Tiền đề tư tưởng cho sự ra đời tư tưởng Thiền học đời Trần

Một phần của tài liệu Tư tưởng Thiền học đời Trần và giá trị của nó đối với xã hội đương thời (Trang 49 - 59)

Chương 2: CƠ SỞ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG THIỀN HỌC ĐỜI TRẦN

2.2. Tiền đề tư tưởng cho sự ra đời tư tưởng Thiền học đời Trần

2.2.1. Tư tưởng Thiền học đời Trần là s kế th a, phát tri n tư tưởng thiền học của các phái T niđalưuchi, V g n Th ng và Th o Đường đời

Thiền tông là tông phái Phật giáo Đại thừa ra đời ở Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ VI, thứ VII khi Bồ Đề Đạt Ma đưa phép thiền của đạo Phật vào Trung Quốc. Đạt Ma đến Trung Quốc vào năm 520, trên cơ sở lấy kinh Lăng Già và kế thừa những tư tưởng cơ bản của hai phái Trung Quán luận của Long Thọ và Duy Thức học của Vô Trước, Thế Thân ra đời ở Ấn Độ thời kỳ cổ đại, xây dựng nên một phái thiền học mới.

Bồ Đề Đạt Ma truyền thiền pháp của mình cho Huệ Khả, Huệ Khả truyền cho Tăng Xán, Tăng Xán truyền cho Đạo Tín, Đạo Tín truyền cho Hoằng Nhẫn, Hoằng Nhẫn truyền cho Huệ Năng. Từ Đạt Ma đến Huệ Năng trải qua sáu đời nên Đạt Ma được gọi là sơ tổ và Huệ Năng được gọi là Lục tổ.

Năm 662, Huệ Năng chính thức thành lập Thiền tông, xác định những tư tưởng căn bản của tông phái. Từ Huệ Năng trở đi, Thiền tông chính thức trở thành tông phái phát triển mạnh mẽ nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong các hệ phái Phật giáo ở Trung Quốc.

Thiền tông trở thành một tông phái lớn với mục đích là người tu hành trực nhận được bản thể của sự vật và đạt được giác ngộ. Nét đặc trưng của Thiền tông có thể tóm tắt như sau:

Giáo ngoại biệt truyền - truyền giáo pháp ngoài kinh điển Bất lập văn tự - không lập văn tự

Trực chỉ nhân tâm - chỉ thẳng tâm người Kiến tính thành Phật - thấy chân tính thành Phật.

Thiền là sự trở về với bản tâm thanh tịnh của mỗi con người. Theo lý luận của Thiền tông, mỗi con người đều có bản tâm thanh tịnh, tâm Phật nên thiền chính là sự nỗ lực của mỗi con người trong việc tự mình tìm lại bản tâm, tâm Phật của chính mình. Thiền tông không câu nệ nhiều đến các nghi thức, các bài kinh kệ, những bài luận khó hiểu, nhưng cũng không phủ nhận nội dung tinh hoa của chúng.

Phật giáo thiền đến Việt Nam từ thế kỷ thứ II, thứ III với vai trò khởi đầu của Khương Tăng Hội. Cha mẹ ông là người Ấn Độ, ông sinh ra tại Giao Chỉ. Khương Tăng Hội được coi là sáng tổ của thiền học Việt Nam. Ông đã viết các kinh An Ban Thủ Ý, Lục Độ Tập Kinh, Pháp Cảnh Kinh, Lục Độ Yếu Mộ... và phát huy thiền học theo tinh thần Đại thừa. Tuy nhiên, Phật giáo thiền Việt Nam chỉ thực sự trở thành Thiền tông khi Trung Quốc truyền Thiền học vào Việt Nam.

Thiền tông Trung Quốc được truyền sang Việt Nam bởi Thiền sư Tìniđalưuchi, đắc pháp nơi Tam tổ Tăng Xán vào năm 580. Sau đó, đệ tử của thiền sư Bách Trượng Hoài Hải là Vô Ngôn Thông sang Việt Nam truyền tông chỉ Huệ Năng vào năm 820. Thiền sư Thảo Đường đệ tử của Tuyết Đậu Trọng Hiển truyền tông phái Vân Môn Tông vào Việt Nam năm 1069. Ba phái thiền này đã tham gia hoằng dương Phật giáo Thiền tông ở Việt Nam và đến đầu thế kỷ XIII, ba tông phái này đã chấm dứt sự tồn tại của mình. Sự kết thúc đó lại là khởi đầu cho sự ra đời của một tông phái mới do người Việt Nam sáng lập.

Vào thế kỷ thứ XIII, ba thiền phái Tìniđalưuchi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường đời Lý dần được tổng hợp lại thành thiền phái Yên Tử. Về sau được vua Trần Nhân Tông đổi tên thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Phật giáo đời Trần đạt tới đỉnh cao bởi chính sự ra đời, tồn tại và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trường phái này đã có sự kế thừa, tiếp thu những tư tưởng của ba thiền phái trên ở các vấn đề sau:

Thiền phái Tìniđalưuchi: Tìniđalưuchi là thiền sư người Ấn Độ, năm 526 ông đến Trung Quốc gặp tổ Tăng Xán và trở thành học trò của Tăng Xán. Theo Thiền Uyển Tập Anh, năm 580 ông đến chùa Pháp Vân, làng Cổ Châu, Long Biên và ở lại chùa này để truyền đạo. Tìniđalưuchi đã dịch các bộ kinh Tượng Đầu Tinh Xá, Đại thừa Phương Quảng Tổng trì và Nghiệp Báo Sai Biệt làm cơ sở cho sự hình thành các tư tưởng thiền học của ông tại Việt Nam.

Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 1, tư tưởng cơ bản của thiền phái Tìniđalưuchi thể hiện ở các nội dung:

Phủ nhận vai trò của ngôn ngữ văn tự, theo thiền phái này bản chất của giác ngộ là cái vượt ra khỏi ngôn ngữ, văn tự, vượt ra khỏi mọi khái niệm. Sự giác ngộ, tu tập và hành đạo không thể dùng lời nói và chữ viết mà diễn tả được, chỉ có giác ngộ bằng tâm ấn thì mới có thể đạt tới giải thoát. Vì vậy, chủ trương của thiền phái Tìniđalưuchi về vấn đề giác ngộ, giải thoát được xây dựng theo tinh thần: “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” [65; tr. 130].

Tác giả Lê Mạnh Thát trong cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2, cũng đã phân tích về vấn đề này của thiền phái Tìniđalưuchi: “Kinh ấy đã định nghĩa bồ đề như là vượt khỏi ba cõi, vượt khỏi ngôn ngữ văn tự, không có trụ xứ. Điều này có nghĩa nó đòi hỏi ta phải thể nhập, phải sống bằng sự giác ngộ đó. Nói thế cũng tức nói bồ đề không thể dùng tri thức mà biết được. Nó không phải là một ngôn ngữ, một khái niệm, một phạm trù, nó đòi hỏi ta phải sống chính nó” [101; tr. 46].

Bên cạnh viêc phủ nhận vai trò của ngôn ngữ, thiền phái Tìniđalưuchi còn phủ nhận mọi quan niệm về hữu vô. Tư tưởng này giúp cho người tu hành phá bỏ tư duy phân biệt, phá bỏ tư duy về sự phân đôi thế giới thành những thái cực đối lập, nhờ đó giúp người tu hành vượt ra khỏi sự bám víu vào khái niệm, không để con người vướng chấp vào khái niệm hữu vô. Kinh Tượng Đầu Tinh Xá viết: “Bậc trí giả phải lấy thiền làm thể, thiền trí phải bình đẳng không phân biệt (theo lề thói khái niệm), bởi vì phân biệt chỉ là phương tiện. Phải quán ngũ ấm, lục nhập, thập bát giới, thập nhị nhân duyên, sự lưu chuyển sinh tử và các hình thái thiện ác là huyễn hóa, không phải hữu cũng không phải vô” [65; tr. 133].

Mặc dù phủ nhận vai trò của ngôn ngữ, văn tự nhưng phái Tìniđalưuchi vẫn coi trọng kinh sách. Coi kinh sách là phương tiện để đưa đến giác ngộ chứ không phải là cứu cánh cho người tu hành. Với ý nghĩa đó, phái này chỉ phủ định ngôn ngữ với tính cách là người tu hành lấy việc tích lũy, chấp chứa kiến thức sách vở làm mục tiêu của giải thoát.

Một đặc điểm quan trọng của phái Tìniđalưuchi là phái này chịu ảnh hưởng tư tưởng Mật giáo. Thiền phái Tìniđalưuchi về cơ bản là theo tư tưởng thiền, tuy nhiên thiền phái này đã sử dụng kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì là một kinh Mật giáo vào trong phương pháp tu hành, vì vậy trong hệ thống của thiền phái Tìniđalưuchi có những yếu tố của Mật giáo. Theo Mật giáo trong vũ trụ có tồn tại những thế lực siêu nhiên, nếu được những thế lực ấy hỗ trợ con người có thể nhanh chóng đạt được sự giác ngộ: “nhấn mạnh sự quan trọng của thiền tọa, của trực giác Bồ đề, sử dụng những hình ảnh cụ thể và những mật ngữ để khai mở trí tuệ giác ngộ” [65; tr. 138]. Sự giác ngộ có thể đến ngay trong giây phút hiện tại. Do ảnh hưởng của Mật tông, thiền phái này rất chú trọng việc sử dụng thế lực của thần linh, sử dụng thần chú, ấn quyết và các hình ảnh mạn đà la để hỗ trợ đắc lực cho người tu hành trong hành đạo; sử dụng thuật sấm vĩ, phong thủy học trong lĩnh vực chính trị, suy đoán về tương lai, xem xét địa thế trong xây chùa tháp, nhà cửa, phần mộ, thành quách… Những nội dung của Mật giáo phù hợp với tín ngưỡng dân gian và các tầng lớp nhân dân nghèo khổ. Vì vậy, thiền phái Tìniđalưuchi đáp ứng được nhu cầu tinh thần đa dạng của các tầng lớp nhân dân.

Như vậy, theo Nguyễn Lang: “Thiền phái Tìniđalưuchi bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, Tam Luận và Hoa Nghiêm, có khuynh hướng thiên về Mật giáo, theo tinh thần bất lập văn tự nhưng vẫn chú trọng nghiên cứu kinh, luận. Chủ trương thực tại không hữu, không vô, chú trọng truyền thừa bằng tâm ấn, có khuynh hướng nhập thế và sử dụng các học thuyết sấm vĩ. Thiền phái này hầu như chỉ chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ mà ít chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa.

Thiền phái này vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ” [65; tr. 164].

Thiền phái Vô Ngôn Thông: Vô Ngôn Thông là thiền sư người Trung Quốc, đến Việt Nam năm 820, ở tại chùa Kiến Sơ, sau đó thành lập thiền phái Vô Ngôn Thông tại Việt Nam. Tư tưởng cơ bản của thiền phái Vô Ngôn Thông bao gồm các vấn đề:

Trong tư tưởng của phái Vô Ngôn Thông, vấn đề giác ngộ, giải thoát bằng nhận thức trực giác được đẩy mạnh và trở thành yếu tố cơ bản nhất để bảo đảm thành tựu trong tu hành. Nhấn mạnh thuyết Đốn ngộ, thiền phái này cho rằng con người trong một giây lát có thể đạt được giác ngộ, mà không cần phải đi qua nhiều giai đoạn tiệm ngộ. Vì vậy, thiền phái này đề cao sự giác ngộ bằng trực giác, không quá chú trọng giác ngộ thông qua việc nghiên cứu kinh sách. Tác giả Nguyễn Lang đã khẳng định: “Vô đắc cũng là một phương pháp thiền quán trong đó người hành giả không chạy theo một đối tượng gọi là sự giác ngộ. Ở đây là thiền quán, không có người trao truyền và kẻ được trao truyền. Nhưng ở đây cũng không có chủ thể thiền quán và đối tượng thiền quán. Chủ thể và đối tượng là một: giác ngộ cũng giống như khả năng chiếu rọi sẵn có trong một bức gương, không cần phải đi tìm ngoài tự tâm mình” [65; tr. 181].

Giống như thiền phái Tìniđalưuchi, thiền phái Vô Ngôn Thông cũng phủ nhận vai trò của ngôn ngữ, phái này cho rằng ngôn ngữ là phương tiện để biểu đạt về sự vật, nhưng ngôn ngữ không thể diễn tả được đúng về bản chất của sự vật, nên nếu chỉ thông qua ngôn ngữ con người không nhận thức đúng được về sự vật. Vì vậy, trường phái này đề cao sự nhận thức bằng trực giác. Từ lập luận trên, phái Vô Ngôn Thông đưa ra nguyên tắc Vô đắc với nội dung: nguyên tắc của sự giác ngộ là mỗi người phải tự thực hiện lấy sự giác ngộ, sự giác ngộ không thể do người khác mang lại mà có.

Về con đường giải thoát phái Vô Ngôn Thông sử dụng thoại đầu trong phương pháp tu hành. Để khai tâm cho người học thiền, các thiền sư sử dụng một câu nói hay một mẩu đối thoại có tác dụng thúc đẩy hay phát khởi sự giác ngộ nơi tâm tư người tu hành. Đây là sự cố gắng của thiền sư và đệ tử trong việc khai mở trí tuệ người đệ tử. Sử dụng thoại đầu không có nghĩa là phái này khai thác ý nghĩa của các khái niệm để dẫn dắt người tu hành mà chính là để người tu hành thấy được sự vô nghĩa của khái niệm, từ đó dứt trừ tư duy khái niệm chuyển sang tư duy bằng trực giác.

Bên cạnh phương pháp sử dụng thoại đầu, thiền phái Vô Ngôn Thông còn sử dụng các phương pháp như quát, đánh, la hét để khai tâm cho học trò. Phương pháp này ảnh hưởng bởi dòng thiền Lâm Tế của Trung Hoa.

Mặt khác thiền phái Vô Ngôn Thông còn ảnh hưởng tư tưởng của phái Tịnh độ tông. Tịnh độ tông chủ trương niệm Phật để đạt đến nhất tâm bất loạn, vãng sinh vào cõi cực lạc, chú trọng phương pháp quán niệm, gần gũi với thiền định để đạt tới giải thoát.

Tóm lại phái Vô Ngôn Thông chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa sâu đậm hơn thiền phái Tìniđalưuchi. “ nh hưởng này thể hiện trong lối tổ chức tu viện, trong sử dụng thoại đầu và ở chỗ ảnh hưởng của Tịnh độ giáo” [65; tr. 204].

Như vậy, Vô Ngôn Thông là tông phái Thiền tông, với chủ trương dĩ tâm truyền tâm chứ không phải là dĩ ngôn truyền tâm. Chủ trương bất lập văn tự, đề cao đốn ngộ.

Thiền phái Thảo Đường: Thiền phái Thảo Đường do nhà sư tên Thảo Đường sáng lập ở Việt Nam khoảng năm 1069, ra đời ở thời Lý. Trường phái này có nguồn gốc từ hệ thống thiền phái Vân Môn, Tuyết Đậu của Trung Quốc.

Đặc điểm cơ bản của thiền phái này là chủ trương dung hợp giữa Nho giáo và Phật giáo, đưa Nho giáo đến gần đạo Phật, đặc điểm này đã ảnh hưởng nhiều đến Phật giáo đời Trần ở Việt Nam. Trường phái này chỉ hoằng dương thiền học trong giới trí thức, tầng lớp quý tộc, thượng lưu. Những người bình dân không là đối tượng được tham gia các sinh hoạt của trường phái này. Thực tế này cho thấy Thiền phái Thảo Đường có sự phân biệt đối đãi, thừa nhận sự bất bình đẳng trong xã hội. Cũng vì đặc điểm này mà thiền phái Thảo Đường không phát triển được trong quần chúng mà chỉ ảnh hưởng tới một số trí thức, quý tộc thượng lưu. Vì thế thiền phái Thảo Đường đã không phát triển thành hệ thống, không lan truyền sâu rộng và không tạo ra được hình thức sinh hoạt tăng viện độc lập. nh hưởng của thiền phái này chỉ ở góc độ học tập và đã kết thúc vai trò của nó khi Thiền Trúc Lâm Yên Tử ra đời.

Xuất phát từ việc hợp nhất của các thiền phái Tiniđalưuchi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thời Lý nên tư tưởng thiền học đời Trần là sự kế thừa có chọn lọc

những tư tưởng của các thiền phái này và phát triển chúng lên một trình độ mới, hình thành những tư tưởng độc lập đặc trưng cho Phật giáo đời Trần. Tư tưởng Thiền học đời Trần là sự tích hợp ba trường phái thiền thời Lý, dựa trên cơ sở trụ cột là thiền.

Thiền học đời Trần tiếp nhận tư tưởng phủ nhận vai trò của ngôn ngữ và phủ nhận quan niệm hữu vô của thiền phái Tìniđalưuchi. Đồng thời kế thừa cả quan điểm phủ nhận vai trò của ngôn ngữ, văn tự nhưng vẫn coi trọng kinh sách. Coi kinh sách là phương tiện để đưa đến giác ngộ cho người tu hành. Điểm khác trong tư tưởng của Thiền học đời Trần so với Tìniđalưuchi là sự gạt bỏ yếu tố Mật tông ra khỏi hệ thống giáo lý và phương pháp tu hành.

Đối với phái Vô Ngôn Thông, Thiền học đời Trần kế thừa tư tưởng phủ nhận vai trò của ngôn ngữ và đề cao giác ngộ bằng trực giác, đề cao phương pháp đốn ngộ trong con đường giải thoát. Sử dụng thoại đầu và các phương pháp quát, đánh, la, hét để khai thị cho người tu hành và sử dụng các phương pháp của phái Tịnh độ đạt tới giải thoát bằng con đường tiệm ngộ.

Về phái Thảo đường, hiện tượng các ông vua và tầng lớp quý tộc Trần trở thành những tín đồ sùng đạo Phật, trở thành các nhà thiền học là sự nối tiếp truyền thống phát triển Phật học trong giới trí thức, bác học, trong giới cầm quyền của thiền phái Thảo Đường.

Như vậy, Thiền tông đời Trần không phải là thiền tọa đơn thuần, không chỉ tham cứu thoại đầu như khuynh hướng trội của Thiền tông Trung Hoa, mà bắt đầu hình thành khuynh hướng tích cực học tập kinh điển, nghiên cứu các bộ ngữ lục.

Các thiền sư đã tiến hành phân tích, chú giải, biện luận các bộ kinh, các bộ luận dưới dạng các khoá, lục, sớ. Điều này được thể hiện trong các tác phẩm của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông như: Khoá hư lục, Thiền tông chỉ nam, Kim cương tam muội kinh chú giải, Lục thì sám hối khoa nghi, Bình đẳng lễ sám văn; Trần Nhân Tông có các tác phẩm: Thiền Lâm Thiết Chuỷ Ngữ Lục, Trúc Lâm Hậu Lục, Thạch Thất Mị Ngữ, Đại Hương Hải Ấn Thi Tập, Tăng Già Toái Sự; Cư Trần Lạc Đạo Phú, Đắc Phú Lâm Tuyền Lạc Đạo Ca…

Một phần của tài liệu Tư tưởng Thiền học đời Trần và giá trị của nó đối với xã hội đương thời (Trang 49 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)