CHƯƠNG 1: VẤN ĐỀ TIẾP CẬN VỐN CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
1.4 Các nhân tố tác động đến khả năng tiếp cận vốn của DNNVV
- Hình thức pháp lý của DN: Có tác động lớn đến năng lực tiếp cận vốn của DN vì mỗi DN tồn tại với hình thức pháp lý khác nhau, từ đó có phương thức hình thành VCSH khác nhau, phương thức để huy động vốn, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính... Theo Luật DN 2014 thì có các loại hình DN chủ yếu sau: công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Mỗi loại hình DN lại có quy mô kinh doanh, trình độ quản lý và đặc điểm ngành nghề riêng, và chịu ảnh hưởng khác nhau khi tiếp cận vốn.
Công ty trách nhiệm hữu hạn:
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Do một cá nhân làm chủ sở hữu, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty, tách biệt tài sản của công ty với tài sản của chủ sở hữu. DN không được phát hành cổ phiếu, nên việc huy động vốn chỉ từ đi vay ngân hàng hoặc tăng vốn điều lệ.
Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên: DN này được hình thành từ hai đến năm mươi thành viên là các cá nhân, tổ chức góp vốn và các thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp vào DN. Trong quá trình hoạt động, DN có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Lợi nhuận sau thuế được các thành viên của DN quyết định: phân phối cho thành viên, phần giữ lại...
Doanh nghiệp tư nhân: Là DN do một cá nhân làm chủ, tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của DN, được toàn quyền quyết định về lợi nhuận sau thuế. Do mức độ kinh doanh nhỏ nguồn tiếp cận vốn chủ yếu của DN được huy động từ cá nhân, vay vốn ngân hàng hoặc vay từ người thân, không thể phát hành các loại chứng khoán. Đồng thời, chủ DN phải chịu toàn bộ trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các khoản nợ của DN.
Công ty cổ phần: Vốn điều lệ của DN được chia thành nhiều phần bằng nhau là cổ phần. Cổ đông của DN chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ về tài sản khác của DN trong phạm vi số vốn đã góp vào. Ngoài các hình thức huy động vốn thông thường: phân phối lại từ lợi nhuận sau thuế, vay vốn ngân hàng, công ty có thể phát hành các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) ra công chúng để huy động vốn theo quy định.
- Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của ngành nghề: Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của mỗi ngành nghề kinh doanh cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của DNNVV.
Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mà sản phẩm có chu kỳ sản xuất ngắn thì nhu cầu vốn lưu động ít có biến động trong các thời kỳ, khoản phải thu tương đối ổn định, từ đó có thể cân đối được nguồn tiền mặt phục vụ sản xuất kinh doanh. Các DN sản xuất sản phẩm thời vụ thì lại có chu kỳ về vốn lưu động biến động lớn giữa các thời kỳ trong năm. Ngược lại các DN sản xuất các sản phẩm có chu kỳ sản xuất dài, nguồn vốn lưu động phải ứng ra nhiều. Các DN cần có phương án sử dụng vốn phù hợp với tính chất của DN để đảm bảo sản xuất.
Đối với các DN thương mại – dịch vụ, vốn lưu động chiếm tỷ trọng lớn, tốc độ luân chuyển cũng nhanh hơn so với các DN sản xuất.
1.4.2 Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định cho vay của các TCTD
Quy mô: Là yếu tố dùng để phân loại doanh nghiệp thành các doanh nghiệp nhỏ, trung bình và lớn. Các chỉ tiêu trong đánh giá theo quy mô gồm: giá trị tài sản
cố định, số lượng lao động, số thuế phải nộp hàng năm,… Khi thẩm định cho vay, các tổ chức tín dụng luôn chú trọng đến quy mô của doanh nghiệp, nhất là giá trị tổng tài sản của doanh nghiệp, vì đây là một trong những yếu tố giảm rủi ro, đảm bảo thu hồi các khoản vay đã giải ngân khi mà doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.
Số năm hoạt động trong lĩnh vực của doanh nghiệp: bên cạnh đánh giá dựa vào quy mô thì thời gian hoạt động trong ngành cũng là một trong những yếu tố dùng để xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp. Khi tiếp cận thẩm định doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng sẽ xem xét về thời gian tham gia trong ngành của doanh nghiệp hoặc thương hiệu của doanh nghiệp nếu có, thông tin đó giúp phân loại và có cách thẩm định khác nhau theo từng doanh nghiệp. Thông thường doanh nghiệp thời gian hoạt động dài thị trường ổn định và có được mạng lưới khách hàng ổn định.
Trình độ học vấn/kinh nghiệm chuyên môn của cấp quản lý: Trình độ học vấn hay kinh nghiệm chuyên môn của người quản lý/điều hành doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. DN có nguồn vốn dồi dào, có khách hàng tốt, nhưng không được quản lý/điều hành bởi cấp quản lý có trình độ hoặc không được đào tạo chuyên môn về quản lý DN thì rất dễ gặp rủi ro trong quản lý hoạt động kinh doanh, và là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến mức ra quyết định cho vay của các tổ chức tín dụng, hoặc nếu có cho vay thì hạn mức được cấp cũng rất thấp.
Ngành nghề kinh doanh: mỗi ngành nghề kinh doanh sẽ có thời hạn vay vốn và hình thức vay vốn khác nhau. Tiêu chí ngành nghề tác động khá lớn đến khả năng tiếp cận vốn của DN. Tiêu chí này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn luân chuyển tiền tệ và giá trị tài sản. Khi nền kinh tế suy thoái, khoản phải thu chậm thu hồi, hàng tồn kho tăng và giảm giá trị, dẫn đến việc chậm thanh toán nợ vay cho ngân hàng, và tài sản đảm bảo cũng bị mất giá.
Lịch sử trả nợ: Một trong những công cụ để đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp là lịch sử trả nợ của công ty. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đều dùng
chung một hệ thống tra cứu Credit Information Center (CIC) – Trung tâm Thông tin Tín dụng, hệ thống thông tin trực thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Hệ thống này có chức năng thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý và đưa ra các dự báo về tình hình tài chính tín dụng trong và ngoài nước của các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh. Khả năng trả nợ của khách hàng phụ thuộc vào việc dùng khoản vay vào đúng mục đích giải ngân, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ cho tổ chức tín dụng. Doanh nghiệp có lịch sử trả nợ tốt sẽ nâng cao uy tín trong quá trình vay và khả năng trả nợ của mình. Lịch sử và uy tín của doanh nghiệp cực kỳ quan trọng trong việc làm hồ sơ vay vốn ngân hàng. Nếu lịch sử trả nợ không tốt cho dù các điều kiện khác đảm bảo thì cũng khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.
Khả năng trả nợ vay: Đây là yếu tố rất quan trọng để tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Trong quá trình hoạt động, chi phí sản xuất kinh doanh, lãi vay… được phân bổ đồng thời vẫn còn lợi nhuận cũng chính là việc kinh doanh của DN có hiệu quả, và thuận lợi cho DN nếu có nhu cầu quay vòng vốn. Đối với một số DN mới thành lập trong thời gian ngắn, chưa có lợi nhuận sẽ gặp khó khăn trong quá trình thẩm định cấp vốn, và cần phải xem xét thêm nhiều yếu tố khác trước khi ngân hàng có quyết định cho vay hay từ chối. Ngân hàng xem xét rất kỹ về phương án vay vốn có khả thi và tạo ra đủ lợi nhuận để trả nợ vay hay không. Phương án kinh doanh càng khả thi thì DN càng dễ tiếp cận vốn.
Mức độ sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính, đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay DN. Ngân hàng đánh giá cao khách hàng đã từng sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính, có lịch sử trả nợ tốt và uy tín. DN càng sử dụng nhiều dịch vụ tài chính càng dễ tiếp cận nguồn vốn vay.
Mối quan hệ của doanh nghiệp với các Hiệp hội trong ngành, của chủ DN trong quan hệ hợp tác với đối tác trong thời gian công tác trước đó: Trong quá trình hội nhập, vai trò của các Hiệp hội trong ngành rất quan trọng, vì đây là nơi liên kết các mạng lưới kinh doanh, hợp tác cùng phát triển. Nếu DN có trong Hiệp
hội thì các DN sẽ dễ dàng trong việc tiếp cận các thông tin về khoa học kỹ thuật, xu thế thay đổi của thị trường... Bên cạnh đó, khi chủ doanh nghiệp có quan hệ với các đối tác từ trước sẽ có cơ hội khi tìm kiếm các đơn hàng, đảm bảo cho DN luôn hoạt động ổn định ngay cả khi mới bắt đầu thành lập. Ngân hàng sẽ căn cứ các thông tin về uy tín của DN từ Hiệp hội, từ mối quan hệ của chủ DN để đánh giá khi cấp vốn vay.
Khả năng tài chính của chủ doanh nghiệp: một DN khi mới bắt đầu hoạt động kinh doanh và đang có xu hướng phát triển sẽ có xu hướng cần nhiều vốn, nhưng khi DN đã đi vào hoạt động ổn định thì ít cần đến nguồn vốn bên ngoài. Mà một DN mới thành lập, nếu không có tài sản đảm bảo gần như là 100% cho khoản vay, thì sẽ không được ngân hàng cấp tín dụng. Khi đó, khả năng tài chính của chủ doanh nghiệp sẽ giúp cho DN tự bổ sung nguồn vốn bên ngoài vốn chủ sở hữu, hoặc nếu chủ DN dùng tài sản cá nhân để thế chấp cho khoản vay thì mới có thể được cấp hạn mức.