Bài tập chữa lỗi NTLN

Một phần của tài liệu Đề tài Một số biện pháp dạy học nghi thức lời nói cho học sinh tiểu học (Trang 75 - 82)

CHƯƠNG 2: TỔ CHỨC DẠY HỌC NTLN CHO HS TIỂU HỌC

2.3. Xây dựng hệ thống bài tập sử dụng NTLN cho HS tiểu học

2.3.2. Bài tập chữa lỗi NTLN

Bài tập rèn cho HS kĩ năng điều chỉnh, sửa lỗi các NTLN chưa đúng, chưa phù hợp với các yếu tố của quá trình giao tiếp. Dữ kiện của bài tập này

gồm một tình huống giao tiếp trong đó người tham gia giao tiếp không xác định được mục đích giao tiếp (hoặc ngữ cảnh giao tiếp, vai giao tiếp) hoặc vi phạm về NTLN dẫn đến lời nói chưa đúng hoặc chưa phù hợp. Nhiệm vụ của HS là tìm ra lỗi sai và chữa lại cho đúng.

(1) Kiểu bài sử dụng NTLN sai mục đích giao tiếp

Ví dụ: Phát biểu trước lớp giới thiệu các biện pháp để học tốt môn Toán, Bạn Hoa nói:

- Kính thưa cô giáo chủ nhiệm và các bạn,để học tốt môn Toán em luôn học bài và làm bài đầy đủ trước khi đến lớp.Em không đi học muộn buổi nào.

Ngoài ra em đọc rất nhiều các tài liệu tham khảo về các bài văn hay.

Bạn nói sai ở chỗ nào? Em hãy giúp bạn sửa lại cho đúng.

(Gợi ý: Đọc rất nhiều các tài liệu tham khảo về các bài văn hay không phải là biện pháp để học tốt môn Toán. Có thể kể ra các biện pháp:

+ Chú ý nghe thầy cô giảng trên lớp.

+ Học và làm bài đầy đủ trước khi đến lớp .

+ Chỗ nào không hiểu thì hỏi thầy cô, bố mẹ hoặc các bạn trong lớp.

+ Tổ chức học nhóm).

(2) Dạng bài Sử dụng NTLN sai vai giao tiếp

Ví dụ: Con mèo nhà Hùng bị lạc sang nhà bác An hàng xóm. Hùng liền sang nhà bác và hỏi:

- Con mèo nhà cháu có lạc sang nhà bác không ạ.

Hùng nói với bác An hàng xóm như vậy đã được chưa? Em hãy sửa lại cho đúng.

(Gợi ý: Câu hỏi chưa lịch sự. Sửa lại: Bác An ơi! Bác cho cháu hỏi con mèo nhà cháu có bị lạc sang nhà bác không ạ.)

(3) Kiểu bài Sử dụng NTLN sai nội dung giao tiếp Ví dụ: Bạn nhỏ đi học về, khoe với bố:

- Hôm nay con được hai điểm mười bố ạ.

- Thế à? Điểm mười môn gì hả con?

- Một điểm mười vào buổi sáng và một điểm mười vào buổi chiều bố ạ.

Theo em, bạn nhỏ có hiểu ý bố không? Nếu em là bạn, em sẽ trả lời bố thế nào?

(Gợi ý: Bạn nhỏ hiểu sai ý của bố. Nếu là bạn nhỏ này em sẽ trả lời mỗi điểm mười dành cho môn học nào).

(4) Dạng bài Sử dụng NTLN sai ngữ cảnh giao tiếp

Ví dụ: Một nhóm bạn rủ nhau vào thăm bố Hà ở bệnh viện. Mẹ Hà cảm động mời:

- Kìa, các cháu vào đây ngồi, đứng thế mỏi chân.

Hùng đáp: - Thôi, bác kệ chúng cháu. Chúng cháu đứng đây cho vui.

Bạn Hùng nói thế có được không? Vì sao?

(Gợi ý: Bạn Hùng nói như vậy không được vì đây là đến thăm người ốm, không phải chỗ để tụ tập đông đúc vui chơi)

2.3.3. Bài tập xây dựng

Bài tập xây dựng hội thoại nhằm rèn luyện cho HS kĩ năng trao và đáp lời, kĩ năng sử dụng NTLN để tạo lập và lĩnh hội ngôn bản. Về cơ bản, ta có thể xác định được các dạng cơ bản sau:

(1) Kiểu bài tập Lựa chọn NTLN trong hội thoại

Dữ kiện của bài tập gồm ngữ cảnh, mục đích, quan hệ giao tiếp và nhiều lời nói với nội dung giao tiếp như nhau nhưng khác nhau về ngữ cảnh giao tiếp, mục đích giao tiếp và vai giao tiếp. Lệnh của bài tập là lựa chọn lời nói nào cho phù hợp với mục đích giao tiếp (hoặc ngữ cảnh/vai giao tiếp). HS cần nhận biết để lựa chọn đúng phương án hợp lí nhất. Đây là dạng bài tập đơn giản, ít đòi hỏi tư duy nhất trong hệ thống các bài tập xây dựng.

a. Dạng bài tập “Lựa chọn NTLN phù hợp với mục đích giao tiếp”

Ví dụ: Để an ủi ông khi biết chậu hoa của ông bị vỡ ,em chọn lời nào sau đây?

- Ông ơi, sao chậu hoa của ông lại bị vỡ vậy ạ?

- Thôi ông đừng buồn nữa, cháu sẽ bảo bố mẹ mua biếu ông chậu hoa khác ạ.

b. Dạng bài tập “ Lựa chọn NTLN phù hợp với nhân vật (vai) giao tiếp”

Ví dụ: Bác hàng xóm sang chơi, thấy Hùng bác liền hỏi: “ Hùng ơi! Bố mẹ cháu có nhà không?”. Theo em, Hùng sẽ trả lời bằng câu nói nào sau đây.

(1) Bố mẹ mình không có nhà.

(2) Dạ thưa bác, bố mẹ cháu không có nhà ạ .

(Gợi ý: Chọn câu nói “Dạ thưa bác, bố mẹ cháu không có nhà ạ”, thể hiện sự lễ phép với người trên tuổi).

c. Dạng bài tập “Lựa chọn NTLN phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp”

Ví dụ: Cô giáo chủ nhiệm thông báo bạn Huy ngồi cùng bàn với em hôm nay nghỉ học vì ốm, chiều tan học cô giáo sẽ tổ chức đến thăm Huy. Nếu em là bạn nhỏ, em sẽ nói như thế nào với cô giáo?

- Ôi, thích quá.Mình tha hồ được ngồi bàn rộng!

- Bạn Hùng bị ốm nặng lắm không ạ? Chiều nay em sẽ đi cùng cô để đến thăm bạn Huy ạ.

(Gợi ý: nếu là bạn nhỏ, em sẽ nói câu thứ hai vì thể hiện sự quan tâm và lo lắng cho bạn)

(2) Kiểu bài tập Sử dụng NTLN trong hội thoại

Kiểu bài tập này nhằm rèn luyện kĩ năng trao và đáp lời, kĩ năng sử dụng các NTLN trong giao tiếp cho HS.

Cấu trúc đề bài cho sẵn lời trao hoặc lời đáp. Nếu đề bài cho lời trao thì HS phải đưa ra lời đáp và ngược lại. Có hai hình thức ra đề bài dạng bài tập này:

- Dạng 1: Cho sẵn các lời trao trong một chuỗi các cặp thoại liên tiếp nhưng lời đáp thì bỏ trống. Nhiệm vụ người làm bài phải nói tiếp các lượt lời phù hợp.

Ví dụ:

Có một chú cừu đen Theo sườn núi đi lên Đến một chiếc cầu vắng Thì gặp anh cừu trắng.

Cừu trắng nói: “Nghe đây!

Vấn đề là thế này:

Cầu hẹp không đi được, Anh nhường tôi đi trước!”

Nếu em là Cừu đen, trong tình huống này, em sẽ nói lời đáp lại cừu trắng như thế nào?

- Dạng 2: Cho một tình huống giao tiếp, yêu cầu người làm bài đưa ra một lời trao hay lời đáp để phù hợp với tình huống đó.

Ví dụ: Em muốn nhờ bạn cho em đi nhờ áo mưa cùng với bạn. Em sẽ nói như thế nào với bạn để bạn cho em đi nhờ?

Hai dạng bài tập này đã có trong chương trình Tiếng Việt ở tiểu học và có số lượng khá lớn nhưng chủ yếu có các dạng: cho ngữ cảnh giao tiếp, vai giao tiếp, mục đích giao tiếp, sau đó yêu cầu HS tạo lời nói hoặc trả lời câu hỏi theo tranh… Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của chương 1 cho thấy, trong các sách giáo khoa, chúng ta thường bắt gặp các kiểu bài tập mà dữ kiện là các lời trao, còn kiểu bài tập mà dữ kiện đã cho là lời đáp là chưa có hoặc có cũng rất ít. Mặt khác, chúng ta biết rằng trong giao tiếp, người tham gia hội thoại có thể đổi vai cho nhau, có khi người thứ nhất là người trao lời còn

người thứ hai là người đáp lời nhưng cũng có khi lặp lại. Sự luân phiên trong hội thoại đã tạo nên điều này.

Xuất phát từ tính chất hội thoại này, tôi xây dựng kiểu bài tập Duy trì và phát triển hội thoại (Nói tiếp các lượt lời trong hội thoại) nhằm hình thành kĩ năng luân phiên lượt lời cho HS.Nếu HS được rèn luyện kĩ năng này thì khả năng đáp ứng trong giao tiếp của các em sẽ tiến bộ nhanh chóng.

Ví dụ 1: Em sẽ nói gì trong các trường hợp sau:

- Hùng ơi ! Cậu lấy bút của mình viết tạm này. Tớ có hai cái bút mà.

-………

- Không có gì đâu. Cậu cứ viết tạm đi mai trả lại tớ cũng được .

Ví dụ 2: Em và bạn cùng đóng vai nói lời đáp trong những trường hợp nêu dưới đây :

a: Em gặp lại bạn cũ sau thời gian nghỉ hè, em chào bạn. Bạn đáp lại lời chào của em.

b: Khách đến chơi nhà biết em học tập tốt, chúc mừng em. Em đáp lời chúc của khách.

Dạng bài nói tiếp lượt lời có tính tích hợp, có thể rèn luyện đồng thời các kĩ năng tạo lập hoặc lĩnh hội lời nói phù hợp với các yếu tố giao tiếp. Tuy nhiên để rèn luyện cho HS từng kĩ năng trong việc sử dụng NTLN trong giao tiếp nên tôi xây dựng các dạng bài tập sau :

* Sử dụng NTLN mở đầu hội thoại.

Ví dụ 1: Em đang viết bài thì bút của em hết mực. Em muốn mượn bạn chiếc bút khác để viết. Khi đó em sẽ nói như thế nào để bạn cho em mượn bút.

Ví dụ 2: Trong buổi sinh hoạt sao cuối năm, cô giáo giao cho em nhiệm vụ dẫn chương trình. Em hãy đóng vai bạn lớp trưởng nói lời khai mạc buổi sinh hoạt đó.

* Sử dụng NTLN kết thúc hội thoại.

Ví dụ: Trong buổi tổng kết cuối năm, cô giáo chủ nhiệm chúc mừng cả lớp đạt danh hiệu lớp học tiên tiến. Em hãy đóng vai là lớp trưởng đáp lại lời chúc của cô.

(3) Kiểu bài tập xây dựng hội thoại từ tình huống cho trước

Đây là dạng bài tập quan trọng để rèn luyện kĩ năng hội thoại và kĩ năng sử dụng NTLN cho HS. Nếu như ở các dạng bài tập trên, HS mới chỉ được rèn luyện các kĩ năng bộ phận ( nói lời trao hoặc đáp phù hợp với tình huống giao tiếp, kĩ năng duy trì và phát triển hội thoại) thì dạng bài tập này HS sẽ thực hiện trọn vẹn một cuộc thoại, từ đó các em được luyện tập kĩ năng sử dụng NTLN một cách tổng hợp .

Để xây dựng dạng bài tập này chúng ta cần có các dữ kiện là các ngữ cảnh, các vai, mục đích giao tiếp cụ thể. Lệnh của bài tập là yêu cầu HS tạo ra lời nói phù hợp với hội thoại.

Ví dụ: Trong cuộc họp tổ, em nêu ý kiến cần phải giúp đỡ một bạn trong tổ để bạn chăm học hơn và để đạt kết quả học tốt hơn. Bạn tổ trưởng đề nghị em hãy làm một việc gì đó để giúp bạn. Em hứa sẽ thực hiện một việc làm để cùng với một số bạn khác trong tổ giúp bạn học chưa chăm.

Hãy đóng vai một bạn trong tổ đề xuất ý kiến, bạn tổ trưởng trao đổi để đưa ra một sự hỗ trợ, giúp đỡ theo cách của em nhằm thực hiện việc giúp bạn.

Việc xây dựng hệ thống bài tập để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện NTLN là rất cần thiết, giúp GV xác định được kết quả dạy học một cách cụ thể, rõ ràng để từ đó có biện pháp thiết thực giúp đỡ từng loại đối tượng HS.

Một phần của tài liệu Đề tài Một số biện pháp dạy học nghi thức lời nói cho học sinh tiểu học (Trang 75 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)