Thực trạng sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên thế giới

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng sử dụng đất cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã quảng trị, tỉnh quảng trị (Trang 29 - 33)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. Thực trạng sử dụng đất tại các CCN/HCN trên thế giới và Việt Nam

1.2.1. Thực trạng sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên thế giới

Nước Mỹ có 2 đạo Luật cơ bản để kiểm soát phát triển đất đai là “A Standard State Zoning Enabling Act” (SZEA)/Luật tiêu chuẩn phân vùng các Bang từ năm 1921” và “Standard City Planning Enabling Act (SCPEA)/Luật tiêu chuẩn quy hoạch thành phố năm 1927”. Herbert Hoover – Bộ trưởng thương mại Mỹ thời kỳ đó đã viết trong lời nói đầu: “đạo Luật này bắt nguồn từ một vấn đề cụ thể, đó là quy hoạch và

phân vùng sử dụng đất để các nhà đầu tư có thể đầu tư phát triển thành phố có trật tự và hiệu quả, khắc phục những sai lầm trong quá khứ, đảm bảo đủ dự trữ đất đai cho phát triển đường xá, công viên, tiện ích công cộng, cho nhu cầu xây dựng nhà cửa, công nghiệp thương mại và vui chơi, giải trí…”

Giáo sư Stuart Meck, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Quy hoạch Mỹ, trong bài

“Model planning and zoning enabling legislation/Luật mẫu về quy hoạch và phân vùng” đã viết: “Luật Quy hoạch là cơ chế mà theo đó Nhà nước ủy quyền cho phép cơ quan (Bộ, ngành) nào đó trong việc lập quy hoạch và phân vùng, đồng thời chính quyền địa phương được thực hiện thông qua một cơ chế xác định”.

Đây là dạng Luật mẫu “Model Law” của Liên bang và không có Luật nào điều tiết lại Luật này.

Nước Anh có “Town and Country Planning Act/Luật quy hoạch thành phố từ năm 1947 sau này được chỉnh sửa vào năm 1990” để kiểm soát toàn diện việc sử dụng đất xây nhà, các khu vực phát triển, các công việc liên quan đến xây dựng đều phải có giấy phép quy hoạch của chính quyền địa phương dưới sự quản lý và điều hành của

“Bộ các vấn đề cộng cộng và chính quyền địa phương/Secretary of state for commmunities and local government”.

Nước Nga có Luật Xây dựng thành phố” điều chỉnh các hoạt động xây dựng, quy hoạch thành phố, quy hoạch vùng lãnh thổ, quy hoạch sử dụng đất… Luật này được Quốc hội Nga thông qua vào năm 2004. Khoản 3, Điều 3 Chương 1 của Bộ luật này ghi rõ “Pháp luật và các quy định khác liên quan đến xây dựng và quy hoạch thành phố không trái hoặc mâu thuẫn với đạo Luật này”.

Nước Nga hay Liên Xô trước đây đều có kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, sau khi Liên Xô tan rã 1991 đã không còn các kế hoạch này nữa. Liên bang Nga ngày nay có Bộ phát triển kinh tế, nhiệm vụ của Bộ là xây dựng các quy hoạch chiến lược với nhiệm vụ đảm bảo cho nền kinh tế Nga có khả năng cạnh tranh; hình thành hệ thống quản lý và giám sát chiến lược; thực hiện các chương trình phát triển kinh tế của Chính phủ Liên bang…

Trung Quốc có “Law of the People’s Republic of China on Urban and Rural Planning/Luật Quy hoạch KCN ở đô thị năm 2007” nhằm điều tiết các công việc liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn, cải thiện môi trường, bố trí không gian đô thị và nông thôn… Luật do Bộ nhà ở và phát triển đô thị nông thông Trung Quốc đệ trình.

Trước đây và ngày nay cũng giống như các nước XHCN, Trung Quốc có kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm được thông qua bởi các phiên họp toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Quốc hội Trung Quốc, các bản kế hoạch này thiết lập nền tảng, nguyên tắc, sơ đồ hóa chiến lược phát triển kinh tế, đặt ra các

mục tiêu tăng trưởng và phương hướng cải cách. Ngày nay, từ “kế hoạch” được thay thế bởi từ “đường hướng phát triển” cho phù hợp với nền kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 13 (tháng 3/2016) nhắm đến mục tiêu hoàn thiện xã hội khá giả, trong đó cũng có chính sách chung về phát triển đô thị như xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng hiện đại, khuyến khích và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của người dân chuyển đổi từ nông nghiệp, tối ưu hóa bố trí không gian các dạng đô thị…

Hàn Quốc có “Capital Region Read justment Planning Act/Luật quy hoạch điều chỉnh Vùng Thủ đô năm 1982. Luật này được thực hiện trước các Luật khác liên quan đến kế hoạch sử dụng đất và các kế hoạch phát triển đô thị khác tại khu vực Thủ đô và thành phố. Luật bao gồm các quy định về xây dựng các trường đại học, nhà máy, KCN, khu phức hợp công cộng và các công trình khác; quy định về phát triển đất cho mục đích công nghiệp và nhà ở, các khu vực đặc thù, những khu vực cần hạn chế phát triển do tình trạng quá tải, kiểm soát tăng trưởng và bảo tồn thiên nhiên. Luật này được điều chỉnh lần thứ 3 (2006 – 2020) [4].

Hàn Quốc cũng có đạo Luật về kế hoạch phát triển cân bằng kinh tế-xã hội 5 năm cấp Quốc gia từ năm 1962, các đời Tổng thống sau này như Roh Moo-hyun (2004 – 2008), Lee Myung-bak (2009-2013) đã bổ sung và thay thế một số phần của bộ Luật cũ nhằm phát triển cân bằng các vùng, tăng cường khả năng cạnh tranh, cải tạo mức sống tùy theo đặc điểm từng khu vực, trong đó nổi bật là việc quy hoạch sử dụng đất KCN v..v…

Philippines có kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch vật thể (quy hoạch không gian đô thị, KCN) cấp Quốc gia và cấp Vùng cùng tồn tại song hành. Bắt nguồn từ khái niệm quy hoạch không gian được thực hiện trong giai đoạn dài hơn, khung quy hoạch không gian quốc gia là 30 năm (1993-2022, viết tắt là NPFP). Bản quy hoạch này hướng dẫn sử dụng đất quốc gia để phân bổ sử dụng các nguồn lực trong nước. Năm 1997, nó được thay thế bằng quy hoạch mới (NFPP), từ khóa chính trong bản quy hoạch này là từ quy hoạch “physical/vật thể” đối ngược với từ kế hoạch

“economic/kinh tế” với lời giải nghĩa là: quy hoạch vật thể có thời kỳ dài hơn (30-50 năm) so với kế hoạch kinh tế có thời kỳ là 5 năm.

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở Philippines có thời hạn 6 năm, phù hợp với nhiệm kỳ Tổng thống (gọi là kế hoạch phát triển trung hạn – MTPDP). Tuy nhiên, kế hoạch gần đây nhất là kế hoạch 5 năm với tên gọi “Kế hoạch phát triển Philippines 2011-2016”, bắt đầu từ năm thứ hai của nhiệm kỳ Tổng thống. Đây là một chương trình quốc gia phác thảo các chính sách mà Tổng thống muốn thiết lập trong suốt nhiệm kỳ của mình, do Bộ Phát triển Kinh tế và Quốc gia (tương đương Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở Việt Nam) đệ trình.

MTPDP đưa ra các sáng kiến chính sách quan trọng, các chiến lược kinh tế-xã hội và các chương trình quốc gia lớn. Các kế hoạch phát triển vùng, trong khi quy định các chiến lược, chương trình và dự án tạo điều kiện để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển quốc gia.

Thái Lan trước đây không có quy hoạch không gian đô thị chính thức cấp Quốc gia và Khu vực dẫn đến mất sự cân bằng trong sử dụng đất đai và phát triển kinh tế-xã hội; quản lý tài nguyên thiên nhiên không hiệu quả, sự mở rộng đô thị và các khu vực công cộng thiếu trật tự. Năm 2002, Chính phủ yêu cầu Bộ Các vấn đề công cộng và Quy hoạch thành phố (DPT) đẩy mạnh quy hoạch đô thị trên cả nước. Trên cơ sở đó, DPT đã xây dựng chiến lược và các biện pháp quy hoạch không gian đô thị ở tất cả các cấp phù hợp với đặc điểm và tiềm năng phát triển từng vùng…

Thái Lan cũng có kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội kéo dài 5 năm hoạt động như một khung chính sách được soạn thảo bởi Bộ Phát triển Kinh tế quốc gia, thông qua bởi Chính phủ. Các bản kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trước đây có mục dành cho quy hoạch phát triển không gian đô thị, tuy nhiên kế hoạch lần thứ 11 gần đây nhất (2012 – 2016) đã bỏ mục này.

Tại Mỹ, các nhà phát triển đô thị và giới chức khu vực rất háo hức với triển vọng những nhà máy cũ kỹ, gian hàng trống, tòa nhà xuống cấp và nhà kho bỏ hoang nhường chỗ cho các nhà máy bia, quán cà phê, nhà hàng… và những bức tường được bích họa sống động. Tuy nhiên, sự thiếu thông tin về thực trạng chất thải hậu công nghiệp cũng như những hiểm họa tiềm tàng đối với môi trường dân sinh khiến các dự án này đối mặt với nhiều thách thức. Kensington, một cụm công nghiệp cũ tọa lạc gần Philadelphia, hiện đang trong quá trình “tái sinh” để trở thành khu dân cư. Nằm ở phía Đông Bắc của trung tâm thành phố, khu phố này ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn đối với dân môi giới địa ốc và đầu tư, với giá nhà ở một số khu vực đã tăng 50% kể từ năm 2014. Một nhà phát triển dự án nhà ở giá rẻ gần đó mô tả rằng dự án này “truyền sức sống” cho một vùng lân cận của thành phố vốn có nguy cơ trở thành tụ điểm của tội phạm và tệ nạn.

Nổi bật trong bức tranh xán lạn của Kensington là khu phức hợp cao cấp Regent Row, hiện đang trong quá trình xây dựng, bao gồm 36 ngôi nhà với mức giá trung bình 500.000 USD mỗi căn. Tuy nhiên, một phần của dự án đang bị đình trệ. Theo lệnh dừng thi công do Cục Cấp phép và kiểm tra của Philadelphia chỉ thị hồi đầu tháng Chín, trong quá trình xây dựng, một nhà thầu đã khoan phải một bể ngầm dưới lòng đất mà không ai biết về sự tồn tại của nó. Vụ việc này đã gây ra sự cố rò rỉ dầu công nghiệp Số 3 - một loại nhiên liệu không còn được sử dụng nhiều ngày nay. Các nhà thầu cần phải loại bỏ đất ô nhiễm trước khi hoạt động xây dựng được nối lại. Việc phát

hiện các bể ngầm chứa dầu cũ xảy ra khá phổ biến bởi theo các quy định như Đạo luật Ngăn chặn lưu trữ và tràn dầu, các bồn chứa dầu cũ được miễn đăng ký.

Tuy nhiên, sự cố xảy ra với dự án Regent Row ở Philadelphia - một thành phố từng nổi tiếng dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo của nước Mỹ - là chỉ dấu của những nguy cơ nghiêm trọng hơn đặt ra đối với các cụm sản xuất và khu công nghiệp cũ khác cũng đang trở thành điểm nóng phát triển trên khắp nước Mỹ. Các nhà hoạch định và phát triển đô thị rất ít khi được cung cấp đầy đủ thông tin về mức độ ô nhiễm thực sự nằm sâu bên dưới các thành phố của Mỹ. Đó là thông tin được tiết lộ trong cuốn sách mới của hai nhà xã hội học Scott Frickel thuộc Đại học Brown và James R. Elliott của Đại học Rice mang tựa đề Sites Unseen: Uncovering Hidden Hazards in American Cities (tạm dịch: Những địa điểm chưa được biết tới: Phát hiện các mối nguy tiềm ẩn ở các thành phố của Mỹ).

Các nghiên cứu của đồng tác giả Frickel và Elliott bắt đầu vào năm 2005. Sau khi chứng kiến hậu quả của cơn bão Katrina gây ra đối với các thành phố, họ bắt đầu quan tâm đến việc tái phát triển và sự thay đổi trong cách sử dụng đất đai. Những phân tích trong cuốn sách tập trung vào hồ sơ của các khu công nghiệp và bất động sản trong nhiều thập niên vừa qua ở một số thành phố lớn của Mỹ, bao gồm Philadelphia, chỉ ra rằng số lượng khu công nghiệp chế tạo được liệt kê trong cơ sở dữ liệu của chính phủ chỉ chiếm chưa đến 10% con số thực tế. Việc thiếu các dữ liệu chính xác đã cho thấy những rủi ro ô nhiễm chưa được xác định ẩn dưới lòng đất.

Bên cạnh đó, từ thập niên 90, trên Thế giới đã có nhiều mô hình cộng sinh công nghiệp được hình thành tự phát như ở Đan Mạch, Áo, Phần Lan... (Pierre, 2000), nhằm mục đích đạt lợi ích kinh tế chung. Khu công nghiệp (KCN) Kalunborg - Đan Mạch là một điển hình, trải qua nhiều giai đoạn phát triển hợp tác giữa các dự án càng biểu hiện rõ tính chất của một KCN sinh thái (Saikku, 2006). Hiện nay, sự hợp tác đó có định hướng và quy hoạch rõ ràng hơn, với mục đích không chỉ vì lợi ích kinh tế mà chú trọng vào hiệu quả bảo vệ môi trường như các mô hình KCN ở Hà Lan, Thụy Điển, Vương Quốc Anh (Lowitt, 2012).

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng sử dụng đất cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã quảng trị, tỉnh quảng trị (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)