Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.4. Một số khái niệm cơ bản liên quan đến đề tài
Thiền ra đời ở Ấn Độ từ thời kỳ cổ đại, ngay từ khi mới xuất hiện thiền được hiểu là một kỹ thuật điều tiết hơi thở từ đó điều tiết, rèn luyện tư duy, suy nghĩ, tâm thức của con người của trường phái Yoga. Mục tiêu của thiền là để cho dòng chảy của tâm trí đạt tới trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ, khi tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở, ý thức con người hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ về ý thức vũ trụ.
Về sau, thiền được hiểu với ý nghĩa rộng hơn là sự suy nghĩ, quán chiếu, chăm chú vào một cảnh để ngăn chặn sự khởi dậy của dòng tâm thức nhằm đạt tới trạng thái an nhiên tự tại của tinh thần con người. Về hình thức cùng với phương pháp điều tiết hơi thở các phương pháp khác cũng được bổ sung thêm như phương pháp niệm Phật, quán tưởng, tụng kinh, gõ mõ…
Như vậy, về cơ bản, thiền chỉ là một phương pháp điều trị tâm, giúp tâm an ổn, đỡ tán loạn. Khi tâm đã an thì con người ta sẽ nhìn nhận mọi sự việc dưới con mắt sáng suốt, lạc quan hơn. Thiền được sử dụng như một phương pháp để giải tỏa căng thẳng, tìm lại sự an ổn trong tâm hồn.
Với tính cách là một phương pháp rèn luyện tâm, thiền được tất cả các trường phái tư tưởng, tôn giáo ở Ấn Độ cổ đại sử dụng, dùng làm phương tiện tu tập để đạt tới giải thoát. Nhìn chung các trường phái tư tưởng Ấn Độ cổ đại khai thác thiền ở góc độ kỹ thuật của sự phối hợp giữa điều tiết hơi thở và điều tâm.
Đối với Phật giáo nói chung thiền cũng được sử dụng với mục đích nêu trên. Riêng đối với Thiền tông, thiền không chỉ là phương pháp tu luyện mà còn là nội dung phản ánh tư tưởng về bản chất sự tồn tại của thế giới, về nhận thức, về tâm lý và là mục tiêu cuối cùng cần đạt đến của con người. Vì vậy đặc điểm của Thiền tông Phật giáo khác với các trường phái Phật giáo khác là ở chỗ Thiền tông lấy thiền làm trung tâm còn các phái Phật giáo khác lấy thiền làm phương pháp tu hành.
Như vậy, thiền có thể được định nghĩa như sau: thiền là sự tập trung tư duy trong tĩnh lặng để cho tâm của người thực hành an tịnh, rèn luyện tâm với mục đích hướng đến sự tỉnh thức tâm linh ở một cấp độ cao.
Đối với Thiền tông, đối tượng nghiên cứu chính là Tâm. Tác giả Hoàng Thị Thơ, trong luận án tiến sĩ Triết học Sự hình thành tư tưởng thiền Phật giáo (2004), tr 121, tác giả viết: Từ góc độ bản thể luận, hầu hết các học giả đều nhất trí coi thiền là sự thể nghiệm trực tiếp về bản thể của chính cái Tôi (bản tâm). Bản thể của Phật giáo nguyên thuỷ có nội hàm là thực tại phổ quát song đến Thiền tông bản thể lại thiên về ý nghĩa bản tâm.
- Khái niệm “Thiền tông”
+ Thiền tông: tông phái Phật giáo lấy thiền là trung tâm.
+ Thiền tông: Còn gọi là Phật Tâm tông, Đạt ma tông, Vô Môn tông. Chỉ một tông phái Phật giáo Đại thừa lấy ngài Đạt Ma làm sơ tổ, nghiên cứu bản nguyên tâm tính, để mong kiến tính thành Phật [34; tr. 1275].
+ Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh: Nội hàm Thiền tông tập trung trong lý luận Tâm, cho nên còn gọi là Tâm Tông [49; tr. 291].
Thiền tông còn được gọi là Phật tâm tông là một tông phái được thành lập vào thế kỷ thứ VI-VII ở Trung Quốc, khi Bồ Đề Đạt Ma đưa phép thiền vào Phật giáo Trung Quốc. Xuất phát từ việc Bồ Đề Đạt Ma nhận thấy các nhà học Phật, thường chấp vào kinh sách, chấp vào ngôn ngữ văn tự để tu tập, coi kinh sách và các lời giáo huấn của các bậc cao tăng là chân lý cứu cánh để đạt tới giải thoát; chấp vào hình thức tu hành cho rằng chỉ cần tụng kinh, gõ mõ, chăm chỉ niệm Phật là có thể đạt tới giải thoát; chấp vào giới luật coi thực hiện giới luật là điều kiện đạt tới giải thoát nên ông lập ra thuyết bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật để tạo ra một khuynh hướng mới trong tu hành.
Thiền tông đã trở thành một tông phái lớn với mục đích là người tu hành trực nhận được bản thể của sự vật và đạt giác ngộ, đề cao kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mạnh mẽ mọi nghi thức tôn giáo và mọi lý luận về giáo pháp. Chủ trương người tu hành có thể đạt tới giải thoát mà không cần phải học tập kinh điển, giữ giới, tọa thiền, lấy Tâm truyền Tâm làm phương pháp giáo hóa Phật pháp.
Thiền tông còn gọi là Phật tâm tông lấy nghiên cứu bản nguyên tâm tính làm cơ sở để thành Phật: “Tôn chỉ của Thiền tông hiển hiện ở Phật tâm ấn, giác ngộ đạo lý Phật và phàm không chia hai, do đó còn được gọi là Phật tâm tông” [95; tr 18].
Bởi vậy, toàn bộ lý luận của Thiền tông đều xuất phát từ phạm trù Tâm lấy phạm trù Tâm làm nội dung cơ bản để giải quyết các vấn đề thế giới quan, nhân sinh quan, bản thể luận, nhận thức luận, đạo đức học, giải thoát luận… Hệ thống khái
niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật trong Thiền tông rất phong phú, đa dạng và phức tạp như: Không, Pháp, Bản thể, Tự tính, Diệu tính, Vô tướng, nhân duyên sinh, luân hồi nghiệp báo, giải thoát… Tuy nhiên các khái niệm, phạm trù, và quy luật này xét đến cùng đều được giải thích trên cơ sở sự vận hành của Tâm, có nguồn gốc từ Tâm.
Như vậy, điểm khác biệt của Thiền tông đối với các tông phái khác chính là ở chỗ phủ nhận vai trò của ngôn ngữ, kinh điển, giáo pháp, giới luật. Mở ra một không gian vô giới hạn cho các phương pháp tu hành và đặc biệt là nhấn mạnh vai trò của chủ thể trong việc tu hành, để thành Phật, muốn thành Phật chỉ có thể tự mình tu tâm, tự nhận diện Tự tính vốn có trong bản thân mình. Không thể dựa vào sự hỗ trợ của Phật, Bồ tát mà thành Phật được.
- Khái niệm Tâm trong triết học Phương Đông:
Trong triết học phương Đông phạm trù Tâm là phạm trù cơ bản chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong các trường phái triết học. Mỗi một trường phái tư tưởng tiếp cận phạm trù này dưới các giác độ khác nhau, nên có những luận giải về Tâm cũng rất khác nhau.
Ở Trung Quốc, ban đầu tâm được hiểu là trái tim trong cơ thể con người, trái tim đó có thể có cảm giác (rung động, lo sợ, bồn chồn, hồi hộp…) loạn nhịp khi chịu tác động của các hiện tượng bên ngoài. Các cảm xúc của con người đều liên quan đến hoạt động của tim nên tim được coi là trung tâm điều hành, chi phối mọi hoạt động của cơ thể, của các khí quan khác và cảm xúc của con người. Khi đó tim được gắn với ý nghĩa là tâm (trung tâm). Về sau con người cho rằng tim còn có khả năng tư duy, do chỗ những cảm xúc của con người dẫn đến những suy tư, suy nghĩ và chỉ huy được ngũ quan nên dần dần tâm được hiểu là tâm tư, suy nghĩ, tư duy, ý thức, đạo đức, tình cảm của con người. Như vậy, tim là nguồn gốc sinh ra các hoạt động ý thức của con người. Kết hợp hàm nghĩa tim là trung tâm với tim là nguồn gốc sinh ra cảm giác, ý thức họ đã đồng nhất tim với tâm và ý thức.
Tuy nhiên: “Việc lấy tâm làm khí quan cơ năng có ý thức đã kéo dài mấy ngàn năm ở Trung Quốc, mãi đến thời Minh mới tương đối nhận thức rõ não là khí quan tư duy” [133; tr 16]. Khi đó, người Trung Quốc đã quen với việc sử dụng khái niệm Tâm để diễn đạt về hoạt động tinh thần, ý thức và vì vậy họ đã lấy Tâm làm phạm trù để biểu đạt về các hoạt động tinh thần, ý thức của chủ thể.
Với nghĩa đó, Tâm trong triết học Phương Đông bao gồm các nội dung:
+ Tâm là ý thức của chủ thể: “Cái gọi là ý thức của chủ thể là chỉ hình ảnh mà chủ thể có được đối với khách thể trong mối quan hệ giữa người và thế giới bên ngoài, giữa chủ thể và khách thể. Ý thức vẫn nắm bắt thế giới khách thể từ góc độ nhân hóa và lấy người làm thước đo” [133; tr 16].
+ Tâm là bản nguyên hoặc bản thể của vạn vật: đây là tư tưởng của Phật giáo. Phật giáo cho rằng: “Mọi sự vật đều là sản phẩm của nhất tâm, là sự biến hiện của tâm, cái tâm như thế trở thành căn cứ tồn tại của vạn vật thế giới và bản thể đằng sau hiện tượng vạn pháp” [133; tr 17].
+ Tâm là hoạt động tâm lý hoặc trạng thái tâm lý: là hoạt động tâm lý của con người bao gồm tư tưởng, tình cảm, ý chí, dục vọng…
+ Tâm là luân lý, đạo đức: bao gồm các quan niệm, chuẩn mực về giá trị làm người của con người gồm lòng trắc ẩn, sự xấu hổ, căm ghét, yêu thích, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, từ, bi, hỉ, xả… nhấn mạnh vai trò của sự tự tu dưỡng đạo đức theo bản tâm của con người.
Như vậy, tâm trong triết học Phương Đông bao hàm toàn bộ các hoạt động tinh thần của con người. Chiếm vị trí trung tâm trong các học thuyết triết học Phương Đông cổ trung đại.
Đối với Phật giáo nói chung và Thiền học nói riêng, phạm trù tâm bên cạnh được hiểu theo những nghĩa chung nêu trên thì còn được bổ sung thêm những nội dung có tính chất triết học sâu sắc. Tâm trong quan niệm của Phật giáo là khởi nguồn của vạn vật và cũng là cái đích cần hướng đến của vạn vật. Tâm được đặt trong mối quan hệ với vật và có mối quan hệ biện chứng không thể tách rời với vật.
Vậy Tâm là gì?
- Khái niệm Tâm trong Phật giáo:
Theo cuốn từ điển Phật học của Nguyễn Tường Bách, nxb Thời đại, 2010, trang 567:
1. Tâm được xem đồng nghĩa với Mạt-na (s: manas, thức suy nghĩ, phân biệt) và Thức (s:vijnxnnna). Tâm chỉ toàn bộ sinh hoạt và hiện tượng của tâm trí.
2. Tâm được xem như một thể riêng biệt, trên thể đó thế giới sự vật hiện tượng xuất hiện.
3. Trong Duy thức tông, tâm được xem như là gốc của mọi hiện tượng tâm thức.
Khái niệm “Tâm” của Phật giáo nói chung bao gồm cả tình cảm, lý trí và ý chí; là một dòng tâm thức gồm nhiều loại tâm khởi lên rồi diệt. Khi con người còn sống thì dòng tâm thức lặng lẽ trôi chảy trong ngũ uẩn, khi chết dòng tâm thức cuối cùng của kiếp này trở thành dòng tâm thức đầu tiên của kiếp sau; tâm là nguồn gốc của vạn pháp.
Đặc biệt trong Thiền tông, tâm còn là bản thể của các sự vật hiện và bản thân con người, là nguồn gốc sinh ra thế giới hiện tượng. Tâm không chỉ là nguồn gốc sinh ra thế giới sự vật, hiện tượng mà xét đến cùng khi đạt tới giải thoát tâm cũng chính là sự vật, hiện tượng, không còn phân biệt giữa tâm và vật, tâm vật là một, không hai, không khác.
Mặt khác, Thiền tông cho rằng có hai thứ tâm. Một là, Vọng tâm, tâm theo dòng tâm thức, khởi lên rồi diệt, vì ngũ uẩn bị mê mờ bởi tham ái, dục lạc, vọng tưởng; tâm này được gọi là Vọng tâm, là tâm của chúng sinh. Hai là, Chân tâm có tự tính thanh tịnh, không sinh diệt, không dao động, thường vắng lặng, là tính giác của những vị đã giác ngộ, cũng còn được gọi là Tâm Phật. Hai thứ tâm trên là hai cấp độ của quá trình nhận thức của tư duy, ý thức con người.
- Thiền học đời Trần: Là hệ thống tư tưởng của các nhà thiền học được xây dựng bởi các tác giả: Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.
Tiểu kết chương 1
Tổng hợp nghiên cứu của các tác giả về các nội dung liên quan đến đề tài luận án, có thể khái quát kết quả nghiên cứu đó ở các nội dung sau:
Thứ nhất, về vấn đề phân tích cơ sở về các điều kiện kinh tế- xã hội và cơ sở tư tưởng cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của Phật giáo đời Trần, tư tưởng thiền học đời Trần. Các tác giả đã phân tích một cách đầy đủ, sâu sắc các yếu tố liên quan đến sự ra đời của Phật giáo đời Trần, tư tưởng Thiền học đời Trần trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và vai trò của cá nhân các vị thiền sư. Các phân tích, luận giải đều có tính thuyết phục. Các tác giả kết luận: Phật giáo đảm nhiệm được vai trò thống nhất về kinh tế, chính trị, tư tưởng… kêu gọi được đoàn kết toàn dân, phục vụ công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đây là những kết luận đã được thừa nhận rộng rãi, tác giả luận án tiếp thu những kết luận này vào trong nghiên cứu của mình.
Tuy vậy, tác giả luận án nhận thấy vẫn còn những vấn đề cần phải được giải đáp một cách đầy đủ hơn: thời kỳ này Nho giáo và Đạo giáo cũng đã được du nhập vào Việt Nam, cùng tồn tại song hành với Phật giáo, thậm chí còn có hiện tượng tam giáo đồng nguyên. Nhưng vì sao không phải là Nho giáo hay Đạo giáo mà lại là Phật giáo được lựa chọn làm hệ tư tưởng chủ đạo và giữ vai trò dẫn dắt sự vận động của xã hội? Yếu tố điều kiện, tiền đề nào trong số các nhân tố đó đã quy định vai trò chủ đạo của Phật giáo ở đời Trần trên lĩnh vực tư tưởng? Chỉ khi làm rõ được điểm này mới thấy được tính tất yếu của Phật giáo trong vị trí chủ đạo của hệ tư tưởng ở đời Trần.
Thứ hai, về tư tưởng của Phật giáo đời Trần, tư tưởng Thiền học đời Trần.
Vấn đề này đã được rất nhiều các nhà khoa học, các nhà Phât học quan tâm nghiên cứu. Các tác giả đã phân tích một cách đầy đủ, toàn diện tư tưởng Phật giáo đời Trần ở các góc độ triết học, thiền học, sử học, văn học… Nghiên cứu các tác giả Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.
Đặc biệt nghiên cứu dưới góc độ Triết học, vấn đề tư tưởng đã được luận giải kỹ lưỡng ở các vấn đề: thế giới quan, nhân sinh quan, bản thể luận, nhận thức luận,
giải thoát luận... Các tác giả cũng đã chỉ ra các đặc điểm đặc trưng cơ bản của Phật giáo thời Trần là Phật giáo thiền hướng nội, biện tâm, phá chấp, nhập thế, nhân bản, yêu nước… là những đặc điểm có giá trị của Phật giáo đời Trần, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển xã hội.
Tuy vậy, việc phân tích hệ tư tưởng này dưới góc độ thiền học thì còn rất ít tác giả nghiên cứu, đặc biệt chưa có nhiều những nghiên cứu có tính chất khái quát, hệ thống mang tính chất đặc trưng của Thiền tông về tư tưởng Thiền học của Phật giáo đời Trần. Do vậy, tác giả luận án chọn hướng nghiên cứu chính là tìm hiểu về tư tưởng Thiền học đời Trần, khái quát hệ thống lý luận của các thiền sư đời Trần về Thiền ở các nội dung trọng tâm về phạm trù Tâm, giải thoát tâm, con đường giải thoát Tâm. Nghiên cứu giá trị của hệ thống lý luận này đối với xã hội đương thời để tìm ra cách lý giải mới về vai trò của Phật giáo đời Trần.
Thứ ba, về vai trò của Phật giáo đối với đời sống xã hội đương thời. Các tác giả đã phân tích, luận giải vai trò của Phật giáo đời Trần đối với xã hội đương thời ở nhiều góc độ: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên ở phần này còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất, thậm chí là còn đối lập nhau, đặc biệt là vấn đề mối quan hệ giữa Phật giáo với tinh thần yêu nước.
Khi khảo sát các kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, tác giả luận án nhận thấy dường như không còn chỗ trống nào cho mình nghiên cứu. Tuy vậy, dù khó khăn, tác giả luận án cũng cố gắng tìm ra một hướng nghiên cứu riêng của mình nhằm đóng góp thêm một vài kiến giải nhỏ trong nghiên cứu tư tưởng của Phật giáo thời Trần. Ở nội dung này, tác giả luận án nghiên cứu theo hướng phân tích tác động của lý luận về tâm trong tư tưởng Thiền học đời Trần đến việc hình thành các chính sách trong quản lý xã hội, trong xây dựng nền đạo đức xã hội và đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Trên cơ sở tìm hiểu tình nghiên cứu của các tác giả đi trước nghiên cứu về đề tài nêu trên, tác giả luận án chọn hướng nghiên cứu của mình là: kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các tác giả với các thành tựu mà họ đã đạt được khi phân tích, luận giải các vấn đề về những tư tưởng cơ bản nhất của Phật giáo đời Trần để triển khai nội dung nghiên cứu của tác giả theo hướng sau: