Chương 4: GIÁ TRỊ CỦA TƯ TƯỞNG THIỀN HỌC ĐỜI TRẦN ĐỐI VỚI XÃ HỘI ĐƯƠNG THỜI
4.1. Giá trị tư tưởng về Tâm trong quản lý xã hội
4.1.1. Tư tưởng Phật t i t m – cơ sở h nh thành triết l b nh đẳng đặt nền móng cho vi c x y d ng các tư tưởng trong qu n l xã hội
Như trên đã phân tích, xã hội Việt Nam cuối thời Lý suy vi, xã hội hỗn loạn, tình trạng bất công, bất bình đẳng, áp bức, bóc lột của tầng lớp trên đối với nhân dân diễn ra tràn lan, phổ biến và kéo dài. Kinh tế bị đình trệ do không có sự quan tâm của triều đình nhà Lý. Nhân dân ai oán, khởi nghĩa chống lại triều đình. Do vậy, để khôi phục lại xã hội, nhà Trần nhận thấy, nếu tiếp tục quản lý xã hội bằng cách sử dụng vũ lực, trấn áp nhân dân thì chỉ càng làm cho các phong trào nổi dậy phát triển. Để chấm dứt tình trạng đó cần phải hạn chế tình trạng bất công, bất bình đẳng đang diễn ra trong xã hội. Nhà Trần đã tìm thấy trong Phật giáo tư tưởng về sự bình đẳng giữa con người với con người, tư tưởng này có thể trở thành công cụ hữu hiệu cho việc xây dựng các quyết sách trong quản lý xã hội giúp cho nhà Trần giải quyết được các vấn đề phức tạp đang diễn ra, ổn định xã hội.
Tư tưởng về sự bình đẳng thể hiện trong câu: không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có hận thù trọng giọt nước cùng mặn. Mọi chúng sinh đều bình đẳng và đều có Phật tính. Trần Thái Tông viết: “Phật không chia nam bắc, đều có thể tu tâm” [18; tr 27].
Theo Phật giáo nói chung và Thiền học đời Trần nói riêng, mỗi con người đều có Phật tính hay tâm Phật, mỗi người đều có thể trở thành Phật. Về bản chất, tư tưởng này đề cao sự bình đẳng giữa người với người trong xã hội. Phật ở trong tâm, vì vậy để trở thành Phật hay rèn được tâm Phật, mỗi người cần rèn giũa cái tâm, hướng vào nội tâm của chính mình để thanh lọc thân tâm. Điều này được các nhà Thiền học đời Trần phản ánh trong các tác phẩm và chính trong các hành vi của họ.
Xuất phát từ sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật tại tâm, các ông vua, tầng lớp quý tộc Trần đã xây dựng chính quyền quân chủ thân dân. Một mặt nhà Trần xây dựng và củng cố chế độ quân chủ trung ương tập quyền nhằm bảo vệ ngôi vị nhưng
song hành với nó nhà Trần cũng củng cố mối quan hệ giữa vua với các tầng lớp dân chúng, tạo mối quan hệ tương đối bình đẳng với các bậc bô lão, các vị sư tăng và các tầng lớp nhân dân khác. Các vấn đề hệ trọng của đất nước đều được đem ra lấy ý kiến của toàn dân. Ở đời Trần, Nho giáo đã được nhà Trần sử dụng làm công cụ để quản lý xã hội, song do trong tư tưởng của Nho giáo mối quan hệ giữa vua, tầng lớp quý tộc Trần với các tầng lớp nhân dân bị giới hạn bởi các nguyên tắc chặt chẽ theo trật tự thứ bậc, khuôn phép của Nho giáo như chính danh, lễ… nên quan hệ giữa tầng lớp quý tộc với người dân không thể có quan hệ bình đẳng. Bởi vậy, hiện tượng trên dưới một lòng, anh em hòa mục chỉ có thể là kết quả của tư tưởng bình đẳng trong Phật giáo. Con người trong xã hội đời Trần được tôn trọng, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, địa vị cao thấp… đây còn là kết quả của lối tư duy đã đạt tới trình độ nhận thức được chân đế, nhận thức không còn sự phân biệt đối đãi, đạt tới giải thoát của các ông vua và tầng lớp quý tộc Trần. Như vậy, trong tư tưởng chính trị đã ảnh hưởng bởi các tư tưởng của Phật giáo: mọi người đều bình đẳng, đều có Phật tính. Nhận thức được điều này các ông Vua, quý tộc Trần đặt vị thế của mình trong mối quan hệ bình đẳng với người dân. Các vua Trần đã tổ chức các hội nghị Bình Than, hội nghị Diên Hồng, lấy ý kiến của nhân dân về việc chống giặc thể hiện rõ tinh thần tôn trọng nhân dân của triều đại nhà Trần, đạt được sự đồng tâm, nhất trí trong toàn xã hội, tạo nên khí thế hào hùng của dân tộc, trên dưới một lòng, cùng nhau đánh giặc. Phật giáo với chủ trương Chúng thiện phụng hành; Cứu độ chúng sinh, phá bỏ sự phân biệt đẳng cấp đã có sự tương đồng với khí thế của dân tộc, tạo nên tinh thần tương thân, tương ái góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Tinh thần Phật tại tâm còn thể hiện rõ nét trong các hoạt động, điều hành quản lý của các ông vua, đồng thời là các thiền sư nhà Trần trong xây dựng các chính sách quản lý xã hội. Một trong những tư tưởng cơ bản của Thiền học đời Trần về tâm chính là thiền hướng nội, biện tâm. Tinh hoa của thiền hướng nội, biện tâm là ở chỗ: yếu tố nội lực, nội sinh của con người được phát huy triệt để trong đời sống hàng ngày, trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Tinh thần biện tâm
giúp con người biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích đồng loại lên trên lợi ích cá nhân, biết yêu thương con người, yếu tố đó đã kêu gọi được toàn dân phát huy hết năng lực tiềm tàng, vì nhiệm vụ của dân tộc, đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước.
Theo tinh thần Phật tại tâm, các nhà quản lý xã hội đã lấy tâm chúng sinh làm tâm của mình, thấu hiểu tâm lý của người dân, đặt họ trong những điều kiện khách quan của xã hội cũng như của từng người dân, các ông vua, tầng lớp quý tộc Trần đã biết tiến, biết lui, biết dựa vào sức của dân để ra các quyết sách quản lý. Điều này được thể hiện rõ nét trong việc đưa ra nhiều chủ trương, chính sách thu phục được lòng dân như: Khoan thư sức dân, Lòng dân không chia, Cả nước góp sức.
Chính sách Khoan thư sức dân được nhà Trần thực hiện nhất quán trong suốt chiều dài lịch sử của triều Trần. Cứ khi nào đất nước gặp khó khăn, nhân dân rơi vào tình trạng đói kém thì chính sách này được thực hiện. Trong Đại Việt sử ký toàn thư chép, năm 1242: “Tháng 5, tháng 6, hạn hán, soát tù, đại xá” [68; tr 220]. Trần Thái Tông miễn thuế thân cho người không có ruộng đất, miễn một nửa tô ruộng.
Năm 1288, sau chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ ba, Trần Nhân Tông đại xá thiên hạ, những nơi bị binh hỏa cướp phá nhiều thì miễn toàn phần tô, dịch, các nơi khác thì miễn giảm theo mức độ khác nhau. Năm 1290, gặp đói to, nhiều người bán ruộng đất, thậm chí cả con làm nô tỳ, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu phát thóc công chẩn cấp dân nghèo, miễn thuế nhân đinh. “Năm 1319 cả nước đói to, vua phát 100 lạng vàng, 500 lạng bạc sai Pháp Loa bố thí người nghèo” [53; tr 126].
Ngoài ra, nhà Trần còn nhiều lần kêu gọi các nhà giàu bỏ thóc giúp vào quân lương, bỏ thóc phát chẩn cứu đói cho người nghèo. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên, Trần Hưng Đạo đã kêu gọi nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, sẽ được thưởng quan tước. Tiếp đó, năm 1358: “Hạn hán đói kém nhà vua kêu gọi nhà giàu phát thóc chẩn cấp cho dân, nhà nước trị giá trả tiền. Bốn năm sau, năm 1362, có đói lớn, Nhà nước lại kêu gọi nhà giàu ở các lộ nộp thóc vào nhà nước rồi ban phẩm tước” [83; tr 30]. Các chính sách nêu trên đã cho thấy cái tâm của các nhà quản lý đối với nhân dân, cái tâm đó chính là tâm Phật, yêu thương bao chứa muôn loài, vạn
pháp. Vì vậy, bài học về nhân tâm trong quản lý xã hội mà triều đại nhà Trần đã để lại cho hậu thế chính là Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc.
Chủ trương Lòng dân không chia được xây dựng khi giặc Nguyên Mông xâm lược. Mỗi khi kẻ thù xâm lược, điều kiện cho sự thành công chống giặc ngoại xâm chính là cố kết được lòng dân, đoàn kết được toàn dân, thu phục được nhân tâm của các nhà quản lý. Xuất phát từ quan niệm của thiền học đời Trần coi tâm như một tấm gương, khi gương mờ tức con người còn chưa giải thoát, khi gương trong con người nhìn rõ được tâm bản thể, tâm Phật của chính mình và không chỉ có người tu hành mới nhận ra được tâm giải thoát của mình mà mọi người đều có thể nhận thấy được sự giải thoát của người tu hành khi họ đã đắc đạo. Vì vậy, các ông vua, tầng lớp quý tộc Trần đồng thời là các nhà thiền sư đã tự mình nỗ lực giải thoát cho bản thân và trở thành những tấm gương cho người dân học hỏi. Chính những tấm gương đó, đã trở thành điểm tụ cho sự thống nhất lòng người trong xã hội đời Trần. Do đó khi đất nước lâm nguy, bằng tinh thần yêu nước của tầng lớp quý tộc Trần, chỉ cần nhà Trần đưa ra các chủ trương có lợi cho Tổ quốc, giang sơn, xã tắc thì đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, đồng tâm nhất trí của nhân dân. Lịch sử của dân tộc Việt Nam đã khẳng định vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân. Việc thành bại của đất nước là ở nơi dân, được lòng dân thì thắng, mất lòng dân thì thua trở thành quy luật của các triều đại nhà nước phong kiến Đại Việt.
Chủ trương Cả nước góp sức được đặt ra trong tình huống cần có sự góp sức của toàn dân về các nguồn lực phục vụ cho công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Hiện tượng những nhà lãnh đạo nhà Trần theo tinh thần đạo thiền đã tự mình vứt bỏ mọi vinh hoa phú quý như vứt bỏ chiếc giày rách đã làm lay động lòng người. Vì thế người dân trong xã hội đời Trần dù còn nhiều khó khăn, gian khổ trong việc mưu sinh nhưng họ luôn sẵn sàng nhường cơm, xẻ áo, đóng góp nhân lực, vật, lực, trí lực, tài lực cho đất nước khi Tổ quốc cần.
Như vậy, tinh thần Phật tại Tâm đã giúp cho các ông vua triều Trần thống nhất được mọi nguồn lực phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự thống nhất về vật chất được thể hiện ở chỗ mọi giai cấp, mọi tầng lớp, mọi đẳng cấp
đều hy sinh lợi ích vật chất của mình, đóng góp các nguồn lực vật chất và con người cho đất nước. Điều này được thể hiện ở việc nhà Trần đã thực hiện thành công các chủ trương, chính sách thu phục được lòng dân: “Khoan thư sức dân”, “Lòng dân không chia”, “Cả nước góp sức”. Những chủ trương, chính sách này đã biểu thị sự quan tâm của nhà nước đối với sản xuất và đời sống nhân dân, vì vậy việc kêu gọi toàn dân đoàn kết chống giặc ngoại xâm nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.
Thêm vào đó việc tổ chức các Hội nghị Bình Than, Hội nghị Diên Hồng, lấy ý kiến của người dân về việc chống giặc thể hiện rõ tinh thần tôn trọng nhân dân của triều đại nhà Trần, tạo nên khí thế hào hùng của dân tộc. Hội nghị Diên Hồng được tổ chức vào tháng 1 năm 1285 khi quân Nguyên chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai. Hội nghị đã tập hợp toàn thể các vị bô lão trong cả nước cùng với triều đình bàn việc nước, xây dựng kế sách đánh giặc. Tại hội nghị này toàn thể nhân dân và triều đình quyết tâm một lòng cùng nhau đánh giặc. Hội nghị Bình Than được tổ chức để tập hợp toàn bộ các tướng lĩnh trong quân đội, hoàn thiện bộ máy chỉ đạo kháng chiến, chuẩn bị chu đáo lực lượng quân đội chuẩn bị chiến đấu. Những người tài giỏi, mưu lược đều được trọng dụng. Phật giáo với chủ trương Chúng thiện phụng hành, Cứu độ chúng sinh đã có sự tương đồng với khí thế của dân tộc, tạo nên tinh thần tương thân, tương ái góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Sự thống nhất về mặt tinh thần được thể hiện ở chỗ mọi trường phái tư tưởng thời kỳ này không đấu tranh, bài trừ nhau, ngược lại có sự dung hòa, phân chia trách nhiệm, cùng tồn tại bình đẳng, tạo nên hiện tượng tam giáo đồng nguyên (Nho- Phật- Lão), hiện tượng ít thấy trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Trong cấu trúc đồng nguyên đó, mỗi trường phái tư tưởng chịu trách nhiệm giải quyết những nhu cầu nhất định của đời sống xã hội: Nho giáo đóng vai trò như một công cụ quản lý, điều hành, thiết lập trật tự xã hội, trên cơ sở đó các yếu tố tích cực của Phật giáo được triển khai vào đời sống xã hội trong việc xây dựng đạo đức, đoàn kết toàn dân; Đạo giáo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân. Tuy vậy, cần nhấn mạnh
rằng, trong điều kiện lịch sử cụ thể của đời Trần, với ba lần xâm lược của quân Nguyên Mông, vấn đề vận mệnh đất nước, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, đáp ứng nhu cầu quan trọng nhất của đất nước là phải đoàn kết được toàn dân chống giặc ngoại xâm, Phật giáo đã đảm nhiệm vai trò này và đã hoàn thành một cách xuất sắc. Do đó, trong điều kiện hết sức đặc thù của lịch sử xã hội đời Trần, thế kỷ của những khó khăn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, vai trò của Phật giáo phần nào có vị thế cao hơn so với các hệ tư tưởng khác và sự tồn tại của Phật giáo một lần nữa lại được khẳng định ở vai trò quyết định của các yếu tố tồn tại xã hội. Trong bối cảnh đó, Phật giáo tỏ rõ là một hệ tư tưởng có khả năng tập hợp được sức mạnh toàn dân, đoàn kết, thống nhất thực hiện mục tiêu chung của đất nước là chống giặc ngoại xâm. Vì vậy, Phật giáo đã trở thành ngọn cờ tư tưởng dẫn dắt các hoạt động xã hội đời Trần.
Trần Thái Tông là một ông vua đứng đầu đất nước, tư tưởng Phật tại tâm đã đem lại sự tương đồng giữa vai trò của một ông Vua yêu nước, thương dân và một nhà thiền sư hết lòng vì chúng sinh. Chính vì vậy, ở cương vị là người đứng đầu đất nước Trần Thái Tông đã tích cực sáng tác các tác phẩm thiền học đặc sắc, hướng dẫn con người cách luyện tâm để đạt tới giải thoát. Trong điều kiện lịch sử của xã hội đời Trần, việc đất nước luôn phải đấu tranh chống kẻ thù xâm lược thì đạo đức xã hội trở thành yếu tố quan trọng nhất, có vai trò quyết định hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực khác trong quản lý xã hội.
Bên cạnh Trần Thái Tông là Trần Nhân Tông, một ông vua đồng thời vừa là một nhà thiền sư có nhiều cống hiến cho dân, cho nước. Ông là một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thiền sư biết hòa quyện chính trị với tư tưởng để phục vụ mục đích dựng nước và giữ nước. Nhân sinh quan Phật giáo của ông không tách rời quan điểm về nhân sinh dưới con mắt của một nhà vua. Ở ông tư tưởng thương dân, thân dân, khoan thư sức dân cũng không khác gì tư tưởng cứu độ chúng sinh của Phật giáo. Vì vậy, với tư cách là một ông vua, ông hết lòng lo cho dân cho nước, hết lòng vì sự an nguy của xã tắc. Và đó cũng là sự thực hiện lý tưởng hết lòng vì chúng sinh của Phật giáo.
4.1.2. Tư tưởng Phật t i t m – cơ sở cho vi c phát tri n đ o Phật trong xã hội đời Trần
Tư tưởng Phật tại tâm đã khẳng định mọi người đều có Phật tính, mọi người đều có thể thành Phật. Thấy rõ được lợi ích của tư tưởng này các nhà Thiền học đời Trần luôn tìm cách để các tư tưởng của Phật giáo được truyền bá vào trong cộng đồng.
Để làm được điều đó, trước tiên nhà Trần xây dựng chế độ sở hữu đất đai của nhà chùa. Coi nhà chùa như một đơn vị kinh tế độc lập và coi nhà chùa là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của xã hội. Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh đã nhận định: “Sở hữu ruộng đất nhà chùa là một thành phần quan trọng không thể coi nhẹ trong 403 năm này không những vì là đại sở hữu ruộng đất mà còn là vì tính phổ biến của nó khắp các xã hầu như đâu cũng có chỉ khác nhau ở quy mô đại, trung, tiểu mà thôi” [48 ; tr 36]. Chính sách ruộng đất đối với nhà chùa đã khẳng định vị thế của Phật giáo nói chung, thiền học đời Trần nói riêng trong xã hội.
Khẳng định niềm tin của các nhà lãnh đạo đối với Phật giáo và nâng cao ảnh hưởng của Phật giáo đối với nhân dân.
Tiếp đến nhà Trần chú trọng phát triển hệ thống các chùa trên phạm vi cả nước. Trên nền tảng của hệ thống chùa cổ có từ trước thời Lý và các chùa được xây dựng trong thời Lý, nhà Trần đã bổ sung, phát triển và hoàn thiện mạng lưới các chùa trong cả nước. Thời kỳ này là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Phật giáo trên cả số lượng chùa được xây dựng, số lượng tăng sĩ đi tu và cư sĩ tại gia, hình thành mạng lưới Phật giáo phủ khắp các đơn vị hành chính: “ Tính đến năm 1329, số tăng sĩ đã được xuất gia trong những giới đàn do do giáo hội Trúc Lâm tổ chức lên trên 15.000 vị. Về tự viện năm 1313 có tới trên 100 ngôi chùa hệ thuộc vào giáo hội Trúc Lâm” [65; tr 382]. Thông qua những hình thức sinh hoạt văn hóa tôn giáo của Phật giáo, những tư tưởng của Thiền học đời Trần có điều kiện, cơ hội để thâm nhập vào quần chúng. Nhà chùa đã thực hiện chức năng tư tưởng, chức năng tôn giáo và chức năng giáo dục.