CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ HỌC
3.1. Nguyên tắc đề xuất các biện pháp phát triển năng lực tự học cho
3.1.1. Quán triệt các nhiệm vụ nghiên cứu của môn học
Bất kỳ một ngành khoa học nào cũng phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của mình. Nhiệm vụ nghiên cứu đó ảnh hưởng tới nhiệm vụ của từng môn học. Căn cứ vào nhiệm vụ môn học đề xuất ra mục tiêu cho từng môn, học phần từ đó tác động tới việc dạy và học.
Nhiệm vụ nghiên cứu các biện pháp phát triển NLTH cho SV Trường Đại học Sư phạm là chỉ ra:
+ Bản chất của tự học trong hoạt động DH.
+ Kiến thức, thái độ và kỹ năng tự học cần có của SV và các yếu tố ảnh hưởng đến tự học.
+ Đề xuất các biện pháp, các hình thức tổ chức DH phát huy vai trò chủ động, tích cực của SV nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
+ Hình thành và hoàn thiện kỹ năng tự học và tự học suốt đời cho SV nhằm đáp ứng và thích ứng yêu cầu của xã hội.
Việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn theo tiếp cận DHTC là nhằm mục đích tìm ra các biện pháp tổ chức DH trên lớp và ngoài giờ lên lớp, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn, đặc biệt là giúp SV có NLTH suốt đời.
3.1.2. Đảm bảo sự thống nhất giữa vai trò tổ chức của giảng viên và vai trò tự học của sinh viên
Bản chất của hoạt động DH ở bậc đại học là hoạt động tổ chức, hướng dẫn của GV đối với SV để SV tự học, tự nghiên cứu. Về phía người dạy, trên cơ sở nghiên cứu kỹ nội dung môn học trong chương trình đào tạo, GV lựa chọn và xây dựng tiến trình bài dạy và tổ chức DH thông qua các biện pháp bằng các tình huống,
các nhiệm vụ GD và đề xuất một cách hợp lý nhiệm vụ nhận thức đối với SV để tạo ra sự hứng thú học tập nhằm giúp SV duy trì sự tập trung, tích cực và độc lập trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ nhận thức. Về phía người học, SV chủ động học tập với thái độ nghiêm túc, huy động và sử dụng hiệu quả các phương tiện, kỹ năng sẵn có và tìm tòi, khám phá, tiếp cận những cái chưa biết biến nó thành sở hữu của cá nhân để phục vụ cho việc học tập. Qua đó, SV tiếp nhận được tri thức, kỹ năng và nhiều giá trị mới.
Hoạt động DH chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi GV khai thác có hiệu quả các yếu tố bên trong và các yếu tố bên ngoài nhằm phát huy cao độ tính tự giác, tích cực, chủ động của SV trong học tập. Từ đó, SV biết cách tiến hành trình tự các bước để giải quyết nhiệm vụ nhận thức. Đó là cơ sở để SV tự học và tự học suốt đời.
3.1.3. Đảm bảo tính thực tiễn
Các biện pháp PTNLTH cho SV ĐHSP phải đảm bảo tính thực tiễn, khả thi nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Có nghĩa là SV phải làm chủ được tri thức, có kỹ năng thực hiện nhiệm vụ đặt ra, giải quyết hiệu quả nhiệm vụ GD và DH ở nhà trường phổ thông.
Các biện pháp đưa ra phải phù hợp với nội dung và phương pháp dạy học, chúng phải bảo đảm tính kế thừa, tính hiện đại, tính thực tiễn nhằm bảo đảm phát huy cao nhất năng lực tự học của SV.
Các biện pháp này phải phù hợp với điều kiện học tập và phù hợp với khả năng tiếp nhận của SV. Nếu các biện pháp đề xuất không phù hợp SV không tham gia vào bài học, như vậy các biện pháp này trở nên không còn ý nghĩa.
Các biện pháp đề xuất phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của GV, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện hỗ trợ DH của nhà trường và trình độ của GV. Sĩ số lớp học quá đông, bàn ghế trong phòng nhiều làm cho không gian phòng trở nên chật chội, phương tiện hỗ trợ DH còn thiếu và bố trí chưa hợp lý. Tất cả những điều đó dẫn đến việc tổ chức các biện pháp DH gặp khó khăn. Vì thế SV của các trường hiện nay vẫn học theo cách ghi chép bài trên lớp và đọc giáo trình, tài liệu tham khảo mà GV giới thiệu là chính.
3.1.4. Đảm bảo tính hiệu quả và khả thi
Các biện pháp đề xuất phải tạo ra hiệu quả trong học tập của SV, chúng giúp SV lĩnh hội được tri thức một cách chính xác, sâu sắc và toàn diện để ứng dụng vào việc giải quyết các tình huống học tập khác nhau. Để làm được điều đó không còn cách nào khác là phải tạo cơ hội cho SV tự lĩnh hội và làm chủ tri thức của mình thông qua sự tự giác, tích cực học tập bằng lòng say mê, thật sự khao khát muốn tìm tòi, khám phá thế giới tri thức. Một khi đã có lòng say mê thì sự sáng tạo ắt sẽ tự nó sinh ra.
Các biện pháp phải tạo ra hứng thú học tập trong SV để các em tích cực học tập có hiệu quả và tìm tòi, tiếp cận, lĩnh hội các kiến thức mới, các kỹ năng GD, các kỹ năng DH mới để làm phong phú thêm vốn kiến thức sẵn có, đồng thời có điều kiện phát triển trên con đường dạy học sau này.
Phát triển NLTH phải góp phần nâng cao chất lượng, kết quả đào tạo trong quá trình dạy học sư phạm, tạo ra sự phù hợp giữa đào tạo và sử dụng. Đây là cơ sở để đổi mới chương trình, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
3.1.5. Đảm bảo tính khoa học
Các biện pháp PTNLTH được thiết lập dựa trên căn cứ chuẩn giáo viên của Bộ Giáo dục - Đào tạo (Chuẩn đầu ra của nghề sư phạm), dựa trên cấu trúc NLTH đã được phân tích của các học giả và kết quả nghiên cứu của đề tài.
Các biện pháp PTNLTH được xây dựng trên cơ chế quy luật của quá trình hình thành năng lực và phù hợp với thực tế: đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cở sở vật chất, chương trình dạy học, thời gian, thời lượng học tập các môn học trong các trường Đại học Sư phạm.
Các biện pháp PTNLTH và các tiêu chuẩn tương ứng phải đáp ứng yêu cầu đào tạo theo tín chỉ trong các trường Đại học Sư phạm, xu thế phát triển giáo dục Việt Nam và thế giới.