Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.3. Những nghiên cứu về giá trị và ảnh hưởng của Phật giáo đời Trần, tư tưởng Thiền học đời Trần đối với đời sống xã hội đương thời
Khi nhận định về vai trò của Phật giáo đời Trần, tư tưởng thiền học đời Trần đối với xã hội đương thời, các học giả đã đưa ra rất nhiều nhận định khác nhau thậm chí là đối lập với nhau, đặc biệt là đối với vấn đề nhập thế và tinh thần yêu nước của Phật giáo đời Trần.
Tác giả Hà Thúc Minh trong bài viết Lịch sử tư tưởng Việt Nam và vấn đề Phật giáo đã đặt vấn đề: “Phật giáo có đóng góp gì vào tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ Lý- Trần hay không?”
[115; tr. 42]. Trả lời câu hỏi này, tác giả đã chỉ ra rằng: “Một trong những yêu cầu quan trọng của đạo lý giải thoát là thực hiện cái gọi là “bất nhị pháp môn” hoặc là
“bình đẳng quan”(samata). Những cái đó thực ra không liên quan gì bao nhiêu đến tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm cả. Nếu thấy rằng thời Lý- Trần có nhiều nhà sư tham gia chống giặc mà cho rằng Phật giáo đóng góp tích cực đối với tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm thì nhận định như vậy cần xem xét lại” [115; tr. 43].
Tác giả Nguyễn Đức Sự trong bài viết Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam đã đưa ra nhận định về triết lý nhập thế của Phật giáo thời Lý-Trần như sau:
Triết lý nhập thế của các thiền sư thời Lý-Trần nhằm luận chứng cho thái độ sống của một con người đã ngộ đạo và đạt tới cõi vô sinh. Ở đây, một con người đã ngộ đạo rồi nhưng vẫn còn gắn mình với sự hiện hữu của tất cả những cái gì gọi là giả hợp vô thường. Một con người ngộ đạo như thế không hề thoát ly cuộc sống mà vẫn dấn thân vào cuộc sống đó với tất cả những hoạt động bình thường của con người trần tục, kể cả hoạt động chính trị góp phần vào công cuộc dựng nước và giữ nước. Chính xuất phát từ quan điểm đó mà không ít các vị cao tăng và tín đồ Phật giáo thời Lý- Trần đã tham gia chính sự và có những cống hiến đáng kể vào sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc của Tổ quốc [115; tr.53].
Tác giả Nguyễn Hữu Vui trong bài Mấy ý kiến góp phần tìm hiểu về vai trò của đạo Phật Việt Nam đã đánh giá về mối quan hệ giữa Phật giáo với tư tưởng yêu
nước như sau: “Đặc biệt bằng những hoạt động nhằm góp phần củng cố sự đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, nghĩa là bằng mối quan hệ với những cuộc vận động độc lập của đất nước, mà các nhà chùa của đạo Phật Việt Nam đã trở thành một trong những cơ sở quan trọng của tư tưởng dân tộc, đặc biệt là của tư tưởng yêu nước - tư tưởng truyền thống của nhân dân ta” [115; tr.72].
Cũng về vấn đề này, tác giả Tống Hồ Cầm trong bài viết Phật giáo Việt Nam với tư tưởng yêu nước đã đưa ra nhận định: “Bởi thế, học thuyết Phật giáo từ phương xa đến Việt Nam đã đương nhiên trở thành Phật giáo Việt Nam gắn liền với tư tưởng yêu nước là chủ yếu” [115; tr. 77].
Như vậy qua ý kiến của các tác giả trên đây về vấn đề Phật giáo đời Trần với tư tưởng yêu nước đã có những khuynh hướng nhận định trái chiều. Đây là một thực tế mà cho đến hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng này trong giới nghiên cứu.
Trong luận án tiến sĩ Triết học Phật giáo thời Trần tác giả Đỗ Hương Giang đã cho rằng, nhà Trần đã phát động được chiến tranh nhân dân vì đã thực hiện được sự đoàn kết toàn dân, tập hợp được sức mạnh của cả nước để cùng kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tác giả nhấn mạnh vấn đề nhà Trần đã nêu cao tinh thần
“lấy dân làm gốc”, thông qua các chủ trương, chính sách mang đậm tính nhân văn đã khơi dậy được tinh thần yêu nước trong nhân dân. Mặt khác tác giả cũng chỉ ra rằng tinh thần đoàn kết ấy không chỉ xuất phát từ dân chúng mà còn được xây dựng trong cả hoàng tộc, trong bộ máy nhà nước. Tư tưởng yêu nước, thân dân trở thành nền tảng cho sự ổn định xã hội, xây dựng vương triều và phát huy nội lực để ba lần đánh bại quân Nguyên Mông. Nhìn chung, tác giả đã khẳng định vai trò của Phật giáo đời Trần đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc qua các nội dung tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, tư tưởng “thân dân”. Các tư tưởng này đã tạo ra sự đoàn kết trong nội tộc nhà Trần và toàn dân.
Đỗ Thị Vòng trong luận văn thạc sĩ (2008), Một số vấn đề triết học Phật giáo thời Lý-Trần đã cho rằng: “Tinh thần từ, bi, hỉ, xả, vô ngã vị tha của đạo Phật cùng với tinh thần yêu nước, thương dân, kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam đã tạo nên một đặc tính nổi bật của Phật giáo Việt Nam là lòng yêu nước, yêu hòa bình
thể hiện rất rõ nét dưới triều đại Lý Trần với những ông Vua, thiền sư yêu nước, mộ đạo khi giặc Nguyên kéo đến xâm lược nước ta” [140; tr. 95]. Như vậy, Đỗ thị Vòng đã chỉ ra chính các hành động nhập thế của các ông vua đồng thời là các thiền sư thời Trần là tấm gương kêu gọi được tinh thần toàn dân đoàn kết.
Cùng quan điểm với Đỗ Thị Vòng, thiền sư Diệu Minh trong bài Bước đầu tìm hiểu tư tưởng triết học Tuệ Trung Thượng sĩ cũng nhận định rằng tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo đời Trần là cơ sở của việc phát huy được tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Tác giả chỉ ra rằng: “Nét nổi bật nhất của thiền của Tuệ Trung là thiền hành động nhập thế tích cực. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với triết lý hành động nhập thế của Thiền tông. Tính tích cực này thể hiện rõ ở chỗ tu thiền không chỉ dừng lại ở công việc trì giới, niệm Phật, gánh nước, bổ củi trong thiền viện nữa mà là hành động có mục đích, lý tưởng cao cả hơn như đánh giặc, giữ nước, bảo vệ đất nước trước họa xâm lăng của kẻ thù”
[22; tr. 138].
Tác giả Nguyễn Hùng Hậu trong cuốn Tư tưởng Việt Nam thời Lý-Trần, trong bài viết Trần Nhân Tông- người sáng lập ra thiền Trúc Lâm Yên Tử lại khẳng định: “Tư tưởng làm trai phải có chí quyết trả nợ tang bồng của Trần Nhân Tông đã làm cho Phật giáo của ông gắn liền với dân tộc, với đất nước. Thôi thúc ông đánh thắng quân xâm lược, quét sạch quân Nguyên ra khỏi bờ cõi, để lại tiếng thơm cho muôn đời. Trần Nhân Tông là ông vua luôn lo nghĩ về dân, khoan thư sức dân.
Cũng vì ưu quốc mà ông luôn lo đến sự đoàn kết toàn dân, đặc biệt là sự nhất trí về tư tưởng” [22; tr.185]. Đây là một sự phát hiện độc đáo của tác giả Nguyễn Hùng Hậu trong việc lý giải về nguồn gốc tư tưởng làm cho Phật giáo đời Trần thực hiện được sứ mệnh đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Thích nữ Nghiêm Liên trong bài viết Vài nét về Phật giáo đời Trần lại khẳng định: “Với tinh thần bình đẳng tuyệt đối, đạo Phật đã tạo cơ sở cho sự đoàn kết toàn dân ngay những buổi đầu dựng nước. Tinh thần từ bi đoàn kết của đạo Phật kết hợp với tinh thần nồng nàn yêu nước của dân tộc Việt Nam rõ ràng không chỉ làm nên một bản lĩnh ý chí chiến đấu mà còn là nền tảng
của chính sách ngoại giao mềm dẻo, đức độ, cao thượng tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc” [141]. Với những lập luận nêu trên tác giả Thích nữ Nghiêm Liên gần như đã tổng kết được toàn bộ các cơ sở căn bản trong Phật giáo đời Trần có ảnh hưởng tới vai trò đoàn kết dân tộc ở các nội dung tinh thần bình đẳng tuyệt đối, tư tưởng vị tha, tinh thần từ bi, tư tưởng truyền thống ái quốc.
Trong bài Phật giáo góp phần đoàn kết dân tộc, tác giả Nguyễn Xuân Hưng cho rằng: “Phật giáo thời Trần có lẽ là một giai đoạn hoàng kim sống trong lòng dân tộc. Triết học Thiền Trần Thái tông chủ yếu đề cập đến cái tâm của mỗi cá nhân, tâm là gốc của mọi thiện ác. Đạo đức Trần Thái Tông là đạo đức hoàn thiện cá nhân, một vấn đề có tính vĩnh cửu, có tính thời sự kể cả ở thời nay. Có lẽ điều đó giúp cho nhà Trần đoàn kết dân tộc, cứu nguy xã tắc” [142]. Nguyễn Xuân Hưng đã đem lại cách giải thích khá thuyết phục về vai trò đoàn kết toàn dân ở việc đề cao hoàn thiện đạo đức cá nhân của Trần Thái Tông và coi đây là yếu tố quan trọng nhất.
Bài Vài nét về Phật giáo thời Trần của thiền sư Tuệ Quang thể hiện quan điểm tương đồng với các tác giả trên khi khẳng định: “các vị vua Trần là những Phật tử thuần thành, là những thiền sư, đã sống và làm việc với tâm vô ngã, vị tha của đạo Phật. Nhờ vậy đã hội tụ được những tướng sĩ tài ba thao lược, dân và quan một lòng yêu nước thương nhà, đồng tâm đoàn kết. Tinh thần từ bi đoàn kết của đạo Phật kết hợp với tinh thần nồng nàn yêu nước của dân tộc Việt Nam không chỉ làm nên một bản lĩnh ý chí chiến đấu mà còn là nền tảng của chính sách ngoại giao mềm dẻo, đức độ, cao thượng tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc” [144].
Thượng tọa Thích Gia Quang, trong bài Trần Nhân Tông - Vị anh hùng dân tộc và sự nghiệp bảo vệ tổ quốc lấy: “hình ảnh một lãnh tụ quốc gia cầm quân ra trận khi Tổ quốc lâm nguy và hình ảnh Thiền sư siêu thoát lúc đất nước thanh bình, để gợi mở về tinh thần nhập thế của Phật giáo đời Trần. Hình ảnh đó phản ánh tinh thần yêu nước tha thiết của một vị vua, thiền sư trở thành tấm gương kêu gọi tinh thần yêu nước nồng nàn trong dân, cố kết toàn dân trong tinh thần yêu nước đó” [145].
Tóm lại, qua sự phân tích trên đây của các tác giả, chúng ta thấy vai trò của Phật giáo đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là vấn đề đoàn kết dân tộc, được các tác giả phân tích, luận giải một cách khá chi tiết, đầy đủ và sâu sắc. Từ các cơ sở tư tưởng của Phật giáo đời Trần như: lấy dân làm gốc; thân dân;
tinh thần từ, bi, hỉ, xả, vô ngã vị tha; tư tưởng làm trai phải có chí quyết trả nợ tang bồng; tinh thần bình đẳng tuyệt đối; tư tưởng truyền thống ái quốc; thập thiện; đoàn kết là sức mạnh; tư tưởng đức trị… các tác giả đã lý giải về hành động của các ông vua, thiền sư đời Trần với vai trò quản lý xã hội đã hiện thực hóa các giáo lý Phật giáo vào trong đường lối trị nước, qua đó đã kêu gọi được tinh thần yêu nước, cố kết cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân vào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tác giả đi đến kết luận là, dân tộc Việt Nam đã tìm thấy được ở Phật giáo một hệ tư tưởng mới, tiến bộ có thể dùng để đối trị tư tưởng Khổng giáo vốn là chỗ dựa tinh thần của nền đô hộ Trung Hoa đối với Việt Nam. Phật giáo luôn luôn thể hiện tinh thần bao dung, hòa bình. Không dừng lại ở đó, việc khai sáng triều đại độc lập, tự chủ đời Trần đã đánh dấu một bước hội nhập sâu rộng hơn của Phật giáo và văn hóa xã hội Việt Nam. Với tinh thần bình đẳng tuyệt đối, đạo Phật đã tạo cơ sở cho sự đoàn kết toàn dân ngay những buổi đầu dựng nước. Các nhận định trên đây là những kết luận sâu sắc của các nhà nghiên cứu về ảnh hưởng của Phật giáo thời Trần đối với xã hội đương thời. Đây là cơ sở để tác giả luận án tiếp tục nghiên cứu về Phật giáo đời Trần và tìm tòi các cách lý giải mới về vai trò của Phật giáo đời Trần đối với xã hội.