hàng càng thuận lợi và dễ dàng trong việc triển khai và tuân thủ.
* Thứ hai, NHNN Việt Nam cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ triển khai quản trị rủi ro hoạt động tại các ngân hàng thương mại và nâng cao kiến thức quản trị rủi ro hoạt động cho các ngân hàng thương mại.
Theo đó, NHNN Việt Nam và các đơn vị thành viên như cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cần nâng cao vai trò hỗ trợ với tư cách là đơn vị chủ quản trực tiếp của các ngân hàng tại Việt Nam thông qua việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ triển khai quản trị rủi ro hoạt động tại các ngân hàng. Sự hỗ trợ của các cơ quan này đối với các ngân hàng có thể được thực hiện thông qua các hình thức chủ yếu như: đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn; thành lập tiểu ban chuyên trách về quản trị rủi ro để tiếp nhận và xử lý những kiến nghị từ phía các ngân hàng một cách tập trung; thiết lập mối quan hệ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Chính phủ các quốc gia có ngành ngân hàng phát triển và chú trọng quản trị rủi ro... Bên cạnh đó, để hỗ trợ BIDV cũng như các ngân hàng thương mại triển khai Basel II thành công theo các thông lệ tốt nhất của quốc tế, NHNN Việt Nam cần tăng cường công tác truyền thông, hội thảo để chuyển giao kinh nghiệm triển khai quản trị rủi ro hoạt động cho các NHTM.
* Thứ ba, NHNN Việt Nam cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản trị rủi ro hoạt động tại các NHTM.
Sau khi xây dựng được hành lang pháp lý dành cho lĩnh vực quản trị rủi ro hoạt động, để đảm bảo tính tuân thủ của các ngân hàng, NHNN Việt Nam và các cơ quan thanh tra, giám sát như cần chú trọng đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ở cả chiều rộng và chiều sâu. Về chiều sâu, NHNN Việt Nam cần hoàn thiện công tác thanh tra, cụ thể bằng việc tiếp tục triển khai đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, nắm bắt và cập nhật kịp thời các nghiệp vụ kinh doanh, dịch vụ ngân hàng hiện đại, áp dụng công nghệ mới
nhằm giám sát liên tục các NHTM dưới hai hình thức là thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa. Về chiều rộng, các cơ quan hữu quan cần ưu tiên nguồn lực tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và điều chỉnh những hoạt động chưa phù hợp, tránh việc phát triển sai định hướng hoặc quản trị rủi ro hoạt động sai phương pháp.
* Thứ tư, NHNN Việt Nam nên ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế trích lập dự phòng cho rủi ro hoạt động. Hoạt động ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro, các biện pháp quản lý chỉ nhằm ngăn chặn chứ không thể xóa bỏ được hoàn toàn rủi ro xảy ra. Để có thể duy trì hoạt động liên tục thì ngân hàng cần phải có quỹ dự phòng để bù đắp khi rủi ro phát sinh.
* Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm về quản trị rủi ro hoạt động của các ngân hàng lớn trên thế giới; Tổ chức hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm quản trị rủi ro hoạt động giữa các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Chương 3 đã hệ thống hóa, chọn lọc các định hướng cơ bản tăng cường quản trị rủi ro hoạt động tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đến năm 2030, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường của công tác này. Bên cạnh đó, đề xuất một số kiến nghị đối với Chính phủ, Bộ ngành liên quan và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản trị rủi ro hoạt động tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.