Chương 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU VỀ NHU CẦU TỰ KHẲNG ĐỊNH CỦA SINH VIÊN
2.3. Nhu cầu tự khẳng định của sinh viên
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
38
Thuật ngữ “sinh viên” có nguồn gốc từ tiếng La tinh “studens”, nghĩa là người làm việc, học tập nhiệt tình, tìm kiếm, khai thác kiến thức [46, tr. 44].
Theo Hoàng Phê, thuật ngữ “sinh viên” dùng để chỉ những người đang học ở bậc đại học [37].
Quan điểm khác lại cho rằng, SV là những người đã trưởng thành về thể chất, xã hội, tâm lý và vượt qua một kỳ thi tuyển với yêu cầu cao, mang tính chất quốc gia, ngành nghề rõ ràng [17].
Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta, hai tiếng SV luôn gợi lên một cái gì trong sáng, tốt đẹp. Đó là thế hệ còn quá sớm để được coi là từng trải, dày dạn, nhưng cũng quá muộn để bị coi là non nớt, thơ ấu. Thế hệ SV là thế hệ mà họ nhìn đời một cách nghiêm trang mà không mất vẻ trẻ trung, hồn nhiên, họ là thế hệ của học hỏi, rèn luyện, ước mơ. Họ là tuổi đẹp của một con người, thế hệ đẹp của một thời đại [75].
Khái niệm SV dùng để chỉ những người đang học tập để nắm lấy chuyên môn ở trình độ cao trong các trường Đại học và Cao đẳng. Họ có các quyền nhất định và đồng thời cũng có những nghĩa vụ nhất định. SV là những người của nhóm xã hội đặc biệt, nhóm người đang chuẩn bị kiến thức và kinh nghiệm để bước vào lao động nghề nghiệp trong tương lai [43].
Theo Vũ Thị Nho, SV là tầng lớp xã hội quan trọng, là nguồn dự trữ chủ yếu cho đội ngũ những chuyên gia theo các nghề nghiệp khác nhau của nhà nước. Các tổ chức chính trị, xã hội, gia đình đều đặt nhiều kỳ vọng vào SV và làm cho SV có vai trò, vị trí xã hội rõ rệt [35, tr.139].
Theo Tô Thúy Hạnh, SV là một nhóm xã hội đặc biệt, đang tiếp thu những kiến thức, kỹ năng chuyên môn ở các trường Đại học, Cao đẳng để chuẩn bị cho hoạt động nghề nghiệp sau khi ra trường [74].
Như vậy, các nhà tâm lí học đều có những quan niệm khác nhau khi nói đến khái niệm SV, nhưng họ đều thống nhất ở một số điểm sau:
- SV là tầng lớp xã hội đặc biệt và quan trọng.
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
39
- SV là những người đang tiếp thu những kiến thức và kỹ năng chuyên môn ở các trường Đại học, Cao đẳng.
- SV là lực lượng chuẩn bị bước vào lao động nghề nghiệp trong tương lai.
Từ quan điểm nêu trên, chúng tôi xin đưa ra khái niệm SV:
SV là tầng lớp xã hội đặc biệt, là lực lượng đang tiếp thu những kiến thức và kỹ năng chuyên môn ở các trường Đại học, Cao đẳng để chuẩn bị bước vào lao động nghề nghiệp trong tương lai.
b. Đặc điểm hoạt động của sinh viên
Trong tâm lý học, hoạt động được hiểu là: Một tổ hợp tác động vào đối tượng nhằm đạt mục đích thỏa mãn một nhu cầu nhất định và chính kết quả hoạt động là sự cụ thể hóa nhu cầu của chủ thể [25]. Hoạt động nói chung của con người chính là quá trình tác động vào đối tượng nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó. Đồng thời, thông qua đó, nhu cầu được phát triển ở mức độ cao hơn. Hoạt động của SV bao gồm nhiều nội dung khác nhau như: hoạt động học tập, kiếm sống, hoạt động văn nghệ, tình nguyện, hoạt động giao tiếp…
Trong phạm vi luận án, chúng tôi quan tâm đến hoạt động của SV ở những mặt sau: hoạt động học tập, hoạt động giao tiếp và hoạt động đoàn thể, xã hội.
Thứ nhất, về hoạt động học tập
Bên cạnh sự phát triển về thể chất, tâm lý thì hoạt động của người SV cũng có sự thay đổi với chiều hướng tích cực, đặc biệt là về hoạt động học tập. “Hoạt động học tập của SV là một loại hoạt động nhận thức cơ bản của SV, nhằm giúp SV nắm vững hệ thống kiến thức, kỹ năng về một loại nghề nghiệp nào đó, làm cơ sở cho hoạt động nghề nghiệp tương lai” [46, tr. 89].
Hoạt động học tập của SV gắn liền với hướng SV mong muốn dần hoàn thiện bản thân, đòi hỏi được người khác thừa nhận những ưu điểm của mình trước người khác. Vậy, hoạt động học tập của SV có những đặc điểm sau [41, tr 127 – 175]:
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
40
- Tính chuyên nghiệp: Học tập của SV hướng vào việc hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách người chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp tương ứng. Mục đích học tập chuyên nghiệp của SV là việc chiếm lĩnh một hệ thống kiến thức, kỹ năng và thái độ với nghề. Vì vậy, so với học tập của học sinh phổ thông, việc học tập của SV có sự thay đổi rất lớn – mang tính chuyên nghiệp hơn.
- Tính độc lập, sáng tạo cao trong học tập: SV phải tự ý thức đầy đủ về học tập của bản thân. Đó là, sự giác ngộ bản thân là chủ thể của hoạt động học tập. X. I. Ackhanghenxki đã nhận định rằng học ở đại học là học tập độc lập, học cách độc lập trong nghiên cứu khoa học [60]. Việc học của SV là học cho cá nhân SV, phục vụ cho tương lai của SV. Tuy nhiên, các em luôn muốn người khác thừa nhận khả năng học tập của mình.
Tự ý thức giúp cho SV có những hiểu biết và thái độ để chủ động hướng nhân cách theo hướng nhu cầu của xã hội. Vì luôn có khao khát mong muốn được khẳng định chỗ đứng của mình trong xã hội, muốn được xã hội, bố mẹ, thầy cô, bạn bè công nhận về sự trưởng thành cũng như năng lực học tập của mình nên SV luôn luôn có thái độ nghiêm túc trong việc trau dồi trình độ chuyên môn, vốn hiểu biết xã hội, tinh thần trách nhiệm và thái độ ham học hỏi.
Hơn nữa, hoạt động nghiên cứu khoa học của SV là hoạt động có hiệu quả rất lớn trong việc đào tạo những người cán bộ ở trình độ Đại học. Nó phát triển tính tổng hợp vấn đề, lối tư duy lô gic, phát triển những kỹ năng, kỹ xảo, phương pháp nghiên cứu khoa học của người SV trong quá trình tiếp nhận tri thức, từ đó sử dụng chúng vào giải quyết một số vấn đề lý luận và thực tiễn.
R. A. Nhizamov khẳng định học tập ở Đại học, SV phải thực sự là chủ thể tích cực dưới sự hướng dẫn của giảng viên [32]. Tính độc lập trong học tập của SV thể hiện trong suốt quá trình học tập, từ việc tích cực giải quyết các nhiệm vụ học tập đến việc sưu tầm tài liệu tham khảo, lập kế hoạch học tập và
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
41
thực hiện nó. Tính độc lập trong học tập là vấn đề cốt lõi về học tập ở SV [41, tr. 241 – 245].
Đặc biệt, SV Việt Nam đang được đào tạo học tập theo học chế tín chỉ.
Đào tạo theo học thế tín chỉ là một phương thức đào tạo linh hoạt. Trong đó, SV được chủ động xây dựng lộ trình cũng như kế hoạch học tập của mình. SV có thể tốt nghiệp sớm hơn hay muộn hơn chính là dựa vào kế hoạch học tập cũng như sự quyết tâm của chính bản thân SV ấy. Mục tiêu của chương trình đào tạo theo tín chỉ là xây dựng một học chế mềm dẻo, hướng về SV để tăng tính chủ động và khả năng cơ động của SV, đảm bảo sự liên thông trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, đào tạo theo hình thức tín chỉ sẽ tạo ra sản phẩm có tính thích nghi cao với thị trường lao động trong nước, đưa hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới theo xu thế toàn cầu hóa.
Thứ hai, về hoạt động giao tiếp
Bên cạnh các hoạt động học tập, SV còn có nhu cầu giao tiếp, tiếp xúc, trao đổi thông tin. Giao tiếp được hiểu là: Sự tác động qua lại giữa con người với con người, trong đó diễn ra sự tiếp xúc tâm lý biểu hiện ở sự trao đổi thông tin, rung cảm lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau và ảnh hưởng lẫn nhau [72, tr.109].
Theo chúng tôi, giao tiếp là: Sự tiếp xúc tâm lý giữa con người với con người, là hiện tượng đặc trưng của con người và chỉ có ở con người. Mối quan hệ giao tiếp có thể diễn ra giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với nhóm, giữa nhóm với nhóm. Trong quá trình giao tiếp, các mối quan hệ xã hội khác của con người được xác lập và vận hành.
Hoàng Thị Anh (1992) đã nghiên cứu kỹ năng giao tiếp sư phạm của SV. Tác giả cho rằng, nhu cầu giao tiếp là một yếu tố thúc đẩy để hoàn thiện kỹ năng giao tiếp sư phạm ở SV. Kết quả hình thành kỹ năng giao tiếp sư
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
42
phạm ở SV phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phạm vi giao tiếp của SV khá rộng và nội dung giao tiếp có liên quan đến tất cả các mặt khác nhau của đời sống [1].
Với những tài liệu mà tác giả tiếp cận, trong khuôn khổ luận án này, chúng tôi cho rằng, hoạt động giao tiếp của SV hướng vào những nội dung sau:
- Nhu cầu giao tiếp: Nhu cầu giao tiếp là mặt bên trong của tính tích cực giao tiếp, là nguồn gốc, động lực của giao tiếp. Nếu không có nhu cầu giao tiếp thì SV không có tính tích cực giao tiếp. Điều này đồng nghĩa với việc muốn phát triển tính tích cực giao tiếp, trước hết phải phát triển nhu cầu giao tiếp. Leonchiev đã viết: “Trẻ nhỏ không hoàn toàn đối mặt với thế giới xung quanh nó. Quan hệ của nó với thế giới được thông qua quan hệ của nó đối với người khác. Sự giao tiếp này chỉ là dưới dạng bề ngoài, dạng hoạt động chung hay dưới dạng giao tiếp có tính chất ngôn ngữ hay chỉ là giao tiếp có tính chất tư tưởng thì nó vẫn là điều kiện cần thiết và là sự độc đáo của sự phát triển con người trong xã hội” [25]. Điều này chứng minh rằng, nhân cách của SV chỉ được hình thành, phát triển và hoàn thiện trong giao tiếp, khởi nguồn của sự tiếp xúc đó chính là nhu cầu được giao tiếp với người khác.
- Đối tượng giao tiếp: Đối tượng giao tiếp của SV khá rộng rãi. Điều đó được thể hiện rất rõ trong giao tiếp của SV với SV, SV với giảng viên. SV không chỉ giao tiếp với các thầy cô hướng dẫn chuyên môn cùng trường mà SV còn giao tiếp với các thầy cô khác trường. Đối tượng bạn bè mà SV giao tiếp cũng khá mở rộng. Họ giao tiếp với bạn bè cùng đoàn hay khác đoàn thực tập, cùng nhóm hay khác nhóm lớp, bạn cùng giới hay bạn khác giới, bạn cùng trường hay khác trường, bạn cùng câu lạc bộ hay bạn khác câu lạc bộ…
Như vậy, SV giao tiếp với đối tượng trong nhóm, hay với đối tượng ngoài nhóm cũng đều với mục đích mong muốn được học hỏi, được quan tâm, khao khát được thừa nhận những mối quan hệ và nội dung giao tiếp đó.
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
43
- Nội dung giao tiếp: Nội dung giao tiếp mà SV đưa ra trao đổi, bàn bạc khá phong phú và nhiều mặt: Từ những chủ đề nóng hổi trong giáo dục đến những chủ đề hấp dẫn trong cuộc sống hàng ngày như tình bạn, tình yêu, thời sự xã hội, văn nghệ thể thao cho đến những câu chuyện về gia đình, về điều kiện ăn uống sinh hoạt vật chất, cơ sở đào tạo, cách giảng dạy của từng giảng viên, điểm số, sở thích,… Tất cả đều đi vào nội dung giao tiếp của SV.
Đặc biệt, hiện nay trong các trường Đại học, Cao đẳng có rất nhiều bạn trẻ đã tự thành lập các tổ chức khác nhau, ví dụ nhóm tiếng anh, nhóm sức khỏe sinh sản, nhóm gia sư, nhóm văn nghệ… Chính những hoạt động này góp phần làm phong phú đời sống văn hóa cũng như thỏa mãn được phần nào nhu cầu giao tiếp trong hoạt động của SV.
Thứ ba, hoạt động đoàn thể xã hội
Với nghiên cứu: “Vai trò liên kết xã hội và tạo vốn xã hội của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay”, Nhạc Phan Linh đã cho rằng là một thành viên của tổ chức đoàn hội, SV có cơ hội gặp gỡ nhiều người từ các ngành học khác nhau, tham gia các hoạt động tình nguyện phục vụ cho cộng đồng và xã hội đầy ý nghĩa. Không những chỉ tham gia, nhiều SV đã trở thành những thành viên tích cực nhất và thậm chí đảm nhận các vai trò chủ chốt trong các tổ chức đoàn, hội, câu lạc bộ SV [27]. Chúng tôi cho rằng, hoạt động đoàn thể xã hội của SV thể hiện ở các mặt sau:
- SV tham gia vào các nhóm tình nguyện: Hầu hết trong các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước, chúng ta đều thấy xuất hiện các nhóm tình nguyện khác nhau. Các nhóm này thường xuyên tổ chức các hoạt động đến với những người có hoàn cảnh đặc biệt, với bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo hay quyên góp giúp đỡ đồng bào khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Những hoạt động tình nguyện không những mang lại niềm vui nho nhỏ cho các em thiếu nhi đang phải gánh chịu bệnh tật, những gia đình khó khăn… mà còn giúp SV trưởng thành hơn trong các phong trào cộng đồng.
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
44
- Mong muốn thể hiện bản thân và được đoàn thể thừa nhận năng lực:
Khi SV tham gia vào hoạt động đoàn thể, họ luôn luôn mong muốn nhóm thừa nhận năng lực của mình mỗi khi nhận làm những nhiệm vụ khó khăn, khi hoàn thành tốt công việc được giao và đặc biệt khi các em đưa ra những ý kiến hợp lý, sáng suốt được nhóm tán thưởng. Bên cạnh đó, các em cũng muốn nhóm nhìn nhận sự nhiệt huyết của mình trong các phong trào đoàn, mong muốn nhóm thừa nhận, biểu dương tình yêu thương của mình dành cho những hoàn cảnh khó khăn, với những mảnh đời bất hạnh. Vào mùa hè hàng năm, SV thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, những chuyến đi đến các tỉnh xa, hẻo lánh có con em đồng bào các dân tộc gặp khó khăn trong cuộc sống. Hoạt động đoàn thể, xã hội của SV đã phần nào khơi dậy và nâng cao tinh thần lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.
- Mong muốn nhận được sự quan tâm của đoàn thể xã hội: Khi tham gia vào hoạt động đoàn thể xã hội, bên cạnh việc cống hiến và thể hiện sự nhiệt huyết của mình, SV cũng mong muốn bản thân nhận được sự quan tâm, sẻ chia của tập thể mỗi khi có chuyện vui buồn; hay mong muốn công đoàn hỏi thăm khi bản thân bị ốm hoặc được nhóm khích lệ, động viên mỗi khi mình gặp khó khăn. Chính sự quan tâm của tập thể ấy là nguồn cổ vũ, động viên các em có thể thể hiện hết tài năng, sức trẻ và tự tin khẳng định mình.
- Ngoài việc tham gia các hoạt động tình nguyện, SV còn tích cực tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động học tập nhóm, các tổ chức đoàn thể…
Những hoạt động này như một môi trường giúp SV được trải nghiệm, được học hỏi và được trau dồi kho kỹ năng tiềm ẩn của mình. Điều quan trọng nhất, khi SV tham gia vào các câu lạc bộ, các hoạt động nhóm, các tổ chức đoàn thể ấy là SV được đối xử công bằng như nhau. Bởi đó là một sân chơi trong đó, ai cũng như ai, bạn có quyền phạm lỗi, có quyền nêu ý kiến và phản bác nếu bạn không đồng ý. Những kĩ năng mà SV có thể học được khi cọ sát trong các hoạt động này là vô vàn như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
45
nhóm, thuyết trình, tổ chức, giải quyết vấn đề, lâp kế hoạch, quản lí thời gian…
Như vậy, song song với những thay đổi tâm sinh lý thì cùng với các hoạt động đa dạng của SV đã tạo nên sự khác nhau ở mỗi em. Có SV thì năng động, sáng tạo, dám khẳng định mình nhưng cũng có SV e dè, nhút nhát không dám tự thể hiện bản thân. Trong phạm vi luận án, chúng tôi chọn lọc và đi sâu vào hoạt động học tập, hoạt động giao tiếp và hoạt động xã hội trong đặc điểm của SV để nhằm làm rõ các biểu hiện nhu cầu tự khẳng định của SV về sau.
2.3.2. Khái niệm nhu cầu tự khẳng định của sinh viên
Nhu cầu tự khẳng định của SV được các tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Có rất nhiều lĩnh vực SV có thể tự khẳng định mình như: tự khẳng định trong lĩnh vực nghề nghiệp, tự khẳng định trong lĩnh vực học tập, tự khẳng định trong các hoạt động đoàn, nổi trội ở một số tài lẻ, mong muốn mình là người sành điệu…
Dựa trên quan điểm của Carl Rogers khi cho rằng: “Mỗi cá nhân là một hòn đảo của riêng mình và cá nhân đó chỉ có thể bắc cầu đi qua những hòn đảo khác nếu trước hết y muốn được là y và cũng được người khác công nhận như vậy trong tư cách đó” [2, tr.37]. Carl Rogers đã đề cao con người với tất cả những gì thuộc về họ, như họ vốn có và mong muốn được người khác công nhận tất cả các giá trị của con người ấy.
Tiếp theo, luận án kế thừa quan điểm của David K. Sherman (2006) khi tiếp cận lý thuyết tự khẳng định dựa trên mô hình các yếu tố: Tự khẳng định là cá nhân khẳng định các giá trị của bản thân; Trong quá trình tự khẳng định con người có thể xuất hiện phản ứng tự vệ; Tôi là ai, tôi có những năng lực gì và tôi thể hiện năng lực đó như thế nào? [65]. Dựa trên nền tảng quan điểm đó, chúng tôi đưa ra quan điểm tiếp cận về nhu cầu tự khẳng định của SV như sau:
Luận án tiến sĩ Tâm lý học