1.2. Khái quát về kết trị và kết trị của số từ
1.2.4. Phân loại kết trị của số từ
1.2.4.1. ết trị nội dung và kết trị hình thức
Dựa vào sự đối lập giữa mặt nội dung và mặt hình thức của các kết tố trong mối quan hệ với số từ, Nguyễn Văn Lộc trong [28] đã phân chia kết trị ra thành kết trị nội dung và kết trị hình thức. Kết trị nội dung của số từ là sự kết hợp (mối quan hệ) về mặt ngữ nghĩa giữa số từ và các kết tố, đặc điểm cú pháp- ngữ nghĩa của các kết tố lệ thuộc sâu sắc vào ý nghĩa của số từ. Kết trị
hình thức của số từ là sự kết hợp (mối quan hệ) về mặt hình thức giữa số từ và các kết tố, gắn chặt với đặc tính ngữ pháp của từ.
Kết trị nội dung và kết trị hình thức của từ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng không phải luôn tương ứng theo kiểu “một đối một”. Điều này được thể hiện ở chỗ, kết trị nội dung mang tính phổ quát (bởi nó phụ thuộc vào nghĩa của từ), còn kết trị hình thức mang tính đặc thù (bởi nó gắn với hình thái của từ trong mỗi ngôn ngữ cụ thể). Chẳng hạn, kết trị nội dung của các số từ chỉ số lượng trong các ngôn ngữ đều đòi hỏi kết tố chỉ sự vật được tính đếm như: một quyển sách, one book... Trái lại, kết trị hình thức lại khác nhau trong các ngôn ngữ khác loại hình, ví như trong các ngôn ngữ không biến hình, khi có số từ số lượng từ hai trở lên kết hợp với danh từ thì danh từ phải có dạng thức số nhiều (trừ trường hợp ngoại lệ của những danh từ không biến đổi dạng thức): two books...
Tính độc lập tương đối giữa kết trị nội dung và kết trị hình thức cho phép khi miêu tả kết trị của số từ, có thể xem xét theo từng mặt một. Chẳng hạn, xem xét kết trị nội dung của số từ có thể phân biệt các kiểu kết trị cụ thể như:
kết trị chủ thể, kết trị công cụ, kết trị nguyên nhân... Về mặt hình thức, có thể phân biệt các kiểu kết trị cụ thể như: kết trị trước, kết trị sau, kết trị trực tiếp, kết trị gián tiếp... Tuy nhiên, vì kết trị nội dung và kết trị hình thức là hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau nên trên thực tế không thể miêu tả chúng một cách hoàn toàn độc lập, tách biệt nhau.
1.2.4.2. ết trị cơ sở và kết trị mở rộng
Kết trị bắt buộc là khả năng của động từ tạo ra xung quanh mình các vị trí mở cần làm đầy bởi các kết tố bắt buộc còn kết trị tự do là khả năng của động từ tạo ra xung quanh mình các vị trí mở có thể làm đầy bởi các kết tố tự do. Trong mối quan hệ với kết trị, có thể hiểu kết tố là những yếu tố tham gia vào kết trị Theo L.Tesnière, các thành tố có quan hệ với động từ hạt nhân, xét theo mức độ gắn bó được chia ra thành: thành tố bắt buộc- diễn tố (actance)
và thành tố tự do- chu tố (cricontance). Cách phân loại này là định hướng quan trọng trong việc tìm hiểu kết trị của từ loại trong tiếng Việt nói chung và của số từ tiếng Việt nói riêng.
Tác giả Cao Xuân Hạo trong “Tiếng Việt- sơ thảo ngữ pháp chức năng” gọi chung các kết trị là các tham tố và chia các tham tố ra thành diễn tố và chu tố. Nguyễn Văn Lộc khi phân tích các loại kết trị của động từ trong cuốn “Kết trị của động từ tiếng Việt” lại sử dụng cặp thuật ngữ kết tố bắt buộc và kết tố tự do.
Ở đây, chúng tôi đề xuất sử dụng cặp thuật ngữ kết tố cơ sở và kết tố mở rộng, bởi cách gọi kết tố tự do dễ gây nhầm lẫn là loại kết tố không bị ràng buộc gì với số từ trung tâm. Trên thực tế, mọi loại kết tố chỉ được chấp nhận khi chúng thích hợp với các đặc điểm ngữ pháp- ngữ nghĩa của từ trung tâm.
Theo đó, kết tố cơ sở là thành tố cú pháp cần có, chịu sự chi phối chặt chẽ vào đặc điểm ngữ nghĩa- ngữ pháp của số từ trung tâm. Kết tố mở rộng là những thành tố cú pháp có thể có, chúng độc lập tương đối với đặc điểm ngữ nghĩa- ngữ pháp của số từ trung tâm, nhưng không hoàn toàn tự do, tùy tiện.
Ví dụ: trong cấu trúc “Năm nay, tôi đã ba mươi” thì “tôi” là kết tố cơ sở chỉ chủ thể được định lượng và với kết tố này thì cấu trúc có thể hoạt động với tư cách là một câu trọn vẹn về ngữ pháp “Tôi ba mươi”; còn “năm nay” là kết tố mở rộng, mang tính lâm thời và không nhất thiết phải có mặt trong cấu trúc.
Việc phân tích, miêu tả các kết trị cơ sở có vai trò rất trọng trong khi nghiên cứu kết trị của số từ. Bởi vì, kết trị cơ sở luôn gắn chặt với ý nghĩa từ vựng- ngữ pháp của số từ nên việc miêu tả chúng sẽ giúp phát hiện ra những thuộc tính bản chất nhất của số từ. Đồng thời, dựa vào kết trị cơ sở có thể phân chia số từ thành các tiểu loại nhất định.
Tiểu kết chương 1
Như vậy, ở chương 1, chúng tôi đã trình bày một cách khái quát những vấn đề lý thuyết có liên quan, làm cơ sở cho việc triển khai nội dung nghiên cứu.
Về số từ, chúng tôi đã đưa ra những quan niệm khác nhau của các tác giả về từ loại này, chủ yếu xoay quanh vấn đề số từ là một từ loại độc lập hay là một tiểu loại của từ loại khác. Trên cơ sở đó, chúng tôi coi số từ là một từ loại độc lập với những đặc điểm ngữ pháp- ngữ nghĩa riêng biệt.
Về kết trị, chúng tôi trình bày những nội dung cơ bản như khái niệm kết trị của số từ (khái niệm kết trị được chúng tôi hiểu theo nghĩa rộng), nguyên tắc và thủ pháp xác định kết trị cũng như phân biệt các loại kết trị cơ bản.
Những tiền đề lý thuyết này là cơ sở để chúng tôi dựa vào đó triển khai chương 2 và chương 3 của luận văn.