Chương 3: TƯ TƯỞNG THIỀN HỌC ĐỜI TRẦN
3.1. Phạm trù tâm trong tư tưởng Thiền học đời Trần
Tâm là gì? Đối với Phật giáo câu hỏi này rất khó trả lời. Vì theo quan điểm của thiền học không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt chính xác được về tâm, chỉ có thể nhận thức được về tâm bằng trực giác của mỗi người. Tuy vậy, mặc dù ngôn ngữ có sự hạn chế nhất định trong diễn đạt về các đối tượng (đặc biệt là trong Thiền tông), nhưng ngôn ngữ vẫn đóng vai trò là phương tiện để chỉ dẫn cho người tu
hành học đạo. Do vậy, để nhận thức về nội dung của Thiền tông chúng ta vẫn cần có hệ thống các khái niệm cơ bản làm tiền đề cho sự nhận thức về Thiền tông.
- Khái niệm Tâm trong Phật giáo nói chung
Theo Từ điển Phật học Hán- Việt do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học biên soạn, tâm gồm có 6 loại, được định nghĩa như sau:
- Tâm:
1. Nhục đoàn tâm: (tâm cục thịt) tức là quả tim con người.
2. Tập khởi tâm: là thức thứ tám tức Alaida thức vì tập hợp các chứng từ, hơn nữa có thể sinh ra các pháp hiện hành nên gọi là Sinh khởi tâm.
3. Tư lường tâm (tên Phạn là Mạt- na, dịch nghĩa là Ý), có nghĩa là Tư lự (suy nghĩ).
4. Duyên lự tâm: Còn gọi là Lự trí tâm, Liễu biệt tâm. Tên Phạn giống như Tập khởi tâm. Đây là tác dụng năng duyên thông với bát thức, nhưng thường chỉ ý thức.
5. Kiên thực Tâm: Tức là cái tâm kiên cố chân thực chẳng sinh, chẳng diệt, tức là Tự tính thanh tịnh tâm, là Như lai tạng tâm, là tên gọi khác của chân như. Đó là một cái tâm mà bao quát cả vạn hữu.
6. Tích tụ tinh yếu tâm: là tâm tích tụ hết thảy các yếu nghĩa trong các kinh [34, 1157].
Thông qua định nghĩa này, trong quan niệm của Phật giáo, tâm có các ý nghĩa sau:
Một là, tâm là bản thể, là trạng thái tồn tại của toàn bộ các sự vật, hiện tượng và con người.
Hai là, tâm là toàn bộ các hoạt động có ý thức của con người. Bao gồm các khả năng sinh khởi của tư duy khi tiếp cận với thế giới sự vật, hiện tượng; khả năng suy nghĩ, suy tư về sự vật nhằm tìm kiếm các tri thức về thế giới; là ý thức của con người tức khả năng đưa ra các quyết định hành động trong giải quyết các mối quan hệ giữa con người với thế giới.
Ba là, tâm là trạng thái tâm lý, hoạt động tâm lý, đạo đức của con người thể hiện ở các trạng thái cảm xúc, tư tưởng, tâm tư, tình cảm, niềm tin, ý chí, lý trí… của con người.
Như vậy khái niệm Tâm trong Phật giáo nói chung là khái niệm để chỉ toàn bộ các hoạt động tinh thần, ý thức, tư duy, tri thức, tình cảm, đạo đức, niềm tin, ý chí…
của con người.
- Khái niệm Tâm trong Thiền tông:
Tâm trong Thiền tông bên cạnh các ý nghĩa của Phật giáo nói chung, khái niệm Tâm còn được đề cập đến trên bình diện triết học. Tâm được nghiên cứu ở góc độ bản thể luận, tức lý giải Tâm như một khởi nguyên cho mọi sự tồn tại; nghiên cứu nguồn gốc và nguyên nhân sự nhận thức của Tâm; mối quan hệ giữa tâm với thế giới hiện tượng; nghiên cứu các quy luật chi phối mối quan hệ Tâm và vật. Từ việc làm rõ những nội dung này, Thiền tông xây dựng cơ sở cho việc đưa ra các quan điểm về giải thoát và con đường giải thoát đối với người tu hành mà thực chất là tìm ra con đường giải thoát tâm cho mỗi người.
Tóm lại, Tâm trong Thiền tông bao hàm các nội dung cơ bản: Tâm bản thể là cái vốn có của sự vật và con người; Tâm chủ thể là cái tâm của con người sinh ra trong cuộc sống hàng ngày bao gồm các hoạt động của tinh thần, ý thức gồm có tư tưởng, tình cảm, nhận thức, lý trí, tư duy và hành động; Mối quan hệ giữa tâm bản thể của thế giới các sự vật, hiện tượng và với tâm chủ thể.
Thứ nhất, về tâm bản thể. Tâm bản thể còn được gọi là tâm tự nhiên, là cái tâm hoàn toàn không có sự thay đổi. Bản tính tự nhiên của tâm là cái tồn tại ở tất cả các sự vật, hiện tượng và con người, là bản chất của mọi sự vật. Nhận thức được bản tính tự nhiên của tâm cũng chính là nhận thức được bản tính tự nhiên của sự vật. Tâm bản thể tự nó không có sự phân biệt, nó bất sinh bất diệt, không đi không đến, không tiếng không hình, không thêm không bớt, không phải không trái, không thiện không ác, ngưng tịnh, yên tĩnh, viên tịch, tịch diệt.
Thứ hai, về tâm chủ thể. Tâm chủ thể là tâm thông thường của con người, diễn ra trong cộc sống hàng ngày. Tâm thông thường là suy nghĩ, ý thức, nhận thức của con người. Tâm thông thường bị ảnh hưởng bởi các hệ quy chiếu do xã hội đặt ra, đó là sự gán gép cho sự vật, hiện tượng các giá trị đối lập: tốt xấu, lợi hại, cao
thấp, sang hèn, giàu nghèo, to nhỏ, dài ngắn, hạnh phúc bất hạnh, sung sướng đau khổ, béo gầy, khỏe mạnh đau yếu, sinh tử, trẻ già, được mất, phải trái, trước sau, thiện ác, hiếu và bất hiếu, trung và bất trung, tín và bất tín…Từ sự phân đôi thế giới thành các giá trị đối lập, tâm thông thường của con người hình thành các khả năng suy nghĩ, nhận thức, đánh giá về các giá trị, hình thành các xúc cảm như ham muốn, tham lam, giận dữ, si mê, kiêu ngạo, nghi ngờ, ác độc, thành kiến, quỷ quyệt, mưu mẹo, tự mãn, từ đó tìm mọi cách hành động để thỏa mãn nhu cầu dựa trên các giá trị do chính con người đặt ra. Kết quả của sự nhận thức và hành động đó là tâm chủ thể luôn luôn dao động, không dừng trụ, chấp trước, phụ thuộc vào ngoại cảnh, biến đổi không ngừng. Tâm như một ngọn đèn trước gió, lay động không ngừng nghỉ. Dòng tâm thức của con người không ngừng suy nghĩ, nung nấu con người trong sự hỗn độn của các cảm xúc và hành động.
Thứ ba, mối quan hệ giữa tâm bản thể và tâm chủ thể, tâm chủ thể với sự vật, hiện tượng. Mục tiêu của Phật giáo nói chung và Thiền tông nói riêng là giải thoát.
Vì vậy, quá trình giải thoát là quá trình con người rèn luyện cái tâm chủ thể hay tâm thông thường của mình để trở về với cái tâm bản thể hay cái tâm tự nhiên. Tức sự rèn luyện để đưa cái tâm vọng động, biến đổi, phân biệt trở về với cái tâm dừng trụ, yên tĩnh, tự tại, đạt tới giải thoát. Quá trình này chỉ thực hiện được thông qua sự nhận thức về đúng đắn về mối quan hệ giữa tâm chủ thể với thế giới hiện tượng.
Trong luận án này, tác giả sử dụng khái niệm tâm như sau để triển khai nội dung luận án: Tâm là khái niệm dùng để chỉ bản thể của sự vật, hiện tượng, con người, là cái tâm chân thực, chẳng sinh, chẳng diệt, là tâm tự tính thanh tịnh, tâm Phật, là trạng thái tâm lý tự nhiên của con người. Tâm là khởi nguồn của vạn pháp, là nguyên nhân sinh ra thế giới hiện tượng. Tâm là suy nghĩ, tình cảm, tâm lý, tư tưởng, nhận thức, ý chí, ý thức, đạo đức…của chủ thể trong mối quan hệ với thế giới thực tại.
- Cấu trúc nhận thức của Tâm:
Phái Duy thức đã luận giải rất tỉ mỉ về nhận thức của tâm. Trong cấu trúc của tâm, vấn đề nhận thức là điểm xuất phát và là tiền đề để phái Duy thức xây dựng nên lý
luận về thiền học của mình. Về nhận thức của tâm, phái Duy thức đưa ra khái niệm tâm thức. Theo đó, tâm thức gồm tám loại, được chia thành hai cấp độ nhận thức:
+ Cấp độ nhận thức Tục đế (gồm bẩy thức): Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỵ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạtna thức. Ở cấp độ này nhận thức của con người có đặc trưng là mang tính cảm tính, nhận thức dựa trên tư duy phân biệt thực tại thành các đối cực, hình thành thái độ chấp trước vào các thái cực, có hành vi phân biệt đối xử trong xử lý các quan hệ với thực tại. Cấp độ này còn được gọi là Tâm Vô minh, Vọng tâm.
+ Cấp độ nhận thức Chân đế: là thức thứ tám của tâm thức, được gọi là Alaida thức. Ở cấp độ này nhận thức con người đạt tới Vô thức, nhận thức được tính không của thực tại, khi đó tư duy và thực tại hòa nhập với nhau, viên mãn và giải thoát. Cấp độ này được gọi là Tâm không, Chân tâm.
Trên cơ sở của quan niệm này, các thiền sư đời Trần đã tập trung luận giải các vấn đề về tâm như sau:
3.1.2. n chất của Tâm trong tư tưởng Thiền học đời Trần 3.1.2.1. Quan niệm về phạm trù Tâm
Trong tư tưởng của Thiền học đời Trần, phạm trù Tâm là phạm trù trung tâm, nó đặc biệt được nhấn mạnh trong tư tưởng về bản thể. Thể hiện sự suy tư, trừu tượng trong tư duy về một bản nguyên đầu tiên, cội nguồn sinh ra thế giới các sự vật, hiện tượng. Tâm là bản thể của vũ trụ, của con người.
Bản thể của Tâm theo Trần Thái Tông là “không”. Tâm Không là cái tâm trong tĩnh, tĩnh lặng, bất động, không biến đổi, tức tinh thần, ý thức, nhận thức, tình cảm của con người ở trạng thái an nhiên, tự tại. Trạng thái này biểu hiện ở mỗi con người được gọi là bản tâm, chân tâm, Phật tính. Tâm không là thường trụ, là tự tính, là Như lai đồng thời cũng chính là Phật.
Theo tinh thần trung đạo, Tâm “không” vượt lên trên mọi đối đãi mâu thuẫn, vì vậy để diễn tả về Tâm cần phủ định mọi sự phân biệt đối đãi. Theo quan điểm này, Trần Thái Tông diễn đạt Tâm qua bát bất: không sinh, không diệt, không đến, không đi, không thêm, không bớt, không trái, không phải. Nó tồn tại tự nó, không
phụ thuộc vào bất cứ cái gì, bất cứ ai, bất cứ ở đâu, bất cứ điều kiện gì… con người và sự vật hiện tượng là biểu hiện của tâm. Ông đã viết về bản thể của tâm như sau:
“Bản tính sâu trầm; chân tâm trong lặng. Khuyết tròn đều dứt, tính trí nào tìm được mối manh; tan hợp đều quên, tai mắt há dự vào hình bóng. Hữu vô nắm được; đạo tục san bằng; Sừng sững riêng mình; cao siêu có một. Đó là dòng sông trọng yếu của tự tính kim cương vậy” [18; tr. 33].
Như vậy, bản thể của tâm còn được gọi là “tự tính kim cương”. Bản chất của tâm là cái vượt ra ngoài mọi ranh giới của sự phân biệt tròn khuyết, có không, hợp tan. Tồn tại tự nhiên, tĩnh lặng tuyệt đối, không gì có thể làm tâm dao động, thay đổi, bền chắc, vững chãi như kim cương.
Khi diễn đạt về bản thể của tâm ông còn gọi tâm là Quê hương, là Dáng nét nguyên xưa tức tâm là cội nguồn, là bản nguyên là cái gốc vốn có trong mỗi con người. Ông viết: “Quê hương lầm về nơi không chốn; mặt mũi quên dáng nét nguyên xưa” [18; tr 33].
Nếu như ở Trần Thái Tông bản thể của tâm được gọi là “không” thì ở Tuệ Trung Thượng sĩ thể hiện bằng chính khái niệm “Bản thể”. Ngoài ra ông còn gọi nó là Chân tính, Phật tính hay Tâm thể. Để diễn đạt nội dung bản thể của tâm, ông viết:
“Tâm thể không phải cũng không trái
Phật tính không hư cũng không thực” [18; tr. 273].
“Bản thể tròn đầy mãi mãi là điều tự nhiên” [18; tr. 253].
Như vậy, bản thể của tâm là cái tồn tại tự nhiên, không phụ thuộc vào sự gán ghép của con người về phải trái, hư thực. Nó chỉ là chính nó và là bản nguyên, là cội nguồn, là gốc rễ, căn bản nhất của sự vật. Bằng hệ ngôn ngữ, khái niệm con người không thể diễn tả được về tâm bản thể mà chỉ có thể nhận thức được về nó bằng sự trải nghiệm trực tiếp của mỗi người. Cũng giống như Trần Thái Tông, bản thể của Tâm theo Tuệ Trung cũng là ở tính Không, ông đã bổ sung thêm cho nội dung về bản thể ở tính không hư, không thực, làm phong phú thêm về các hình thức phân biệt trong tư duy con người.
Giống như Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông là một thiền sư lỗi lạc đời Trần cũng xây dựng một hệ thống lý luận riêng. Trần Nhân Tông dùng khái niệm “Bản”, “Lòng” để chỉ về tâm là cái gốc, cái ngọn nguồn, cái bản nguyên, cái đầu tiên sinh ra thế giới hiện tượng. Các khái niệm này là sự sáng tạo trong tư duy của nhà thiền học, nhằm đưa thiền học đến gần với nhân dân, phù hợp với trình độ tư duy và năng lực của mọi tầng lớp xã hội.
Theo ông “Bản” tồn tại trong mỗi người và nó cũng chính là “Lòng”, “Phật”, là “Tính sáng”, là “Báu vật”. Bản thể của tâm là bất sinh bất diệt, nó vượt lên trên mọi sự đối đãi mâu thuẫn nhị nguyên, nó không thiện, không ác, không sinh, không diệt, chẳng đi, chẳng lại. Nó cũng còn có nghĩa là lòng trong sạch. Ông đã viết:
“Niềm lòng vằng vặc
Giác tính quang quang” [18; tr. 533].
Như vậy, Trần Nhân Tông cho rằng tâm ở khắp mọi nơi, ở trong lòng mỗi người. Bản thể của tâm là không thể nghĩ suy, bàn định được, không thể dùng sắc, âm thanh mà diễn đạt được. “Bản”, “Tính sáng”, “Lòng”, “Tâm”, “Giác tính” là thứ ánh sáng trong chẻo, không gợn bụi nhơ. Tuy nhiên cách diễn đạt nêu trên cũng chỉ diễn tả được một phần về bản thể của tâm, muốn hiểu được bản thể của tâm chỉ có thể nhận thức nó bằng trực giác, bằng sự thể nhập trực tiếp của mỗi người.
Bản thể của tâm ở Pháp Loa, học trò của Trần Nhân Tông được gọi là
“Tính”, “Chân tính”. Cũng giống như các bậc tiền bối, Pháp Loa cho rằng bản thể của tâm là cái không thể nghĩ suy, bàn định được và về bản chất nó cũng giống như
“Không” ở Trần Thái Tông; “Bản thể” ở Tuệ Trung Thượng sĩ và “Bản” hay
“Lòng” ở Trần Nhân Tông. Theo Pháp Loa từ bản thể đó do hư vọng nên mới có sự bày đặt ra tính thực hay thực tính, phân biệt chân ngụy, thiện ác…
Quan niệm của Thiền học đời Trần cho thấy, tư tưởng về bản thể của tâm được các nhà Thiền học đời Trần kế thừa từ học thuyết Trung Quán. Theo quan niệm này, không không phải là chỉ về sự trống rỗng mà là chỉ về sự tồn tại không có thực thể cố định của các sự vật hiện tượng. Các sự vật hiện tượng đều do nhân duyên tạo thành nên không có thực thể mà chỉ là kết quả tạo tác của dòng nhân
duyên vô tận, biến đổi vô tận, không cố định ở một dạng thức nào cả nên gọi là không. Tính không của sự vật là khái niệm để chỉ sự vật nằm trong mối liên hệ nhân duyên giữa các điều kiện, các mặt, các thuộc tính để tạo nên sự vật; chỉ sự vận động, biến đổi không ngừng của sự vật trong từng khoảnh khắc. Tâm không là trạng thái của tâm nhận thức được tính không của sự vật, đạt tới trình độ nhận thức chân đế, chân tâm, giải thoát.
Mặt khác, khi khảo sát quan niệm của các nhà Thiền học đời Trần về vấn đề bản thể của tâm cho họ cũng thấy được sự hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt về bản thể, điều này hoàn toàn trung thành với tư tưởng thiền học của Thiền tông về sự phủ nhận vai trò của ngôn ngữ, văn tự, kinh điển, giảng giải trong truyền bá và tu hành đạo Thiền. Các thiền sư dù dùng nhiều khái niệm khác nhau để diễn đạt về bản thể của tâm nhưng cuối cùng đều đi đến kết luận rằng, bản thể của tâm là cái không thể suy nghĩ bàn định được, không thể dùng sắc hay âm thanh để diễn đạt được, không thể dùng ngôn ngữ để mô tả được. Vì vậy, đối với Thiền học đời Trần, yêu cầu cơ bản trong nhận thức về bản thể của tâm là phải nhận thức bằng trực giác, bằng sự trải nghiệm trực tiếp của mỗi người, không qua giảng giải bằng ngôn ngữ văn tự. Khi nhận thức đạt tới trình độ trực giác, đạt tới cấp độ nhận thức được Chân đế về bản thể của tâm, con người đạt tới trí tuệ siêu việt hay còn gọi là trí Bát nhã, đạt tới giải thoát. Yêu cầu này đặt ra vấn đề là ở trình độ cao nhất của tư duy, ý thức, nhận thức lại có vẻ mang tính chất chủ quan và khó có thể đánh giá được về độ xác tín của sự giải thoát do chỉ có cá nhân người tu hành mới có thể biết được mình đã giải thoát hay chưa mà thôi.
Quan niệm về bản thể của tâm của các nhà thiền học đời Trần đã đạt tới trình độ tư duy ở tầm triết học. Các vấn đề về khởi nguồn của thế giới có tính chất bản thể luận dù là kết quả của sự kế thừa của các phái thiền trước đó, nhưng không hoàn toàn chỉ là sự sao chép lại nguyên xi theo kiểu tầm chương, trích cú. Các nhà Thiền học đời Trần đã tự mình sáng tác các tác phẩm thiền học, tư tưởng về bản thể của tâm đã được định nghĩa, luận giải tường tận và bổ sung thêm các khái niệm mới, khái niệm của người Việt. Các khái niệm chỉ bản thể của tâm bên cạnh các khái