Đặc điểm điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện sốp cộp tỉnh sơn la (Trang 36 - 42)

Chương 2 ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA HUYỆN SỐP CỘP VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đặc điểm cơ bản của huyện Sốp Cộp

2.1.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên

2.1.1.1. Vị trí địa lý.

Sốp Cộp là huyện vùng cao biên giới được thành lập tháng 12/2003, có tổng diện tích tự nhiên là 147.342 ha.

Huyện Sốp cộp cách thành phố Sơn La 130 km về hướng Tây Nam có hơn 124 km đường biên giới giáp với Lào.

Địa giới hành chính của huyện được xác định như sau:

- Phía Nam giáp nước CHDCND Lào;

- Phía Tây giáp huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điên Biên;

- Phía Bắc giáp huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La;

- Phía Đông giáp CHDCND Lào.

Toàn huyện được chia làm 08 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 106 bản, 3 cụm dân cư và là huyện đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình Nghị quyết 30a và chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ.

Là huyện giáp với Lào nên huyện Sốp Cộp có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền Quốc gia. Mặt khác, huyện có nhiều đường tiểu ngạch qua lại trên tuyến biên giới Việt Lào vì vậy huyện có điều kiện giao lưu kinh tế trực tiếp với Lào, tạo cơ hội để phát triển dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu.

* Địa hình, địa mạo

Huyện Sốp Cộp có địa hình núi cao bị chia cắt mạnh, khá phức tạp. Các dãy núi cao nằm ở các xã: Sam Kha, Mường Lèo, Nậm Lạnh, vùng núi thấp ở các xã: Sốp Cộp, Dồm Cang, Púng Bánh và Mường Lạn.

Độ cao trung bình từ 900 - 1000 m so với mặt nước biển, đỉnh cao nhất 1.925 m ở Pu Sâng xã Mường Lèo, thấp nhất ở suối Nậm Công xã Sốp Cộp trên 700m so với mực nước biển. Các dãy núi dài và đứt gãy chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam tạo ra các tiểu vùng có đặc điểm địa hình, khí hậu, đất đai, nguồn nước tương đối đa dạng phù hợp để phát triển kinh tế hàng hoá thoả mãn yêu cầu của thị trường. Căn cứ vào địa hình, huyện chia thành 2 tiểu vùng sinh thái nông - lâm nghiệp:

- Tiểu vùng 1: Gồm các xã vùng thấp: Sốp Cộp, Mường Và, Dồm Cang, Púng Bánh, Mường Lạn, vùng thuộc dạng địa hình núi thấp, độ cao 700 - 900 m, độ dốc nhỏ, là vùng sản xuất lương thực chủ yếu, đây là vùng động lực phát triển của huyện. Đây là vùng phù hợp với việc trồng cây lương thực, cây ăn quả, cây dược liệu, măng tre, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ.

- Tiểu vùng 2: Bao gồm các xã vùng cao như: Sam Kha, Mường Lèo, Nậm Lạnh. Vùng thuộc dạng địa hình núi, độ cao trung bình từ 1.000 - 1800 m, độ dốc dọc lớn nhất, chia cắt mạnh, phù hợp với phát triển lúa nương, cây màu ngô, sắn kết hợp phát triển mạnh khai hoang ruộng nước nhằm đảm bảo an ninh lương thực, trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất và chăn nuôi đại gia súc.

* Khí hậu - thời tiết

Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa. Chế độ gió có sự tương phản rất rõ rệt, mùa hè trùng với gió mùa đông nam, tây nam kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, thời tiết nóng ẩm mưa nhiều, mùa Đông trùng với gió mùa Đông Bắc kéo dài từ tháng tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thời tiết lạnh, khô và ít mưa.

Diễn biến thời tiết và khí hậu có những đặc trưng chính sau đây:

Chế độ nhiệt:

Nhiệt độ trung bình năm: 22,40C 22,70 C. Nhiệt độ cao trung bình năm: 29,70 C. Chế độ thấp trung bình: 18,70 C.

Các tháng 11, 12, 1 và 2 nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Chế độ mưa: Theo số liệu trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Sơn La.

Lượng mưa trung bình 1.087mm/năm, thấp nhất (năm 2002) là 385 mm/năm, thường tập trung vào các tháng mùa hè và mùa thu, lượng mưa chiếm 85 - 90% lượng mưa cả năm, mưa lớn vào các tháng 6,7,8 (lượng mưa đều trên 200 mm/tháng). Mùa ít mưa từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa nhỏ (thường dưới 20 mm/tháng).

Tổng số ngày mưa trung bình năm 168 ngày, các tháng 6,7, và 8 có số ngày mưa nhiều và cường độ mưa lớn, tập trung, gây xói mòn rửa trôi đất, nhất là ở vùng đất trống đồi núi trọc, nơi có ít hoặc không có độ che phủ của thảm thực vật.

* Thủy văn

Trên địa bàn không có sông chảy qua, chỉ có các suối nhỏ. Các hệ thống suối chính gồm có:

- Suối Nậm Ban chảy qua các xã Púng Bánh, Dồm Cang, Sốp Cộp.

- Suối Nậm Lạnh chảy qua các xã Nậm Lạnh, Sốp Cộp.

- Suối Nậm Ca do các suối nhỏ (Nậm Niếng, Huổi Ca, Huổi Dương) chảy từ Mường Và - Sốp Cộp.

Các suối có nước chảy quanh năm, lưu lượng ổn định.

- Suối Nậm Ban, Huổi Pua, Huổi Khá, Huổi Long (Xã Púng Bánh).

Chiều dài chạy qua xã 23 km, bắt nguồn từ các dãy núi phía Bắc của xã Púng Bánh, chảy sang Dồm Cang, có nước cả trong mùa khô, là nguồn nước chính tưới cho lúa, hoa màu của xã.

- Suối Nậm Pừn (từ xã Mường Lèo chảy sang Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên) là suối lớn nhất của xã, bắt nguồn từ độ cao 1.600 m (giáp với biên giới Việt - Lào), chảy qua Điện Biên là đầu nguồn của dòng Sông Mã, đây là dòng suối có tiềm năng về thuỷ điện.

- Suối Nậm Công (xã Sốp Cộp) là suối lớn nhất trong huyện, hợp lưu của 3 hệ thống suối Nậm Ca, Nậm Ban, và Nậm Lạnh, trở thành nhánh chính của Sông Mã, nguồn nước dồi dào đủ cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt, và có tiềm năng về thuỷ điện.

2.1.1.2. Các nguồn tài nguyên Tài nguyên đất đai

Hiện trạng cơ cấu sử dụng đất đai của huyện Sốp Cộp năm 2019 được nêu trên biểu 2.1.

Theo số liệu thống kê đất đai đến 31/12/2019 của huyện Sốp Cộp, tổng diện tích tự nhiên là 147.342 ha, trong đó đất chưa sử dụng còn 69.527,92 ha.

Đặc điểm thổ nhưỡng:

Theo kết quả tính toán từ bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/100.000 của tỉnh Sơn La cho thấy trên địa bàn huyện Sốp Cộp có các nhóm đất chính sau:

- Đất phù sa sông suối (ký hiệu Py): Diện tích 2.377 ha, chiếm 1,61%;

- Đất đỏ vàng trên đá sét (Fs): Diện tích 17.587 ha, chiếm 11,88%;

- Đất mùn đỏ vàng trên đá sét (Hs): Diện tích 84.351 ha, chiếm 56,96%;

- Đất đỏ vàng trên đá cát (Fq): Diện tích 4.990 ha, chiếm 3,37%;

- Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước (FI): Diện tích 2.099 ha chiếm 1,42%;

- Đất thung lũng dốc tụ (D): Diện tích 459 ha, chiếm 0,31%;

- Đất mùn vàng nhạt trên đá cát (Hq): Diện tích 36.225 ha, chiếm 24.46%.

Bảng 2.1. Hiện trạng sử dụng đất huyện Sốp Cộp (năm 2019)

TT Loại đất Diện tích (ha) Tỷ lệ

(%) Tổng diện tích tự nhiên 147.342,00 100,00

1 Đất nông nghiệp 75.818,55 51,53

1.1 Đất trồng lúa 4.119,68 2,80

1.2 Đất trồng cây hàng năm khác 4.790,51 3,45

1.3 Đất trồng cây lâu năm 1.445,23 0,83

1.4 Đất rừng phòng hộ 32.643,57 22,16

1.5 Đất rừng đặc dụng 5.872,04 3,99

1.5 Đất rừng sản xuất 26.652,72 18,09

1.6 Đất nuôi trồng thuỷ sản 289,38 0,20

1.7 Đất nông nghiệp khác 5,43 0,00

2 Đất phi nông nghiệp 1.995,54 1,31

2.1 Đất quốc phòng 278,53 0,14

2.2 Đất thương mại, dịch vụ 1,58 0,00

2.3 Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp 2,89 0,00 2.4 Đất phát triển hạ tầng các cấp 827,25 0,58

2.5 Đất ở tại nông thôn 317,37 0,21

2.6 Đất ở tại đô thị 55,71 0,03

2.7 Đất xây dựng trụ sở cơ quan 11,38 0,01

2.8 Đất nghĩa trang, nghĩa địa 139,28 0,09

2.9 Đất phi nông nghiệp khác 2,00

3 Đất chưa sử dụng 69.527,92 47,16

(Nguồn: Thống kê huyện Sốp Cộp) Nhìn chung đất đai huyện Sốp Cộp phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau song phần lớn là đất dốc và có độ dốc lớn. Hàm lượng các chất dinh dưỡng như đạm, lâm, Kali, Canxi,Magiê trong đất thấp và giảm nhanh theo độ sâu, tỷ lệ không cân đối. Do vậy cần chú trọng áp dụng các biện pháp canh tác nhằm bảo vệ đất, hạn chế rửa trôi, xói mòn làm nghèo dinh dưỡng đất.

Tài nguyên nước

Nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong địa bàn huyện Sốp Cộp được lấy từ hai nguồn:

- Nguồn nước mặt: Đây là nguồn nước chính phục vụ sản xuất sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Được cung cấp bởi hệ thống suối như: suối Nậm Ban, Nậm Pừn, Nậm Công, Nậm Lạnh, Nậm Liếng, Huổi Ca, Huổi Dương, Huổi Long. Tuy nhiên phần lớn mặt nước các suối đều thấp hơn mặt bằng đất canh tác và cá khu dân cư nên hạn chế đáng kể tới khả năng khai thác sử dụng vào sản xuất và đời sống.

- Nguồn nước ngầm: Tuy chưa có đủ tài liệu về kết quả điều tra thăm dò nhưng qua thực tế cho thấy lượng nước ngầm của huyện khá phong phú.

Một số nơi dân đào giếng sâu 10 m trở lên đã có nước và đủ dùng trong mùa khô. Song do địa hình đồi núi, độ dốc lớn, nguồn nước ngầm sâu việc đầu tư khai thác nguồn nước ngầm rất phức tạp, tốn kém .

Tài nguyên rừng

Diện tích đất rừng của huyện Sốp Cộp tương đối lớn. Theo số liệu thống kê đất đai năm 2013. Diện tích đất lâm nghiệp của huyện là 58.530 ha, chiếm 39,72% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện bao gồm đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất.

Tài nguyên khoáng sản

Nguồn khoáng sản của huyện Sốp Cộp chưa được thăm dò, khảo sát đầy đủ, song có thể thấy Sốp Cộp là huyện nghèo về khoáng sản, chỉ có đá vôi, cát sỏi... Có thể khai thác với quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu tại chỗ như mỏ đá Tà Cọ xã Sốp Cộp, mỏ đá Huổi Lầu xã Mường Và...

Tài nguyên nhân văn

Sốp Cộp là vùng đất cổ được hình thành và phát triển sớm trong lịch sử đất nước ta. Trải qua những thăng trầm của lịch sử đến nay trên địa bàn huyện vẫn còn giữ đươc giá trị quý báu của mình như Tháp Mường Và... Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Mông chiếm 22%, Thái

chiếm 66%, Khơ Mú chiếm 6%, Lào chiếm 5%, và Kinh chiếm 1%... Mỗi dân tộc có bản sắc đặc trưng riêng từ phong tục tập quan đến quan hệ cộng đồng, ngôn ngữ và ngành nghề truyền thống cũng riêng biệt. Nhưng vẫn bảo tồn những nét đặc trưng riêng về văn hoá và nhất là tiếng nói riêng. Những giá trị văn hoá truyền thống cần được giữ gìn, phát huy để tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hoá dân tộc trong huyện. Đó là những giá trị văn hoá phi vật thể quí giá, là nguồn tài nguyên nhân văn có thể khai thác phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái nhân văn đang được du khách ưa chuộng.

Một phần của tài liệu Giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện sốp cộp tỉnh sơn la (Trang 36 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)