CHƯƠNG 2: TỔ CHỨC DẠY HỌC NTLN CHO HS TIỂU HỌC
2.2. Một số biện pháp phát huy tính tích cực của HS tiểu học trong dạy học
2.2.1. Biện pháp phân tích tình huống giao tiếp
Đây là biện pháp dạy học trong đó dưới sự tổ chức và hướng dẫn của GV, HS tiến hành tìm hiểu các nhân tố giao tiếp trong tình huống, quan sát và phân tích các nhân tố đó theo định hướng của bài học, cũng tức là theo định hướng của nội dung dạy học Tiếng Việt, trên cơ sở đó rút ra những nội dung cần ghi nhớ về cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp.
Trong dạy học NTLN phân tích tình huống giao tiếp chính là phân tích hội thoại. Đó là phương pháp đưa ra các lời nhận xét, đánh giá về các yếu tố giao tiếp nêu trong đề bài (gồm cả phần lời và phần tranh minh họa). Đó là sự phân tích để chỉ rõ đích giao tiếp, nhân vật giao tiếp (trong đó có vai giao tiếp và quan hệ liên cá nhân), đề tài giao tiếp (gồm nội dung hiện thực được đề cập đến khi giao tiếp), hoàn cảnh giao tiếp (thường là hoàn cảnh hẹp: Cuộc giao tiếp xảy ra vào lúc nào, ở đâu?). Từ đó đưa ra dự kiến các phương tiện ngôn ngữ để thực hiện NTLN và lựa chọn những lời hội thoại phù hợp nhất với đích giao tiếp và hoàn cảnh giao tiếp. Dưới sự phân tích của GV, trong mỗi trường hợp, HS sẽ ở
một vai giao tiếp khác nhau, thấy đối tượng giao tiếp khác nhau, chính vì thế các em sẽ có cách sử dụng NTLN khác nhau. GV cần chú ý điều chỉnh, sửa chữa ngôn ngữ kết hợp với điệu bộ, cử chỉ, ngữ điệu của các em sao cho phù hợp để đạt hiệu quả giao tiếp cao nhất.
Có thể thực hiện biện pháp phân tích tình huống theo hai hướng:
Hướng thứ nhất: GV cần nêu và giải thích tình huống giao tiếp sau khi HS đọc đề bài. Khi giải thích cần làm rõ cho các em hiểu phải nói lời với ai (ông,bà,cha mẹ,thầy cô…), nói lời trong trường hợp nào (khi ông, bà ốm ,khi giẫm lên chân bạn, khi cho bạn mượn bút…), nói lời nhằm mục đích gì (cảm ơn, xin lỗi, an ủi…), nói ở đâu (ở trường, ở nhà, ở nơi công cộng..). Đây chính là các nhân tố ngôn ngữ để lại những dấu ấn đậm nét trong việc lựa chọn lời nói. Ta có tình huống giao tiếp giả định trong đề bài sau: Bác hàng xóm sang chúc Tết. Bố mẹ em đi vắng, chỉ có mình em ở nhà.
Cách triển khai bài dạy như sau
Hoạt động của GV Hoạt động của HS
GV nêu câu hỏi:
- Em nói với ai?
- Như vậy,em phải nói với người lớn hay người nhỏ tuổi?
- Nói với người lớn tuổi em cần phải lễ phép. Các em cần phải dùng các từ
“vâng ạ” hoặc “dạ”trong khi nói.
- Em nói với bác trong lúc nào?
-Vậy em phải thay mặt bố mẹ lúc đó.
Em nói với bác để làm gì?
HS trao đổi và trả lời câu hỏi:
- Em nói với bác hàng xóm.
- Em nói với người lớn tuổi.
- HS lắng nghe.
- Bác sang nhà em chúc tết, bố mẹ đi vắng, chỉ mình em ở nhà.
- Để cảm ơn, để nhận lời chúc, để chúc lại bác ấy.
-Bài tập yêu cầu các em điều gì?
-Vậy em sẽ nói gì với bác?
*Nhận xét kết quả học tập của HS.
- Gv yêu cầu HS nhận xét câu trả lời của bạn
+ Các lời đáp trên đã lễ phép và hay chưa?
- Gv nhận xét và chốt ý.
*Kết luận:
- Khi ai chúc mừng mình điều gì thì các em phải nói lời cảm ơn và có thể chúc lại họ.
- Bài tập yêu cầu đáp lại lời chúc tết.
HS phát biểu
-Cháu cảm ơn bác. Cháu chúc bác và gia đình luôn mạnh khỏe và hạnh phúc.
- Cháu sẽ về nói lại với bố mẹ cháu có bác sang ạ!
- Cháu cảm ơn bác.Cháu chúc gia đình bác sang năm mới an khang thịnh vượng ạ!
- Cháu cảm ơn bác ạ!
…
- HS nhận xét
- Hs: Các lời đáp trên đã đáp lại lời chúc của bác hàng xóm rất lễ phép.
Nhưng lời đáp “Cháu cảm ơn bác ạ!” chưa hay vì bạn chưa chúc lại bác hàng xóm.
- HS lắng nghe.
-HS lắng nghe
Bài soạn đã tiến hành theo cách HS phân tích tình huống giao tiếp đặt ra trong đề bài dựa vào sự góp ý, định hướng của GV. Sau đó lựa chọn lời đáp thích hợp. Cuối bài giảng, GV hỏi lại HS đi đến kết luận về hoàn cảnh đưa ra lời đáp chúc mừng, chia vui. Các em cũng đã thực sự được là mình, thật sự chủ động khi được ít phút bộc lộ để kể về những trường hợp mình đã nói lời chúc mừng, chia vui với một ai đó. Cách dạy này GV dẫn dắt HS từng bước
để rèn luyện NTLN, sẽ phù hợp với các đối tượng HS có học lực trung bình khá, HS ở các vùng miền khó khăn, khả năng giao tiếp và sự chủ động còn hạn chế.
Hướng thứ hai: GV là người tổ chức ra các tình huống giao tiếp, HS tham gia vào các tình huống đó và thực hành nói NTLN trong hội thoại. Dựa vào thực tiễn giao tiếp diễn ra trước mắt, các HS dưới sự điều khiển của GV sẽ phân tích, đánh giá, nhận xét từng lời nói, từng cử chỉ, nét mặt… của các bạn khi đối chiếu với mục đích mà tình huống giao tiếp trong đề bài đặt ra. Cụ thể, với ví dụ trên, bài dạy tiến hành như sau:
- GV giới thiệu đề bài,(cùng HS) đặt các câu hỏi nhằm gợi lại những hiểu biết đã có liên quan đến tình huống nói/đáp lời chúc mừng, chia vui để kích thích HS tự tìm hiểu, trải nghiệm.
- GV yêu cầu từng nhóm HS trao đổi xem nên nói câu gì với bác hàng xóm khi bác sang chúc Tết, bố mẹ vắng nhà, chỉ có mình em ở nhà.
- GV cho hai HS đóng vai thực hiện 2 tình huống giả định trên.
- HS nhận xét kết quả đóng vai lần thứ nhất (bạn xưng hô với bác hàng xóm đã đúng chưa?Bạn đã đáp lại lời chúc tết của bác hàng xóm phù hợp chưa? Bạn đã tỏ rõ sự lễ phép với bác không? Nét mặt,cử chỉ của bạn đã phù hợp với cuộc trò chuyện giữa bác hàng xóm và cháu chưa?Có cách nào hay hơn không?)
- GV cho 2 HS đống vai thực hiện lần thứ 2 tình huống trên (sau khi đã rút kinh nghiệm).
- HS nhận xét kết quả đóng vai lần hai. Cả lớp thống nhất những cách nói và cử chỉ, nét mặt nên có khi trò chuyện và đáp lời chúc tết của bác hàng xóm trong tình huống trên.
- GV nhấn mạnh lại lần nữa những câu nói (nên dùng))và điệu bộ, nét mặt nên có lúc trò chuyện với người lớn khi được chúc mừng.
Trong cách triển khai bài giảng như trên, HS đã được tham gia hoạt động như phân tích tình huống, lựa chọn NTLN chúc mừng sau khi đã chứng kiến cuộc hội thoại. Các em có thể giới thiệu những cách nói, cách biểu hiện khác theo đề tài đã cho từ kinh nghiệm giao tiếp của bản thân. Những phút phân tích, trao đổi tranh luận đó chính là thời gian để các em san sẻ kinh nghiệm sử dụng NTLN trong giao tiếp (dù ít ỏi của mình). Nhờ vậy, vốn kinh nghiệm ứng xử và sử dụng NTNL của các em sẽ được nâng cao hơn rất nhiều. Đây là phương pháp dạy học tích cực nên áp dụng dạy cho các HS khá giỏi, các HS có kĩ năng giao tiếp tốt và vốn sống phong phú.
Việc hướng dẫn, phân tích cho HS các nhân tố giao tiếp trong các tình huống rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế, do không nắm được việc hướng dẫn của sách GV hoặc do GV hướng dẫn còn đơn giản nên nhiều GV không tổ chức tốt phần định hướng để HS tạo ra các lời nói phù hợp. Chẳng hạn, trong bài tập 2: Nói lời xin lỗi của em trong những trường hợp sau:
Em lỡ bước, giẫm vào chân bạn.
Em mải chơi, quên làm việc mẹ đã dặn.
Em đùa nghịch, va phải một cụ già.
Khi làm bài tập này, đa số HS đều đưa ra những câu nói: Mình xin lỗi/Con xin lỗi/Cháu xin lỗi. Như vậy,các em mới hiểu được, trong tình huống này cần nói lời xin lỗi và lời nói của các em đã phù hợp với nhân vật giao tiếp, tức là các em chỉ mới chú ý đến nội dung giao tiếp, và giao tiếp mà chưa chú ý đến hoàn cảnh giao tiếp và mục đích giao tiếp. Nếu được định hướng cụ thể trong bước phân tích tình huống thì HS còn thể hiện các lời nói phong phú hơn và phù hợp hơn. Các em không chỉ nói một câu đơn giản như vậy mà các em có thể nói thêm một vài câu để làm bạn/mẹ/cụ già vừa lòng, tức là đã hiểu được mục đích giao tiếp của lời xin lỗi: Xin lỗi cậu, tớ vô ý quá, do tớ đi
nhanh quá đấy. Cậu có đau lắm không?/ Con xin lỗi mẹ, vì con mải chơi quá.
Con sẽ làm xong ngay bây giờ đây mẹ ạ./Cháu xin lỗi cụ. Cháu nghịch quá/vô ý quá. Cụ có đau lắm không ạ?
Ở Tiểu học, khi tổ chức dạy các bài tập luyện NTLN, một điều quan trọng là xác định đúng vai giao tiếp. Có xác định đúng vai giao tiếp của mình trong cuộc hội thoại thì các em mới sử dụng ngôn ngữ phù hợp với vai giao tiếp đó.
Ví dụ: Khi dạy nghi thức “ Xin lỗi”
Nói lời đáp của em trong các trường hợp sau:
- Em làm rơi bút của bạn ngồi cùng bàn.
- Em mải chơi quên lời cô dặn, không làm bài tập về nhà.
- Em lỡ tay làm rơi quả bóng bay của em nhỏ hàng xóm.
Trong bài tập trên, các tình huống có ba vai giao tiếp đó là: giao tiếp ngang vai (bạn ngồi cùng bàn), giao tiếp với người vai trên (cô giáo) và giao tiếp với người vai dưới (em nhỏ hàng xóm). Với mỗi vai giao tiếp GV cần luyện tập để HS đưa ra cách nói hợp lý. Đối với bạn ngồi cùng bàn, lời xin lỗi có thể là: “ Ôi, mình vô ý quá. Xin lỗi cậu nhé”. Lời xin lỗi vừa thể hiện được sự chân thành, vừa thể hiện được sự thân mật của bạn bè, kèm theo đó là hành động nhặt bút lên cho bạn. Đối với cô giáo, lời xin lỗi còn thể hiện sự lễ phép ngay trong từ ngữ cũng như ngữ điệu khi nói: “ Em xin lỗi cô ạ! Em hứa sẽ hoàn thành bài tập trong ngày hôm nay ạ!”. Với em nhỏ hàng xóm, dù hơn tuổi nhưng lời xin lỗi của em không phải là xin lỗi cho qua chuyện mà phải thể hiện được sự chân thành trong lời xin lỗi. “ Ôi! Anh xin lỗi em. Anh vô ý quá !”