Cơ sở từ nhân tố chủ quan - các nhà Thiền học đời Trần

Một phần của tài liệu Tư tưởng Thiền học đời Trần và giá trị của nó đối với xã hội đương thời (Trang 59 - 67)

Chương 2: CƠ SỞ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG THIỀN HỌC ĐỜI TRẦN

2.3. Cơ sở từ nhân tố chủ quan - các nhà Thiền học đời Trần

Thiền học đời Trần được hình thành và phát triển bởi các nhà thiền học tiêu biểu: Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Mỗi nhà thiền học nêu trên trong cuộc đời và sự nghiệp của mình đều ẩn chứa trong nó những yếu tố nhân duyên dẫn đến việc họ trở thành những người tu hành hay nhà thiền học.

Một là, sự tác động của các yếu tố chính trị tới tinh thần, ý thức, nhận thức và khuynh hướng đến với Phật giáo của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Nhân Tông.

Xuất phát từ quá trình hình thành vương triều nhà Trần. Quá trình hình thành vương triều Trần là quá trình nhà Trần dùng nhiều thủ đoạn chính trị, bất chấp luân thường đạo lý để xây dựng, củng cố và giữ vững ngôi vị nhà Trần. Để bảo vệ nhà Trần, Trần Thủ Độ đã đuổi cùng, giết tận nhà Lý bằng những thủ đoạn hết sức tàn độc. Chính trong quá trình đó đã làm nảy sinh những tâm tư, tình cảm, những băn khoăn, trăn trở về những điều bất nhân, bất nghĩa do dòng họ gây ra. Vì vậy, các ông vua, quý tộc Trần luôn tự ý thức về các sai lầm của dòng họ và tìm cách hóa giải, họ đã tin và theo Phật giáo, lấy Phật giáo làm chỗ dựa trong việc giải tỏa trạng thái tinh thần.

Mặt khác, chế độ hôn nhân nội tộc cũng là điểm nhấn quan trọng cho việc các ông vua, quý tộc Trần đến với Phật giáo. Sự kiện Trần Thái Tông, tự là Trần Cảnh (121-1277) lấy Lý Chiêu Hoàng và được vợ nhường ngôi vua năm 1225, chính thức đánh dấu sự ra đời của triều đại nhà Trần. Do đến năm 19 tuổi Lý Chiêu Hoàng vẫn chưa có con, để đảm bảo việc nối dõi tông đường, củng cố cơ nghiệp của nhà Trần, Trần Thủ Độ đã bắt Trần Cảnh hạ Chiêu Hoàng xuống làm công chúa và cướp lấy vợ Trần Liễu, là Thuận Thiên, chị ruột của Chiêu Hoàng về làm vợ, vì Thuận Thiên đã có mang. Sự kiện này đã đem lại mối thù kéo dài gần năm mươi năm giữa Trần Liễu và Trần Cảnh cùng các thế hệ con cháu sau này. Thực tế đó, dù biện minh thế nào cũng vẫn đem lại cho Trần Cảnh những nỗi u uẩn trong lòng, vì giang sơn cơ nghiệp nhà Trần, ông đã phải chấp nhận tình cảnh ngang trái do Thủ Độ sắp đặt. Để giải thoát tâm tư, tình cảm riêng tư trong cuộc sống Trần Thái Tông đã tìm đến Phật giáo, thấy trong Phật giáo những tư tưởng có thể giúp ông giải thoát khỏi ngục tù của hoàn cảnh. Vì vậy, Trần Thái Tông đã đến với Phật giáo từ rất sớm. Ông đã tự mình viết ra những tác phẩm thiền học, trong đó những vấn đề về đời sống tinh thần của con người được ông lý giải cặn kẽ, từ những vấn đề của tâm lý, ý thức, nhận thức được ông phân tích dưới nhãn quan của Phật giáo về con người, cuộc đời con người. Từ đó, ông xây dựng hệ thống tư tưởng hướng dẫn con người đạt tới giải thoát bằng cách rèn luyện tâm.

Những tư tưởng của Trần Thái Tông được thể hiện chủ yếu trong các tác phẩm: Thiền tông chỉ nam, tác phẩm này không còn, chỉ còn bài tựa được in trong sách Khóa hư lục; Kim cương tam muội kinh chú giải, tác phẩm này cũng không còn, chỉ có bài tựa được in trong sách Khóa hư lục; Lục thì sám hối khoa nghi; Bình đẳng lễ sám văn; Khóa hư lục, trong khóa hư lục có các bài chính như Phổ thuyết tứ sơn, Phổ thuyết sắc thân, Phổ khuyến phát bồ đề tâm văn, Giới Định Tuệ luận, Niệm Phật luận, Tọa thiền luận, Niệm tụng kệ…

Tuệ Trung Thượng sĩ, tên gọi là Trần Tung (1230- 1291) là con trưởng của An sinh vương Trần Liễu. Sinh ra trong gia đình thuộc dòng họ quý tộc Trần, có nhiều công lao trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Ông đã hai lần lập chiến công hiển hách chống quân Nguyên vào các năm 1285 và 1288. Tuy nhiên dù sinh ra trong gia đình quý tộc, có nhiều quyền thế, cuộc sống giàu sang nhưng ông cũng sớm ý thức được về bản chất của cuộc đời con người. Thấy được tính vô thường và tính tương đối của mọi quan niệm về giá trị của thực tại. Vì vậy, ông đã trở thành học trò của thiền sư Tiêu Dao và trở thành ngôi sao sáng của Thiền học Việt Nam. Tinh thần thiền học trong tư tưởng của ông phóng khoáng, tự tại, vượt bỏ mọi khuôn phép, đôi khi như là một sự nổi loạn. Nhưng thực chất những tư tưởng của ông cho thấy, ông là người thực sự đã đạt tới sự giải thoát trong tư tưởng và hành động theo tinh thần của đạo thiền.

Là một người làm quan, ở vị thế của người có quyền lực, nhưng lại thấu hiểu Phật pháp, Tuệ Trung Thượng sĩ trong các tác phẩm của mình cũng đã từng viết lên nỗi lòng, mong ước và nguyện vọng khát khao được sống cuộc sống của một con người bình thường, được sống đúng vị trí của mình. Ông viết:

“Ôi chao Thời gian thấm thoắt như bóng ngựa qua kẽ vách.

Con đường làm quan sao mà hiểm trở đến thế Thói đời nóng lạnh ta hãy tạm quen

Sâu thì dấn mà nông thì vén.

Dùng thì làm mà bỏ thì cất đi.

Buông lỏng tứ đại, đừng có bó buộc,

Xong một đời rồi, không chạy chọt đó đây,

Thỏa ý muốn của ta và được đúng chỗ của ta” [18; tr. 279].

Những tư tưởng cơ bản của Tuệ Trung Thượng sĩ được thể hiện qua các tác phẩm thơ văn chủ yếu như: Vạn sự qui như, Vật bất năng dung, Khuyến thế tiến đạo, Phật tâm ca, Phóng cuồng ngâm, Sinh tử nhàn chi dĩ , Trì giới và nhẫn nhục;

Đối cơ. Ngoài ra những tư tưởng của ông còn được thể hiện rải rác trong rất nhiều bài thơ khác.

Trần Nhân Tông (1258-1308) tên là Trần Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông. Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái tử. Từ nhỏ vua đã có chí nguyện xuất gia tu Phật nhưng vì dòng họ, vì đất nước năm 21 tuổi Nhân Tông lên ngôi hoàng đế. Thực hiện quy định của dòng họ, Trần Nhân Tông đã cưới chị họ của mình là Trần Thị (Khâm Từ) con của Trần Quốc Tuấn làm vợ. Cũng từ thực tiễn trong dòng họ về chế độ này, cha của Trần Nhân Tông là Trần Thánh Tông lấy Trần Thiều con gái Trần Liễu làm vợ; Cháu nội của Trần Nhân Tông là Trần Minh Tông lấy em họ là công chúa Huy Thánh con Trần Quốc Chẩn, chú ruột Minh Tông là làm vợ; Trần Đạo X con của Trần Quang Khải lấy công chúa Bảo Chân con vua Trần Thái Tông làm vợ… Hiện thực này đã ẩn chứa những oán thù mà mỗi một thành viên trong gia tộc đều thấy được sự bất thường trong họ tộc. Phần lớn các ông vua triều Trần đều đã đến với Phật giáo như một cứu cánh để giải thóat đời sống tâm linh, tình cảm của mình. Điều này đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của ông khi đến với Phật giáo.

Trong suốt 15 năm ở ngôi vị Hoàng đế, Nhân Tông vẫn luôn thiết tha với đạo thiền. Ông thường mời các vị thiền sư đến đàm đạo, đặc biệt là Tuệ Trung Thượng sĩ được ông tôn kính là thầy. Cũng giống như ông nội của mình, từ nhỏ ông đã hâm mộ đạo thiền và trở thành nhà thiền học tiêu biểu, sáng lập ra dòng thiền đầu tiên của Việt Nam - dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Những tư tưởng cơ bản của Trần Nhân Tông, được thể hiện trong một số bài tiêu biểu sau: Sơn phòng mạn hứng, Hữu cú vô cú, Cư trần lạc đạo phú.

Hai là, tác động và ảnh hưởng của Trần Nhân Tông tới Pháp Loa và Huyền Quang.

Pháp Loa tên thật là Đồng Kiên Cương (1284-1330), quê Cửu La, Nam Sách, Hải Dương. Từ nhỏ vốn là người thích làm việc thiện và ăn chay. Đến năm 21 tuổi, khi Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông trong một chuyến đi hoằng dương Phật pháp tại Nam Sách, ông đã đến lễ bái và xin xuất gia theo học đạo thiền của Vua. Là người có tư chất trong nghiên cứu học Phật và tu hành, ông đã tự mình giác ngộ và viết các tác phẩm thiền học và được Trần Nhân Tông trao truyền tâm ấn, trở thành tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm, Yên Tử.

Những tư tưởng cơ bản của Pháp Loa, được thể hiện trong tác phẩm Thiền đạo yếu học. Trong đó có các bài như: Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn, Thượng thừa tam học khuyên chúng phổ thuyết, Yếu minh học thuật.

Huyền Quang, tên thật là Lý Đạo Tái (1254 – 1334), quê Bắc Giang. Sinh ra trong một gia đình có bố thuộc dòng dõi quan liêu, bản thân ông có nhiều thành tích trong chống giặc ngoại xâm, thi đỗ trạng nguyên năm 21 tuổi, được bổ làm quan ở Hàn Lâm viện. Chỉ một lần theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe giảng pháp ông đã giác ngộ và nảy sinh chí hướng đi theo con đường tu hành. Sau đó ông nhiều lần xin từ chức và đến năm 1305 ông chính thức xuất gia thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, lấy pháp hiệu là Huyền Quang. Theo quyết định của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, ông lên trụ trì tại chùa Vân Yên, núi Yên Tử. Năm 1317, ông được Pháp Loa truyền y và tâm kệ của Điều Ngự và trở thành tổ thứ ba của thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử vào năm 1330 sau khi Pháp Loa nhập tịch.

Những tư tưởng cơ bản của Huyền Quang, được thể hiện trong một số các bài thơ, văn sau: Phiếm chu, Hoa cúc; Vịnh Vân Yên tự phú.

Ba là, vị trí của các thiền sư đời Trần quyết định vai trò của Phật giáo trong xã hội đời Trần. Điều căn cốt để Thiền học đời Trần có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội là do các thiền sư nổi tiếng ở thời kỳ này đều là những người đứng đầu đất nước, nắm trọng trách quản lý và điều hành đất nước, nên họ có điều kiện để thực hành các các giáo lý, tư tưởng thiền học của chính họ vào trong đường lối trị nước. Tư tưởng Phổ độ chúng sinh, Cứu độ chúng sinh là mục tiêu hành động của Phật giáo. Đối với các ông vua, tầng lớp quí tộc trách nhiệm cao nhất của học là trị nước, an dân. Mục tiêu hành động của Phật giáo và trách nhiệm của một ông vua

đã gặp nhau ở một điểm chung đó là Phật vì chúng sinh, Vua thì vì dân. Đời Trần, các nhà thiền học như Trần Thái tông, Trần Nhân tông, Huyền Quang đều thuộc tầng lớp vua chúa, quí tộc, quan lại lãnh đạo đất nước, đồng thời là các thiền sư. Vị trí của họ làm cho họ có điều kiện thuận lợi để cùng một lúc thực hiện được cả vai trò của một nhà vua và vai trò của một nhà sư. Họ có điều kiện để đưa các tư tưởng của Thiền học đời Trần vào việc xây dựng các chủ trương, đường lối trị nước. Vì thế Thiền học đời Trần mới có thể phát triển rực rỡ, đạt đến đỉnh cao, trở thành hiện tượng lịch sử đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam so với các thời kỳ khác.

Sự ra đời của tư tưởng Thiền học đời Trần có vai trò quyết định từ các nhân tố chủ quan, từ chính thực tiễn cuộc đời, sự nghiệp, từ năng lực nhận thức, tư tưởng, và đời sống tình cảm của các ông vua, tầng lớp quý tộc Trần.

Tiểu kết chương 2

Sự ra đời của tư tưởng Thiền học đời Trần đã phản ánh trong nó các đặc điểm, điều kiện của nền kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng của xã hội đương thời.

Thứ nhất, các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng đương thời đã xuất hiện những yếu tố quyết định đặc điểm và tính chất đặc trưng của tư tưởng Thiền học đời Trần.

Thừa nhận chế độ sở hữu đất đai đối với nhà chùa đã tác động rất lớn đến sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Với chính sách này, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đã xây dựng các cơ sở thờ tự, thiền viện theo chế độ Tùng lâm, các thiền sư tự mình lao động, sản xuất hình thành không khí lành mạnh trong sinh hoạt tại tăng đường và cũng nhờ đó mà tinh thần nhập thế trong tư tưởng của Thiền tông nói chung đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ trong tư tưởng của Thiền học đời Trần.

Mặt khác, về chính trị nhà Trần chủ trương ủng hộ chế độ đẳng cấp với sự thiết lập hệ thống các chính sách chặt chẽ trong quản lý xã hội làm nảy sinh mâu thuẫn trong tư tưởng của từng nhà lãnh đạo giữa một bên là bảo vệ vương triều với một bên là vấn đề nhân tâm trong quản lý xã hội. Xuất phát từ những chính sách khắc nghiệt của nhà Trần trong bảo vệ vương triều Trần đã làm cho tầng lớp quý tộc Trần nhận thức được rất rõ những mâu thuẫn trong xã hội, và trong tâm trạng đó thấy rõ được tính vô ích của viêc tranh giành lợi ích, quyền lực. Dù đạt tới tột đỉnh

của vinh hoa, phú quý nhưng tâm, lòng không yên với những gì mà dòng họ đã gây ra trong nội tộc cũng như với xã hội. Bởi vậy, các thiền sư đã sáng tác ra các tác phẩm thiền học, phản ánh trong đó tư tưởng về một xã hội bình đẳng, không có sự phân biệt giàu sang, nghèo hèn, không phân biệt nghề nghiệp, xuất thân... Do đó trong tư tưởng của Thiền học đời Trần đã nêu cao tinh thần: Mọi người đều bình đẳng và đều có Phật tính, yêu cầu phá bỏ lối tư duy phân biệt, nhị kiến, kén chọn mà theo họ đây là nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội.

Công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cho thấy các ông vua triều Trần đều là các tướng trực tiếp cầm quân đánh giặc, họ tham gia sát sinh với ý nghĩa đấu tranh để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Với tư cách là các thiền học, các thiền sư đã xây dựng tư tưởng phá chấp triệt để, tư tưởng hành động phải tùy duyên, tùy nghi, hợp thời, đúng lúc. Tư tưởng này cho thấy tinh thần phá chấp không chỉ dừng lại ở mức độ phủ nhận kinh sách, phủ nhận giáo lý, phủ nhận giới luật của Thiền tông nói chung mà còn phá chấp theo tinh thần phá giới.Trong điều kiện nước mất, nhà tan người Phật tử phải hành động hợp thời, đúng lúc, chấp nhận sát sinh để cứu quốc gia, dân tộc. Hành động sát sinh này hoàn toàn vẫn đảm bảo các quy phạm của đạo thiền.

Thứ hai, về tiền đề tư tưởng, tư tưởng Thiền học đời Trần là sự tiếp thu, kế thừa tư tưởng của ba trường phái thiền thời Lý nhưng có sự chọn lọc, bổ sung và phát triển cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện của xã hội Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội Việt Nam đương thời.

Nét khác biệt cơ bản của Thiền học đời Trần so với ba trường phái trước là ở sự gạt bỏ ảnh hưởng của Mật tông trong hệ thống giáo lý và các hoạt động của người tu hành; con đường giải thoát được kết hợp cả hai phép đốn ngộ và tiệm ngộ;

tinh thần phá chấp được triển khai triệt để; và nổi bật nhất là tinh thần nhập thế tích cực… Điều đó đem lại một khuynh hướng mới cho Phật giáo Việt Nam, hình thành những tư tưởng độc lập, không phụ thuộc vào vào bên ngoài.

Thứ ba, sự ra đời của tư tưởng Thiền học đời Trần có vai trò quyết định từ các nhân tố chủ quan, từ chính thực tiễn cuộc đời, sự nghiệp, từ năng lực nhận thức, tư tưởng, và đời sống tình cảm của các ông vua, tầng lớp quý tộc Trần. Yếu tố tiên

quyết cho sự phát huy vai trò của tư tưởng Thiền học trong xã hội đời Trần là do tầng lớp những người cầm quyền lại là những người sáng lập ra một tông phái Thiền. Ở vị trí đó, họ có đủ điều kiện và thẩm quyền để đưa những tư tưởng của mình vào trong lĩnh vực quản lý xã hội.

Những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng và các nhân tố chủ quan trên đây trên đây là nguồn gốc, là cơ sở quyết định nội dung tư tưởng Thiền học đời Trần.

Tồn tại đồng hành cùng Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo cũng là những hệ tư tưởng tham gia vào các hoạt động của xã hội. Tuy vậy, Nho giáo là một hệ tư tưởng chỉ phục vụ cho lợi ích của tầng lớp trên, tầng lớp của những người thống trị, bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Tuy vậy, trong tư tưởng của Nho giáo cũng có những tư tưởng tích cực, có lợi cho công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, với tính cách là hệ tư tưởng chủ đạo, Thiền học ở thời kỳ này đã tiếp thu những tư tưởng tích cực của Nho giáo vào trong tư tưởng của mình và cùng với Nho giáo tham gia vào việc giải quyết các vấn đề của xã hội.

Đồng thời với Nho giáo, Đạo giáo cũng tồn tại một cách thực tế trong xã hội Việt Nam. Nhưng Đạo giáo phần nhiều ảnh hưởng đến sự mê tín trong dân gian, không tham gia vào việc giải quyết các nhu cầu về tư tưởng có tính chất thời đại.

Do vậy có thể khẳng định rằng, với điều kiện lịch sử cụ thể của đời Trần, ba lần quân Nguyên Mông xâm lược, vấn đề vận mệnh đất nước, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược luôn được đặt lên hàng đầu. Đáp ứng nhu cầu quan trọng nhất của đất nước là phải đoàn kết được toàn dân chống giặc ngoại xâm, Phật giáo đã tỏ rõ là một hệ tư tưởng có khả năng tập hợp được sức mạnh toàn dân, đoàn kết, thống nhất được nhân tâm, thống nhất được lòng người trong thực hiện mục tiêu chung của đất nước. Do đó, trong điều kiện hết sức đặc thù của lịch sử xã hội đời Trần, thế kỷ của những khó khăn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, vai trò của Phật giáo phần nào có vị thế cao hơn so với các hệ tư tưởng khác. Phật giáo đời Trần mà cốt lõi là tư tưởng Thiền học đã trở thành ngọn cờ tư tưởng dẫn dắt toàn xã hội, tạo nên nét đặc sắc của Phật giáo đời Trần và xã hội đời Trần.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Thiền học đời Trần và giá trị của nó đối với xã hội đương thời (Trang 59 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)