CHƯƠNG 2: TỔ CHỨC DẠY HỌC NTLN CHO HS TIỂU HỌC
2.1. Những nguyên tắc dạy học NTLN cho HS tiểu học trong môn Tiếng Việt
2.1.1. Bảo đảm mục tiêu môn học: Rèn kĩ năng giao tiếp
Ngôn ngữ được thể hiện trong những dạng lời nói khác nhau: nói, viết.
Mọi qui luật ngôn ngữ, mọi cấu trúc và hoạt động của hệ thống ngôn ngữ chỉ được rút ra trên cơ sở nghiên cứu lời nói sinh động. Mặt khác, muốn hình thành các kĩ năng, kĩ sảo ngôn ngữ HS phải trực tiếp tham gia vào hoạt động giao tiếp: “ Việc lĩnh hội lời nói của người khác sản sinh ra các lời nói đúng và hay không vừa là phương tiện đồng thời vừa là mục đích của bộ môn Tiếng Việt ở trường phổ thông ( Phương pháp dạy học Tiếng Việt – Lê A).
Do đó vai trò của việc dạy học môn Tiếng Việt trong nhà trường được đề cao.
Dạy học tiếng Việt hướng vào hoạt động giao tiếp được thực hiện dựa trên sự nhận thức sâu sắc về vai trò, chức năng của Tiếng Việt trong giao tiếp xã hội.
Chỉ có dạy học hướng vào hoạt động giao tiếp mới phát triển được các kĩ năng, kĩ xảo giao tiếp.
Trong môn Tiếng Việt ở trường tiểu học, định hướng giao tiếp có vai trò đặc biệt quan trọng, chi phối sự lựa chọn nội dung dạy học. Sách giáo khoa Tiếng Việt dạy HS các kĩ năng sử dụng NTLN theo hướng phát triển từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ những kĩ năng giao tiếp thông thường như chào hỏi, tự giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi, chia vui, chia buồn hành vi ngôn ngữ thuộc phạm trù ứng xử) đến các kĩ năng sử dụng NTLN trong làm việc và giao tiếp cộng đồng như phát biểu và điều khiển cuộc họp, giới thiệu hoạt động của tập thể (hành vi ngôn ngữ thuộc phạm trù trình bày) thông qua các
bài tập tình huống giúp các em chủ động hơn trong học tập và giao tiếp.
Hướng tới mục tiêu này, các bài tập sẽ yêu cầu HS xác định các nhân tố giao tiếp để xác định mình cần nói (viết) gì; nói (viết) cho ai, để làm gì và nói (viết) như thế nào. Các em cũng cần tìm hiểu các mối quan hệ (vai giao tiếp) để lựa chọn từ ngữ và cách xưng hô cho phù hợp. Yêu cầu tạo lập các lời nói đúng và có văn hóa… chính là hiện thực hóa vai trò của ngôn ngữ trong các hoạt động hành chức - một trong những yêu cầu của quan điểm giao tiếp…
Bên cạnh nội dung dạy học, quan điểm giao tiếp còn thể hiện rất rõ trong việc lựa chọn hình thức dạy học. Dạy NTLN không chỉ gồm các bài sẵn có trong tài liệu học tập của HS (sách giáo khoa, vở bài tập, tài liệu tham khảo…) mà còn gồm cả những lời nói, bài nói, bài viết do các em tạo ra. Điều đó có nghĩa HS không chỉ học sử dụng tiếng Việt thông qua các tài liệu mà còn phải học trong quá trình các em giao tiếp ở gia đình, nhà trường và xã hội nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết, học tập, lao động của các em. Bởi lẽ đó, chương trình môn Tiếng Việt Tiểu học đã lựa chọn những nội dung đề tài về tự nhiên, xã hội xung quanh cuộc sống của HS. Như vậy, chúng ta dạy trẻ ứng xử ngôn ngữ nhưng không mâu thuẫn với mục tiêu đào tạo con người mới chủ động, sáng tạo.
Về phương pháp dạy học, các NTLN trong giao tiếp được dạy theo hướng thực hành: HS nói những lời theo nghi thức theo các tình huống khác nhau phù hợp với yêu cầu của bài tập. Qua thực hành, HS biết dùng các NTLN để nói đúng vai giao tiếp. Việc hóa thân vào nhân vật giao tiếp để giải quyết các tình huống giao tiếp là điều kiện để thực hiện tốt các mục đích dạy học tiếng Việt. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các tình huống giao tiếp có vai trò quyết định đối với chất lượng dạy và học tiếng nói chung và dạy học NTLN nói riêng. Các bài tập tiếng Việt theo hướng giao tiếp, các nội dung dạy học NTLN, dạy sử dụng từ ngữ lễ phép, có văn hóa được lặp đi lặp
lại ở các lớp dưới, trong các phân môn với các yêu cầu, mục đích gắn với các bài khác nhau giúp HS được ôn luyện và khắc sâu hơn. Phương pháp dạy như vậy là theo đúng tinh thần dạy giao tiếp.
Mục đích của dạy NTLN là giúp HS làm quen với cách sử dụng ngôn ngữ trong những tình huống giao tiếp và bản chất của giao tiếp là “tương tác”, nên để giúp HS tương tác có hiệu quả GV phải tổ chức dạy học NTLN theo phương thức hợp tác. Yêu cầu của việc dạy học NTLN theo phương thức hợp tác đòi hỏi GV phải giúp HS thức sự làm việc bằng một hệ thống các thao tác cụ thể, có sự liên kết với nhau thông qua tổ chức các hoạt động học tập của HS, kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò. Để HS học tập theo phương thức hợp tác, GV cần tiến hành áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như: Phương pháp vấn đáp tìm tòi, phương pháp đặt và giải quyết vấn đề, phương pháp hợp tác trong nhóm nhỏ, phương pháp đóng vai, trò chơi…trong đó lấy việc xây dựng tình huống giao tiếp làm trọng tâm, trên cơ sở đó sẽ phối hợp các phương pháp dạy học khác vào dạy học các dạng bài rèn luyện NTLN cho HS tiểu học. Như vậy, HS sẽ không bị áp đặt kiến thức về sử dụng các NTLN mà chủ động tìm hiểu qua tình huống, qua ngữ liệu và qua câu hỏi định hướng do GV đưa ra.
2.1.2. Luyện NTLN theo các nhóm kĩ năng từ thấp đến cao và thường xuyên, liên tục
Giữa các kĩ năng lời nói có mối quan hệ liên thông rất biện chứng nên để hình thành cho HS một kiến thức hay kĩ năng nào đó cần rèn luyện các kiến thức, kĩ năng liên quan là điều cần thiết. Kĩ năng cơ bản là những kĩ năng con người cần có để tồn tại và thích ứng với cuộc sống, bắt đầu từ những kĩ năng đơn lẻ như phát âm, đọc thành tiếng, viết chữ... đến những kĩ năng tổng hợp như thuyết trình, tranh luận, tổ chức cuộc họp... Các kĩ năng NTLN rèn luyện cho HS phải được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức
tạp, tạo điều kiện cho các kĩ năng lời nói của HS hình thành một cách tự nhiên và bền vững. Vì vậy, dạy học NTLN cho HS tiểu học đòi hỏi phải luyện tập nhiều kĩ năng đa dạng . Chẳng hạn để nói tốt cần biết nghe tốt .Lúc nghe biết tổng hợp ý nghĩa lời nói với sắc thái cảm xúc, ngữ điệu, nét mặt, dáng điệu…
của người nói để có thể hiểu ngay, hiểu hết tình ý của họ. Để nói tốt cần biết nghe tốt: suy nghĩ nhanh, sâu sắc toàn diện … đồng thời còn phải biết cách sử dụng lời nói với ngữ điệu thích hợp, sử dụng kết hợp các yếu tố phi ngôn ngữ ( như nét mặt, cử chỉ …) để chuyển tải thông tin trong lời nói.
Về nội dung dạy học, kĩ năng nói nói chung và luyện NTLN nói riêng ở tiểu học được mở rộng và nâng cao hơn ở các khối lớp học. Nếu như NTLN ở lớp 1-2 chú ý luyện tập các kĩ năng giao tiếp trong phạm vi gia đình, lớp học ( kĩ năng chào hỏi, chia tay, mời mọc, yêu cầu, kĩ năng hỏi và trả lời, kĩ năng dùng các cặp từ xưng hô…) thì lên lớp 3, 4 ,5 HS được luyện tập về kĩ năng giao tiếp trong sinh hoạt mang tính nghi thức như sinh hoạt Đội, sinh hoạt lớp ( kĩ năng sử dụng ngôn ngữ mở đầu, kết thúc cuộc sinh hoạt, kĩ năng dùng các đại từ xưng hô trong các sinh hoạt đó…). Lớp 1-2 chú trọng luyện tập các kĩ năng dùng ngôn ngữ giao tiếp trong gia đình, lớp học hơn là luyện tập kĩ năng nói thành bài. Nhưng lên các lớp trên, việc luyện tập kĩ năng nói thành bài lại được coi trọng hơn. Để đảm bảo kết quả học tập và rèn luyện NTLN được tốt, CT đòi hỏi GV phải luyện tập cho HS thành thạo các kĩ năng bộ phận, các kĩ năng nền tảng, các kĩ năng bậc dưới, chỉ khi nào đạt kết quả tốt mới luyện đến các kĩ năng tổng hợp.
Việc rèn kĩ năng sử dụng NTLN cho HS phải được bắt đầu từ rất sớm, phải luyện tập thường xuyên và có kế hoạch. Một trong những biểu hiện của kế hoạch là sau khi HS học luyện tập thành thạo các kĩ năng bộ phận, các kĩ năng nền tảng, các kĩ năng bậc dưới và tiến lên luyện sử dụng các NTLN theo các nhóm kĩ năng như kĩ năng nhận diện NTLN, kĩ năng tạo lập NTLN…Mỗi
kĩ năng này lại được chia nhỏ và cụ thể hóa qua hệ thống bài tập với yêu cầu riêng về mục đích, nội dung và cách thực hiện.
2.1.3. Kết hợp luyện NTLN với việc học văn hóa ứng xử ngôn ngữ Môn Tiếng Việt ở trường tiểu học nhằm mục đích phát triển ở HS những kĩ năng sử dụng tiếng Việt ( nghe, nói, đọc ,viết) để học tập và giao tiếp có văn hóa.
Nói cách khác mục tiêu lớn nhất của môn Tiếng Việt là nhằm phát triển lời nói cho HS, phục vụ cho hoạt động học tập và giao tiếp của các em. Đây chính là cơ sở đầu tiên để chúng ta dạy học NTLN cho HS tiểu học.
Mặt khác ,ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ khăng khít.Việc luyện tập các kĩ năng sử dụng tiếng Việt ở nhà trường cần gắn với việc học văn hóa ứng xử bằng ngôn ngữ và kinh nghiệm giao tiếp bằng tiếng Việt của người Việt. Ở trường Tiểu học qua các giờ học Tập đọc, Kể chuyện, HS được tiếp xúc với nhiều lời nói thể hiện nhiều màu sắc văn hóa khác nhau của người Việt. Nếu người dạy chú ý khai thác sẽ có tác dụng rất lớn đến việc dạy sử dụng NTLN trong giao tiếp cho HS.Các ứng xử giao tiếp có văn hóa HS được tiếp xúc hàng ngày qua các mẫu lời nói trong các bài tập đọc, kể chuyện cứ thấm vào đứa trẻ một cách tự nhiên và khi cần, các em có thể học tập theo mẫu.
Về bản chất, kết hợp dạy NTLN với dạy văn hóa ứng xử ngôn ngữ là một nội dung của việc vận dụng quan điểm tích hợp trong giảng dạy tiếng Việt.
Dạy NTLN là dạy các quy tắc sử dụng lời nói tiếng Việt. Các quy tắc này là một phương diện của văn hóa Việt Nam. Luyện tập các NTLN, HS được học các giá trị văn hóa một cách tiềm ẩn trong đó các em có thể hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.
Muốn thực hiện nguyên tắc kết hợp luyện NTLN với việc học văn hóa ứng xử ngôn ngữ, tích lũy kinh nghiệm giao tiếp cho HS, người GV cần tự học, tự nghiên cứu, nghiền ngẫm những bài học về văn hóa ứng xử trong quá trình dùng tiếng Việt. Chỉ khi người GV có trình độ cao về mặt này mới thực hiện được tốt nhiệm vụ đề ra.
2.1.4. Kết hợp luyện NTLN ở gia đình, nhà trường và xã hội
Giáo dục văn hóa giao tiếp nói chung và dạy học NTLN nói riêng không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà phải mở rộng từ gia đình đến xã hội.
Ngay từ nhỏ, gia đình đã có vai trò rất lớn trong việc hình thành văn hóa giao tiếp cho trẻ. Ông bà, cha mẹ là những người thầy giáo, cô giáo đầu tiên hướng dẫn con cách giao tiếp có văn hóa 9 đi thưa, về hỏi, gọi dạ, bảo vâng).
Bài học vào đời ấy sẽ được củng cố và phát triển thêm với nội dung phong phú, mức độ cao hơn ở các bậc học tiếp theo .Dạy học NTLN cho trẻ không bị giới hạn bởi cấp học nào, thời gian, không gian nào mà phải được tiến hành đồng bộ, nhất quán, có nội dung, kế hoạch, phương pháp cụ thể và thật kiên trì thì mới có hiệu quả.
Nhà trường là nhân tố đảm bảo quá trình giáo dục liên tục ở gia đình và xã hội. Không phải cái gì cũng có thể bắt đầu từ nhà trường nhưng nó có thể thực hiện vai trò trung tâm trong sự kết nối giáo dục ở gia đình và xã hội.
Việc dạy học NTLN cho trẻ cần phải được kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để trong bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào trẻ cũng phải sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, trong sáng và có văn hóa. Hơn nữa, tổ chức và quản lí tốt mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội sẽ tạo nên một môi trường dạy học đúng đắn, rộng khắp trong từng gia đình, trong cộng đồng dân cư, đồng thời tạo ra một quy trình dạy học thống nhất, liên tục trong không gian và thời gian, có tác động trực tiếp, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng học và sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của trẻ, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục.