Chính sách ân hạn nộp thuế đã thực sự giúp cho các DN giảm bớt áp lực về
tài chính trong quá trình kinh doanh, sản xuất nhưng cũng đã tạo cơ hội cho một số
DN lợi dụng để trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Hiện nay, Luật Quản lý
thuế đã quy định việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính về thuế, tuy nhiên các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, quá trình áp dụng vào thực tiễn còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả đạt được của công tác này còn thấp.
Như đã đề cập ở trên, số nợ đọng tại Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh chiếm tỷ
trọng tương đối cao so với số thu thuế hàng năm. Phần lớn số nợ thuế phát sinh trước thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực, các DN nợ thuế phần lớn đã tạm
ngừng hoạt động, giải thể, phá sản…nên rất khó khăn trong việc triển khai áp dụng
các biện pháp cưỡng chế hành chính thuế. Kết quả đạt được rất thấp so với tổng số
nợ đọng tại đơn vị, từ năm 2005 đến năm 2009 số thuế thu được từ hoạt động này
chưa vượt quá 0.5% trên tổng số thuế phải cưỡng chế. Riêng năm 2010, kết quả đạt được có cao hơn do Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đã áp dụng thành công biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên nộp ngân sách hơn 4 tỷ đồng nhưng nhìn chung hiệu quả công tác cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế vẫn còn thấp
so với số nợ đọng cần phải thu đòi.
Việc tổ chức thực hiện cưỡng chế thu thuế chưa hiệu quả một phần do các quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính thuế chưa cụ thể, rõ ràng, quá trình thực hiện gặp nhiều
khó khăn, vướng mắc; mặt khác còn do sự thiếu quyết tâm thực hiện đến cùng của
Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh. Để thực hiện thành công một vụ cưỡng chế đòi hỏi phải
mất rất nhiều thời gian, công sức và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân; vì vậy
ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh nói riêng rất thận trọng
trong việc ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế mà chủ yếu áp dụng
biện pháp dừng làm thủ tục hải quan không mấy hiệu quả như hiện nay.