Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.3. Một số giải pháp nhằm duy trì, phát huy, nhân rộng các kết quả của dự án
3.3.1. Giải pháp cho giai đoạn hậu Dự án FSDP huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi
3.3.1.1. Nhân rộng mô hình vay vốn để trồng rừng sản xuất
Thực tế cho thấy, thành công của Dự án một phần là nhờ dự án đã tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế thông qua hoạt động trồng rừng thương mại theo hướng bền vững.
Cách thức cho người nông dân vay vốn và sử dụng đồng vốn của Dự án FSDP đã tác động tích cực đến hành vi tiếp cận vốn và sử dụng đồng vốn vay của phần lớn hộ gia đình. Điều đặc biệt, mặc dù trong quá trình trồng rừng không ít hộ gặp rủi do (chủ yếu bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 năm 2009) tuy nhiên các hộ gia đình, nhóm nông dân trồng rừng rất có ý thức trong việc thực hiện trách nhiệm của mình đối với ngân hàng. Để phát huy hơn nữa vai trò và
giảm thiểu hạn chế của việc tiếp cận và sử dụng nguồn tín dụng ưu đãi đối với người nông dân trồng rừng, cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau:
- Các đối tượng tham gia trồng rừng dự án có nhiều loại hình hộ tham gia như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập cao, hộ dân tộc thiểu số...nhưng chính sách chỉ áp dụng chung cho tất cả đối tượng tham gia dự án.
Với các chính sách ưu đãi này thì phần lớn các hộ tham gia có lợi nhuận lớn đều đến từ các hộ khá giả, có tiềm lực kinh tế cao, có khả năng tiếp cận lượng vốn vay lớn. Tuy nhiên để dự án có thể đem lại thành công và hiệu quả hơn nữa đối với các đối tượng nghèo và cận nghèo cần phải được chỉnh sử lại hạn mức diện tích tối thiểu về trồng rừng từ 0,3 hecsta xuống 0,15 héc ta để những hộ có những diện tích đất qui mô nhỏ có cơ hội tiếp cận dự án (phần lớn hộ này là những hộ nghèo và cận nghèo.
- Cần cân nhắc định mức được vay, lãi xuất, thời gian cho vay, cách thức giải ngân và trả lãi suất. Căn cứ này cần dựa trên cơ sở căn cứ vào mức đầu tư trên từng khu vực trồng rừng của các hộ gia đình; căn cứ vào nhu cầu tập quán của dân tộc thiểu số hay người Kinh, căn cứ vào hộ gia đình đó thuộc mức sống nào; họ trồng cây theo chu kỳ cây sinh trưởng nhanh hay cây bản địa....Chẳng hạn, có nhiều ý kiến cho rằng, nên hạ mức lãi suất từ 0,3%
đến 0,5%, tăng số lượng cho vay từ 20 đến 25 triệu đồng/ha và thời hạn cho vay là trên 10 năm.
- Đối với những hộ gia đình nghèo, đặc biệt là bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 9/2009, rất khó có khả năng trả nợ ngân hàng cần phải tính toán đến việc cho họ vay lại với tỷ lệ từ 30 đến 50% so với số tiền được vay ban đầu để họ tiếp tục trồng rừng và có điều kiện chăm sóc bảo vệ rừng. Đây là lối thoát duy nhất để họ có thể trả gốc và lãi suất cho ngân hàng, đồng thời có thể tránh việc rơi vào bần cùng hóa mà nguyên nhân là do thiên tai và mắc nợ ngân hàng.
- Đối với những hộ gia đình nghèo không có nguồn vốn tự có, họ phải đi vay nóng với lãi suất cao cũng là một vấn đề chính quyền và Ban Quản lý Dự án các cấp cần phải quan tâm tính đến việc giải ngân và mức hỗ trợ lãi xuất phù hợp hơn.
- Cần quan tâm hơn đến việc tạo ra tính chủ động của người nông dân theo hướng “cầm tay chỉ việc” trong quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn của các hộ gia đình, từng bước giảm thiểu tình trạng làm thay, làm hộ của các cán bộ Dự án và Ngân hàng. Họ chỉ thực sự tham gia hỗ trợ, hướng dẫn các hộ gia đình khi thực sự cần thiết.
3.3.1.2. Đẩy mạnh công tác tổ chức, phổ cập và giám sát chất lượng
Để tiếp tục phát huy tính hiệu quả và giảm hạn chế trong công tác tổ chức, phổ cập nhằm nâng cao kiến thức và thay đổi thái độ đối với với hoạt động trồng rừng thương mại của người nông dân, Dự án FSDP cần cân nhắc triển khai tốt một số giải pháp sau:
- Tăng cường tập huấn các nội dung về: Kỹ thuật xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng các loài cây mọc nhanh; Phòng chống cháy rừng, bón phân và sâu bệnh; Chứng chỉ rừng; Thị trường và giá trị kinh tế của rừng trồng; Xây dựng kế hoạch hoạt động của nhóm nông dân trồng rừng; Tập huấn cho người dân sử dụng được tính trữ lượng rừng...theo hướng gắn với khảo sát nhu cầu người trồng rừng ở từng địa bàn.
- Tăng cường hơn nữa số lượng và chất lượng các hoạt động truyền thông Dự án đến nhiều lượt người dân trong các cộng đồng dân cư đang tham gia Dự án và có khả năng tham gia Dự án. Đặc biệt là thông qua các kênh thông tin của Dự án, sử dụng phong phú các phương pháp truyền thông như phát tờ rơi, áp phích, xây dựng chương trình truyền thanh, làm phim về Dự án… Nên tập trung truyền thông, tập huấn cho cả những hộ gia đình chưa tham gia Dự án, nhất là vấn đề ý thức bảo vệ rừng, kỹ thuật trong việc chọn giống và trồng rừng Trước hết có thế thông qua trường học để tuyên truyền
cho các em học sinh về bảo vệ rừng (không đốt tổ ong trong rừng, hoặc chăn thả trâu bò trong khu rừng 1 tuổi…).
- Tăng cường các lớp tham quan mô hình bên ngoài Dự án trong và ngoài tỉnh để hộ trồng rừng trao đổi học hỏi kinh nghiệm. Trong quá trình tập huấn cần chú trọng thực hành nhiều hơn lý thuyết; tích cực phát huy sự tham gia của người dân nhằm giúp hộ dân biết cách làm đồng thời có thể vận dụng ngay vào lô rừng của chính bản thân mình.