Tình hình chăn nuôi và tiêu thụ các sản phẩm gà ở Việt Nam

Một phần của tài liệu So sánh hiệu quả kinh tế nuôi gà thịt theo hình thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp trên địa bàn thị xã hương thủy, tỉnh thừa thiên huế (Trang 36 - 39)

CHƯƠNG I. TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.2. Tình hình chăn nuôi và tiêu thụ các sản phẩm gà ở Việt Nam

Chăn nuôi gà nói riêng và chăn nuôi gia cầm nói chung là nghề sản xuất truyền thống lâu đời và chiếm vị trí quan trọng thứ hai trong tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi nước ta. Chăn nuôi gà chiếm 72-73% trong tổng đàn gia cầm hàng năm.

Chăn nuôi gà phát triển mạnh nhất là các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Bắc chiếm 60% đàn gà của cả nước. Các vùng phát triển tiếp theo là Đông Nam bộ và Bắc Trung bộ, chiếm 26%, các vùng có sản lượng thấp nhất là Tây Bắc và Tây Nguyên, chỉ chiếm từ 4-5% về số lượng đầu con [11].

Hiện nay chăn nuôi gà ở nước ta có ba hình thức chăn nuôi cơ bản đó là: chăn nuôi theo phương thức truyền thống thường thấy ở các nông hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi BCN thả vườn hoặc thả đồi và cuối cùng là hình thức chăn nuôi CN.

Việt Nam có nhiều giống gà nội được chọn lọc thuần hoá từ lâu đời như gà Ri, gà Mía, gà Hồ, gà H’mông, gà Tre, gà Ác... Một số giống trong đó có chất lượng thịt trứng thơm ngon như gà Ri, gà H’mông. Tuy nhiên, do không được đầu tư chọn lọc lai tạo nên năng suất còn rất thấp. Một số giống quý nhưng chỉ tồn tại ở một số địa bàn rất hẹp như gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Mía. Việc sản xuất và cung cấp con giống diễn ra tại các hộ gia đình chăn nuôi chủ yếu theo hình thức tự sản, tự tiêu tại địa phương. Hiện nay, cả nước chỉ có một cơ sở nghiên cứu chọn lọc, cải tạo giống gà Ri nhưng quy mô quần thể và đầu tư kinh phí còn rất hạn chế, giống được cải tiến chậm, chất lượng chưa cao, số lượng đưa ra sản xuất chưa nhiều. Ngoài ra, trong những năm qua, nước ta đã nhập 14 giống gà. Các giống nhập khẩu chủ yếu là bố mẹ và một số ít giống ông bà như các giống gà Tam hoàng, gà Lương phượng, gà Sacso, gà Plymouth, gà Hubbard…. Tuy nhiên, công nghệ chăn nuôi chưa hoàn toàn đồng bộ nên năng suất của các giống nhập khẩu nuôi ở nước ta chỉ đạt 85-90% so với năng suất chuẩn của giống [11].

Trường Đại học Kinh tế Huế

Do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, buôn bán, giết mổ phân tán, không đảm bảo an toàn sinh học nên dịch bệnh vẫn thường xuyên xẩy ra, gây tổn thất lớn về kinh tế. Các bệnh thường gặp là Niucátxơn, Gumbôrô, Tụ huyết trùng, Dịch tả v.v....

Trong đó, tỉ lệ gia cầm bị bệnh Niucátxơn từ 40-53%, bệnh Gumbôrô 27-32%, tụ huyết trùng 14-15%. Theo số liệu điều tra của Viện Chăn nuôi Quốc gia, tỉ lệ chết từ khi nở ra cho đến lúc trưởng thành của đàn gà nuôi thả rông là 47%; chi phí thuốc thú y trị bệnh lên đến 10-12% giá thành. Đặc biệt dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở nước ta từ tháng 12/2003 đến nay. Qua hai năm dịch đã phát 4 đợt. Tổng số gia cầm (cả gà và vịt) chết và tiêu huỷ qua 4 đợt dịch là trên 51 triệu con, thiệt hại ước tính gần 10.000 tỷ đồng [11]. Trong năm 2011, dịch bệnh trên gia cầm tuy có diễn biến phức tạp nhưng cơ bản đã được khống chế, so với cùng kỳ năm 2010, dịch đã giảm. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm cao do vi rút cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện nhánh mới ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên làm cho hiệu quả của vacxin đang sử dụng không cao.

Mặc dù tình hình chăn nuôi gà của Việt Nam đã có rất nhiều sự thay đổi tuy nhiên bên cạnh đó vẫn tồn tại những thách thức trong chăn nuôi gà như chăn nuôi gà chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán trong nông hộ, năng suất và hiệu quả chăn nuôi thấp, nguồn lực đầu tư cho chăn nuôi của xã hội là nhỏ bé, thách thức của quá trình hội nhập cũng là một bài toán khó cho chăn nuôi gà Việt Nam mà chúng ta cần phải giải quyết.

1.2.2.2. Tình hình chế biến và tiêu thụ sản phẩm gà ở Việt Nam

Trước khi dịch cúm bùng phát, hệ thống giết mổ, chế biến gia cầm ở nước ta hết sức lạc hậu. Hầu hết gia cầm (cả gà và vịt) được giết mổ thủ công, phân tán ở khắp mọi nơi (tại chợ buôn bán gia cầm, trên hè phố, trong thôn xóm, trong hộ gia đình v.v...); vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm. Trước dịch, cả nước có khoảng 28 cơ sở lớn chế biến thịt, nhưng nguyên liệu chế biến chủ yếu là thịt lợn và trâu bò, sản lượng thịt gà, vịt không đáng kể. Vì vậy, hơn 95% sản phẩm thịt gia cầm được tiêu thụ ở dạng tươi sống [11]

Việc buôn bán tràn lan, giết mổ thủ công, phân tán là nguyên nhân làm lây lan phát tán bệnh dịch, trong đó có bệnh cúm gia cầm. Tổ chức Nông Lương Liên hiệp

Trường Đại học Kinh tế Huế

quốc (FAO) đã cảnh báo: các chợ buôn bán, giết mổ gia cầm sống là kho lưu trữ và nguồn lây truyền bệnh cúm ở Việt Nam.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm, do yêu cầu của thị trường sử dụng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các cơ sở, dây chuyền giết mổ, chế biến sản phẩm gia cầm. Nhiều doanh nghiệp đã phát triển chăn nuôi gắn liền với giết mổ, chế biến của đơn vị để đảm bảo khép kín, an toàn nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, phần lớn các dây chuyền giết mổ tại các địa phương hiện nay vẫn là thủ công,bán công nghiệp, mức đầu tư thấp. Cơ sở vật chất như nhà xưởng, kho tàng, thiết bị làm lạnh, xử lý môi trường...chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhiều cơ sở tận dụng nhà xưởng cũ, nhà giết mổ nằm sát chuồng gà, cơ sở giết mổ nằm ngay trong khu dân cư, nhiều sản phẩm chưa thực sự đảm bảo vệ sinh. Lao động kỹ thuật thiếu nghiêm trọng. Số cơ sở chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm vẫn còn rất nhỏ bé.

Trước dịch cúm gia cầm trên 95% sản phẩm bán là tươi sống và hoàn toàn tiêu thụ trong nước [11]. Gà sống và sản phẩm được bán khắp nơi, trong các chợ nông thôn, chợ phiên, chợ nông sản và các chợ thành thị. Sản phẩm không chế biến, không bao gói, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...Trong thời gian dịch cúm gia cầm xảy ra, do tâm lý e ngại lây truyền bệnh dịch, do không có CN chế biến, giết mổ, sản phẩm không được chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên người dân không sử dụng sản phẩm gia cầm. Trong thời gian từ tháng 9-12/2006, thị trường gần như hoàn toàn đóng băng, sản phẩm thịt, trứng ứ đọng, gây tổn thất nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi và gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng. Điều đó cho thấy, khi CN chế biến, giết mổ chưa phát triển thì cả chăn nuôi và thị trường đều không bền vững. Hiện nay do một số tỉnh, thành phố đã tăng cường quản lý và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích ổn định thị trường. Một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung, cung cấp cho thị trường một lượng sản phẩm bảo đảm vệ sinh nhất định, bước đầu tạo niềm tin và thói quen sử dụng sản phẩm qua chế biến, giết mổ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sau khi dịch cúm gia cầm tạm lắng, việc quản lý buôn bán sản phẩm nhiều nơi bị buông lỏng, xu hướng vận chuyển, buôn bán, sử dụng gia cầm sống, nhất là tại các vùng nông thôn đang có chiều hướng

Trường Đại học Kinh tế Huế

phát triển trở lại cũng là nguyên nhân làm các nhà đầu tư e ngại trong việc xây dựng các cơ sở giết mổ chế biến tập trung.

Trong những năm qua, tình hình nhập khẩu thịt gia cầm (mà chủ yếu là thịt gà công nghiệp đông lạnh) vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo cả về số lượng lẫn kim ngạch nhập khẩu. Năm 2011 nước ta đã nhập 93.800 tấn thịt gà công nghiệp đông lạnh, chiếm 83,2% tổng lượng thịt các loại nhập khẩu và tăng 35,3% so với năm 2010. Theo AgroMonitor, tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan, Kim ngạch nhập khẩu thịt gia cầm năm 2011 là 95,3 triệu USD chiếm 61,9% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt các loại và tăng 37,56% so với năm 2010, tương đương tăng 26,03 triệu USD. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu thịt gia cầm lớn nhất vào Việt Nam với 74,34 triệu USD, tăng 33,5% so với năm 2010; thứ 2 là Braxin với kim ngạch đạt 10,05 triệu USD. Thịt gà từ Brazin vào Việt nam năm 2011 đã tăng mạnh so với năm trước (tăng 85,4%). Tiếp theo là Hàn Quốc, đạt 7,33 triệu USD, tăng 53,1%. Như vậy cả 3 thị trường này đã chi phối tới 96,2% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gia cầm năm 2011 [12].

Một phần của tài liệu So sánh hiệu quả kinh tế nuôi gà thịt theo hình thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp trên địa bàn thị xã hương thủy, tỉnh thừa thiên huế (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)