Chương 2: CƠ SỞ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG THIỀN HỌC ĐỜI TRẦN
2.1. Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cho sự ra đời tư tưởng Thiền học đời Trần
Phật giáo đời Trần là một dòng tư tưởng đánh dấu sự phát triển đến đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam với sự ra đời của dòng của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Dòng thiền đầu tiên và duy nhất do người Việt Nam sáng lập. Sự ra đời của dòng thiền này có nguồn gốc trực tiếp từ các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng của xã hội đương thời. Các đặc điểm có tính chất đặc thù như sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; củng cố và xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền; chống giặc ngoại xâm; xây dựng hệ tư tưởng độc lập là những yếu tố quy định sự ra đời, nội dung và đặc điểm đặc trưng của Phật giáo đời Trần và tư tưởng Thiền học đời Trần.
2.1.1. Về kinh tế
Năm 1225, Trần Cảnh lên ngôi, kết thúc triều đại nhà Lý, bắt đầu triều đại nhà Trần. Để xây dựng và bảo vệ vương triều Trần, nhà Trần tích cực phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, kinh tế nông nghiệp là cơ sở của nhà nước thời Trần. Thời kỳ này, nhà nước rất chú trọng phát triển nông nghiệp. Trước tiên, để đẩy mạnh nông nghiệp, nhà Trần khai thác triệt để các nguồn lực đất đai bằng cách mở rộng việc khai khẩn đất hoang, lập điền trang, thái ấp, thực hiện nhiều chính sách khuyến nông tích cực. Nhờ có những chính sách và biện pháp khuyến nông tích cực, nền kinh tế nông nghiệp dưới nhà Trần nói chung khá phát triển, đời sống nhân dân ổn định.
Kinh tế nông nghiệp luôn gắn liền với việc sử dụng đất đai, sở hữu đất đai và quản lý đất đai.
Đối với việc sử dụng đất đai, khác với thời Lý, để phát triển nông nghiệp, nhà Trần đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng và phát triển diện tích đất nông nghiệp, nhà Trần khuyến khích việc quai đê, lấn biển, khai khẩn đất hoang lập nên các điền trang để phát triển diện tích đất nông nghiệp: “Mùa đông, tháng 10, xuống
chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang. Vương hầu có trang thực bắt đầu từ đấy” [68; tr 230]. Nhờ chính sách trọng nông nên nông nghiệp nhà Trần khá phát triển, phần lớn diện tích đất đai được khai thác, sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, các tầng lớp nhân dân được huy động vào sản xuất nông nghiệp nên tầng lớp quý tộc tích lũy được nhiều của cải và cuộc sống của nhân dân tương đối ổn định.
Từ việc khai thác triệt để đất đai vào sản xuất nông nghiệp, nhà Trần thực hiện chính sách đa dạng hóa các hình thức sở hữu đất đai. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất hiện chế độ mua bán đất đai, ngoài hình thức cấp, phân phong đất đai. “Năm 1254, triều đình ra lệnh công khai bán ruộng công làm ruộng tư” [87; tr.
193]. Thừa nhận việc mua bán đất đai chứng tỏ nhà Trần khuyến khích sự phát triển của chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, qua đó tạo động lực cho người dân khai khẩn đất hoang và sử dụng hiệu quả đất đai vào sản xuất nông nghiệp.
Về sở hữu đất đai, dưới đời Trần, có hai hình thức sở hữu là sở hữu ruộng đất nhà nước và sở hữu ruộng đất tư nhân.
Trong đó sở hữu ruộng đất nhà nước gồm hai bộ phận cấu thành là: ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lý và ruộng đất công của làng xã. Ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lý là tài sản của tầng lớp quý tộc nhà Trần, hoa lợi từ loại ruộng này hoàn toàn thuộc nhà vua. Ruộng đất công làng xã còn được gọi là quan điền, bộ phận ruộng đất này cũng thuộc sở hữu của nhà vua, do nhân đinh các làng xã cày cấy và nộp tô, thuế cho nhà vua. Hoa lợi của các loại ruộng này phần lớn được sử dụng vào các mục đích công; ruộng đất công làng xã thuộc sở hữu nhà nước nhưng do làng xã quản lý, hoa lợi nộp cho nhà nước.
Sở hữu ruộng đất tư nhân được hình thành theo hình thức ban cấp ruộng đất và bổng lộc cho các quan văn, võ trong triều đình. Bên cạnh đó, việc nhà Trần cho phép bán ruộng đất công làm ruộng đã tạo cơ hội cho quá trình tích lũy ruộng đất của giai cấp phong kiến đời Trần và sở hữu tư nhân về đất đai có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Sở hữu tư nhân về ruộng đất gồm có: Thái ấp là đất phong của quý tộc Trần do nhà vua lấy đất công làng xã phân phong cho các vương hầu, quý tộc. Hoa
lợi trên mảnh đất này thuộc về chủ thái ấp; Điền trang là loại ruộng đất do khai khẩn đất hoang mà có, loại ruộng này thuộc sở hữu của các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần; Ruộng đất tư hữu của địa chủ, nhà giàu và các quan chức; Ruộng đất của các gia đình tiểu nông tư hữu; Ruộng của nhà chùa là phần ruộng đất do nhiều thành phần cúng tiến, do nhà nước cấp, các vương hầu quý tộc cúng tiến, nhà giàu, quan lại, nông dân cúng ruộng.
Về quản lý đất đai, nền kinh tế nông nghiệp nhà Trần dựa trên chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất. Trên cơ sở đó nhà Trần thi hành nhiều chính sách ruộng đất phong phú, bao gồm: ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lý như ruộng sơn lăng, ruộng tịch điền, ruộng quốc khố, ruộng đồn điền; Chính sách phong cấp ruộng đất cho vương hầu, quý tộc làm điền trang, thái ấp; Chính sách ruộng đất đối với nhà chùa, thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất của nhà chùa đối với các phần đất do nhà nước và các tầng lớp quý tộc, nhà giàu, quan lại, nông dân cúng tiến; Chính sách khai khẩn đất hoang, lập ấp... Nhìn chung với chính sách ruộng đất phong phú đa dạng nhà Trần đã tận dụng được các nguồn lực đất đai và con người vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Qua phân tích chính sách về đất đai, một đặc điểm nổi bật trong chính sách ruộng đất của nhà Trần là coi nhà chùa như là một đối tượng được ưu tiên trong phân chia ruộng đất. Từ đó hình thành sở hữu đất đai của nhà chùa.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Phương Chi, trong cuốn Kinh tế, xã hội thời Trần (thế kỷ XIII- XIV ), từ trang 55 đến trang 64, thì: Nhà vua và các quý tộc vương hầu, công chúa thời Trần cúng rất nhiều ruộng, tiền vào chùa. Trần Thái Tông xây dựng và cấp ruộng đất để thờ phụng Phật, Pháp, Tăng tại xã Đới Nhân, tổng Đa Giá, huyện Gia Viễn, phủ Trường An; Trần Anh Tông ban cho các sư ở Đội Gia 80 mẫu ruộng; Cung Túc đại vương Trần Dũ xây dựng chùa Đại thành danh lam Thắng Nghiệp Luật tự ở xã Vĩnh Dụ, thuộc Quốc Oai, Trung Lộ đời Trần, nay thuộc xã Thanh Thuỳ, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nhiều hơn cả là cuối thế kỷ XIV các tầng lớp nhân dân gồm nhà giàu, các quan chức địa phương, những nông dân khá giả, cúng ruộng, tiền của cho chùa được ghi chép lại trong các văn bia các
chùa Sùng Nghiêm ở Vân Lỗi, Nga Sơn, Thanh Hoá; Chùa Vân Bản, Hải Phòng;
Động Thiên Tôn, Ninh Bình; Chùa từ Am, Thanh Oai, Hà Nội... các việc làm trên cho thấy sự tôn sùng đạo Phật của triều đình nhà Trần từ vua, các vương hầu, công chúa đến các nhà gia thế cùng thiện nam, tín nữ và thế lực của nhà chùa lúc ấy.
Như vậy trong chính sách ruộng đất của nhà Trần thể hiện rất rõ sự quan tâm tới Phật giáo. “Thời kỳ này, số lượng ruộng đất của chùa chiếm số lượng khá lớn, tăng ni, Phật tử rất đông. Hoa lợi trên bộ phận ruộng đất này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của nhà chùa. Nhà nước đương nhiên thừa nhận sự tồn tại của nó” [20; tr.
66]. Điểm này cho thấy vai trò quan trọng của Phật giáo trong xã hội đời Trần. Nhà chùa được thừa nhận như một đơn vị kinh tế độc lập, có ruộng đất, có nông dân, nông nô.
2.1.2. Về chính trị
Tiếp tục mô hình chính quyền trung ương của nhà Lý, nhà Trần xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, củng cố nhà nước quân chủ trung ương tập quyền là điều kiện cho sự tồn tại vững chắc của triều đại nhà Trần.
Trước hết, nhà Trần thiết lập chế độ quân chủ chuyên chế để tập trung quyền lực vào tay nhà vua và dòng họ Trần. Thực hiện mục tiêu này, nhà Trần đưa ra các quy định chặt chẽ trong xây dựng chính quyền nhằm phá bỏ tình trạng cát cứ phong kiến và đẩy mạnh việc tập trung quyền lực vào trong tay dòng họ Trần bằng việc:
Đưa ra các tuyên ngôn khẳng định vị thế, quyền lực tối cao của nhà vua trong xã hội. Tác giả Trương Hữu Quýnh trong cuốn Đại Cương lịch sử Việt Nam đã nhận định: “Vua Trần tự mình đề cao vị trí bản thân, đồng nhất ngôi vua với đất nước. Năm 1250 Thái Tông xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là quốc gia nâng cao tính chuyên chế và tập trung của triều đình” [87; tr. 176].
Tiếp tục củng cố sự ổn định của vương triều, nhà Trần hình thành chế độ Thái thượng hoàng, chế độ chỉ có ở nhà Trần. Nhà Trần quy định ra lệ nhà vua truyền ngôi cho con khi đang còn sống và giữ vai trò là cố vấn của triều đình. Thái thượng hoàng có quyền hành rất lớn, có quyền chỉ định và phế truất ngôi vua và đưa ra các quyết định trong quản lý xã hội. Đây là phương thức đảm bảo cho nhà Trần
không bị lâm nguy khi nhà vua hay thái thượng hoàng bất ngờ qua đời, không xẩy ra tình trạng tranh chấp ngôi vua trong dòng tộc.
Mặt khác, rút bài học kinh nghiệm từ chính quá trình xây dựng vương triều Trần, ngăn ngừa tình trạng cướp ngôi của họ khác, nhà Trần xây dựng chính quyền dòng họ Trần. Thiết lập quan chế phục vụ mục tiêu đảm bảo quyền lực hoàn toàn nằm trong tay dòng họ Trần. Tổ chức chính quyền nhà trần trước hết là tổ chức chính trị của dòng họ Trần. Nhà Trần quy định hầu hết các chức vụ quan trọng trong triều đình và ở các địa phương phủ, lộ đều do tôn thất nắm giữ. Quyền lực chủ yếu nằm trong tay họ Trần: “Quan chức lớn ở triều đình như thái sư, thái úy, bình chương sự, thái phó, thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo, tả hữu bộc xạ, tham chi chính sự và các chức võ quan cao cấp như đô nguyên soái, phó đô nguyên soái, tiết độ sứ, phó tiết độ sứ, đại tướng quân thì chỉ các tôn thất mới được nắm giữ. Chức phiêu kỵ tướng quân chỉ dành riêng cho hoàng tử” [87; tr. 178].
Trong số các quy định để đảm bảo sự an toàn của dòng họ thì quy định về chế độ hôn nhân nội tộc là quy định có tính chất cực đoan nhất. Để bảo vệ vương triều Trần khỏi rơi vào tay họ khác, nhà Trần quy định con gái trong dòng họ Trần phải lấy người trong họ. Nhà Trần bất chấp luân thường đạo lý chỉ nhằm mục tiêu ngăn chặn không cho các dòng họ khác xen vào tầng lớp quý tộc Trần, phòng ngừa tình trạng người khác họ lợi dụng cơ hội ngoi lên cướp ngôi của họ Trần.
Ngoài ra, nhà Trần còn đặt ra một tổ chức phụ trách về dòng họ nhà vua gọi là tông chính phủ chịu trách nhiệm ghi chép, theo dõi về dòng họ, quản lý việc bổ nhiệm quan lại trong triều đình theo quy định của Nhà Trần. Nhìn chung, việc quản lý và cai trị đất nước dưới triều Trần có bước tiến bộ và phát triển hơn thời Lý. Bộ máy quan lại ở đời Trần được chia làm ba cấp, cấp trung ương, cấp hành chính trung gian và cấp hành chính cơ sở. Thời Lý, các quan lại đều xuất thân từ tầng lớp quí tộc, sang đời Trần tất cả các chức vụ quan trọng đều giao cho vương hầu quí tộc nhà Trần nắm giữ, bởi vậy, nhà Trần nắm khá chắc toàn bộ công việc chủ chốt trong triều do đó quyền lực tập trung được vào nhà nước trung ương, chế độ quân chủ trung ương được củng cố thêm một bước.
Như vậy, nhà Trần với cách thức tổ chức quyền lực, sử dụng và bổ nhiệm quan lại như trên đã phản ánh rõ rệt sự phân biệt đẳng cấp sâu sắc. Bộ máy quyền lực tập trung trong tay dòng họ Trần cho thấy sự thống nhất, nhất quán, quyết liệt trong quá trình giành, giữ ngôi vị của Nhà Trần.
Về pháp luật, nhà Trần xây dựng hệ thống pháp luật trong quản lý xã hội.
Bên cạnh việc tiến hành chế độ quản lý chặt chẽ, nhà Trần còn từng bước xây dựng pháp luật của mình nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà nước trung ương tập quyền, của giai cấp thống trị trước hết là của nhà vua. Hệ thống pháp luật của nhà Trần là sự tiếp nối pháp luật của nhà Lý nhưng có những bước phát triển hơn. Mọi hoạt động trong thời Trần đã được quy định bằng pháp luật, đề cao tinh thần pháp trị trong quản lý xã hội: “Năm 1230, nhà Trần ra bộ Quốc triều thông chế xét các lệ của triều trước, định làm thông chế của quốc triều, quy định bộ máy nhà nước có kỷ cương hơn, hoàn chỉnh hơn, phù hợp hơn với tình hình mới” [87; tr. 179]. Sau đó, qua vài lần sửa chữa và bổ sung, nhà Trần lại ban hành bộ Quốc triều hình luật nhằm hoàn thiện hơn các hoạt động luật pháp.
Cơ quan luật pháp thời Trần cũng được tăng cường và hoàn thiện hơn. Ở triều đình có thẩm hình viện chuyên xét xử ngục tụng, lập thêm nhà bình doãn xử án. Cuối thế kỷ XIII, nhà Trần lại ban hành bộ Quốc triều hình và lập viện đăng văn kiểm pháp (gọi tắt là viện kiểm pháp). Như vậy, so với thời lý, pháp luật nhà Trần đã có sự bổ sung và hoàn thiện hơn cả về nội dung và hình thức tổ chức.
Pháp luật nhà Trần nhằm củng cố chế độ đẳng cấp, bảo vệ sự thống trị của nhà vua, trừng phạt nghiêm khắc đối với các tội thập ác. Nhìn chung, pháp luật nhà Trần rất nghiêm khắc trong việc giữ gìn phép nước nhằm phát triển sản xuất, củng cố quốc gia thống nhất, ổn định trật tự xã hội. Điều đó đã có tác dụng củng cố nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh.
Nhà Trần thừa nhận vai trò cố vấn của các nhà sư trong tổ chức, quản lý xã hội.
Về chính trị, thời Lý cũng như thời Trần các ông vua thường hỏi ý kiến các nhà sư khi cần đưa ra các quyết sách quan trọng trong quản lý xã hội. Mặt khác các nhà sư cũng thường chủ động đưa ra các lời khuyên đối với các ông vua khi thấy cần thiết. Các nhà sư đã có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho triều đình trên nhiều lĩnh vực.
“Hồi ban đầu lập quốc các thiền sư đã mở những cuộc vận động gây ý thức quốc gia, đã sử dụng các môn học phong thủy và sấm vĩ trong các cuộc vận động ấy, đã trực tiếp thiết lập kế hoạch, thảo văn thư, tiếp ngoại giao đoàn; bàn luận cả các vấn đề quân sự. Nhưng sau đó, khi trong triều đình đã có đủ người lo các việc ấy thì họ chỉ giữ vai trò hướng dẫn tinh thần và cố vấn đạo đức” [ 65; tr. 217].
Các ông vua nhà Lý, Trần khi phải đưa ra các quyết sách quan trọng đều tham khảo ý kiến của các vị thiền sư. Thiền sư Viên Thông đã đưa ra lời khuyên với vua Lý Thần Tông về lẽ trị loạn: “Thiên hạ cũng như bất cứ cái gì, hễ đặt nó vào chỗ an thì an, đặt vào chỗ nguy thì nguy: điều này trông vào hành động của các bậc nhân chủ (vua)…Trời đất không phải từ lạnh chuyển sang nóng ngay tức khắc, mà phải đi dần từ xuân sang thu, bậc vua chúa không hưng vong đột ngột mà hưng vong từ từ tùy theo tính cách thiện hay ác của họ” [65; tr. 216]. Thiền sư Viên Chứng cũng đã từng khuyên vua Trần Thái Tông: “Phàm là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay muôn dân đã đã muốn đón bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được Duy chỉ có việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi”
[18; tr. 29].
Với việc tham gia vào chính sự của các thiền sư, có thể thấy, giai đoạn này Phật giáo không chỉ có vai trò xây dựng đời sống tinh thần, đạo đức của xã hội mà còn tích cực tham gia vào việc xây dựng đường hướng trị nước, giải quyết các vấn đề chính trị xã hội. Điều này cho thấy, các ông vua triều Lý, Trần đã sử dụng Phật giáo như một công cụ để định hướng và điều chỉnh các hoạt động xã hội. Vì thế, việc sử dụng Phật giáo vào quản lý xã hội đã đáp ứng nhu cầu khách quan cho sự tồn tại và phát triển của xã hội đời Trần.
1.1.3. Về xã hội
Từ sự phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên chế độ sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân về ruộng đất ngày càng phát triển, cùng với việc thực hiện chế độ quân chủ, xã hội đời trần đã có sự phân hóa mạnh mẽ, hình thành nhiều tầng lớp có lợi