CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG DOANH THU TỪ CÁC SẢN PHẨM NGOÀI TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THÀNH PHỐ MÓNG CÁI
2.3. Đánh giá chung về việc thực hiện doanh thu từ sản phẩm ngoài tín dụng tại NHNo&PTNT thành phố Móng Cái giai đoạn 2009-2012
2.3.2. Tồn tại và nguyên nhân
Một là, số lượng các sản phẩm ngoài tín dụng chưa phong phú và quy mô còn nhỏ, nhiều sản phẩm mới đang ở thời kỳ thử nghiệm chưa áp dụng do chưa có môi trường công nghệ...
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các ngân hàng thương mại không chỉ một mặt nâng cao chất lượng sản phẩm ngoài tín dụng hiện có mà việc đa dạng hoá loại hình dịch vụ này là một vấn đề rất quan trọng. Đây là một trong những điểm hạn chế của các Ngân hàng Việt Nam. Số lượng sản phẩm của các ngân hàng tiêu biểu là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam hiện nay tối đa là 300 loại hình dịch vụ và của NHNo&PTNT Việt Nam số lượng dịch vụ được triển khai chưa tới 200 loại hình dịch vụ. Trong khi đó một ngân hàng trung bình của Nhật Bản có thể tới 6000 dịch vụ khác nhau. Chỉ riêng điều này đã khiến các Ngân hàng Việt Nam còn rất nhiều vấn đề phải xem xét. Trong tiến trình hội nhập, khi các ngân hàng nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam theo như cam kết WTO thì sự đa dạng hoá loại hình sản phẩm ngoài tín dụng của các ngân hàng nước ngoài sẽ là thách thức lớn để các Ngân hàng Thương mại Việt Nam nói chung và NHNo&PTNT Việt Nam nói riêng phải vượt qua không làm giảm thị phần của mình.
Bởi vậy, việc mở rộng loại hình sản phẩm ngoài tín dụng của Chi nhánh Móng Cái còn nghèo nàn và đơn điệu, nhiều thị trường dịch vụ tiềm năng chưa được khai thác. Mặt khác, khoảng 40% sản phẩm ngoài tín dụng được phép hoạt động nhưng chưa được triển khai do không phù hợp với thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của các tổ chức và cá nhân.
Hai là, chất lượng sản phẩm ngoài tín dụng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu tăng cường đổi mới và hội nhập.
Một trong những công cụ cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay chính là cạnh tranh về chất lượng sản phẩm ngoài tín dụng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Chi nhánh Móng Cái thời gian qua chất lượng sản phẩm ngoài tín dụng có thể thấy chưa thể đáp ứng được tiến trình hội nhập:
- Khả năng tiếp cận sản phẩm: Thực tế hiện nay Chi nhánh Móng Cái đang áp dụng chương trình công nghệ hiện đại hoá ngân hàng, hệ thống thanh toán và kế toán khách hàng (IPCAS) và thực hiện giao dịch một cửa đối với khách hàng. Tuy nhiên nguồn nhân lực được đào tạo lại vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiếp cận, khả năng hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm còn hạn chế.
- Cơ sở vật chất của ngân hàng: Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn, vấn đề này nằm ngoài tầm quản lý và khả năng thực hiện của Chi nhánh Móng Cái. Chỉ tính riêng cho đầu tư máy ATM và hệ thống truyền dẫn cũng là một khoản đầu tư không nhỏ. Trong khi đó số lượng máy ATM của các Ngân hàng Thương mại vẫn còn rất ít và phân bổ chưa rộng khắp để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.
Ba là, cơ cấu doanh thu từ sản phẩm ngoài tín dụng còn chưa hợp lý trong cơ cấu doanh thu của ngân hàng nói chung.
- Tỷ trọng doanh thu từ sản phẩm dịch vụ tín dụng chiếm một phần lớn trong tổng thu nhập của các ngân hàng, riêng tại Chi nhánh Móng Cái tỷ lệ này chiếm trên 80% tổng thu nhập. Trong thời gian tới, chi nhánh cần có xu hướng phát triển và tăng doanh thu từ các sản phẩm ngoài tín dụng, có như vậy phần nào giảm thiểu rủi ro từ hoạt động tín dụng, tạo cơ hội ổn định lợi nhuận của Chi nhánh Móng Cái.
- Tỷ trọng thu của các sản phẩm ngoài tín dụng chưa hợp lý, còn tập trung nhiều vào một số nhóm sản phẩm như: thanh toán chuyển tiền trong nước, kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế, thanh toán biên mậu... mà chưa tập trung khai thác được các mảng còn rất nhiều tiềm năng khi áp dụng khoa học hiện đại, trong nền kinh tế hội nhập quốc tế như: nghiệp vụ kiều hối, nghiệp vụ thẻ, bảo lãnh thanh toán, ngân quỹ... Điều này phản ánh khả năng mở rộng thị trường ra bên ngoài còn nhiều hạn chế.
2.3.2.2. Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế
* Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, Mấy năm trở lại đây tình hình kinh tế, chính trị của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều do sự suy thoái kinh tế toàn cầu, sự bất ổn chính trị trong khu vực và trên thế giới. Năm 2009, nền kinh tế thế giới có sự tăng trưởng âm do hàng loạt các trung gian tài chính bị sụp đổ và mấy năm trở lại đây vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, hoặc phục hồi chậm làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động thượng mại quốc tế, sự giao lưu trao đổi hàng hoá, dịch vụ bị đình trệ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do vậy hoạt động ngân hàng.cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhất là trong tài trợ thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế, các dịch vụ ngân hàng hiện đại...
Thứ hai, trong thực tế hiện nay các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn về tâm lý thói quen của khách hàng trong việc sử dụng các sản phẩm ngoài tín dụng của ngân hàng, thu nhập của người dân đang ở mức độ thấp so các nước trong khu vực, không có tích luỹ. Một bộ phận lớn trong dân cư chưa sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngoài tín dụng ngân hàng, giao dịch bằng tiền mặt còn rất phổ biến.
Thứ ba, cơ chế luật pháp chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, các ngân hàng thương mại chưa thể có những sự phát triển và mở rộng các loại hình sản phẩm dịch vụ, có những loại hình dịch vụ trong Hiệp định Thương mại Việt Mỹ, AFTA, WTO đã nêu ra nhưng chưa có đầy đủ các văn bản quy phạm của pháp luật điều chỉnh hoặc không theo kịp sự phát triển năng động của thị trường. Trong khi đó theo những cam kết của Việt Nam cho phép các TCTD nước ngoài vào Việt Nam thực hiện nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng như thẻ ATM, dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet banking, Mobile banking…), dịch vụ phái sinh khác (Future contract, Option, Swap…)v.v…
Thứ tư, các ngân hàng chưa theo một chuẩn mực của hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp, còn thiếu nhiều công cụ cả về số lượng và chất lượng, chưa xây dựng được hệ thống đánh giá chất lượng của sản phẩm. Bởi vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đánh giá về mức độ tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngoài tín dụng của Chi nhánh, từ đó chưa có những cải thiện hoặc đưa ra những sản phẩm mới phù hợp.
Cho đến nay, việc khắc phục vấn đề này vẫn đang được các ngân hàng dần dần triển khai nhưng chưa thực sự có hiệu quả, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm của các ngân hàng. Hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp trên thế giới đã đưa ra nhiều chuẩn mực về huy động vốn, tín dụng, hoạt động thanh toán…Tuy nhiên trên thực tế, các ngân hàng vẫn chưa có được một chuẩn mực cụ thể về các sản phẩm của mình để nhân viên có thể tuân theo. Việc phân tích chất lượng sản phẩm của ngân hàng như trên được đánh giá theo những yếu tố mang tính chất định tính rất khó lượng hóa được, điều này rất khó cho nhân viên ngân hàng biết được cụ thể mức độ chất lượng sản phẩm mà mình cung cấp ở mức độ nào so với các đối thủ cạnh tranh.
* Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, nguồn nhân lực chưa đủ mạnh, trình độ cán bộ chưa theo kịp việc phát triển sản phẩm dịch vụ ngoài tín dụng mới, dẫn đến hạn chế trong tư vấn, tiếp thị khách hàng, phong cách phục vụ chưa chuyên nghiệp. Số cán bộ được đào tạo chuyên ngành chưa nhiều, công tác đào tạo chưa được quan tâm thường xuyên.
Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ tin học để phát triển các sản phẩm ngoài tín dụng còn ở mức rất hạn chế.
Công nghệ ngân hàng mặc dù cũng được các ngân hàng đầu tư nhiều nhưng ở chừng mực nào đó nó vẫn chưa thể đáp ứng được những yêu cầu cần thiết cho sự phát triển của các sản phẩm ngân hàng đặc biệt là các sản phẩm ngoài tín dụng trên nền tảng công nghệ cao. Các sản phẩm dịch vụ này thường đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, bao gồm cả chi phí đầu tư về phần mềm ứng dụng cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật. Mặt khác những sản phẩm dịch vụ này đòi hỏi một nguồn nhân lực có trình độ cao như dịch vụ ngân hàng Internet banking, Mobile banking…rất phổ biến ở nước ngoài nhưng đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với các Ngân hàng Việt Nam.
Thứ ba, các chính sách marketing chưa phù hợp để có thể thu hút khách hàng, đưa được các sản phẩm mới đến với khách hàng.
Chính sách khách hàng và hoạt động marketing đã được Chi nhánh chú trọng nhưng hiệu quả chưa cao, một số sản phẩm ngoài tín dụng mới đưa vào sử dụng như thanh toán hóa đơn Apaybill, nạp tiền Vntopup, Internet Banking,... nhưng chưa thể biết được nhu cầu chính xác của khách hàng, khó có thể đánh giá đúng mức độ áp dụng của dịch vụ đó. Một trong những lý do để thấy là chính sách khách hàng và hoạt động marketing chưa có hiệu quả. hơn nữa khả năng tiếp cận sản phẩm rất thấp, khách hàng không biết đến sản phẩm, không biết sử dụng sản phẩm nhất là khi mà thói quen sử dụng tiền mặt rất phổ biến tại Việt Nam hiện nay.
Thứ tư, chưa có những định hướng chiến lược dài hạn, hiện NHNo&PTNT Việt Nam nói chung và Chi nhánh thành phố Móng Cái nói riêng hầu như chưa có
một định hướng chiến lược dài hạn cho phát triển sản phẩm ngoài tín dụng. Điều này thể hiện tỷ trọng doanh thu từ các sản phẩm ngoài tín dụng còn thấp, danh mục sản phẩm dịch vụ mới hạn chế, triển khai nhiều sản phẩm chưa hiệu quả.
Thứ năm, nhận thức của khách hàng đối với các dịch vụ ngân hàng còn hạn chế. Với vị thế chủ đạo hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, do vậy bộ phận khách hàng là các hộ nông dân chiếm phần lớn trong lượng khách hàng của NHNo&PTNT nói chung và chi nhánh Móng Cái nói riêng, so với các NHTM khác đây là ưu thế của chi nhánh về thị phần ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, đời sống, thu nhập, trình độ dân trí của bà con chưa cao, chưa thích ứng trong việc sử dụng các công nghệ hiện đại ngân hàng do vậy việc khuyếch trương các sản phẩm dịch vụ ngoài tín dụng của chi nhánh cũng bị ảnh hưởng.
Kết luận chương 2
Tóm lại, chương hai của luận văn đã hoàn thành các nhiệm vụ sau:
- Khái quát tình hình hoạt động kinh doanh chủ yếu của Chi nhánh NHNo&PTNT thành phố Móng Cái giai đoạn 2009 - 2012.
- Phân tích thực trạng doanh thu từ các sản phẩm ngoài tín dụng tại NHNo&PTNT thành phố Móng Cái giai đoạn 2009 - 2012.
- Đánh giá chung về việc thực hiện doanh thu từ các sản phẩm ngoài tín dụng tại NHNo&PTNT thành phố Móng Cái. Qua đó chỉ rõ các kết quả, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại hạn chế đó.
Trong những năm qua Chi nhánh đã cố gắng và thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kết quả kinh doanh hàng năm, trong đó có sự đóng góp đáng kể các khoản doanh thu từ sản phẩm ngoài tín dụng. Tuy nhiên, doanh thu từ sản phẩm ngoài tín dụng của Chi nhánh chưa đạt mục tiêu định hướng, chiếm tỷ trọng thấp trong tổng doanh thu, cần phải xây dựng những giải pháp thực hiện tích cực hơn nữa nhằm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, ổn định lợi nhuận của Chi nhánh NHNo&PTNT thành phố Móng Cái trong quá trình hội nhập quốc tế.
CHƯƠNG 3