Ký ức về quê hương trong tâm thế lai ghép văn hóa

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của linda lê nhìn từ phê bình hậu thuộc địa (Trang 55 - 62)

CHƯƠNG 2: VĂN HỌC DI DÂN VIỆT NAM VÀ TIỂU THUYẾT

2.1. Văn học di dân - vài điểm cần lưu ý

2.1.3. Ký ức về quê hương trong tâm thế lai ghép văn hóa

Có thể nói ký ức đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với người di dân.

Không có ai sống mà không có ký ức: ký ức là nguyên liệu của lịch sử và là nền tảng của văn hoá. Nhưng có lẽ không ai cần ký ức và bị ám ảnh bởi ký ức một cách day dứt bằng người di dân: ký ức không những là tài sản mà còn là bầu khí quyển trong đó người di dân tồn tại. Ký ức giúp họ giữ được hình ảnh của quê hương. Ký

ức trở thành quê hương. Những nhà văn di dân, ở khía cạnh nào đó, là những người canh giữ di sản văn hóa dân tộc khi họ dùng con chữ để viết về những ký ức nơi quê hương, gốc gác của mình. Từ những ký ức bao giờ cũng bám riết lấy tâm thân, nên trong tác phẩm của những nhà văn di dân bao giờ cũng tồn tại hai không gian đan cài với nhau. Đó là không gian của quê hương, không gian nguồn cội và một bên là không gian thực dân, không gian ngoại quốc. Và đây cũng chính là hai không gian chủ đạo, tạo nên cảm thức lưu vong rõ nét nhất trong các tác phẩm văn học di dân.

Trong The Book of Salt Monique Trương viết như đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “nếu không phải chiến tranh thì điều gì đã khiến một người phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi?”19.

Nhân vật chính - Bình luôn sống trong trạng thái hồi tưởng lại quá khứ của mình ở Việt Nam, đó là một ký ức nhiều nỗi đau. Bình là con út trong một gia đình có bốn người con, cha anh là một người ưa lăng mạ và ác độc, còn mẹ anh là người quỵ lụy. Khi lớn lên, Bình và gia đình phát hiện ra anh bị đồng tính. Lúc bấy giờ, ở Việt Nam, đồng tính bị xem là một căn bệnh “vô phương cứu chữa”. Bình bị người cha lăng nhục và đuổi ra khỏi nhà. Trong những ngày lang thang phiêu bạt, Bình ra tới biển và lúc tỉnh dậy thì ngạc nhiên thấy mình ở Paris. Bình là một người con bị hắt hủi trên chính đất nước mình, bởi chính người cha của mình. Còn Paris lai là nơi dang rộng vòng tay đón anh. Những năm sống ở Paris, anh đã cố gắng đi tìm sự hòa giải cho hiện tại và quá khứ. Nhưng với anh, “tôi không có bất cứ kỷ niệm ngọt ngào nào ở Việt Nam. Quá khứ đã qua rồi, tôi chỉ thương tiếc nó”. Mặt khác, ở ngay trên đất nước đã cưu mang mình, Bình vẫn chỉ là một người ngoại quốc, một kẻ cô đơn, một người lạc lõng, sự hiện hữu của anh gợi lại quá khứ của chính anh:

19 Tác giả dịch từ http://mostlyfiction.com/world/truong.htm

“Gương mặt tôi đánh dấu tôi, thông điệp cho sự yếu đuối của tôi, phô bày tôi là một kẻ da vàng… Mỗi ngày, khi tôi đi bộ trên đường, người ta ném ánh mắt tò mò về phía tôi – một người lao động xứ Đông Dương, phổ biến và bừa bãi… Ở đây, tôi có thể là một người đàn ông, một kẻ vô danh, và, có thể là một sinh viên, một người làm vườn, một nhà thơ, một đầu bếp, một hoàng tử, một bác sĩ, một học giả.

Nhưng ở Việt Nam, trên tất cả tôi chỉ cần là một người đàn ông”20. Câu chuyện của Bình là câu chuyện về quá khứ và những mất mát, đau khổ đã xảy ra với anh. Song, quê hương vẫn là một ám ảnh sâu sắc khiến anh như chú cá con mắc kẹt trong vũng bùn: ở lại Paris, đến Mỹ với chủ nhân hay trở lại quê nhà?

Chính vì không thuộc quê mới mà cũng không thuộc về quê cũ, vậy, không gian thực sự của người di dân là ở đâu? “Ở giữa: giữa các quốc gia và các nền văn hoá; giữa đây và đó; giữa quá khứ và hiện tại. Ở trên cái gạch nối thường được sử dụng để định danh căn cước của người di dân trong tiếng Anh: Vietnamese - Australian hay Vietnamese – American... người di dân không tìm thấy sự định vị nào cho mình, giữa cái gạch nối nho nhỏ ấy là không đâu cả”21. Chính điều kiện và hoàn cảnh sống đặc biệt này đã khiến cho, trong sáng tác của họ, luôn tồn tại một cảm thức lưu vong trong trạng thái lai ghép về văn hóa.

Không chỉ các nhà văn, hầu như tất cả những người dân di cư sau thời thuộc địa cũng đều mang một cảm thức như vậy. Nhiều người tự nhận mình là “thế hệ bánh mì kẹp”: “vướng mắc giữa hai quê hương, giữa hai nền văn hoá, giữa hai thế hệ, thế hệ chúng tôi là thế hệ “bánh mì kẹp”... Cây cối làm sao sống thiếu gốc rễ?

Con người ta làm sao sống thiếu cội nguồn? Làm sao tôi có thể vui sướng bên ngoài khi bên trong trống vắng? Tôi có thể thích pot-au-feu hay bouillabaisse nhưng bao giờ tôi cũng vẫn thèm một tô phở đặc biệt, tái-nạm-gầu-gân-sách-sụn...

20 Tác giả dịch từ http://mostlyfiction.com/world/truong.htm

21 Đào Trung Đạo, Nhà, quê nhà trong văn chương xứ Việt Nam, http://www.gio-o.com/DaoTrungDao/DaoTrungDaoVanChuongVoXuR.html

Tôi có thể viết tiếng Pháp giỏi hơn người Pháp trung bình, nhưng tim tôi bao giờ cũng rung động khi tôi được đánh dấu hỏi, dấu ngã. Tôi có thể thích xem phim

“action” Mỹ hay nghe Claude Barzotti hát nhưng tôi vẫn thấy thấm thía hơn khi tôi nghe nhạc Việt, tôi vẫn truyền cảm hơn khi hát tiếng Việt. Tôi có thể ngoảnh lại nhìn một cô đầm tóc vàng, mắt xanh nhưng tôi chỉ có thể hạnh phúc với người đàn bà gọi tôi bằng “Mình ơi!”.

Chỉ vì đó là văn-hoá dân-tộc nằm trong máu, trong xương tủy tôi, vì đó là giáo dục bố mẹ, ông bà tôi đã truyền lại cho tôi, vì đó là vết tích của mấy ngàn năm lịch sử.

Chỉ vì tôi là người Việt Nam”22.

Những người di dân Việt Nam nói chung, họ hầu hết không phải là công dân bị trục xuất khỏi quê hương, chính họ tự nguyện ra đi vì một lý do nào đó. Trong con người họ luôn luôn tồn tại song song hai nền văn hóa khác nhau, thậm chí, đã từng là đối chọi nhau. Trong tâm hồn họ bao giờ cũng có một cuộc chiến buộc họ phải có tính cách hoặc của một người bản địa hoặc của một người nhập cư. Tuy nhiên, việc cắt bỏ hoàn toàn một phần bản sắc thuộc về cội rễ đối với người di dân là điều không bao giờ xảy ra. Hơn ai hết, nhà văn là những người ý thức rất rõ về nguồn cội của mình, là người “đi ra từ đáy tâm lý nhân loại”, tác phẩm của họ, vì thế, luôn ẩn chứa tính lai ghép (hybridity) về văn hóa trong nỗ lực đi tìm và định nghĩa chính mình. Tính lai ghép ấy được biểu hiện trong các tác phẩm bằng sự đan cài giữa quá khứ và hiện tại, giữa gốc gác và bản xứ, giữa ổn định và bất ổn, giữa ra đi và trở về... Và đây, có thể nói, là đặc điểm nổi bật của tâm thức hậu thuộc địa trong văn chương di dân nói chung.

22 Yên Hà, Thế hệ bánh kẹp,

http://www.nguoiviet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=152425&zoneid=16#.U5 vFpS9YeYo.

“Tôi được sinh ra, hình như ở Hà Nội, vào một ngày mùa xuân, ít lâu trước cuộc chiến tranh thế giới thứ Hai, kết quả của cuộc hôn phối chốc lát giữa một cô gái An Nam và một người Pháp”23.

Đó là đoạn mở đầu của cuốn Métisse Blanche - Cô gái lai da trắng, tự truyện của Kim Lefèvre, do nhà xuất bản Bernard Baurrault ấn hành tháng 4-1989 tại Paris, đã được dịch sang tiếng Việt, nhà xuất bản Nhã Nam ấn hành năm 2011, tiểu thuyết này ngay khi vừa ra đời đã được “Giải thưởng bạn đọc” của tạp chí Ellen - một tờ tạp chí lớn chuyên về phụ nữ ở Pháp.

Cô gái lai da trắng là câu chuyện kể về một cô bé lai. Cha là một quân nhân Pháp đã hoàn toàn “mất dấu” khi Kim ra đời. Trong hoàn cảnh chiến tranh, tinh thần bài ngoại là một định kiến không bao giờ thay đổi được. Số phận của Kim, cũng vì thế mà đầy những bất công. Tác phẩm đã nói lên những ẩn ức riêng tư của một sinh linh nhỏ bé chưa từng được thừa nhận trong xã hội. Trong mắt dân tộc, những đứa trẻ lai là những đứa “ngoại quốc”, những “thứ bỏ đi”, những “đứa con rơi”, chúng – gián tiếp cũng bị coi như là “kẻ bội phản”, là biểu hiện của bọn xâm lược trên đất nước – không đáng để được yêu thương. Những đứa trẻ lai, đồng thời, cũng đã bị chính cha/mẹ ngoại quốc của mình bỏ rơi từ lúc mới sinh ra. Số phận chúng là số phận của kẻ lạc loài.

Là một đứa con lai da trắng, ngay từ thời thơ ấu, Kim đã cảm nhận được sự khác biệt ở chính mình qua cách mà mọi người xung quanh đối xử với cô. Nhưng giống như mọi đứa trẻ, Kim lớn lên thuận theo tự nhiên, khung cảnh làng quê Việt Nam đã nuôi dưỡng tâm hồn và khơi gợi nơi Kim những tình cảm gắn bó trong trẻo, hồn nhiên nhất với quê hương... Đồng thời cũng ở đó, Kim đón nhận mọi phản ứng của xã hội đối với mình, cô giống như một mầm non bị vùi dập vẫn cố gắng vươn mình, lách qua dãy thép gai của định kiến sinh ra trong sự phức tạp của bối cảnh

23 Kim Lefèvre (2011), Cô gái lai da trắng, NXB Hội Nhà Văn, tr.7.

chính trị để lớn lên. Đứa trẻ ấy phải sống trong sự bảo hộ bất đắc dĩ của những người họ hàng, lớn lên trong sự lạnh nhạt của người cha dượng, lớn lên trong sự thiếu thốn tình mẫu tử ở trại trẻ mồ côi... Dù đã có lúc đứa trẻ được sống vô tư trong những tháng ngày êm đềm tại làng quê nhưng nó vẫn luôn ý thức sự khác biệt trong dòng máu của mình. Càng trưởng thành, Kim càng thấy chơi vơi, không biết mình thuộc về đâu, chính xác mình là ai, mình thuộc về nơi nào. Cô không thể chối bỏ một nửa dòng máu xa lạ hiện lên trong mắt cô, da cô, tóc cô, có khi cô căm ghét nó nhưng dù thế nào, sự thật vẫn hiện hiện: nó là một phần của cô, là chính cô, mãi mãi không thể nào thay đổi.

Sự khác biệt về màu da, mái tóc, màu mắt chính là điểm khiến cho người Việt Nam thuộc địa một thời, căm thù như một hệ lụy tất yếu của chiến tranh. Người ta không dễ quên đi những tội ác mà kẻ thù giày xéo trên quê hương họ, cũng như, rất khó để mở rộng vòng tay đón nhận một đứa trẻ lai dòng giống cướp nước ấy. Mặc dù, tất nhiên, đứa trẻ ấy không hề có tội. Tuy nhiên, tác phẩm không phải là lời lên án những đối xử bất công của người thân đối với một đứa trẻ, mà nó, là hành trình của ký ức, nhân vật đi tìm lại quá khứ như một kỷ niệm buồn cần được chia sẻ và cảm thông. Sau khi được mẹ tìm mọi cách cho ăn học, Kim sang Pháp, cô đã thành công ở đây. Nhưng những ký ức về Việt Nam với những năm tháng có tình yêu chân thành (nhưng không thể vượt qua định kiến) của mẹ, của bà Pho… không thể nào phai. Cô trở về nước như ùa vào vòng tay mẹ.

Cũng giống như The Book of Salt hay Métisse Blanche, Vu khống là câu chuyện đan cài giữa quá khứ và hiện tại, trong đó, mỗi nhân vật đều là những người cô đơn đi bên lề cuộc đời. Họ chơi vơi giữa lằn ranh của hai ý thức hệ, nếu trở về với quá khứ, nghĩa là họ có thể xác tín sự hiện diện của mình, nhưng nếu chối bỏ quá khứ, mãi mãi họ chỉ là cái bóng của chính mình mà thôi. Người cậu đã muốn chôn vùi quá khứ, nay quá khứ ấy sống dậy. Cô cháu gái không biết sự thật trong

quá khứ, lại khao khát kiếm tìm. Chính câu hỏi về tông chi ngọn ngành, về gốc rễ của con người để xác định sự tồn tại cũng chính là câu hỏi mà hậu thuộc địa đòi hỏi được trả lời. Cô gái trong Vu khống có hai người cha, một người cha Việt Nam và một người cha Ngoại Quốc, cô vừa tôn thờ người cha Việt Nam nhưng cũng vừa nghi ngờ ông đã bỏ rơi mình. Yêu thương người cha Việt Nam bao nhiêu, cô lại ghét người cha Ngoại Quốc bấy nhiêu, nhưng càng căm ghét, cô lại càng nao núng, có phải ông ta là cha thật của cô không? Có phải cha Việt Nam không phải là cha thật? Cô cần phải được biết cha đẻ của mình là ai để biết mình là ai trong thế giới này.

Như vậy, có thể nói trong văn chương di dân, hầu hết các nhà văn tập trung khai thác số phận của những con người “đứng bên rìa” hai nền văn hóa bên cạnh việc tái hiện lại ký ức của nhân vật trên mỗi trang văn. Hầu hết những tác phẩm tiêu biểu đều mang dáng dấp tự truyện, điều đó có nghĩa là những nhà văn di dân ít nhiều mang thân phận như thế.

Tóm lại, là một biểu hiện khá rõ nét cho văn học hậu thuộc địa, văn chương di dân mang trong mình những đặc điểm hết sức đặc biệt. Không ở đâu như trong văn chương di dân những vấn đề về ngôn ngữ, bản sắc và sự lai ghép lại được miêu tả sâu sắc như thế. Đó vừa là tiếng nói phản ứng lại những bất công đã từng tồn tại trong quá khứ, vừa là nỗ lực đi tìm những giá trị mới cho những mối quan hệ đã từng là đối cực của nhau. Đây đồng thời cũng là điểm gặp gỡ mà văn học hậu thuộc địa hướng tới để phân tích và mổ xẻ, nhằm đem đến những chân trời mới, những không gian mới, những “đường thoát” cho một nền văn học “thiểu số” trong tương quan với những gì được cho là chuẩn mực, là trung tâm dù là ở khía cạnh này hay khía cạnh khác.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của linda lê nhìn từ phê bình hậu thuộc địa (Trang 55 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)