Quy trình dạy học kiểu bài sử dụng NTLN trong giao tiếp hội thoại

Một phần của tài liệu Đề tài Một số biện pháp dạy học nghi thức lời nói cho học sinh tiểu học (Trang 82 - 91)

CHƯƠNG 2: TỔ CHỨC DẠY HỌC NTLN CHO HS TIỂU HỌC

2.4. Quy trình thực hiện các kiểu bài tập NTLN

2.4.1. Quy trình dạy học kiểu bài sử dụng NTLN trong giao tiếp hội thoại

Ở giai đoạn đầu (lớp 1, 2), HS chỉ được làm quen và học các NTLN đơn giản,

thông thường như chào hỏi, xin lỗi, giới thiệu về bản thân, tập nói lời yêu cầu, mời, nhờ, đề nghị... Đó là các NTLN trong giao tiếp hội thoại hàng ngày mà các em vẫn thường xuyên sử dụng. Các bài tập thuộc kiểu bài này thường dược trình bày dưới dạng một tình huống giao tiếp. Cấu trúc kiểu bài tập rèn NTLN trong hội thoại thường được chia làm 2 dạng

Dạng 1: Bài tập gồm một lời trao hay lời đáp.Hoặc có khi sách giáo khoa dùng tranh ảnh mô tả tình huống giao tiếp trong đó có một nhân vật nói lời trao hay lời đáp. HS căn cứ vào các dữ kiện đã cho, đóng vai nhân vật còn lại để nói tiếp lời đáp hay trao lời là một NTLN

Ví dụ 1: Viết lời đáp của Nam vào vở - Chào cháu

-…………..

- Cháu cho cô hỏi đây có phải nhà bạn Nam không ? -………….

- Tốt quá, cô là mẹ bạn Sơn đây.

-………….

- Sơn bị sốt. Cô nhờ cháu chuyển giúp cô đơn xin phép cho Sơn nghỉ học.

( Tập làm văn 2, bài 3 trang 12)

Dạng 2: Đề bài gồm 2 hoặc ba câu miêu tả tình huống giao tiếp, sao đó yêu cầu HS đưa ra một NTLN phù hợp.

Ví dụ: Nói lời đáp của em trong các trường hợp sau”

a: Em buồn vì điểm kiểm tra không tốt. Cô giáo an ủi: “ Đừng buồn. Nếu cố gắng hơn, em sẽ được điểm tốt.”

b:Em rất tiếc vì mất con chó. Bạn em nói “ Mình chia buồn với bạn.”

c: Em rất lo khi con mèo nhà em đi đâu, đã hai ngày không về. Bà em an ủi: “ Đừng buồn. Có thể ngày mai con mèo lại về đấy, cháu ạ.”

(Tập làm văn 2, bài 2 trang 132)

Kiểu bài tập này có mục đích rèn luyện cho HS tạo lập NTLN phù họp với các yếu tố của quá trình giao tiếp: Mục đích giao tiếp, ngữ cảnh giao tiếp, vai giao tiếp. Kiểu bài tập sáng tạo này thể hiện rõ nhất đặc trưng của bài tập dạy giao tiếp. Kết quả của bài tập không chỉ là các NTLN đúng cấu trúc cú pháp và đúng về lôgic ngữ nghĩa mà nó còn đúng với ngữ cảnh, vai và mục đích khi nói. Qua đó rèn cho HS các kĩ năng cơ bản của hội thoại là: Kĩ năng trao đáp lời, kĩ năng tương tác và kì năng đưa người khác vào hội thoại với mình.

- Về phương pháp dạy học: Việc xây dựng các pháp dạy học để tổ chức thực hành các bài tập giao tiếp rèn NTLN cho HS tức là xây dựng các bước nhằm cụ thể hóa các hành động và thao tác của GV và HS trong hoạt động giao tiếp đó. Theo tôi, căn cứ vào đặc thù của giờ học tiếng mẹ đẻ, việc dạy HS bài tập sử dụng NTLN trong giao tiếp hội thoại nên tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Tạo hoàn cảnh giao tiếp

Đây là một hoạt động nhằm kích thích sự tò mò, khơi dậy hứng thú của HS về chủ đề sắp học. Để HS không cảm thấy tiết học rèn luyện NTLN là một bài giảng khô khan, nặng nề, máy móc thì ngay từ bước vào bài, GV nên bố trí lớp học theo nhiều hình thức khác nhau. Khác với cách kê bàn ghế theo lối truyền thống thì ở đây lớp học được kê theo nhóm (vòng tròn, chữ U…)trong đó GV cũng là một thành viên nhằm tạo ra không gian mới để các em có hứng thú hơn trong học tập từ đó HS có thể nói lên những kinh nghiệm, suy nghĩ của mình. Ở đây GV (cùng với HS) vận dụng phương pháp thực hành giao tiếp để tạo các tình huống giao tiếp hoặc tận dụng lời nói sinh động của các em để kích thích HS khám phá, tìm hiểu xem các em đã biết gì về những NTLN sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Thông qua các câu hỏi nêu vấn đề, GV gợi lại những hiểu biết đã có của các em có liên quan đến bài học mới.

HS chỉ có thể có được lời nói tự nhiên khi các em thực sự “sống” trong tình

huống giao tiếp đó. Hoạt động này rất đa dạng, thường bắt đầu với những kiến thức HS đã biết hoặc bắt đầu từ kinh nghiệm của bản thân HS... từ đó sẽ kết nối với bài học dạy NTLN một cách tự nhiên.

Ví dụ, dạy bài “Cám ơn, xin lỗi”, GV có thể cho HS đọc bài thơ “Che mưa cho bạn”, sau đó cho HS đóng vai nói lời cảm ơn của các nhân vật trong bài thơ để HS vừa học vừa chơi:

Gió thổi dồn mây đen Ông trời nổi sấm chớp Mưa trút xuống ào ào Gà đi về nơi nào Ôi gà con ướt lạnh!

Nhím liền đến bên cạnh Lấy ô cho cho gà

Ếch cũng đem ô ra Để che mưa cho gà Mưa tạnh, gió đi xa

Gà con cám ơn Nhím Gà con cám ơn Ếch

Ở bước này, GV động viên HS nói theo suy nghĩ riêng của các em và càng nhiều HS được nói càng tốt để tất cả HS đều được khởi động, khám phá bài học bằng chính kinh nghiệm và cảm xúc của mình. Bước này rất quan trọng vì thực chất đây là bước tạo ấn tượng cho HS để các em sử dụng các NTLN đúng tình huống. Bên cạnh đó, thông qua bước này, GV cũng xác định được thực trạng kiến thức và kĩ năng sử dụng NTLN của HS trước khi vào vấn đề mới.

Bước 2: Nhận biết kiến thức, kĩ năng bài học

Phần nhận biết kiến thức, kĩ năng bài học là bước trung tâm. Để HS có thể nhận biết kiến thức, kĩ năng mới của bài học, nắm được cách sử dụng các NTLN trong hoạt động giao tiếp, GV cần đưa ra mục đích kiến thức kĩ năng của bài, sau đó giúp các em tiến hành giải quyết một vài tình huống giao tiếp trong sách giáo khoa. Những tình huống dạy học NTLN đó không quá xa lạ đối với HS tiểu học bởi những nghi thức này đã được các em thực hiện và cũng khá quen thuộc trong cuộc sống đời thường. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là GV phải xác định, lựa chọn các tình huống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tâm lí của HS, giúp HS hiểu rõ tình huống giao tiếp để các em lựa chọn lời nói phù hợp với nghi thức giao tiếp.

Công thức của lời trao hay lời đáp NTLN gồm: Nghi thức dùng trong các hoàn cảnh giao tiếp đặt ra (cộng với) lời tỏ rõ phép lịch sự phù hợp quan hệ cá nhân các nhân vật giao tiếp. Trong Tiếng Việt, có một hệ thống từ ngữ có chức năng, có cấu tạo dạng hỏi, dạng yêu cầu, mời mọc, đề nghị… và lời đáp tương ứng. Khi dạy các nghi thức thuộc dạng nào, GV cần giúp HS nhận ra các sắc thái biểu cảm trong các từ ngữ đó để HS có thể chủ động lựa chọn sao cho phù hợp với tình huống giao tiếp, mục đích giao tiếp.

Ví dụ: Ở tiết dạy Cảm ơn, xin lỗi, SGK đưa ra bài tập:

Nói lời cảm ơn của em trong những trường hợp sau:

a) Bạn cùng lớp cho em đi chung áo mưa.

b) Cô giáo cho em mượn quyển sách.

c) Em bé nhặt hộ chiếc bút rơi.

Trong mỗi tình huống trên, nhân vật nói lời cảm ơn giữ các vai khác nhau: Trường hợp thứ nhất giữ vai ngang hàng (nói với bạn bè); trường hợp thứ hai giữ vai người nhỏ tuổi với người trên (nói với cô giáo); trường hợp thứ ba giữ vai người trên (anh/chị) nói với vai người dưới (em nhỏ). Để giữ

đúng vai trong giao tiếp, GV cần phân tích cho HS lựa chọn cách xưng hô phù hợp cho mỗi tình huống (xưng hô tôi/tớ/mình… trong trường hợp thứ nhất), xưng em hoặc con trong trường hợp thứ hai, xưng anh/chị trong tình huống thứ ba). Ngoài ra, GV cần giúp HS biết thể hiện thái độ đúng mực khi nói với từng đối tượng giao tiếp: Tôn trọng, lễ phép với người trên; vui vẻ, hòa nhã với bạn bè; ân cần với người bé hơn…

Với bài tập trên, GV cho HS đóng vai đưa ra lời cảm ơn trong từng tình huống như sau:

- Tình huống 1:

A: Trời mưa to quá, nhà hai chúng mình gần nhau, bạn đi chung áo mưa với mình cho khỏi ướt nhé!

B: Được vậy thì tốt quá, cảm ơn cậu.

- Tình huống 2:

A: Cô cho em mượn quyển sách này em về tham khảo để hiểu rõ hơn nội dung bài học hôm nay.

B: Dạ, em cảm ơn cô ạ.

- Tình huống 3:

A: Chị ơi, em gửi chị cái bút chị vừa đánh rơi ạ.

B: Chị xin, chị cảm ơn em.Em ngoan quá!

Khi thực hiện bước này, GV cần định hướng cho HS: đã thực hiện đúng yêu cầu của bài chưa ; đã đúng vai giao tiếp, nội dung giao tiếp, ngữ cảnh giao tiếp chưa…Có thể dựa vào các ý sau để đánh giá chất lượng của lời nói mà HS tạo ra:

- Cách dùng các đại từ xưng hô, các trợ từ … trong lời nói có phù hợp với vai giao tiếp hay không?

- Lời nói có phù hợp với mục đích nói không ?

- Nội dung lời nói có phù hợp với đề tài giao tiếp hay không?

Sau khi phân tích, GV định hướng để HS kết luận về kết quả thực hiện bài tập.

Bên cạnh việc phân tích giúp HS nắm được vai giao tiếp, GV cần giúp HS nhận ra được đích hội thoại. Có như vậy mới tạo ra được NTLN đúng và đạt được mục đích hội thoại.Chẳng hạn trong tình huống nói lời cảm ơn trên, GV cần giúp HS nhận rõ đích giao tiếp chính là đích truyền cảm. Muốn đạt được đích truyền cảm, bản thân người nói phải thật sự cảm thấy biết ơn một cách chân thành đối với người được nhận lời cảm ơn. Có như vậy, lời cảm ơn mới thật sự tự nhiên, chân thành.

Bước 3: Thực hành tình huống mới

Mục đích của bước này là giúp HS huy động được kinh nghiệm sống và đưa ra các tình huống giao tiếp thực tế mà các em đã trải qua hoặc quan sát, hay hình dung có thể xảy ra trong đó xuất hiện các NTLN phù hợp với nội dung bài học. Với các tình huống đó, các em đưa ra cách giải quyết của chính mình.

Đây là bước tạo cơ hội cho người học thực hành đóng vai, vận dụng kiến thức và kĩ năng vào giải quyết tình huống mới sau khi HS đã tích lũy thêm những kiến thức, kĩ năng của bài học. NTLN không thể được hình thành chỉ qua việc nghe giảng và xem GV làm mẫu mà phải thông qua các hoạt động tương tác với người khác. Nhiều NTLN được hình thành trong quá trình HS thảo luận, đóng vai với các bạn khi thực hiện các tình huống giao tiếp. Trong khi thực hành, HS có dịp được thể hiện các trải nghiệm của mình, được đánh giá, xem xét và nhìn nhận cách sử dụng NTLN của bạn, qua đó các em sẽ tích lũy được những kinh nghiệm sống cho mình. Thực hành vận dụng giúp các em liên tưởng đến những tình huống tương tự hoặc gần gũi mà các em đã được trải nghiệm hoặc đã được quan sát, chứng kiến. Đó có thể là các tình huống giao tiếp thực sự (chào thầy cô giáo, các bạn khi vào lớp, lúc ra về...) hoặc tình huống giả định (HS ngồi trong lớp nhưng đóng vai ông bà, cha mẹ,

người lớn tuổi, các em nhỏ... trong các khung cảnh không gian khác nhau) để luyện tập các NTLN (chào ông bà, cha mẹ khi đi học và lúc đi học về; yêu cẩu, đề nghị một việc gì đó...). Việc đưa ra tình huống giao tiếp mới dựa trên biến đổi các tình huống cũ nhưng vẫn giữ nguyên chủ đề giao tiếp là thích hợp, nhằm làm cho tiết dạy đỡ nhàm chán, duy trì hứng thú học tập của HS.

Ví dụ: Hoạt động thực hành của tiết học “Cảm ơn, xin lỗi” GV có thể cho HS thực hành bằng các cách sau:

- Cách 1: GV đưa ra một vài tình huống mới cho HS tập nói lời cảm ơn, xin lỗi.

- Cách 2: Cho từng cặp HS chơi trò cảm ơn, xin lỗi: Mỗi cặp lấy một đồ dùng học tập để chuẩn bị trước để chơi trò này theo các tình huống giả định.

Tình huống 1: Bình vô ý làm rơi bút của bạn, Bình nói: Mình xin lỗi vì đã vô ý làm rơi bút của bạn.

Tình huống 2: Bình được An cho mượn sách tham khảo, Bình nói: Cảm ơn cậu đã cho mình mượn sách.

- Cách 3: Cho HS quan sát các bức tranh và trao đổi lời nói cảm ơn thích hợp.

Có thể nói, bước thực hành vận dụng chính là bước kết hợp kiến thức mới lĩnh hội ở các bước trên cùng với việc ý thức hóa các kĩ năng giao tiếp bằng lời mà HS thu nhận được một cách tự nhiên qua cuộc sống hàng ngày của trẻ. Nó khẳng định sự đúng đắn của quan điểm dạy tiếng qua giao tiếp, dạy tiếng trên cơ sở khai thác và phát triển vốn tiếng mẹ đẻ sẵn có của HS.

Bước 4: Vận dụng kiến thức, kĩ năng

Các hoạt động vận dụng nhằm xem xét HS có thể áp dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào các tình huống cụ thể hàng ngày được hay không, bao gồm các tình huống trong gia đình và trong cộng đồng. Điều này đem lại ý nghĩa cho giáo dục, cho gia đình và cộng đồng. Đây là bước tạo cơ hội cho HS tích hợp, mở rộng và vận dụng các kiến thức và kĩ năng có được vào các tình

huống mới. NTLN chỉ được hình thành khi người học được trải nghiệm qua các tình huống thực tế và được luyện tập, thực hành thường xuyên, liên tục, ở lớp cùng như ở nhà và các nơi khác. HS chỉ có kĩ năng khi các em tự làm việc đó chứ không chỉ nói về việc đó. Kinh nghiệm có được khi HS hành động đóng vai trong các tình huống đa dạng giúp các em dễ dàng sử dụng và điều chỉnh các NTLN phù hợp với hoàn cảnh thực tế, qua đó phát triển tính độc lập và sáng tạo. GV cần cho HS thiết kế và tổ chức thực hiện các hoạt động trong và ngoài giờ học sao cho HS có cơ hội thể hiện ý tưởng cá nhân, tự trải nghiệm và biết phân tích kinh nghiệm sống của chính mình và của người khác để từ đó tránh được các lỗi thường gặp trong giao tiếp.

Ví dụ: Hoạt động cuối của tiết học “Cảm ơn, xin lỗi”, GV giao nhiệm vụ cho HS về thực hành, vận dụng ở nhà, tiết học sau sẽ kiểm tra. Có rất nhiều hình thức để hướng dẫn HS thực hành vận dụng. Có thể cho HS sưu tầm các câu chuyện, các bài văn, bài thơ trong đó có sử dụng các lời cảm ơn, xin lỗi trong các tình huống cụ thể; hoặc có thể cho các em:

- Xây dựng tình huống nói lời cảm ơn, lời xin lỗi;

- Xây dựng các nhân vật nói lời cảm ơn, lời xin lỗi;

- Xây dựng lời cảm ơn, lời xin lỗi phù hợp cho mỗi nhân vật.

Từ các tình huống, các câu chuyện được HS lấy từ thực tế đời sống, qua việc tìm hiểu, rèn luyện, các em được luyện tập kĩ năng sử dụng NTLN, rộng hơn là kĩ năng giao tiếp để rồi lại giúp các em vận dụng giao tiếp tốt hơn trong cuộc sống. Đây chính là phương pháp dạy học theo quan điểm giao tiếp:

Dạy bằng hoạt động và qua hoạt động mà CT dạy học tiếng Việt đã định hướng.

Bốn bước cơ bản nêu trên là những gợi ý dạy kiểu bài Rèn luyện NTLN trong giao tiếp hội thoại. Tiến hành theo hướng này, tiết học sẽ diễn ra nhẹ nhàng, vui mà có ích. HS vừa học vừa chơi, chơi mà học. Các em nắm rất nhanh các quy tắc và nghi thức giao tiếp bằng lời. Từ lần thực hành đóng vai

lần thứ nhất (khám phá) đến thực hành đóng vai lần sau (kết nối/vận dụng) đã có sự tiến bộ rõ rệt. Các em đóng vai nhân vật đã biết cách sử dụng các NTLN và thể hiện thái độ, nét mặt, cử chỉ cho phù hợp.

Tùy từng NTLN, từng giai đoạn học tập của HS, tùy từng đối tượng HS… GV có thể vận dụng quy trình dạy học theo các bước nói trên một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhằm thực hiện tốt nhất mục đích, yêu cầu của từng bài học cụ thể.

Một phần của tài liệu Đề tài Một số biện pháp dạy học nghi thức lời nói cho học sinh tiểu học (Trang 82 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)