Chương 4: GIÁ TRỊ CỦA TƯ TƯỞNG THIỀN HỌC ĐỜI TRẦN ĐỐI VỚI XÃ HỘI ĐƯƠNG THỜI
4.3. Giá trị tư tưởng về con đường giải thoát tâm trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm
Chống giặc ngoại xâm là một hiện tượng kéo dài trong suốt tiến trình lịch của dân tộc Việt Nam. Nhưng trong một triều đại phải ba lần chống chọi với một kẻ thù hùng mạnh, hung bạo nhất thế giới thì chỉ có ở triều Trần. Vì vậy, để ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, đòi hỏi triều Trần phải có một nội lực, một sức mạnh phi thường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Điều đó chỉ có được khi triều Trần thống nhất được sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần của toàn xã hội để ba lần liên tiếp chiến thắng quân Nguyên Mông. Phật giáo đời Trần đã tìm thấy trong thiền học những yếu tố có thể giúp cho các nhà quản lý thống nhất được nhân tâm, thống nhất được tư tưởng và thống nhất được hành động của toàn thể nhân dân trog sự nghiệp chống giặc cứu nước.
Thiền học đời Trần về căn bản là một nền Phật giáo không chấp tướng và cũng không kẹt ngôn ngữ. Vì vậy, tinh yếu của Thiền học đời Trần chính là ở tinh thần phá chấp, thực hiện tinh thần phá chấp này đã giúp cho Phật giáo đời Trần trở nên năng động, mạnh mẽ và hòa nhập với đời sống xã hội.
Tinh thần phá chấp của Thiền học đời Trần được thể hiện rõ nét nhất trong tư tưởng của Tuệ Trung Thượng sĩ khi ông đưa ra quan điểm phá chấp vào biên kiến để đạt tới cái tâm vô niệm, vô tướng, vô trụ. Tinh thần phá chấp đạt đến đỉnh cao trong cảnh nước nhà bị tấn công; nó cho phép các thiền sư đời Trần có thể sát sinh, chấp nhận giết người theo tinh thần giết một người để cứu muôn người, cứu quốc gia dân tộc. Thực tế cho thấy, với sự phát triển của Phật giáo đời Trần, số lượng tăng ni, Phật tử chiếm khá đông trong dân chúng. Nếu khi đất nước lâm nguy, lượng Phật tử này khoanh tay, ngồi yên nhìn quân thù giày xéo quê hương, đất nước thì không thể có các chiến thắng oanh liệt của quân dân thời Trần. Đặc biệt nếu các nhà vua, tầng lớp quý tộc Trần đồng thời là các nhà thiền sư cứ cố chấp, câu nệ vào kinh sách, giới luật của nhà chùa thì càng không thể có những thành tựu đó.
Mặt khác, với tinh thần phá chấp nên Phật giáo đời Trần không tuyệt đối hóa mình mà chà đạp lên các hệ tư tưởng khác, mà ngược lại, nó tôn trọng cả Nho, Lão, tổng hợp cả Nho, Lão vào trong tư tưởng của mình. Khiến cho Phật giáo thời này phong phú, đa dạng và đáp ứng được nhiều mặt của đời sống xã hội, tập hợp đoàn kết được mọi lực lượng, xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng lúc bấy giờ.
Cùng với tư tưởng phá chấp, triết lý nhập thế của Thiền học đời Trần cũng góp phần mang lại tinh thần tích cực cho Phật giáo đời Trần trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Thiền học đời Trần là thiền học mang tính đại chúng. Nhập thế trong Thiền học đời Trần không chỉ là hành vi của từng cá nhân trong con đường tu hành mà là nhập thế vì quê hương, quốc gia, dân tộc.
Triết lý nhập thế của Thiền học đời Trần đã đạt tới đỉnh cao của quan niệm về giải thoát, thể hiện sự ngộ đạo của người tu hành chân chính. Con người đã ngộ đạo nhưng vẫn gắn mình với cuộc sống hiện thực, đạt giải thoát trong chính cuộc sống thực tại. Người ngộ đạo nhưng không hề thoát ly cuộc sống mà vẫn dấn thân vào cuộc sống với tất cả các hoạt động bình thường của con người trần tục, kể cả hoạt động chính trị góp phần vào công cuộc dựng nước và giữ nước. Xuất phát từ quan điểm đó không ít các vị cao tăng và tín đồ Phật giáo thời Trần đã tham gia vào chính sự và có cống hiến đáng kể vào sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Thời kỳ nhà Trần cai trị đất nước là thời kỳ cam go của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Kẻ thù mạnh nhất thế giới khi đó luôn lăm le xâm lược đất nước. Yếu tố này đã qui định cho Thiền học đời Trần những đặc điểm riêng biệt.
Nhu cầu đất nước lúc này đòi hỏi phải có sự đoàn kết toàn dân, chống giặc cứu nước. Các ông vua đời Trần đã lấy thiền học làm hệ tư tưởng chủ đạo, vì nó đã tỏ ra có khả năng đáp ứng được một số nhu cầu cấp thiết của đời sống xã hội lúc bấy giờ.
Phật giáo Thiền với khuynh hướng hướng nội, biện tâm, phá chấp của các thiền sư đời Trần đã tạo ra những người lãnh đạo có tinh thần tự lực, tự cường, sáng suốt, không cố chấp, biết dựa vào sức mạnh toàn dân để đánh giặc, biết nuôi sức dân để đánh lâu dài và đánh thắng. Khuynh hướng tư tưởng đó đã đem lại cho Thiền học đời Trần một luồng sinh khí mới. Mặt khác, thiền học không chỉ dành cho tầng lớp quí tộc như Thiền phái Thảo đường thời Lý, mà là của tất cả mọi người và như vậy, nó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân nhằm chống giặc cứu nước.
Ngay bản thân các Thiền sư nổi tiếng của đời Trần, do họ là những người đứng đầu đất nước, nên họ không thể tách rời giữa đời và đạo mà ngược lại có sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố. Tùy điều kiện hoàn cảnh cụ thể mà sự biểu hiện của yếu tố này trội hơn yếu tố kia hay ngược lại.
nh hưởng quan niệm thiền biện tâm, người dân trong xã hội đời Trần tự nhận thức được vai trò quyết định cuộc đời mỗi người không phải là ở các yếu tố bên ngoài mà chính do bản thân mình quyết định. Vì vậy, người dân trong xã hội đời Trần, dù là thiền sư hay cư sĩ và toàn thể nhân dân đã có những quyết định làm chủ cuộc đời, làm chủ quê hương, làm chủ đất nước. Khi nước nhà lâm vào tình trạng nguy nan của nạn xâm lược mỗi người dân đều ý thức về quyền làm chủ vận mệnh đất nước là do sự quyết định của mỗi người dân trong xã hội. Vậy nên, khi được hỏi ý kiến về việc đánh giặc, mỗi người dân đều sẵn sàng đồng tình với ý chí và lòng quyết tâm cao trong việc chống giặc giữ nước.
Phật giáo đời Trần có tinh thần nhập thế tích cực. Tư tưởng nhập thế này là nhập thế vì đồng loại, xã hội, vì tổ quốc, quê hương, đất nước, không phải chỉ vì các nhân những nhà tu hành. Mặt khác, các nhà Thiền học đời Trần cho rằng hành động
của con người phải tùy nghi, hợp thời, đúng lúc. Vì vậy, trong lúc đất nước lâm nguy, quân thù đang giày xéo lên quê hương đất nước, toàn dân đang trên dưới một lòng đánh đuổi kẻ thù, thì những nhà sư cũng không thể khoanh tay đứng nhìn mà cũng phải lên ngựa cầm quân đuổi giặc.
Tinh thần nhập thế tích cực tạo nên truyền thống Hòa quang đồng trần trong phương châm hành động của Thiền học đời Trần. Tinh thần nhập thế đó đã tạo ra lớp người đứng đầu đất nước có tinh thần trách nhiệm, dấn thân vào cuộc đời, không nề gian khó, không sợ nguy hiểm, không màng đến sự sống chết, tự mình cầm cương xông pha trận mạc.
Tinh thần nhập thế còn là cơ sở để triều Trần xây dựng chính sách Ngụ binh ư nông chính sách về quân sự chỉ có ở triều Trần góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Tinh thần nhập thế làm cho mọi thành viên trong xã hội đều hòa nhập vào các hoạt động của xã hội, mỗi người dân là một nhà lãnh đạo, một người lính, một người tu hành,… vì vậy trong chính sách quân sự của triều Trần, mỗi người lính cũng là một người dân, vừa tham gia lao động sản xuất vừa luyện tập các kỹ thuật quân sự. Chính sách này đảm bảo sự ổn định về kinh tế cho sự phát triển của đất nước nói chung cũng như quân đội nói riêng, đảm bảo khi tổ quốc cần, các nguồn lực cho cuộc chiến đấu đều đã sẵn sàng.
Mặt khác, thời Trần, do nhu cầu bảo vệ đất nước và bảo vệ chính quyền, nhà Trần luôn cần một lực lượng quân đội hùng hậu. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực để sản xuất nông nghiệp cho đời sống cũng rất lớn, vì vậy việc đưa quân đội về các địa phương tham gia cày cấy giúp lực lượng này tự túc được về lương thực, bớt gánh nặng về lương thực nuôi quân cho triều đình. Bên cạnh đó, chính sách Ngụ binh ư nông còn là mối liên kết hài hoà giữa quân sự và nông nghiệp, giữa kinh tế và quân sự, giúp cho triều đình có thể ứng phó linh hoạt trong việc chuyển từ thời bình sang thời chiến và ngược lại. Nhờ chính sách này, triều đình có được lực lượng quân đội hùng mạnh, đông đảo trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì.
Qua sự phân tích trên đây ta thấy nét đặc trưng nổi bật nhất của Thiền học đời Trần là khuynh hướng nhập thế tích cực. Những người lãnh đạo đời Trần đã tiếp
nhận và phát triển Thiền tông trên cơ sở của lòng yêu nước và tự hào dân tộc vốn có sẵn trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Họ tìm trong thiền học một chỗ dựa lý tưởng, một nguyên lý giúp cho việc giữ. Bởi vậy Thiền học đời Trần không bi quan, yếm thế như ở một số trường phái Phật giáo khác. Nếu Thiền học đời Trần là bi quan yếm thế thì lý giải tại sao đời Trần với hệ tư tưởng chủ đạo là Phật giáo lại lập nên chiến công oanh liệt như vậy? Có quan điểm cho rằng Phật giáo đời Trần được thể hiện chủ yếu qua thơ văn của các thiền sư đời Trần đã không phản ánh hết khí thế hào hùng của dân tộc, điều này có phần nào đúng. Nhưng không thể vì thế mà cho Phật giáo thời này là bi quan yếm thế. Vì ngay bản thân các thiền sư đồng thời là những người lãnh đạo đất nước đã có cuộc sống rất tích cực đối với quê hương đất nước, điều này đã chứng minh yếu tố tích cực trong tư tưởng của thiền học đời Trần.
Tiểu kết chương 4
Thiền học đời Trần được sáng lập bởi vương triều Trần, các ông vua và tầng lớp quý tộc Trần lại chính là các nhà thiền sư, tự mình sáng tác các tác phẩm thiền học. Bởi vậy triều đại nhà Trần đã sử dụng tư tưởng Thiền học trong suốt quá trình quản lý xã hội và vận dụng nó làm kim chỉ nam cho mọi tư tưởng và hành động của triều Trần. Điều đó đã tạo cho Phật giáo đời Trần một tính chất nhập thế và được xem là giáo lý căn bản dùng nó làm nền tảng cho đạo đức xã hội. Tinh thần nhập thế bản thân nó tạo ra các giá trị trong sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động của chính các thiền sư đời Trần; tạo ra sự thống nhất giữa vai trò lãnh đạo dẫn dắt xã hội của vương triều Trần với xây dựng đạo đức xã hội; thống nhất các luồng tư tưởng trong xã hội nhằm phục vụ mục tiêu bảo vệ vương triều Trần, bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ toàn xã hội.
Thiền học đời Trần là một trong những phái Thiền tiêu biểu cho Thiền học Việt Nam. Các thiền sư phái Trúc Lâm cũng như các thiền sư khác của Việt Nam đều đã thể hiện chất thiền của mình qua hành động. Mỗi một nhà thiền học là một người hành thiền ngay trong đời sống của chính mình, tính chất hòa nhập vào cuộc đời đã làm cho Thiền tông Việt Nam nói chung và Thiền học đời Trần nói riêng
mang một nét riêng biệt đặc thù và trở thành một lối sống của người tu thiền trong Thiền tông Việt Nam.
Tính chất nhập thế, tinh thần bình đẳng, tư tưởng biện tâm, sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động là hệ thống các giá trị mà Thiền học đời Trần đã đạt được. Các giá trị này đã trở thành hệ thống các chuẩn mực đóng vai trò, dẫn dắt, điều chỉnh, tác động tích cực đến các hoạt động của đời sống xã hội đương thời trên các lĩnh vực kinh tế, đạo đức, tư tưởng, văn hóa… làm cho triều đại nhà Trần và xã hội đời Trần có những thành công vang dội trong sự phát triển xã hội và bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Đời Trần cũng như các triều đại trước đó, đất nước luôn nằm trong sự đe dọa của nạn giặc ngoại xâm. Vì vậy, những mâu thuẫn trong nội bộ của xã hội Việt Nam, mâu thuẫn giữa tầng lớp địa chủ phong kiến, quí tộc với quần chúng lao động và mâu thuẫn giữa các đẳng cấp khác nhau tạm thời lắng xuống. Vấn đề đặt ra là phải đoàn kết được toàn dân, chống giặc ngoại xâm. Vai trò đoàn kết toàn dân chống giặc, một phần đã được Phật giáo đảm nhiệm, góp phần không nhỏ vào các chiến thắng vẻ vang của dân tộc, ba lần đánh thắng quân nguyên mông.
Đánh giá về vai trò của Phật giáo trong xã hội đời Trần có khuynh hướng tuyệt đối hóa vai trò của Phật giáo đời Trần đối với sự nghiệp dựng nước và bảo vệ Tổ quốc của xã hội đương thời. Họ cho rằng nguyên nhân của cuộc kháng chiến chống quân nguyên Mông thắng lợi là nhờ Phật giáo. Tuyệt đối hóa vai trò của Phật giáo là cách nhìn phiến diện, đóng góp vào thành tựu vẻ vang của đất nước còn cần có sự giúp sức của các hệ tư tưởng Nho giáo, Lão giáo, các tư tưởng truyền thống và tinh thần yêu nước của toàn xã hội. Sở dĩ Phật giáo nắm giữ vai trò chủ đạo trong xã hội đời Trần là do xã hội đời Trần là thời kỳ khó khăn của sự nghiệp giữ nước, bảo vệ Tổ quốc nên cần ngọn cờ tư tưởng mà cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước, cần phải có một nền đạo đức hướng thiện thì mới có khả năng đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp chống giặc cứu nước. Nhu cầu quan trọng nhất của xã hội đương thời một phần lớn đã được Phật giáo đảm nhận và làm tròn một cách xuất sắc. Vì vậy ta thấy góp phần vào những thắng lợi vẻ vang của quân nhân đời Trần có sự đóng góp to lớn của chủ nghĩa yêu nước chân chính của nhân dân Việt Nam, lúc đó được thể hiện khá rõ trong Phật giáo.