Kinh nghiệm giảm nghèo cho hộ nông dân ở một số địa phương trong nước

Một phần của tài liệu Giải pháp giảm nghèo cho hộ nông dân trên địa bàn huyện võ nhai tỉnh thái nguyên (Trang 33 - 37)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ GIẢM NGHÈO CHO HỘ NÔNG DÂN

1.2. Cơ sở thực tiễn về giảm nghèo cho hộ nông dân

1.2.1. Kinh nghiệm giảm nghèo cho hộ nông dân ở một số địa phương trong nước

1.2.1.1. Kinh nghiệm của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

Huyện Tam Đường nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lai Châu, có phía Bắc giáp huyện Phong Thổ; phía Tây giáp huyện Sìn Hồ và thành phố Lai Châu; phía Đông giáp huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai); phía Nam giáp huyện Sìn Hồ và huyện Than Uyên. Huyện có 13 đơn vị hành chính gồm thị trấn Tam Đường và 12 xã. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp thiết thực và hiệu quả trong công tác giảm nghèo cho hộ nông dân. Nhờ đó nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tam Đường là 22,3%. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tam Đường giảm còn 16,02%, giảm được 6,28% so với năm 2019. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tam Đường giảm còn 12,59%, giảm được 3,43% so với năm 2020 (UBND huyện Tam Đường, 2019-2021). Để đạt được kết quả trên, huyện Tam Đường đã triển khai các giải pháp sau:

- Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo cho hộ nông dân, Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, Ban Quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã được thành lập, kiện toàn thường xuyên, phù hợp với quy định của từng giai đoạn và tình hình thực tế. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các Hội, đoàn thể đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, các chương trình hỗ trợ để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

- Huyện Tam Đường chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói giảm nghèo, qua đó khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế gia đình.

- Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện Tam Đường đã chỉ đạo các địa phương rà soát, điều tra, xác định chính xác đối tượng thụ hưởng chính sách bảo đảm tính minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, từ đó hỗ trợ tạo điều kiện cho các hộ nông dân nghèo vay vốn phát triển sản xuất nhằm khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng...Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hướng dẫn cách sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ để người dân áp dụng vào phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.

- Xác định nông lâm nghiệp là lĩnh vực kinh tế chủ lực, các ban, ngành chuyên môn của huyện Tam Đường đã phối hợp với các địa phương chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn người dân thâm canh, tăng vụ nhằm tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Để triển khai các mô hình sản xuất một cách hiệu quả, các cấp, ngành, đoàn thể trong huyện đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn. Sau nhiều năm đồng hành cùng người nghèo trên địa bàn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân hàng trăm

tỷ đồng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, người dân còn được tham gia vào các buổi tư vấn, trao đổi kinh nghiệm để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay. Nhờ vậy, trên địa bàn huyện đã có không ít hộ thoát nghèo một cách bền vững, hạn chế tối đa trường hợp người dân vay vốn về sử dụng không đúng mục đích, hiệu quả sử dụng nguồn vốn thấp dẫn đến gặp khó khăn khi hoàn trả vốn vay.

1.2.1.2. Kinh nghiệm của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Định Hoá là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên 50km theo quốc lộ 3 và tỉnh lộ 268.

Huyện có phía Bắc giáp huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn); phía Đông giáp huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn); phía Nam giáp huyện Đại Từ và huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên); phía Tây giáp huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang). Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo động lực đưa địa phương phát triển ổn định, bền vững, huyện Định Hóa đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp giúp đỡ những người nông dân nghèo vượt qua khó khăn trước mắt, từng bước ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Định Hóa là 9,7%. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Định Hóa giảm còn 6,4%, giảm được 3,3% so với năm 2019. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Định Hóa giảm còn 5,1%, giảm được 1,3% so với năm 2020 (UBND huyện Định Hóa, 2019-2021). Để đạt được kết quả trên, huyện Định Hóa đã triển khai các giải pháp sau:

- Thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Định Hóa do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách công tác văn hóa - xã hội và Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là phó Trưởng ban; các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các đơn vị chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện.

- Nhằm đảm bảo công tác giảm nghèo thực sự có hiệu quả và mang tính bền vững, huyện Định Hóa đã chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đoàn thể, UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Từ đó, giúp bà con nhân dân hiểu được chủ trương, chính sách giảm nghèo, nỗ lực phát triển kinh tế, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động vươn lên thoát nghèo.

- Thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai chương trình cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo đến tận các thôn bản, giúp phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập. Trong giai đoạn 2019-2021, tổng doanh số cho vay hộ nghèo đạt trên 168 tỷ đồng. Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân nhận thức sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và thấy trách nhiệm vươn lên thoát nghèo của bản thân.

- Nhằm tạo điều kiện cho lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề được tham gia học nghề; trợ giúp cho lao động có kiến thức cần thiết để tham gia lao động sản xuất, tạo việc làm tại địa phương và tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài, tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống, huyện Định Hóa đã triển khai thực hiện lồng ghép, gắn với việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đồng thời đào tạo các nghề xuất phát từ yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.

- Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về giảm nghèo, như chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, hỗ trợ pháp lý, chương trình 135 (bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn hay các dự án về nhân rộng mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình)...

- Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm thực hiện, hàng năm Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện, HĐND huyện, UBMTTQ huyện tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện thành lập 02 đợt kiểm tra/năm, giám sát thực hiện các chính sách đối với người nghèo trên địa bàn huyện, hướng dẫn các xã thực hiện tự đánh giá, giám sát kết quả của từng năm và đánh giá giữa kỳ, có báo cáo cụ thể gửi Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, cấp tỉnh.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo tại cơ sở có chuyên môn, nghiệp vụ, lòng nhiệt tình, tận tâm, sâu sát cơ sở, có phương pháp vận động quần chúng, vững kỹ năng nghiệp vụ, phát huy sức mạnh tham gia của cộng đồng.

Một phần của tài liệu Giải pháp giảm nghèo cho hộ nông dân trên địa bàn huyện võ nhai tỉnh thái nguyên (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)