Thực trạng sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng sử dụng đất cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã quảng trị, tỉnh quảng trị (Trang 33 - 37)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. Thực trạng sử dụng đất tại các CCN/HCN trên thế giới và Việt Nam

1.2.2. Thực trạng sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Việt Nam

Tính đến cuối năm 2010, các KCN đã thu hút được trên 4.300 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 336.000 tỷ đồng và gần 4.000 dự án đầu tư nước ngoài,

với số vốn đăng ký 53,6 tỷ đôla Mỹ (USD). Thực tế, đã có 6.800 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp trên 25% GDP cả nước, giá trị nhập khẩu đạt 18,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 19 tỷ USD và nộp ngân sách nhà nước 19.165 tỷ đồng và 344,37 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân trên 1ha đất (đã cho thuê) đạt khoảng 1,6 triệu USD/ha/năm. Các dự án đầu tư nước ngoài cũng đã tạo việc làm mới cho hơn 1,6 triệu lao động trực tiếp và gần 1,8 triệu lao động gián tiếp.

Nhiệm vụ theo dõi, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai là nội dung đổi mới của Luật đất đai năm 2013 nhằm đánh giá đúng tình hình triển khai thi hành luật, đánh giá hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, hiệu quả sử dụng đất và tác động của chính sách, pháp luật đất đai đến kinh tế, xã hội và môi trường ở từng địa phương và trên phạm vi cả nước.

Theo Luật đất đai năm 2013, hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai là thành phần của hệ thống thông tin đất đai; được thiết lập thống nhất từ Trung ương tới địa phương và được công khai trên mạng thông tin quốc gia theo quy định của pháp luật. Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai phải phản ánh quy mô, chất lượng và hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai; tác động của chính sách, pháp luật về đất đai; mức độ minh bạch và sự tham gia của nhân dân vào quá trình quản lý và sử dụng đất đai thông qua các chỉ số định lượng và định tính.

Luật đất đai 2013 quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

- Thiết kế, xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai; quản lý, tổ chức vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá quản lý và sử dụng đất đai ở Trung ương; hướng dẫn việc quản lý và vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương.

- Chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện việc đánh giá hàng năm về quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai.

- Lập báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo chuyên đề về quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai.

- Ban hành tiêu chí, quy trình đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai; biểu, mẫu báo cáo và trách nhiệm báo cáo của hệ thống cơ quan tài nguyên và môi trường.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng, vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương.

Để triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Luật đất đai đối với công tác đánh giá quản lý sử dụng đất đai, từ năm 2015-2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai đã trực tiếp triển khai một số nội dung và ban hành các văn bản chỉ đạo các tỉnh như sau:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản số 3215/BTNMT- TCQLĐĐ ngày 05 tháng 8 năm 2015 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai; Tổng cục Quản lý đất đai đã ban hành Công văn số 1660/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐĐ ngày 09 tháng 11 năm 2015 và Công văn số 1678/TCQLĐĐ- CKSQLSDĐĐ ngày 31 tháng 8 năm 2016 về việc hướng dẫn lập báo cáo theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật đất đai đến kinh tế, xã hội và môi trường. Chính vì vậy, từ năm 2015 đến nay, các địa phương tiến hành triển khai, thu thập đánh giá theo hệ thống biểu mẫu theo hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai để xây dựng báo cáo đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất hàng năm.

Tuy nhiên việc triển khai chưa đem lại hiệu quả cao, năm 20-15 có 39 tỉnh, thành phố gửi báo cáo, năm 2016 có 47 tỉnh, tuy nhiên chỉ có 30 tỉnh gửi báo cáo đúng thời hạn, 33 tỉnh nộp báo cáo đúng quy định, 27 tỉnh có chất lượng báo cáo tương đối đạt yêu cầu (đầy đủ số liệu, biểu bảng theo quy định). Nhìn chung các địa phương chưa quan tâm đến việc xây dựng báo cáo đánh giá, chưa giao trách nhiệm cho một đơn vị chuyên môn cụ thể để thực hiện công tác theo dõi đánh giá nên việc theo dõi, tổng hợp số liệu chưa thành nề nếp.

Ngoài ra, Tổng cục quản lý đất đai đã tổ chức kiểm tra thi hành Luật đất đai 2013 tại 22 tỉnh là: Yên Bái, Hải Dương, Nam Định, Bắc Cạn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, An Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Nam, Quảng Trị, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Bình Thuận, Hà Giang, Sơn La, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương và Lào Cai. Các nội dung, tiêu chí thực hiện kiểm tra đánh giá bao gồm: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; việc lập, điều chỉnh, quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; việc đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc quản lý tài chính đất đai và giá đất, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai.

Như vậy, việc theo dõi đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Luật đất đai 2013 ở các địa phương đã được thực hiện, tuy nhiên do hiện nay chưa có nội dung, quy trình hướng dẫn cụ thể nên mỗi địa phương thực hiện theo một cách riêng, chưa thành nền nếp thường xuyên hàng năm; nội dung đánh giá chưa đầy đủ và chưa sâu; chất lượng đánh giá còn hạn chế, chưa sát thực tế, còn mang tính chủ quan, định tính mà thiếu các thông tin, số liệu chứng minh; vì vậy việc tổng hợp toàn quốc gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2015-2016 một số địa phương đã gửi công văn yêu cầu Bộ có hướng dẫn cụ thể về xây dựng các chỉ tiêu và trình tự đánh giá tình hình quản lý đất đai theo yêu cầu của Luật Đất đai 2013.

Nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay chưa xây dựng được hệ thống theo dõi đánh giá và hướng dẫn thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước; việc đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương còn chưa được quan tâm, chưa tổ chức được bộ máy để triên khai, chưa xây dựng kế hoạch thực hiện, chưa có được tiêu chí thống nhất, chưa có nội dung đánh giá đầy đủ; vì thế chưa có được những kết quả đánh giá sát thực với từng địa phương và thống nhất trên cả nước; ngoài ra hệ thống cơ quan kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về đất đai còn thiếu ổn định về tổ chức; lực lượng còn mỏng; năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai; đội ngũ cán bộ địa chính cấp xã còn chưa được ổn định; trang thiết bị phục vụ hoạt động phát hiện và xử lý vi phạm còn thiếu; quy định mức xử phạt vi phạm còn thấp và việc xác định mức xử phạt hành chính theo quy định hiện hành còn khó khăn.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò trong việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương theo hướng công nghiệp hóa, đóng góp ngày càng lớn trong cuộc công tác phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quỹ đất khu công nghiệp ở nước ta không ngừng tăng lên phục vụ thiết yếu cho xây dựng và vận hành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn cả nước.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 5 năm 2017, cả nước có 325 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 94,9 nghìn ha. Diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 64 nghìn ha, chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất tự nhiên.

Trong đó, 220 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60,9 nghìn ha và 105 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 34 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 51,5%, riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động tỷ lệ lấp đầy đạt 73%.

Tính đến tháng 5 năm 2017, 16 các khu kinh tế ven biển đã thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815 nghìn ha. Ngoài ra, còn có 2 (khu kinh tế ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình và khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định) có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập. [4],[12].

Trong 16 khu kinh tế ven biển có 36 khu công nghiệp, khu phí thuế quan được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 16,1 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 7,8 nghìn ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích đất tự nhiên.

Về thu hút đầu tư, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được 375 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 6,2 tỷ USD và 318 dự án đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn cho 115 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 108.000 tỷ đồng.

Một số dự án lớn đăng ký đầu tư trong 5 tháng năm 2017: Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 (tổng vốn đầu tư 220 triệu USD) do Kolon Industries Inc đầu tư tại khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương; Dự án nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát (tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng) tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; Dự án mở rộng nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Display Việt Nam (tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD) tại khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh [13].

Theo quy hoạch và phát triển đến năm 2020, dự kiến sẽ có hơn 200 khu công nghiệp được thành lập mới và mở rộng với tổng diện tích đất sử dụng tăng thêm 80 nghìn ha. Như vậy với diện tích đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp được sử dụng lớn trên đã đặt ra nhiều thách thức cho việc quy hoạch, bố trí quỹ đất sao cho hài hòa giữa các bên, các ngành và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng sử dụng đất cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã quảng trị, tỉnh quảng trị (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)