CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ HỌC CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THEO TIẾP CẬN DẠY HỌC TÍCH CỰC
1.3. Phát triển năng lực tự học cho sinh viên đại học sư phạm
1.3.1. Phát triển năng lực tự học
Phát triển năng lực tự học ngày càng có ý nghĩa trong giáo dục, đó là một trong những yếu tố thiết yếu của việc cá nhân hóa trong giáo dục. Rất nhiều học giả, và chính phủ các nước tin rằng sự phát triển năng lực tự học sẽ thúc đẩy học tập ở các bậc lên cao và suốt đời [75]. Ví dụ nhiều trường học ở Anh và Wales xác định phát triển các kỹ năng tự học là mục tiêu trong kế hoạch phát triển trường học [72].
Đặc biệt trong giáo dục đại học, hơn hai thập kỷ nay, đã có một phong trào rộng lớn trên phạm vi quốc tế để thay đổi việc giảng dạy thông qua một loạt các đổi mới thúc đẩy tự học và phát triển năng lực tự học [104].
Các nghiên cứu về năng lực tự học và phát triển năng lực tự học gần đây đều chỉ ra rằng: năng lực tự học được thúc đẩy bằng cách tạo cơ hội và khuyến khích động lực, tạo sự tò mò, sự tự tin, tự lực của người học. Năng lực tự học được thúc đẩy dựa trên vốn hiểu biết và đánh giá việc học vì lợi ích của chính người học. Do đó, theo nghĩa này, trách nhiệm của các nhà giáo dục là tạo điều kiện, trao những cơ hội cho người học tự trải nghiệm. Điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng việc phát triển năng lực tự học không đơn giản là việc mang lại cho người học sự độc lập hơn trong học tập. Thay vào đó, các nhà giáo dục cần suy nghĩ và chỉ ra rõ ràng về kết quả học tập và các giai đoạn học tập cho người học. Đồng thời, nhà giáo dục phải tạo ra các môi trường cho phép dẫn đến các kết quả và các giai đoạn học tập [88].
Như vậy, phát triển năng lực tự học có thể hiểu là sự tác động của nhà giáo dục hoặc của bản thân người học đến người học để họ đạt được mức độ năng lực tự học cao hơn so với trước đó.
1.3.2. Các con đường phát triển Năng lực tự học cho sinh viên đại học sư phạm 1.3.2.1. Tự học trên lớp dưới sự hướng dẫn của giảng viên
Ở trên lớp, SV học giáp mặt thầy sẽ có thuận lợi hơn trong việc tháo gỡ vướng mắc, có gì không hiểu GV có thể hỗ trợ, giúp đỡ, định hướng nên việc lĩnh hơn tri thức diễn ra nhanh hơn.
Tuy vậy, SV không ỷ lại vào sự giúp đỡ của GV mà các em có sự tự chủ rất lớn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của GV giao cho. Ở bậc đại học, SV thường phải tiếp nhận một khối lượng kiến thức lớn trong một buổi học, GV chỉ kịp đưa ra những vấn đề chính và hướng dẫn SV cách “tiêu thụ” khối lượng kiến thức ấy. Vì vậy đòi hỏi SV phải huy động toàn bộ trí tuệ, kinh nghiệm và vốn sống của mình để khai thác và lĩnh hội kiến thức mới thông qua việc nghiên cứu giáo trình, trả lời câu hỏi của GV và bạn bè.
Để tự học trên lớp đạt hiệu quả GV phải giúp SV hiểu rõ mục đích bài học, môn học. Từ đó giúp SV có nhu cầu, hứng thú và động cơ học tập cao trong nỗ lực học tập. Hơn nữa, GV phải thường xuyên tạo ra những tình huống DH phù hợp, kích thích được tính tích cực, độc lập học tập của SV. Mặc dù học trên lớp có sự
hướng dẫn trực tiếp của GV nhưng SV phải cố gắng hết sức phát huy tính tích cực, chủ động, tự lực lĩnh hội tri thức.
Như vậy, tự học trên lớp của SV là hình thức học tập SV chủ động, tích cực, độc lập giải quyết nhiệm vụ học tập do GV đưa ra ở trên lớp học.
1.3.2.2. Tự học ngoài giờ lên lớp không có sự hỗ trợ trực tiếp của giáo viên
Thời gian trên lớp không đủ để SV lĩnh hội sâu sắc khối lượng kiến thức lớn của bài học, môn học. Vì vậy, ngoài giờ học ở lớp SV buộc phải có thời gian tự học mà không có GV bên cạnh để củng cố lại kiến thức đã học ở lớp, nghiên cứu sâu và thực hành vấn đề đang học để hiểu chúng một cách sâu sắc. Với SV đại học, có nhiều cách tự học khác nhau nhưng theo chúng tôi, ba hình thức học tập sau đây là phổ biến hơn cả: học ở nhà, học ở thư viện và học với bạn bè.
Tự học ở nhà
Học ở nhà của SV là hình thức tự học chuẩn bị hay tiếp tục của tự học trên lớp.
Chuẩn bị cho tự học trên lớp, SV phải đọc trước và nghiên cứu sơ bộ nội dung bài học trong giáo trình, xác định mục tiêu bài học, nội dung nào cần tập trung, nội dung nào cần ghi đầy đủ, nội dung nào cần ghi tóm tắt, các hoạt động tương ứng cho mỗi phần kiến thức. Để làm được điều đó, SV cần xem lại bài cũ để tiếp thu bài mới tốt hơn; nghiên cứu trước nội dung bài mới; đánh dấu những chỗ khó để khi nghe giảng sẽ tập trung nhiều hơn vào phần đó và có thể hỏi thêm GV.
Sau giờ học ở lớp, SV phải có thời gian tự học ở nhà để củng cố, hệ thống hóa, đào sâu và mở rộng nhưng tri thức đã lĩnh hội trên lớp để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng và kỹ xảo. Từ đó, hình thành thái độ và tình cảm nghề nghiệp tích cực, có ý thức trách nhiệm đối với công việc và với cộng đồng.
Tự học ở nhà của SV khác với tự học ở trên lớp vì nó đòi hỏi bản thân SV phải tự mình tổ chức học tập một cách độc lập, tự giác, không có sự dìu dắt, hướng dẫn trực tiếp của GV.
Ngày nay, tự học ở nhà của SV được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin rất nhiều, với các phần mềm trí tuệ nhân tạo hỗ trợ SV tự học. Muốn SV tự học ở nhà đạt hiệu quả, GV phải là người tổ chức, hướng dẫn cách thức cho các em tự học độc lập. Tổ
chức tự học cho SV tự học bắt đầu từ việc hướng dẫn SV lập kế hoạch tự học cho đến việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của chính các em.
Tự học ở thư viện
Thư viện là nơi lưu giữ những tinh hoa trí tuệ của nhân loại kết tinh lại trong các tài liệu, sách, giáo trình, đề án, công trình nghiên cứu… để các thế hệ tiếp sau kế thừa và phát huy nguồn tri thức vốn có, đồng thời phát triển chúng để tìm ra cái mới đáp ứng yêu cầu thời đại đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của nhân loại.
Ngày nay, khoa học công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi vào mọi lĩnh vực, nguồn tài liệu điện tử khổng lồ, đa dạng được lưu giữ tại các thư viện là vô giá cho mọi SV thực hiện nghiên cứu, tự học.
Học ở thư viện tức là học với tài liệu, không có thầy bên cạnh. Học ở thư viện đòi hỏi SV phải cố gắng động não, huy động kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tra cứu tài liệu, để khai thác thông tin nhằm giải quyết được vấn đề. Như vậy, tự học ở thư viện có thể mất nhiều thời gian cho một vấn đề hơn so với tự học trên lớp nhưng bù lại SV phải động não và quen dần tác phong làm việc độc lập với sách, đó là năng lực cần thiết cho mọi SV để có thể học suốt đời.
Tự học với bạn bè
Đây là hình thức tự học thông qua các câu lạc bộ, hội, nhóm, ngoại khóa,…
của SV. Ngoài việc lĩnh hội kiến thức trên lớp và tự học ở nhà của bản thân, SV cần phải tham gia học với bạn bè để cùng hỗ trợ, động viên nhau vượt qua những khó khăn. Bên cạnh đó, những kiến thức mà cá nhân SV đã tiếp nhận nhưng còn mơ hồ hay chưa hiểu thì sẽ có cơ hội để làm sáng tỏ. Thông qua ý kiến trao đổi với bạn bè, SV khách quan hóa kiến thức của mình và từ đó áp dụng vào thực tiễn.
Nghiên cứu khoa học
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên là phương pháp có hiệu quả phát triển NLTH và đào tạo chuyên gia có chất lượng ở đại học. Những hình thức cơ bản để rèn luyện năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên là:
Thực hành các môn học (ví dụ: Các bản thu hoạch của sinh viên, qua hoạt động thực hành, các hoạt động tìm hiểu tình hình thực tế hoặc thực hiện những dự án nghiên cứu khoa học khác nhau.)
Thông qua kiến tập thực tập. Trong quá trình kiến tập, sinh viên vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học để thực hiện các nhiệm vụ được giao như là:
quan sát, đàm thoại, điều tra, đánh giá qua đó tập dượt vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học.
Thông qua hoàn thành các bài tập tiểu luận.
Thông qua khóa luận tốt nghiệp, đây là mức độ cao nhất, và là hình thức hiệu quả nhất trong tập dượt nghiên cứu khoa học.