Chương 3 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO CHO HỘ NÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN VÕ NHAI, TỈNH THÁI NGUYÊN
3.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo của các hộ nông dân
3.1.1. Đặc điểm tự nhiên của huyện Võ Nhai
Võ Nhai là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Thái Nguyên. Võ Nhai có diện tích tự nhiên là 83.950,24 ha với 15 đơn vị hành chính, gồm Thị trấn Đình Cả và 14 xã: Xã Tràng Xá; Xã Liên Minh; Xã Phương Giao; Xã Dân Tiến; Xã Bình Long; Xã Lâu Thượng; Xã Phú Thượng; Xã La Hiên; Xã Cúc Đường; Xã Vũ Chấn; Xã Nghinh Tường; Xã Sảng Mộc; Xã Thượng Nung; Thần Sa. Huyện có vị trí tiếp giáp như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Chợ Mới và Na Rì của tỉnh Bắc Kạn;
- Phía Đông giáp huyện Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn;
- Phía Nam giáp huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang;
- Phía Tây giáp huyện Đồng Hỷ.
3.1.1.2. Địa hình
Võ Nhai là huyện có địa hình phức tạp, đồi núi là chủ yếu, đất ruộng ít, phần lớn diện tích là đồi núi thấp và núi đá vôi, những vùng đất bằng phẳng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhỏ, chủ yếu theo các khe suối, triền sông và thung lũng.
3.1.1.3. Khí hậu, thủy văn
Khí hậu của huyện mang đặc điểm chung của khí hậu miền núi Bắc Bộ, có hai mùa rõ rệt.
- Chế độ mưa: Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau (số ngày mưa bình quân 143 ngày), lượng mưa trung
bình từ 1.500-2.250 mm, tuy nhiên lượng mưa phân bố không đều, trong các tháng mùa mưa tập trung 90% lượng mưa cả năm (từ tháng 6 đến tháng 9).
Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3, trong mùa khô hay có sương muối kèm theo rét đậm kéo dài, gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng vật nuôi.
- Chế độ nhiệt: Nhiệt độ trung bình cả năm là 22,3oC, các tháng nóng là các tháng mùa mưa, nóng nhất là tháng 7 với nhiệt độ trung bình là 29,6oC, các tháng có nhiệt độ thấp từ tháng 11 đến tháng 2, thấp nhất là tháng 1 với nhiệt độ trung bình 14,2oC. Với nền chế độ nhiệt như trên, các loại cây ăn quả nhiệt đới phát triển tốt. Đối với các loại cây trồng ngắn ngày có thể trồng 2 - 3 vụ trong năm.
- Chế độ bốc hơi và chế độ ẩm: Lượng bốc hơi hàng năm khoảng 977mm, tháng 5 có lượng bốc hơi lớn nhất (106mm), có 3 tháng trong mùa khô, chỉ số ẩm ướt k<0,5 đây là thời kỳ khô hạn gay gắt, nếu không có biện pháp tưới, giữ ẩm thỉ ảnh hưởng rất lớn đối với năng suất cây trồng. Độ ẩm trung bình năm dao động từ 80 - 85%, các tháng mưa độ ẩm cao hơn từ 84 - 90%, độ ẩm thấp ở các tháng cuối năm gây khó khăn cho phát triển vụ Đông.
- Chế độ gió: Nằm trong vùng có chế độ gió mùa, có hai hướng gió chủ đạo thay đổi theo mùa. Mùa hè chủ yếu có gió thành phần đông, mùa đông chủ yếu có gió thành phần bắc. Tốc độ gió trung bình 1,5 - 2m/s, trong các tháng mưa (tháng 6 đến tháng 9) thường có gió mạnh, gió giật làm ảnh hưởng tới cây trồng.
3.1.1.4. Các nguồn tài nguyên a) Tài nguyên đất
Huyện Võ Nhai có diện tích tự nhiên là 83.950,24 ha, trong đó có các loại đất như sau:
- Đất phù sa: 1.816,0 ha chiếm 2,2% tổng diện tích đất tự nhiên;
- Đất đen: 935,5 ha, chiếm 1,1% tổng diện tích đất tự nhiên;
- Đất xám bạc màu: 63.917,7 ha, chiếm 76,1% tổng diện tích đất tự nhiên;
- Đất đỏ: 3.770,8 ha, chiếm 4,5% tổng diện tích đất tự nhiên;
- Các loại đất khác: 13.510,24 ha, chiếm 16,1% tổng diện tích đất tự nhiên.
Nhìn chung, huyện Võ Nhai có nhiều loại đất canh tác phù hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả và trồng rừng, song chủ yếu là đất đồi núi. Những diện tích đất bằng phẳng phục vụ cho canh tác nông nghiệp rất thấp, đất ruộng lúa chỉ có 2.916,81ha.
b) Tài nguyên nước
Trong huyện có hai hệ thống nhánh sông trực thuộc hệ thống sông Cầu và sông Thương, đó là hệ thống sông Nghinh Tường và hệ thống sông Dong.
Bên cạnh đó, huyện có nhiều khe, suối nhỏ nên nguồn nước mặt tương đối phong phú nhưng phân bố không đều. Qua điều tra thăm dò khảo sát thì nguồn nước ngầm tương đối phong phú, chất lượng tốt, đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
c) Tài nguyên rừng
Võ Nhai là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh với 83.950,24 ha, trong đó đất lâm nghiệp có khoảng 66.000ha, đó là tiềm năng lớn để huyện phát triển kinh tế rừng. Trong giai đoạn 2019-2021, mỗi năm huyện trồng được từ 800 ha đến trên 1.800 ha rừng các loại theo thiết kế (vượt chỉ tiêu trồng 900-1.000 ha rừng/năm), chưa kể diện tích người dân tự bỏ vốn trồng khoảng 300 ha/năm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 70%. Cùng với trồng rừng theo các dự án được Nhà nước hỗ trợ, người dân trên địa bàn cũng tích cực nhận giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để có thêm thu nhập và góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.
d) Tài nguyên khoáng sản
Qua kết quả điều tra tìm kiếm thăm dò, Võ Nhai có các loại khoáng sản sau: (i) Kim loại màu, gồm chì, kẽm ở Thần Sa với quy mô trữ lượng nhỏ, không tập trung; (ii) Vàng ở Thần Sa, Sảng Mộc, Liên Minh nhưng chỉ là vàng sa khoáng, hàm lượng thấp, quản lý khai thác khó khăn; (iii) Mỏ phốt
pho ở La Hiên trữ lượng khá , khoảng 60.000 tấn; (iv) Khoáng sản vật liệu xây dựng như: đá xây dựng, cát, sỏi, sét xi - măng ở La Hiên, Cúc Đường có trữ lượng lớn, chất lượng tốt.
d) Tiềm năng du lịch
Với địa hình có dãy núi đá vôi xen lẫn núi đất trùng điệp tạo nên những thắng cảnh đẹp tự nhiên của núi rừng. Quần thể hang động Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà và hang động khác như: Nà Kháo, Hang Huyền,...có nhiều nhũ đá tạo nên cảnh quan đẹp. Mái Đá Ngườm ở xã Thần Sa là cái nôi ra đời sớm nhất của người Âu Lạc. Rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá là nơi thành lập đội cứu quốc quân II và nhiều hang động, di tích khác đã đi vào lịch sử của dân tộc. Do hệ thống giao thông đang từng bước hoàn chỉnh nên tiềm năng du lịch của huyện đang được phát huy cùng với hệ thống du lịch trong toàn tỉnh.