CHƯƠNG 3: TÍNH CHẤT HẬU THUỘC ĐỊA
3.3. Câu hỏi về bản sắc
Có lẽ không ở đâu, câu hỏi về tông chi ngọn nguồn của một cá nhân, một thế hệ lại được các nhà văn di dân tô đậm đến thế. Cũng như các quốc gia hậu thuộc địa, rốt cuộc sau khi thoát khỏi chế độ thuộc địa rồi, họ vẫn cứ mang trong mình những mặc cảm, những giới hạn và những đường biên ngăn cách với thế giới bên ngoài mà không sao xoá bỏ được. Họ đã từng căm ghét những thứ ngoại lai, từng tẩy chay nó đến tận cùng giờ đây lại ngưỡng vọng nó, hướng đến nó với con mắt thán phục trong câm lặng. Và càng thán phục, càng thừa nhận sự tiến bộ của nó cũng có nghĩa là mang mặc cảm phủ nhận mình, thành ra, cứ có cái gì đó ngập ngừng, đắn đo, hình như không dám bước qua ngưỡng cửa của dân tộc để bước vào tiến trình mới, tiến trình của sự phát triển và biến đổi. Một quá trình không phải chỉ tồn tại mà là phát triển và trở thành Khác ở phía trước.
Các nhân vật trong tác phẩm của Linda Lê cũng vậy, họ luôn luôn bị lưỡng phân bởi câu hỏi về cội nguồn. Họ đến từ đâu? Nơi nào mới là nơi mà họ thuộc về, nơi nào mới là nơi dung nạp họ? Họ đã là ai, có thể là ai và sẽ là ai trong thế giới này? Và liệu nơi họ đã sinh ra có thực sự tốt đẹp hay không? Theo lẽ thường, gia đình là đơn vị cơ bản nhất của xã hội, gia đình là tế bào đồng thời cũng là biểu hiện sinh động của một xã hội thu nhỏ. Ở đó, bản sắc văn hóa và phong tục tập quán của một quê hương xứ sở nào đó sẽ được biểu đạt. Ở đó, bản lai diện mục của một cá nhân sẽ được xác tín. Rằng tôi là con ông A, bà B, rằng tôi được sinh ra ở đất nước C... Do đó, gia đình cũng đồng thời diễn tả ý niệm về Tổ Quốc, về Quê Hương.
Trong tiểu thuyết của Lê, đất nước và quê hương cũng được biểu hiện thông qua hình ảnh gia đình, dòng họ, đặc biệt là hình ảnh Người Cha được lặp đi lặp lại
nhiều lần. Ở đó, hiện lên khá rõ câu hỏi và đồng thời cũng là câu trả lời cho gốc rễ của nhân vật.
Cô gái trong Vu khống chính là một người luôn bị dằn vặt bởi câu hỏi về Cha, cô gái ấy có một thân phận không rõ ràng. Cô gái đã lựa chọn đến Pháp để tìm sự thật về quá khứ của mình, về người cha THẬT của mình: “Đã kiêu hãnh là dân Chà Chệt viết văn bằng một ngôn ngữ không phải của mình, nó lại muốn thêm được hồ nghi con hoang, được bán tín bán nghi con lai” [I-A; 11; 171]. Bởi, mẹ cô, đã nhồi nhét vào đầu cô một người cha mới, một “Người Ngoại Quốc”, một người cha thực, “Cuộc Tình Đời Mẹ”. Mẹ nó bảo:
“Cha thực của con là một người hết sức có giáo dục…một người thật phong nhã…một người tình hạng nhất… một người thật kiêu hãnh, can trường…” [I-A;
11; 59; 60, 61]; mẹ nó bảo: “con bênh vực một người thật ra chẳng phải cha con.
Ông cũng biết ông không phải là con ông. Trong thâm tâm, ông chỉ coi con là một đứa con hoang thôi…” [I-A; 11; 79]; mẹ nó bảo, “hỏi cậu mà xem. Cậu sẽ xác nhận cha thực của con là Người Nước Ngoài, người ghé qua, người tình vài tháng và là Cuộc Tình Đời Mẹ” [I-A; 11; 27].
Cô buộc phải bán tín bán nghi sự hiện diện của chính mình, cô tự vấn: “mười ngày ấy, nó tự bảo, có khác gì mình chẳng có mặt trên đời, cha chẳng mong muốn có mình. Mình là kẻ lọt lòng không ai thấy. Kẻ vô hình, kẻ bị bỏ quên... Dần dà, ngờ vực hiện đến: cha không phải là cha thực” [I-A; 11; 91]. Sự nhập nhằng của hai người cha đưa đến cho cô một thân phận không được thừa nhận, là kẻ vô hình, kẻ bị bỏ quên: “Đất nước chẳng còn gì cho nó, từ khi những Người Áo Đen đã đuổi Người Nước Ngoài – họ là những người cha mới của đất nước” [I-A; 113; 232].
Cô dường như không còn hoàn toàn thuộc về cha, người cha Việt Nam đã từng cắt báo làm diều cho cô, đã từng dắt tay cô đi dạo, từng dạy cô tập vẽ, người mà cô luôn tìm đủ mọi cách kiếm tiền (bán sách báo cũ) để mua thuốc lá cho ông. Cô phải
đi tìm câu trả lời, câu trả lời cuối cùng cho chính mình, rằng ai mới là cha thật của cô?
Trước đây, cô gái chỉ biết đến một cha – người cha Việt Nam – người mà cô hết lòng thương kính, người cha dạy cho cô biết quý trọng nghệ thuật, khinh rẻ đồng tiền. Người cha của tình thương yêu và cao thượng. Song, người cha ấy, lại cũng hiện lên là một kẻ cam chịu, nhún nhường. Không bao giờ khuất phục nhưng cũng không dám đấu tranh. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, khi mà những người dân Việt Nam sống ban ngày dưới sự chèn ép của thực dân, ban đêm dưới sự chỉ đạo của “những người áo đen”, họ còn sự lựa chọn nào khác? Đó là tình trạng lưỡng phân mà chắc chắn rất nhiều người đã trải qua, lựa chọn yên thân hay lăn vào cuộc chiến không hẹn ngày trở về? Với tư cách là một con người, họ có quyền được lựa chọn sống. Ở khía cạnh này, có thể thấy cha cô gái là người đại diện cho sự cam chịu.
Nhưng sau đó, nhờ mẹ, cô phát hiện ra mình là con hoang, có thêm một người cha mới, một người Ngoại Quốc. Người mà mẹ cô sẵn sàng dâng hiến tất cả, lòng chung thủy, sự yêu thương và phẩm giá để đổi lấy những tờ đô-la “đầy giá trị”.
Trong mắt mẹ, người cha ấy thật tuyệt vời, nhưng cô gái, cũng đã không thể quên được “từ miệng con người ấy phát ra những lời sát nhân”, không thể cố nghĩ “mắt con người ấy đã không thấy gì, bừng bừng vì yêu đương chứ không phải vì những đám cháy do ông ta hạ lệnh ném bom…”. Cái người cha ấy, thật sự tàn nhẫn và ác độc, là kẻ đi xâm chiếm, là kẻ sát nhân, nhưng người cha ấy cũng là một phần trong huyết quản cô, dù đến chết, cô vẫn không thể phủ nhận dòng máu Ngoại Quốc đang chảy trong mình.
Đối với cô gái, việc có hai người cha nửa thực: một bên dính cứng nơi quê nhà, một bên là người nước ngoài ghé qua; một bên là kẻ bất đắc chí, một bên là tay sành đời quyến rũ; một bên ngập tràn lòng thương người, một bên sẵn sàng giết
chết con người… đều chỉ khiến cho cô cảm thấy mình là kẻ bơ vơ, là kẻ đứng bên lề, là sản phẩm của một trò chơi mà cô không biết mình là kết quả của trò chơi nào.
Cảm thức lạc lõng, bơ vơ và hờn tủi không ngừng bám riết cô gái. Dù người cha thật của cô không phải là người cô vẫn hằng thương yêu, trân quý đi nữa thì cô vẫn cần phải được biết sự thật. Biết, chỉ là để biết mình thật sự là ai trong thế giới này mà thôi.
Nỗi dằn vặt này cũng hiện lên trong tâm trạng của Ulma, cô em họ của Văn trong tiểu thuyết Sóng ngầm: “Bác sĩ Sullivan này, bà định nghĩa con người tôi đi. Là đứa trẻ được tạo bởi tình yêu? Là một đứa con hoang? Hẳn tôi không phải là kết quả của tình yêu đâu vì tác giả tạo ra thân xác này đã từ chối công nhận nó mà. Tôi mang họ mẹ, người đàn bà không có nổi một tấm ảnh của người tình một tuần lễ của bà. Ngay những ngày đầu đến trường mẫu giáo, bọn bạn đã hỏi tôi:
“Bố mày đâu? Chả bao giờ người ta trông thấy bố mày?” Rồi chúng cười phá lên chế diễu. Tôi không khóc nhưng tôi đau đớn đến bệnh hoạn”35.
Ulma mang nỗi đau đớn đến bệnh hoạn ấy trong đầu, dù lớn lên ở Pháp, với mẹ, nhưng từ sâu thẳm cô luôn nuôi giữ ý định phải sang Việt Nam một lần để khỏa lấp hình ảnh một ông bố chưa bao giờ biết mặt. Còn Văn, là người Việt Nam nhưng anh lại tìm mọi cách sang Pháp với mong muốn có một tương lai sáng lạng hơn. Nhưng rốt cuộc, khi anh thành công trở về bảo lãnh người mẹ đơn độc sang Pháp sống cùng mình thì cũng là lúc bà từ giã cuộc đời. Rồi một ngày nọ Văn nhận được một lá thư - lá thư từ Ulma, và cô nói giữa họ có một mối liên hệ máu mủ.
Rồi cả hai tìm đến nhau, lao vào nhau như thể khoảng trống trong tâm hồn họ đã tìm được nơi để dựa vào. Với Văn, Ulma như là hiện thân của ông bố đã mất. Với Ulma cũng vậy. Họ yêu nhau nhưng thật ra tình yêu của hai người chỉ là sự săn đuổi tuyệt vọng hình bóng của cùng một người cha. Và xa hơn, là gốc gác quê
35 Đặng Đình Túy, Đọc Sóng ngầm của Linda Lê, nguồn
http://quangioloc.wordpress.com/2013/02/16/doc-song-ngam-p-2-linda-le/
hương. Vì vậy tình yêu nhuốm màu loạn luân ấy, theo nghĩa này sẽ trở nên vô tội, bởi ngoài tư cách của hai kẻ tình nhân họ còn là đồng minh của nhau trong một chuyến đi không có điểm đến. Đó là chuyến đi để tìm về hình bóng người cha, tình mẫu tử đánh mất (bằng cách này hay cách khác), và ngôn ngữ đất mẹ, và quê hương gốc gác… Cho nên nỗ lực của họ cũng là nỗ lực của mọi con người có cùng hoàn cảnh, cùng một cảm thức cô đơn và thiếu vắng nguồn cội.
Trong Thư chết, hiện lên một bộ ba nhân vật (Nhà Xác – Cô gái – Người cha) và mắc kẹt trong mối quan hệ “tay ba” ấy là Cô gái. Nhà Xác và Cha, một người hào hoa ở xứ sở mẫu quốc và một người vẫn đơn độc nơi quê nhà; một người cô gái đã chọn dâng hiến toàn vẹn, còn một người cô đã từ bỏ để ra đi. Cũng có thể hình dung Cha và Nhà Xác là sự phân thân của chính cô gái, để giải quyết nỗi tuyệt vọng và ám ảnh của mình, cô đặt ra hai mối liên hệ. Một người đã chết nhưng có sức mạnh đưa cô về nơi bình yên, còn một người là đại diện cho những dục vọng và ước muốn nhưng không để cô gái một giây phút nào yên ổn. Sự phân thân này có thể xem là cuộc đấu tranh để nhân vật tìm ra lối thoát cho mình. Cô sẽ chọn ở lại nơi xa lạ và cuốn theo cái chết cùng với cái chết tình yêu hay là trở về với quê nhà, nơi có người cha tội nghiệp ngày đêm mong ngóng cô trở về và rồi chết trong lặng câm?
Cô gái bị dằn vặt, ám ảnh bởi hai chữ phản bội đối với Cha, cô tự đày ải mình trong cái án phản bội vì hai lý do. Trước hết và sâu đậm là vì cô đã bỏ người Cha lại quê hương và ra đi. Cô luôn cảm thấy chính sự ra đi của cô đã giết chết cha mình, giết chết cha trong âm thầm và câm lặng. Làm sao cô có thể nhẫn tâm từ bỏ người cha yêu thương của mình ở lại và để cha chết trong đơn độc như thế? Đâu rồi những lời hứa trở về của cô trong những lá thư trải suốt hai mươi năm. Hai mươi năm người cha già nua tội nghiệp ấy chờ đợi một lần trở về của cô nhưng cô đã từ khước nó, hứa hẹn để rồi từ khước. Cô chẳng thấy sự trở về của mình là quan trọng
cho dù đó chính là nguồn sống duy nhất còn lại của cha. Chỉ khi cha cô đã chết rồi, bao nhiêu nỗi ân hận và hụt hẫng dâng lên trong lòng, cô mới nhận ra rằng mình yêu cha biết bao, cần cha biết bao, có tội biết bao nhưng đã muộn rồi: “tôi tự cho mình thời gian khi không còn thời gian nữa. Chúng ta luôn tin rằng chữ “Quá muộn!” sẽ chẳng bao giờ đến vỗ vào mặt mình” [I-A; 13; 16]. Cha cô có còn nữa đâu để đón đợi cô quay về? Cha đâu có còn nữa đâu để có thể nghe lời cô nói?
Dường như càng ân hận bao nhiêu, nỗi tuyệt vọng lại đẩy cô đến cái chết gần hơn.
Cô tưởng như “người chết là tôi chứ chẳng phải cha”.
Càng ân hận bao nhiêu thì hồi ức tuổi thơ càng trở về rõ rệt bấy nhiêu và càng rõ rệt bao nhiêu nỗi đau đớn dằn vặt của cô càng sắc ngọt bấy nhiêu. Mảnh đất từng nuôi dưỡng tuổi thơ cô với tình cảm sâu sắc của người cha đã bị bỏ lại phía sau. Cô đã từng được tắm mình trong đó, từng nghĩ rằng “tuổi thơ là thời sung sướng của đời ta, là cái vòng tròn huyền diệu mà không bao giờ ta nên ra khỏi, là cái bụng cá voi nơi ta từng nương náu” [I-A; 13; 41]. Vậy mà cô ra đi không một lần quay lại, không vương vấn, không xót xa cho đến khi nhận được tin cha mất. Khi người ta đánh mất thứ gì đó, người ta mới thảng thốt nhận ra mình yêu quý và gắn bó với thứ đó nhiều như thế nào. Cô gái vật vã, và cảm thấy như mình đang chết bởi biết rằng từ đây, vĩnh viễn cô đã không còn được thấy cha, không còn được thấy người là minh chứng sự hiện diện và xác tín mình với thế giới.
Cô đã từng có những buổi chiều đẹp như tranh vẽ bên cạnh người cha yêu thương: “đứa trẻ tôi thời đó có rất ít đồ chơi, chẳng có bạn bè. Cha tôi chính là bạn chơi của tôi. Người chế tạo những con diều, đèn lồng, người vẽ những con vật, kể cho tôi nghe về những chú chim vắng bóng trong thành phố...” [I-A; 13; 22, 23].
Những kỷ niệm về cha cứ từng giây từng phút sống dậy, được ở bên cha, đối với cô gái là “những ngày bình yên”: “Những ngày Chủ nhật cha dẫn tôi tới nhà thờ.
Những ngày Chủ nhật ấy tôi thường diện váy hồng, đeo một chiếc nơ hồng trên đầu
và đi dạo cùng cha. Đầu tiên chúng tôi đến nhà thờ, sau đó ra chợ. Cha mua bánh kẹo cho tôi và kể về những Chủ nhật lúc người còn trẻ...” [I-A; 13; 39]. Hết hồi ức này lại đến hồi ức khác sống dậy trong trái tim cô gái với một tình cảm nhẹ nhàng, ấm áp và hạnh phúc vô bờ: “Tôi còn nhớ cả những ngày Tết, khi cha tôi sơn lại những cánh cửa trập màu xanh lơ để đón năm mới. Tôi cũng có một cây chổi lông nhỏ xíu, tôi bôi sơn lem luốc các ngón tay... Ngày đầu tiên của năm mới, tôi mặc quần áo mới, một bộ đồ sặc sỡ. Chúng tôi ăn bánh chưng, những lát dưa hấu to và hạt sen...” [I-A; 13; 69].
Càng đau đớn cô gái càng nhớ lại quá khứ, càng nhớ lại quá khứ bao nhiêu cô lại ân hận bấy nhiêu. Cô làm sao có thể quên được hình ảnh đầy nước mắt như thế này vào cái ngày cô ra đi: “Hình ảnh cuối cùng mà tôi giữ về cha là hình ảnh một người đàn ông mặc sơ mi xanh lơ, ngồi trên chiếc xe đạp, ra sức đuổi theo chiếc taxi và cứ thế đạp xe, đạp xe một cách tuyệt vọng, để níu kéo, níu kéo gì kia chứ?
Cả cuộc đời của cha đã ra đi rồi” [I-A; 13; 54]. Cô biết vì quá yêu thương cô nên cha tự giết mình trong nỗi cô độc tận cùng. Ông chẳng còn lại gì, ông mất hết, vợ - con – gia đình... mọi thứ đều rời bỏ ông để đi đến một đất nước xa xôi mà không hề hẹn ngày trở lại. Ông gặm nhấm nỗi đau trong tuyệt vọng, ông chìm trong men rượu và nỗi cô đơn. Cuộc đời chẳng còn gì cho ông. Nếu cô gái đau đớn vì những kỷ niệm tươi đẹp bên cha sau khi ông đã chết thì người cha khốn khổ ấy đã chết vì nó từng ngày, từng ngày: “cha đã thôi không vẽ nữa, bẻ gãy bút lông; xé hết những bức tranh đã vẽ. Cha ra chợ, tìm mua những bánh kẹo tôi thích về để trên bàn và ngắm nghía lúc say xỉn. Hai thân cây gầy guộc làm cha không thể chịu nổi khi nhìn thấy, cha đốn chúng đi, cha nhổ cả những bông hoa đã trồng. Cha dịch chuyển đồ đạc, không ngủ ở cái giường đã quen ngủ cạnh tôi. Buổi sáng, cha cưỡi lên chiếc xe đạp của mình, loăng quăng khắp nơi trong thành phố và chỉ trở về nhà lúc tối muộn để cạn chai. Cuộc đời cha trôi đi như thế. Trong một sa mạc thảm đạm. Cha đã để tang” [I-A; 13; 54].