Chương 3 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO CHO HỘ NÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN VÕ NHAI, TỈNH THÁI NGUYÊN
3.2. Thực trạng nghèo của các hộ nông dân tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên
3.2.2. Thực trạng nghèo qua điều tra các hộ nông dân
Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo và nguyện vọng của các hộ nông dân nghèo trên địa bàn huyện Võ Nhai, tác giả tiến hành điều tra 300 hộ nông dân nghèo trên địa bàn 15 xã/thị trấn, mỗi xã/thị trấn tác giả tiến hành điều tra 20 hộ. Thông tin chung về nhóm hộ nông dân nghèo được điều tra được thể hiện ở bảng số liệu 3.4. Kết quả tổng hợp cho thấy, trong 300 hộ được điều tra thì có 255 chủ hộ là nam giới, chiếm tỷ lệ 85%; có 45 chủ hộ là nữ giới, chiếm tỷ lệ 15%. Độ tuổi bình quân của chủ hộ là 37,4 tuổi. Độ tuổi của chủ hộ phản ánh kinh nghiệm trong việc điều hành gia đình, điều hành sản xuất cũng như khả năng lựa chọn phương án làm ăn góp phần giảm nghèo cho hộ. Bên cạnh yếu tố độ tuổi, trình độ học vấn của chủ hộ cũng ảnh hưởng đến khả năng tạo ra thu nhập. Những chủ hộ có trình độ học vấn cao hơn, họ có khả năng tiếp cận những tiến hộ khoa học mới tốt hơn cũng như khả năng quản lý và tìm ra các phương án làm ăn tốt hơn. Kết quả tổng hợp điều tra cho thấy, trình độ học vấn trung bình của chủ hộ là 5,8/12.
Bảng 3.4: Tình hình chung của nhóm hộ điều tra
Chỉ tiêu ĐVT Kết quả điều tra
- Số hộ điều tra Hộ 300
- Tuổi trung bình của chủ hộ Tuổi 37,4
- Giới tính của chủ hộ
+ Nam 255
+ Nữ 45
- Trình độ học vấn trung bình của chủ hộ Lớp 5,8
- Nhân khẩu bình quân của hộ Người 4,6
- Dân tộc
+ Kinh Hộ 24
+ Khác Hộ 276
(Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra năm 2022) Về số nhân khẩu bình quân của hộ, kết quả điều tra cho thấy, số nhân khẩu bình quân của nhóm hộ được điều tra là 4,6 người. Trong đó, hộ có số khẩu cao nhất là 7 người, hộ có số khẩu ít nhất là 3 người. Về tình hình dân tộc của nhóm hộ điều tra, do đặc thù của địa bàn nghiên cứu có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc thiểu số, do đó số chủ hộ là dân tộc thiểu số chiếm tỷ cao. Trong 300 hộ được điều tra thì có 24 chủ hộ là dân tộc Kinh, chiếm tỷ lệ 8%; có 276 chủ hộ là dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 92%.
3.2.2.2. Nguyên nhân nghèo của các hộ điều tra
Kết quả tổng hợp cho thấy, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của các hộ nông dân trên địa bàn huyện Võ Nhai là: thiếu vốn sản xuất với 238 hộ lựa chọn, tần suất lựa chọn là 79,3%; thiếu phương tiện trong sản xuất với 224 hộ lựa chọn, tần suất là 74,7%; thiếu đất canh tác với 194 hộ lựa chọn, tần suất là 64,7%; không biết cách làm ăn, không có tay nghề với 192 hộ lựa chọn, tần suất là 64%.
Bảng 3.5: Tổng hợp nguyên nhân nghèo đói của hộ Nguyên nhân Số hộ lựa chọn
(Hộ)
Tỷ lệ lựa chọn (%)
1. Thiếu vốn sản xuất 238 79,3
2. Thiếu đất canh tác 194 64,7
3. Thiếu phương tiện sản xuất 224 74,7
4. Thiếu lao động 164 54,7
5. Đông người ăn theo 156 52,0
6. Có lao động nhưng không có việc làm 162 54,0
7. Không biết cách làm ăn, không có tay nghề 192 64,0 8. Gia đình có người ốm đau nặng 94 31,3
9. Gia đình có người mắc tệ nạn xã hội 56 18,7
10. Chây lười lao động 32 10,7
11. Nguyên nhân khác 54 18,0
(Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra năm 2022) Để tìm hiểu rõ hơn các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của hộ nông dân, tác giả phân tích sâu hơn các nguyên nhân sau:
- Nguyên nhân thiếu vốn sản xuất
Thực tế cho thấy, do chủ yếu các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, thu nhập thấp nên vốn để đầu tư cho sản xuất gần như là không có. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, do đó, nguyên nhân thiếu vốn sản xuất có nhiều lượt bình chọn nhất cũng là điều dễ hiểu.
- Nguyên nhân thiếu phương tiện sản xuất
Trong giai đoạn 2019-2021, huyện Võ Nhai đã hỗ trợ mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến hàng hóa nông sản cho 465 hộ nghèo với tổng số tiền hỗ trợ là 7.665,8 triệu đồng. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng với nguồn lực có hạn, trong khi phải thực hiện nhiều mục tiêu hỗ trợ khác nhau nên số hộ nghèo được hỗ trợ mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất,
chế biến hàng hóa nông sản còn chiếm tỷ lệ thấp. Với lý do đó nên khi được hỏi, có tới 74,7% lựa chọn nguyên nhân này.
- Nguyên nhân thiếu đất canh tác
Đất đai là một tư liệu sản xuất hết sức quan trọng đối với hộ nghèo, đặc biệt là khu vực thuần nông như địa bàn các xã trên địa bàn huyện Võ Nhai.
Đặc biệt có nhiều xã có địa hình chủ yếu là núi đá, diện tích đất trồng lúa có ít nên phần lớn người dân đều thiếu đất canh tác. Tỷ lệ lựa chọn nguyên nhân này khi điều tra là 64,7%.
- Nguyên nhân không biết cách làm ăn, không có tay nghề
Trình độ dân trí thấp, hầu hết là người dân tộc thiểu số, số người nghèo được dạy nghề còn ít, đặc biệt là dạy nghề tại trung tâm dạy nghề của huyện.
Từ những nguyên nhân đó nên khi được hỏi, có tới 64% số người được hỏi lựa chọn nguyên nhân dẫn đến nghèo là không biết cách làm ăn, không có tay nghề. Vì vậy, trong thời gian tới huyện Võ Nhai cần chú trọng quan tâm nhiều hơn đến chính sách dạy nghề cho hộ nông dân nghèo để giúp các hộ nông dân nghèo thoát nghèo bền vững.
3.2.2.3. Nguyện vọng của các hộ nghèo được điều tra
Tổng hợp các nguyện vọng của hộ nghèo được tác giả thể hiện ở bảng số liệu 3.6. Từ bảng 3.6 cho thấy, nguyện vọng của hộ nghèo hoàn toàn phù hợp với sự lựa chọn các nguyên nhân dẫn đến nghèo của hộ ở bảng 3.5. Nguyện vọng có tỷ lệ lựa chọn cao nhất là hỗ trợ vay vốn ưu đãi với 84%. Tiếp theo là hỗ trợ phương tiện sản xuất với tỷ lệ 77,3%; giúp học nghề là 74,7%. Nguyện vọng có sự lựa chọn thấp nhất là hỗ trợ xuất khẩu lao động với 112 hộ lượt lựa chọn, chiếm tỷ lệ 37,3%. Nguyên nhân là nhiều hộ nghèo có con chưa đến độ tuổi lao động hoặc gia đình có người trong độ tuổi lao động nhưng đã ngoài 40 tuổi nên rất khó khăn khi xin đi lao động ở nước ngoài.
Bảng 3.6: Tổng hợp nguyện vọng của hộ nghèo Nguyên nhân Số hộ lựa chọn
(Hộ)
Tỷ lệ lựa chọn (%)
1. Hỗ trợ vay vốn ưu đãi 252 84,0 2. Hỗ trợ đất sản xuất 192 64,0 3. Hỗ trợ phương tiện sản xuất 232 77,3 4. Giúp học nghề 224 74,7
5. Giới thiệu việc làm 204 68,0
6. Hướng dẫn cách làm ăn 216 72,0
7. Hỗ trợ xuất khẩu lao động 112 37,3
8. Trợ cấp xã hội 152 50,7
9. Nguyện vọng khác 136 45,3
(Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra năm 2022) Một điều đáng quan tâm, đó là nguyện vọng được hưởng trợ cấp xã hội từ Nhà nước còn chiếm tỷ lệ 50,7%. Điều này cho thấy vẫn còn tình trạng người nghèo trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.